Xin lỗi cụ, không phải là tôi không biết hay là tôi thích dùng từ ngữ của Việt Cộng. Tôi dư biết cái chữ
này là của cộng sản, vì ở ngoài này, người mình làm gì có cái gì là cái vô cảm đâu. Chỉ có chúng nó,
lòng chai dạ đá mới có cái trò vô cảm nên chúng mới cần phải có chữ để diễn tả.
Tôi cần mượn tạm cái từ ngữ này, vì hồi này, nhất là từ hồi ông Xã tôi ra đi - chả hiểu nghĩa lý gì mà mấy
đứa nhỏ thời nay chúng nó gọi là đi bán muối. Vì muốn tỏ ra mình là người văn minh thời đại nên tôi
cũng dùng danh từ này chứ thật quả tôi cũng chẳng hiểu nguồn gốc của nó từ đâu mà ra - tôi cảm thấy
tôi không còn nước mắt để khóc những chuyện ruồi bu. Ngay như những chuyện, xem ra rất ư là cảm
động, chuyện tình dang dở, chuyện duyên kiếp éo le, chuyện anh này bị chị kia đá, cô kia bị cậu nọ cho
rơi, con đuổi cha mẹ ra đường không chăm nom săn sóc, tôi cũng chỉ chép miệng, tặc lưỡi một cái rồi
nhủ thầm: đời là thế. Có gì phải nhắng lên.
Tôi cứ nghĩ rằng, ngày xưa các cụ nhà nho, chẳng cần học hỏi, nghiên cứu tâm lý tâm liếc gì mà cũng
còn biết rằng thì là tuổi già hạt lệ như sương, huống chi bây giờ, bất cứ một phản ứng, một hành động
nào của con người cũng có tên trong chương trình đại học hết. Vì vậy tôi cứ cho mình thuộc loại già, hạt
lệ như sương nên không quan tâm nhiều. Ăn dỗ được nước mắt của tôi không hề dễ tí nào. Chả thế mà
tôi có một cụ học trò, rất giỏi giang, một nhà văn lớn cơ mờ. Cụ viết tiểu thuyết dễ dàng, ngon lành, như
mấy cô nữ sinh ăn đu đủ bò khô. Cụ ấy viết tiểu thuyết đủ mọi thể loại, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện
tếu. Mỗi khi cụ sáng tác xong một tác phẩm, cụ đều gửi cho tôi với một lời nhắn nhủ: chuyện này cô xem
mà không cười thì em không lấy tiền của cô đâu. Chuyện này cô xem mà khóc thì em mất cho cô một
chầu phở.
Thế mà từ hổm tới giờ, tôi được xem chuyện free của cụ ấy dài dài còn phở thì cụ chưa có hân hạnh chi
cho tôi lấy một đồng. Lần nào cụ cũng chỉ nhận được lời phê bình: chuyện cảm động đấy, nhưng chưa
khóc được. Cụ bắt tôi thề sống thề chết là không được ăn gian. Mà tôi có ba trợn đến mấy thì cũng nỡ
lòng nào ăn gian của học trò, ăn gian để mất ăn phở free thì có họa là người thiếu thông minh lắm hay
sao? Món phở là món khoái khẩu của tôi, ngu gì mà tôi nói dối để không được ăn phỏ free. Trái lại thì
có, tôi phải cố dặn ra dăm ba hay là một giọt nước mắt, cũng được đi, để bắt tô phở chứ dại gì, phải
không cụ. Nhưng mà đối với ai thì tôi còn có thể ăn gian, nói dối, chứ đối với học trò, tôi rất nghiêm túc.
Nãy giờ, tôi câu giờ như thế cũng tạm đủ rồi. Tôi nói bà la thiên địa chỉ có ý muốn chứng minh với cụ
rằng tôi là người hữu cảm nhưng mà những điều làm cho tôi rơi nước mắt được – trong thời điểm này –
hơi khan hiếm. Tôi có thể cảm động, nhưng tôi khó khóc. Chẳng phải tại vì tôi vô cảm - như bọn Việt
cộng - nhưng vì có lẽ tôi trải qua quá nhiều cuộc bể dâu, cho nên có những điều trông thấy tuy đau đớn
lòng thật đấy, nhưng có điều thì tuy cũng đau đấy, nhưng chua đủ để khóc. Bởi vì, nếu điều gì trông thấy
mà cũng có thể khóc được thì chẳng mù cũng toét. Mà con người ta sống ở trên đời thì giàu nhờ hai con
mắt, mà có thì nhờ hai bàn tay. Ăn thua là do cái sự nhận định của mình. Nếu cụ thuộc loại mít ướt thì
cái gì chả có thể làm cụ mủi lòng, nhỏ lệ, cho dù là cắt củ hành cụ cũng có thể nước mắt như mưa
được, còn nếu cụ thuộc loại can trường, khô khan giống tôi, thì chuyện gì cụ cũng có thể nuốt nước mắt
vào trong, cười khan một tiếng, cho dù là cụ đang cắt hành cũng vậy cụ cũng chẳng chảy lấy một giọt
nước mắt. Cụ mí tôi chỉ khác nhau ở cái chỗ ấy.
Các cụ ngày xưa lại còn dạy con cháu rằng – tôi hay chữ chỉ là nhờ nhớ lời các cụ dạy – đứng có nói
khoe khoang, nó vận vào thân ngay lập tức. Tôi vừa khoe rằng tôi chẳng mấy khi khóc cả. Nước mắt của
tôi giống như là hạt mưa trong bãi sa mạc vào mùa hạn hán. Tôi vừa nói phét nói lác thế, bài chưa đến
tay chủ bút, chưa đi tới bàn giấy của thày cò, chưa lên khuôn, mực chưa khô, báo chưa ra lò, là đã thấy
vận ngay vào người một khi.
Tuần vừa qua là một tuần đáng ghi nhớ đối với tôi. Vì trong tuần đó, có ngày sinh nhật của tôi, mà là sinh
nhật thứ 80 cớ đấy cụ ạ, chẳng phải chuyện đùa. Tôi phải nói rõ kẻo cụ lại bảo rằng tôi ăn gian. Tôi là
người Giao Chỉ chính cống cho nên tôi tính sinh nhật theo lối an nam ta. Tuổi tây tuy mới là 79 nhưng
tuổi ta thì là 80. Các con tôi tổ chức sinh nhật cho tôi rất đàng hoàng trang trọng. Ngày đó, thằng cháu
đích tôn của tôi vừa mới được phong chức làm giúp lễ. Hôm đó nó phụ lễ lần đầu tiên. Nó nói với tôi
nhân dịp sinh nhật bà nên nó dâng lễ này cầu cho bà khỏe mạnh, sống lâu. Tôi nghe cháu nói nước mắt
chảy ra ào ào. Như vậy tôi cũng mừng vì ít nhất tôi cũng là một người có tình có nghĩa, biết rơi nước
mặt lúc cần khóc chứ không phải là một thứ chẳng có tình cảm gì cả. Thành thử những điều tôi nhận
định về tôi ở trên kia đều là không đúng sự thật. Tôi con người gan dạ, nhưng cũng biết trân quí những
tình cảm đáng trân quí, như tình thằng cháu nội đối với tôi. Tôi cũng biết khóc trong những lúc cần
khóc.Trong suốt buổi lễ, nó rất chăm chú vào công việc giúp lễ của nó, nó rất nghiêm trang và kính cẩn.
Nhìn sự trang nghiêm của nó, tôi lại càng cảm động. Tự nhiên tôi nghĩ, thằng này dám là một đứa được
Chúa chọn lựa để theo Chúa. Trông tác phong nó giống hệt như một linh mục chân tu. Nghĩ đến đây tôi
lại càng cảm thấy đau thắt trong tim. Nếu Chúa chọn nó đi tu, tôi không biết là tôi sẽ vui hay sẽ buồn.
Nhưng chỉ biết nước mắt tôi lại càng đổ ra tung tóe. Nếu Chúa chọn nó, tôi không thể nào dám tranh
nhau với Chúa mà cãi lại rằng không, Chúa chọn đứa khác đi, thằng này là cháu đích tôn cháu nội duy
nhất của con, Chúa thiếu gì người, đừng tranh nó của con. Con van Chúa đấy. Không, tôi không thể nói
thế, nhưng khi tôi nghĩ đến con đường khổ giá, nhưng hy sinh, chịu đựng mà nó sẽ phải đi qua suốt đời
của một thầy tu, tôi thấy đau thắt ruột, thắt gan. Tôi nghĩ đến học thuyết thành thật của tôi. Tôi đã dạy nó
phải thành thật, với bản thân mình, và phải thành thật với Chúa. Liệu nó có thể sống chân thành với Chúa
không? Liệu nó có ăn gian, lừa dối, phản bội Chúa không? Mặt ngoài nó mang một vẻ nghiêm túc, giữ
đạo, theo gương trong sạch, khó nghèo, nhưng bề trong, liệu nó có sống theo đúng điều luật của Chúa
không? Hay là nó lại là một thứ thầy tu Nhạc Bất Quần? Điều này nó lại làm tôi đau lòng hơn nữa. Nó giữ
đúng chân tu thì tôi thương nó, nhưng nó tu theo kiểu giả dối, lá mặt lá trái, thì chẳng những tôi đau lòng
mà còn buồn vì nó nữa.
Sau thánh lễ, các con tôi nhìn thấy tôi mắt hum húp thì lấy làm ngạc nhiên lằm. Chứng xúm vào hỏi tôi tại
sao tôi buồn. Tôi không thể bắt chước nhà thơ – nào ý nhỉ - mà trả lời rằng ta buồn không hiểu vì sao ta
buồn, cho nên phải nói thật. Khi tôi nói rõ lý do, đứa nào cũng bảo tôi điên. Chuyện đang vui lại làm ra
buồn. Nếu nó chọn con đường tu trì thì nên mừng cho nó, còn thì chắc đâu lớn lên nó đã muốn đi tu mà
bà phải lo. Cho dù bà có lo thì lúc đó bà già quá rồi, có khi bà về với Chúa rồi cũng nên. Tại sao lại lo
buồn về một việc không biết có xảy ra không. Con gái tôi an ủi, cho dù nếu nó đi tu thì bà được làm bà
cố, oai thấy mồ.
Tôi điên thật cụ ạ, tự nhiên nghĩ ra, đặt ra những chuyện để lo cho nó có chuyện. Chắc đâu Chúa đã
thèm chọn nó mà lo. Thật là tuổi già lẩm cẩm, dở điên, dở khùng.
Bà BA Phải