logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 09/12/2023 lúc 10:41:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bạn lòng thân mến
Đây giây phút hồn tôi
Nghe chan chứa hương đời...

(Hoàng Trọng)


Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời:
– Dạ, con rửa cái “mẹt” xong, con xuống liền.
Các bác thắc mắc, con nhỏ này, mới sáng sớm, sao làm siêng rửa mẹt, rửa thúng. Mà rổ rá để cả dưới bếp, chứ đâu có ở trên lầu. Chị của Nisha phải thông dịch:
– Thưa, em con đang rửa mặt.
Tôi uống nước sông Hương chỉ mấy ngày, sống suốt thời thơ ấu ở non nước xứ Quảng, mà giọng nói đầy đủ “sáu vài mười hai nhịp”. Chúng tôi cùng vào trường Nữ Trung Học. Ngôi trường hiền hòa, không mang tên của một danh nhân nào, đơn giản là trường trung học dành cho con gái, vậy thôi! Như một cô gái quê tên Lúa hay Thóc, mà chất chứa bao kỷ niệm. Vào lớp sáu, Nisha đã được diện áo dài, để tóc xõa ngang vai. Tôi thầm ganh tị với Nisha và biết bao bạn bè khác trong lớp, khi tôi phải mặc áo đầm với tóc bum bê cho đến giữa năm lớp tám. Trong lớp tôi cũng thân với Diệu, vì đồng bệnh (mặc áo đầm) tương lân. Một lần, cùng các bạn đi tập múa ở Thạch Bích, Diệu đi trước, trẻ con trong xóm bỗng la lên:
– Một cô giáo không mặc quần.
Khi tôi xuất hiện, chúng lại cười ré:
– Thêm một cô giáo không mặc quần.
Diệu và tôi chỉ mong đất nẻ ra, hai đứa chui tọt thật nhanh xuống đó. Thuở ấy, Nisha đã mặc quần “xì líp gân”, vô cùng tân thời. Đám lóc chóc áo đầm chúng tôi chỉ biết quần “banh xô lây”, quê mùa quá sức. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những cái bain soleil nền vải trắng, có hoa li ti màu tím hoặc hồng nhạt, lồng phồng dưới áo đầm dài quá gối.
Nisha có cặp mắt rất đẹp, rất tình. Có lẽ, mắt của Nisha trội quá, nên ở trung học nơi tỉnh lỵ bé tí này, chẳng ai thèm đoái hoài đến đôi cửa sổ linh hồn của tôi. Phải đợi lúc tôi vào trung học Marie Curie và lên đại học ở Sài Gòn, tôi mới được nghe đến mắt nai, mắt nàng thơ. Có cô bạn còn “cường điệu”, bầu cặp mắt đẹp nhất trường Đại Học Sư Phạm.
Nisha học giỏi nhiều môn, tôi cũng vậy. Điều khác biệt là Nisha rất giỏi môn thêu thùa, còn tôi, gần như đội sổ. Nhìn lại học bạ của mình, từ Toán Lý Hóa, cho đến Việt Văn, Anh Văn... môn nào cũng được khen “giỏi”. Nhưng môn nữ công “được” phê “kém”. Khi làm khăn gởi tặng chiến sĩ, Nisha chăm chút với cả tâm tình. Trên vuông vải tê-tô-rôn, với đường vắt đều đặn, một góc có thêu đôi chim non chụm đầu vào nhau. Tôi cũng cố gắng hết sức mình. Nhưng xem ra trời không đãi kẻ có lòng, mà vụng tay như tôi. Tội nghiệp anh chiến sĩ nào nhận phải món quà hậu phương của tôi. Anh ngẩn người, không hiểu tại sao em gái gửi cho anh một miếng vải cong cong trông như cái lưới bắt cá, một bên góc có thêu hình gì trông giống như cái bánh xèo, có màu vàng của bột gạo pha màu nghệ, màu đỏ của tôm và ớt, màu xanh của rau thơm, rau quế. Ồ, mà không! Anh nhìn kỹ lại, hình như em gái hậu phương thêu một đóa hoa, với cánh đỏ, nhụy vàng, lá xanh.
Năm lớp tám, sự xuất hiện của thầy giáo Việt Văn, người Huế, gây biết bao xôn xao trong trường. Tôi bỗng có chút hãnh diện là đồng hương của thầy, khi nghe nhiều người trầm trồ về thầy. Đồng thời tôi đau khổ, vì bộ vó nhi đồng của mình. Tôi thích Việt Văn, học khá trong những năm trước. Nhưng trong đệ nhất lục cá nguyệt của lớp tám, tôi vẫn xoàng xoàng. Sang đến đệ nhị lục cá nguyệt, tôi bỗng trội hẳn, đứng hạng nhì trong lớp. Tôi tràn trề niềm vui, ngắm mãi con số 16 tròn trịa và nét chữ bay bướm của thầy, “Khá lắm, đáng khen”. Thời gian đó, tôi bắt đầu được mặc áo dài và tóc dần dần che được tai. Nisha rất nghịch, biểu diễn nhiều màn ngoạn mục trong giờ ra chơi lẫn giờ học. Nào là màn cột áo dài, giật nút áo, giấu giày dép. Mục ăn vụng trong lớp, ôi thôi, muôn màu, muôn vẻ. Những món ăn bình thường có cốc, ổi, cơm sấy. Những món khác thường có đường cặn, kẹo bùn, huê mít chấm mắm ruốc. Nhiều trò bị thầy “kêu án” vì tội “hình sự” trong lớp. Tôi chưa bị lần nào cả. Không phải tại tôi người đồng hương của thầy, mà bởi tôi ngoan quá, hay đúng hơn nhát quá.
Lên lớp chín, chúng tôi ngồi cạnh nhau. Bây giờ, tôi được phép xem mình là thiếu nữ, ngang hàng với Nisha. Áo dài vải ca-tê sọc của tôi chẳng tha thướt cho bằng áo lụa của các bạn bè khác. Mạ tôi nói rồi, áo lụa chỉ dành cho người lớn. Chứ cho con nít bất tiện lắm, dễ nhăn, mau rách. Tôi chỉ biết ao ước, chứ không dám nói với Mạ, con đâu là con nít nữa. Nisha và tôi quấn quít bên nhau, thân ơi là thân. Chúng tôi sưu tầm thơ, nắn nót chép cho nhau thơ Từ Kế Tường, Nguyễn Tất Nhiên, Cao Thoại Châu... Trong trường nữ, chúng tôi vẫn bồi hồi chép cho nhau những vần thơ:
Em mang mùa thu vào lớp học/ Phấn trắng ngỡ ngàng trên tay anh.
Chúng tôi thuộc thật dễ dàng các bài thơ Hãy Là Cơn Gió Thoảng, Bài Cho Nhỏ Ngày Thi, Mùa Thu Trở Lại Trường... Mà trệu trạo hoài những bài thơ trong giờ cổ văn.
Thời gian này cuộc sống gia đình tôi có thay đổi. Ngoài nhà sách Kim Mai, Mạ tôi mở tiệm cà phê Uyên. Tôi chẳng hề mặn mà với vai trò cô hàng cà phê bất đắc dĩ. Những lúc phải ngồi quầy tính tiền, tôi u sầu, ủ dột. May, hai bà chị trắng da dài tóc của tôi đã... làm say mê bao gã thiếu niên đa tình… Chứ không, tiệm cà phê phải đóng cửa sớm, vì cái mặt hắc ám của tôi. Tôi càng đau khổ hơn mỗi khi thấy thầy Tuấn vào quán. Thầy Tuấn, người Huế, vừa ra trường từ đại học Huế. Thầy dạy rất hay, nhưng tính tình rất khó, rất nghiêm. Thầy đặc biệt chú ý đến tôi. Có lần bài kiểm, thầy cho tôi nhiều điểm hơn Thu Thủy, đương kim vô địch toán của lớp, dù hai đứa có đáp số giống nhau. Thu Thủy đang định cầm bài lên hỏi, thầy phán: “Ai mà kiện cáo là tui cho zero.” Khi nhắc lại chuyện xưa, nhắc đến thầy Tuấn, tôi nghĩ bạn bè không để ý sự quan tâm của thầy, nhưng Nisha nói, tụi tao biết tỏng là thầy binh mày đó chứ...
Mùa xuân 1975, Nisha tặng tôi bản nhạc Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân của Đoàn Nguyên. Bản nhạc in khổ nhỏ, có hình một cô bé và một cậu bé mặc áo dài khăn đóng ngoài bìa, trông đáng yêu hết sức. Con nhà sách, không lẽ tôi lại đi tặng cho Nisha bản nhạc in sẵn, thì dở quá. Thế là tôi bỏ cả ngày tìm trong Tuổi Hoa những hình vẽ ưa ý, rồi “chép tranh”. Tôi gò từng chữ của bài Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước. Cuối cùng, chẳng hài lòng với “tác phẩm nghệ thuật” của mình, tôi giấu tiệt. Tết đó, tôi chả có quà cho Nisha. Đến tháng tư, trong loạn ly cuộc đổi đời, chúng tôi lạc nhau. Tôi đã viết bao nhiêu thư cho Nisha, dù không có địa chỉ. Gia đình chúng tôi ra Đà Nẵng, rồi trở về Quảng Ngãi. Tôi vào lớp 10 trường Trần Quốc Tuấn. Tôi nhớ ngôi trường con gái da diết. Tôi nhớ Nisha quá chừng. Xứ Quảng đã đẩy chúng tôi đi, dần dà, nhưng rất xa. Bây giờ, khi nghĩ đến nơi ấy, vẫn luôn là cảm giác lẫn lộn, vừa thương, vừa ghét... Nhà sách đã bị mất từ những ngày đầu của cuộc bể dâu. Tiệm cà phê Uyên là một hiện tượng của cái tỉnh bé tí tẹo, khắt khe này. Ba tôi đang qua nhiều trại cải tạo. Hai chị lớn đi học ở Sài Gòn. Anh tôi đi làm xa. Nhà không được phép giữ người giúp việc. Tôi trở thành phụ tá đắc lực cho Mạ tôi, lèo lái con thuyền gia đình giữa mùa biển động. Tiệm cà phê Uyên là nơi gặp gỡ gần phân nửa nam sinh Trần Quốc Tuấn. Khi đến trường, tôi vờ như chưa hề gặp họ bao giờ. Lúc nào tôi cũng võ trang cho mình một vẻ mặt khó thương, lạnh lùng. Hiếm họa, tôi tìm được trận cười với đám bạn gái như khi họa bài thơ: Đông Thiên Tam Hữu hoặc sửa bài Hịch Tướng Sĩ Văn. Ông thầy dạy Văn, tu xuất, la cho một trận, rằng: “Con gái chi mà vô duyên vô nợ”. Nghe thầy xướng xong, nguệch ngoạc trên mảnh giấy nhỏ chuyền cho mấy đứa bạn, tôi họa ngay: “Đàn ông chi mà vô vợ vô con”. Thật ra, chút máu tếu có chạy trong huyết quản của tôi. Nhưng thời gian này, cuộc sống gia đình chỉ thấy trầm, chứ không thăng. Tôi không dám rộn tiếng cười. Cuối cùng, chúng tôi phải ra khỏi ngôi nhà thân yêu ở đường Quang Trung. Quán cà phê, cũng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình chúng tôi bị tịch thu. Thêm một tai ương giáng xuống đời sống gia đình chúng tôi đòn chí tử. Bạn bè không bỏ tôi, thường xuyên lui tới để nâng đỡ tinh thần tôi. Thầy Sơn, dạy Anh Văn cũng là giáo viên chủ nhiệm đến thăm. Trong niên học, thầy đã rất thương và bảo bọc tôi. Là giáo viên chủ nhiệm thầy phải dạy thêm môn chính trị. Vào giờ đó, tôi phản đối bằng cách lấy báo Tuổi Ngọc ra đọc lén dưới bàn. Thầy gần như năn nỉ:
– Em làm như vậy sẽ rầy rà hết sức cho em. Thầy không thể bao che cho em được hoài.
Bây giờ, nhớ lại, tôi thấy tính tình mình nhiều khi ngang ngược thật, gây khó khăn cho người khác. Lúc đó, có thể thầy bị rắc rối, thầy chỉ là một sinh viên trẻ mới ra trường, không thân, không thế. Có dịp, gặp lại thầy, tôi sẽ nói lời xin lỗi. Nhưng tính tôi vẫn cứ chướng. Lần gặp nhau vừa rồi, tụi tôi đã bước vào tuổi trung niên, chứ không còn tuổi trung học, Nisha đã mấy lần bỏ nhỏ:
– Mày, sao cái tật ngang bướng không chịu bỏ, cho đời bớt rắc rối. Chắc tao phải đổi thành ngữ ngang như cua là ngang như mày. Bị vì con cua nó có ngang đâu bằng mày đâu.
Trong cơn đau mất nhà, tôi không viết thư cho Nisha nữa, mà kéo Nisha vào nhật ký của tôi. Thời gian đó, có lẽ Nisha hay bị hắt hơi lắm, vì tôi cứ nhắc Nisha hoài, dù trong thầm lặng. Tôi vào Sài Gòn, làm học trò Marie Curie. Trong lớp hơn 40 học sinh, tôi là người duy nhất nói giọng Huế, là nữ sinh duy nhất mặc áo dài có thêm… lớp áo lót. Tôi trông có vẻ... hương đồng cỏ nội giữa đám học trò tây thật và tây... dỏm. Tôi cứ như vậy, không chịu “nhả phèn”, cho đến khi xong lớp 12. Tình cờ, chúng tôi tìm lại được nhau, vui mừng khôn xiết. Từ Phú Nhuận tôi cỡi ngựa sắt lên cư xá Minh Mạng tìm cố nhân. Lần đến thăm, Nisha đãi món canh cà chua khuôn đậu. Bao nhiêu năm mà bây giờ còn nhớ đó, Nisha ơi. Nisha rời Việt Nam lúc nào tôi chẳng biết. Những năm cuối của thập niên 70 là những đau buồn, chia ly. Sau này, tôi nghe, Nisha qua Ấn Độ vào 1979. Sau đó, qua Pháp, vất vả, gian truân lắm.
Tôi còn ở Việt Nam vài năm. Những năm tháng ở Đại Học Sư Phạm là những ngày hoa mộng trong đời tôi, dù cuộc sống lúc đó vẫn tăm tối, nhọc nhằn. Hình ảnh Nisha trong tôi không còn sống động như ngày trước. Nisha lùi vào một ngăn kéo ký ức trong tôi, một trong những ngăn kéo thân thiết nhất. Tôi đến Đức đầu mùa xuân 1982 với trái tim ngút ngàn thương nhớ. Tôi thương Ba Mạ tôi vô cùng trời đất. Tôi không muốn sống xa Ba Mạ, không muốn rời Việt Nam. Nhưng lúc đó, theo đơn bảo lãnh của anh tôi cho 6 chị em, hoặc tất cả cùng đi, hoặc cùng ở lại. Tôi đi lại từ đầu. Đi học Đức ngữ. Trở lại trung học Đức. Lập gia đình. Lấy tú tài Đức. Vào đại học. Có con. Đại gia đình tôi đoàn tụ. Hạnh phúc tôi trọn vẹn. Tôi hăm hở gồng gánh. Quang gánh của tôi một bên là gia đình, một bên là chữ nghĩa. Hai tay tôi lại ráng xách thêm vài công việc vặt vãnh, từ chạy bàn đến thông dịch. Tôi bơi lội, nhiều lúc tưởng đuối sức, giữa dòng đời. Cuối cùng, xong đại học. Tập tễnh bước vào đời, khi các bạn bè đồng niên đã có hơn mười năm kinh nghiệm nghề nghiệp dằn túi. Biết mình đến sau, tôi bươn bả tiếp, để bù đắp thời gian mình bị hụt. Trong những tất bật của cuộc sống, tôi nhận được một mảnh giấy nhỏ, “Có phải là Ngọc Thúy của lớp chín bốn đó không? Nisha đây.” Thế là tôi được biết, Nisha lại nhanh chân hơn tôi. Nisha lập gia đình trước tôi. Con Nisha lớn hơn con tôi. Nisha có tới hai đứa con lận. Hai đứa tìm lại nhau, vui vô kể. Nhưng thư từ chỉ siêng năng một năm hai lá, vào Giáng Sinh và tết Nguyên Đán. Bao giờ Nisha cũng gởi cho tôi tấm thiệp rất Á châu. Đâu đó thoảng chút hương xưa, dù rất nhẹ.
Tôi ngoan ngoãn gởi hình cho Nisha, giới thiệu tiểu gia đình của mình. Nisha thì giấu cứ như là mèo giấu... Chỉ cho biết quý danh của chàng công tử già và hai công tử non. Những cuộc điện đàm đã đem chúng tôi lại gần nhau như ngày xưa. Trong tôi có những thay đổi nhẹ nhàng. Tôi chú ý đến mình hơn, bỏ thì giờ cho mình nhiều hơn. Tôi nghỉ lớp học tiếng Quan Thoại, thôi khoá Jazz Dance. Túi đồ tập thể dục nhịp điệu, đi bơi vẫn còn để trong hãng. Tôi không còn theo dõi các chương trình văn hóa, văn nghệ của Trung Tâm Văn Hóa thành phố, của hí viện quốc gia... Tôi ơ thờ với những phim của Hollywood, dù trước kia tôi rất mê xi-nê. Tôi nằm, tay gối đầu, nghe nhạc Việt, lắng theo từng ý, từng lời. Tôi ngồi ngoài vườn, giữa những hoa lá tôi đã chăm chút, chỉ ngắm mây trắng, trời xanh. Vậy thôi. Tôi như cảm được những khoảnh khắc hạnh phúc quanh tôi. Lục lọi lại mấy thùng thư cũ, soi lại bóng mình của mấy thập niên qua. Một buổi tối, trong trí cứ lảng vảng mấy vần thơ:
Chim vỗ cánh, nắng phai rồi đó/ Về đi thôi o nớ, chiều rồi...
Đầu óc tôi miên man cho đến câu cuối:
Nên mỗi chiều khi nắng sang sông,/ O bâng khuâng lòng tự hỏi lòng/ Mình nhớ ai mà buồn chi lạ?
Nhưng hai câu trước đó là gì, nghĩ hoài không ra. Ngày xưa, không chép ra vì quá thương bài thơ và quá tin trí nhớ của mình. Gọi cho Nisha, tôi sôi nổi:
– Mày nhất định phải nhớ bài thơ này, mày không được quên!
– Mày đừng có lộn xộn, để từ từ rồi tao tìm.
Đêm đó, Nisha lùng sục trong mớ dĩ vãng nhiệm mầu của mình. Chồng của Nisha chắc lấy làm lạ, thấy vợ mình sau khi nhận một cú điện thoại của con bạn cà tửng, hình như cũng hơi cà tàng một tí. Hai ngày sau, tôi nhận được bài Qua Mấy Ngõ Hoa, Nisha chép tay gởi qua. Bạn ta, cám ơn mi nhiều. Dần dà, nhu cầu nói chuyện với Nisha càng ngày càng lớn. Chúng tôi ôm điện thoại lẩn thẩn hỏi nhau, sao chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau.
Nisha hứa sẽ dạy tôi chơi tam cúc khi hai đứa có dịp gặp nhau. Chúng tôi nhắc đến ông anh họ của cô bạn cùng lớp, với đôi mắt đẹp nhìn vào muốn khóc, rồi hai đứa cười hăng hắc. Chồng Nisha nóng ruột đi lui đi tới, ra dấu cho vợ ngưng đấu hót, sợ tôi lủng túi vì điện thoại. Qua thư từ, điện thoại, ban công bé tí của tôi là một vườn thượng uyển với muôn vàn kỳ hoa, dị thảo. Khi nói về cây cỏ hình như tôi hơi mắc bệnh... hoang tưởng. Khi Nisha báo tin đến thăm tôi vào đầu mùa thu, tôi quýnh quíu, sợ có gì trục trặc phút cuối.
Tôi giới thiệu cây cỏ trong vườn cho Nisha:
– Đây là trúc đào, chiều xưa có ngọn trúc đào.
– Biết rồi, tao hổng dốt lắm đâu.
– Mấy bồn hoa thạch thảo tao mới thay cho thu hải đường và dã yên thảo. Đây là dạ điệp. Hoàng y dạ vũ sẽ ra hoa trong vài ngày tới.
– Ở đâu mà mày tìm ra mấy cái tên nghe kêu cồm cộp vậy. Mày có chắc hoa này là thạch thảo không?
– Không chắc lắm, nhưng tao tin rằng hoa xứng đáng với tên này. – Tôi lúng túng
– Còn dạ điệp? và hoa lan gì gì đó?
– Ừ, ở Việt Nam người ta gọi là hoa bướm đêm. Trời, trời, mày biết không, khi có gió nhẹ, những bông hoa tí ti khẽ lung lay theo gió bên mấy con bướm tím thẫm, dễ thương hết biết. Còn hoa lan này khi nở, trông như một mỹ nhân tha thướt trong áo vàng đang khiêu vũ.
– Mắc gì phải dạ vũ. – Nisha vặn vẹo.
– Thì khiêu vũ khi màn đêm xuống mới tình tứ chứ.
– Ôi, mày! Sao màu mè hoa lá hẹ quá!
– Còn đây là hoa tím xưa. Hoa này do tao đặt tên, trong tự điển chưa có. – Tôi hớn hở kể và ca liền một câu: thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai...
– Úi chao, Tuấn Ngọc hát bài này hay thấu trời xanh lơ.
Uả! Nisha ơi, tụi mình, bao năm hai phương trời cách biệt mà vẫn... mê chung một bóng hình.
– Mấy hoa thược dược màu cánh sen này tao cắt thả vào chậu, giả làm hoa súng trông cũng đẹp lắm...
– Ờ, trong chùa bên Pháp người ta cũng làm vậy đó.
– Thấy chưa! Vậy, tao cũng có tâm Phật đó chứ. – Tôi mừng rỡ.
– Thôi đi. Tâm của mày, tham sân si thứ gì cũng đầy trong đó.
– ...
Trong phòng tắm, tôi dùng lọ nước hoa đã xài hết, cắm vào đó mấy cành phong lữ thảo, dưới chân lọ, tôi để vài cánh hoa. Tôi thăn thỉ:
– Mấy lần đầu, phu quân tưởng hoa rụng nên dẹp đi. Sau, tao nói với anh, là tao cố ý trưng như vậy.
– Mệt quá, mệt quá, sao compliquée dữ thần dậy. – Nisha chắc lưỡi: Tội nghiệp ổng quá! Thiệt, gặp rắc rối như mày, biết đường nào mà mò.
Mấy ngày vui qua thật nhanh. Nisha về lại Pháp. Thần sắc phờ phạc vì thiếu ngủ, ăn uống thất thường. Ấy chết, phải ém nhẹm vụ này, chớ phu quân mà biết phu nhân khổ như vậy chắc ảnh tịch thu giấy phép xuất cảnh sang Đức của Nisha chứ chẳng phải chơi. Có người không biết, lo lắng thăm hỏi, tưởng Nisha mới bịnh xong. Nisha phải la toáng lên, rằng ta đây mới xuất ngoại, gặp bạn xưa, trải qua mấy ngày vui tàn canh gió lạnh.
Nisha viết điện thư cho tôi, xác nhận, hoa thạch thảo tôi trồng đích thị là... hoa thạch thảo. Tôi mừng, thở ra. Ừ, khi nào mùa thu chết, thì chạy ra ban công mà... ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo... cây nhà lá vườn, nhanh, gọn, lẹ. Nisha kể cho phu quân và bạn bè về những giai thoại của tôi và hoa lá. Mọi người chắc mừng, vì thấy Nisha xem ra còn tỉnh táo hơn tôi. Không chừng phu quân bắt đầu lo, ngại vợ mình bị lây cái bịnh vẽ chân cho rắn, vẽ tên cho hoa của tôi. Ủa, mà sao không ai nghĩ rằng, nhờ tôi mà tự điển Việt Nam sẽ dài thêm mấy trang!
Nisha trở thành lương y của tôi. Ấm đầu, sổ mũi tôi gọi cho Nisha trước khi tôi liên lạc bác sĩ gia đình. Tôi viết thư hỏi Nisha mẹo để chữa bịnh chuột rút. Tôi rất ít thì giờ để ngủ. May, tôi rất dễ ngủ và ngủ rất ngon. Ngồi trên xe buýt, còn vài phút phải xuống xe, mà lúc thèm ngủ quá, tôi vẫn giả bộ để cuốn sách trước mặt, rồi nhắm mắt để đó... Vậy mà, lâu lâu giữa đêm đang say giấc, bị chuột rút đau điếng, không cách chi ngủ lại được. Tôi than, xương cốt gì dễ đau, dễ trặc quá. Nisha khoái chí: “Đó, đó, bây giờ mới công nhận mình đã già hơn xưa, dù chẳng có năm tình nào lận đận cả”. Tôi cố vớt vát: “Chưa chắc, lấy gì đây đo ranh giới tuổi già, ngoài ra, trái tim có thể ca hoài bài khúc hát thanh xuân.”
Tôi tặng Nisha một cây ớt hiểm khi Nisha trở về Pháp. Có lẽ tôi làm hư rễ cây, nên cây ớt không mơn mởn như cây tre Nisha mang qua tặng tụi tôi. Hai vợ chồng cứ như Lục Vân Tiên, thi nhau cưng cây ớt:

Anh chồng cõng ớt chạy ra,
Sợ ngoài trời lạnh, cõng ớt chạy vô.
Anh chồng cõng ớt chạy vô,
Sợ trong nhà nóng, cõng ớt chạy ra...

Tôi thương hai tấm thân già nên đề nghị, nếu thấy khó cứu, vặt hết trái, bỏ tủ đông đá. Bao giờ tụi tôi có tiếu ngạo… sang tây, sẽ cho cây ớt khác tươi tốt hơn xuất ngoại theo. Nisha khẽ khàng, thôi đành, ngậm ớt nhớ người. Vậy mà còn ráng thòng thêm một câu:
– Ớt mày trồng sao cay xé miệng vậy? Bộ mày...
– Ớt không cay, ai gọi là ớt. – Tôi đanh đá. Nghĩ, tôi với bà Hoạn Thư đâu có họ hàng gì với nhau.
Chúng tôi nỉ non với nhau hằng ngày trong điện thư. Lâu lâu, tôi viết thư xin Nisha công thức nấu ăn. Để coi, ăn gì cho bổ tim, chữa bịnh tim đập lỗi nhịp. Ăn gì cho bổ lòng, chữa bịnh lòng rối rắm. Gan tôi là gan thỏ, nhưng không thích ăn gan cho bổ gan. Những lúc có chuyện bực bội, tôi xây xẩm, tôi kêu Nisha ơi ới. Nisha trở thành bác sĩ toàn khoa, kiêm luôn cố vấn tâm lý. Nisha chẩn bịnh như thần làm tôi lắm khi thót cả ruột. Lạnh cẳng, tôi chỉ khai bệnh kiểu... nửa bước đường tình. Nisha ngăm nghe tôi, mày khai lơ mơ như vậy, tao biết đường nào mà bắt mạch. Nisha rủa tôi sa sả, cái tội nuốt trộng những bất bình, phật ý. Tôi cứ cái tật lừ đừ, một sự nhịn là chín sự... rầu. Trí nhớ của tôi thuộc loại trung bình yếu. Vậy mà, có những điều nên quên cho cuộc sống bớt lao đao, tôi lại cứ nhớ. Bao lần, tưởng rằng đã quên, khi vấp chuyện, ào ào trong trí nhớ của tôi sống lại bao chuyện cũ, thứ tự lớp lang, như những hàng sách ngay ngắn trong thư viện. Tôi học binh pháp tam bành lục tặc, nổi đình nổi đám hoài không xong. Nisha chì chiết, bịnh nhu nhược của mày thuộc loại trầm kha. Bao lâu nay xem như mày đã biết nhẫn. Nhưng sức người có hạn, coi chừng, có ngày mày sụm xuống hồi nào không hay... Nisha ra rả lên lớp cho tôi, những từ bi và hỉ xả, những khởi và tận, những duyên và số, những sắc sắc và không không... Tôi mang máng hiểu rằng, nếu không tiêu hoá được những sầu đau, tôi phải tập không để ý đến những hệ lụy lằng nhằng trong cuộc sống. Chứ tôi mà cứ tha mấy nỗi buồn về chất lổn ngổn trong lòng, thì lương y đành bó tay.
Dù mới nói chuyện qua điện thoại, tôi vẫn nhớ Nisha. Tôi muốn Nisha nghe tiếng thở dài, dù rất sẽ sàng, của tôi. Tôi sẽ nói với Nisha rằng:
– Ngày xưa khi mình học khâu vá, mày đã mạng chữ L rất đẹp, rất phẳng phiu. Còn tác phẩm của tao thì nhăn nhíu thấy tội nghiệp. Mấy chục năm qua, tao vẫn vụng về khi thấy rối rắm, chữ L như (tơ) lòng, dù đã cố gắng nhiều, tao chẳng mạng cho ngay hàng thẳng lối được.
Bạn lòng thương mến chắc sẽ cầm tay tôi lắc lắc:
– Mày nhớ, có nhạc sĩ nói như vầy nè. Hãy cố… lâu rồi đời mình cũng qua… Hay tốt hơn, đời mình cũng yên... cho đời là bài thơ hạnh phúc, nhé, nhé.

Hoàng Quân
________________
Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Bạn Lòng của nhạc sĩ Hoàng Trọng
Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân
Trúc Đào, thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng
Có Bao Giờ Em Hỏi thơ Duyên Anh, nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy
Dưới Giàn Hoa Cũ của nhạc sĩ Tuấn Khanh
Mùa Thu Chết của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ tiếng Pháp L'Adieu của Guillaume
Bài Không Tên Số Năm của nhạc sĩ Vũ Thành An
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.261 giây.