Tạm đẩy lùi được lạm phát, giữ được ổn định tăng trưởng ở mức 3% cho toàn cầu bất chấp hai cuộc xung đột lớn trên mặt trận Ukraina và tại Cận Đông. Thị trường chứng khoán khắp nơi vững mạnh, ngoại trừ của Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông Việt Nam FPT đẩy mạnh những nước cờ tại châu Âu và « hiện tượng Taylor Swift » tác động trực tiếp đến kinh tế Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa: Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng điểm trong ngày 12/12/2023. Tokyo, Nhật Bản. AP - Eugene Hoshiko
Tạp chí kinh tế cuối cùng của năm 2023 xin được dành đề nói về những sự kiện ít được nhắc đến trong năm
Khống chế được lạm phátKhác hẳn với mùa đông 2022, ít thấy Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo công dân « sử dụng năng lượng một cách điều độ », xăng dầu ở Pháp « mềm giá hơn » so với đúng một năm trước đây.
Trên thị trường dầu hỏa, theo Viện Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia Pháp INSEE, tháng 10/2023, giá một thùng dầu Brent tại Luân Đôn giảm hơn 26% so với đỉnh điểm hồi tháng 6/2022. Giá cả thực phẩm vẫn còn cao, nhưng không còn tăng lên theo từng ngày. Nhờ vậy, theo báo cáo được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố hồi tháng 9/2023 « trung bình lạm phát trên thế giới đang từ 8,7% năm 2022 giảm xuống còn 6,9% ». Đây là một tin vui với cộng đồng quốc tế.
Một chút thất vọng vì châu Á ?Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, trong báo cáo hôm 13/12/2023, nâng dự phóng tăng trưởng cho toàn khu vực này lên thành 4,9% cho cả năm (thay vì 4,7% như trước đó). Thành quả này có được nhờ « tiêu thụ nội địa của các quốc gia trong vùng, và tăng trưởng của Ấn Độ -Trung Quốc vững hơn mong đợi ». ADB dự trù GDP của Trung Quốc tăng 5,2% và của Ấn Độ 6,7%. Định chế ngân hàng này hơi thất vọng về những thành tích của khối Đông Nam Á do các ngành xuất khẩu bị chựng lại, dự phóng tăng trưởng của ADB cho khu vực này sụt giảm 0,3 điểm (đang từ 4,6% rơi xuống còn 4,3%). Căn cứ vào báo cáo được cập nhật của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á thì GDP của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo tăng 5,2%. Châu Á cũng bớt bị áp lực vì lạm phát ( trung bình dao động ở mức 3,6%).
Mỹ, Nga và Trung Quốc Nhìn đến nền kinh tế số 1 toàn cầu : Tăng trưởng và tình hình thất nghiệp ở Mỹ tuy không bằng so với hồi 2022 nhưng vẫn « ổn định », lạm phát không còn tăng 8% như năm ngoái. Do vậy Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED « tạm ngừng tăng thêm lãi suất ngân hàng ».
Nếu như Âu Mỹ đã « không chế được lạm phát » thì kinh tế Nga đã sáng sủa hơn so với hồi 2022 : GDP tăng 2,25% trong cả năm 2023, theo báo cáo được cập nhật của IMF hồi tháng 10/2023.
Riêng Trung Quốc vẫn gây thất vọng. Hôm 05/12/2023 cơ quan thẩm định tài chính Moody’s vừa hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc, do nợ của nước này tăng quá mạnh trong một thời gian rất ngắn, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương.
12 ngàn tỷ đô euro nợ của các tỉnh thành Trung Quốc. FDI trong 9 tháng đầu 2023 giảm 92% so với cùng thời kỳ năm ngoái.Năm 2022, tổng nợ công của các chính quyền cấp tỉnh Trung Quốc lên đến 12.000 tỷ euro, tương đương với 76% GDP của cả nước. (Để so sánh, GDP của Pháp, Đức và Ý cộng lại chưa đầy 10.000 tỷ euro). Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 92% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trả lời RFI tiếng việt, chuyên gia về kinh tế và luật Isabelle Feng, trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại học Bruxelles- Bỉ, đánh giá về thế lưỡng nan của Bắc Kinh hiện nay :
« Để có thể giải quyết được khối nợ to lớn này của các chính quyền ở cấp tỉnh, phải có nhiều phương tiện. Vấn đề là túi tiền của Bắc Kinh bắt đầu cạn dần. Trước kia trung ương có thể trông cậy vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong ba năm trở lại đây, hàng xuất khẩu Trung Quốc bắt đầu bị một số quốc gia láng giềng như Việt Nam hay Malaysia cạnh tranh. Cùng lúc đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn ồ ạt đổ về Hoa Lục nữa. Thành thử vào lúc cần phải chi ra nhiều để cứu nguy kinh tế đang lún sâu vào nợ nần, thì Trung Quốc mất khả năng tài chính để đài thọ những chương trình đó ».
Chứng khoán thế giới tăng mạnhCó lẽ điều này giải thích vì sao các sàn chứng khoán tại Hồng Kông và Hoa Lục là những nơi duy nhất mất giá trong 12 tháng qua. Trong khi đó, từ Frankfurt đến Milano, từ Wall Street đến Luân Đôn hay Paris, chỉ số chứng khoán liên tục tăng mạnh, « đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác ».
CAC40 của Pháp lần đầu tiên vượt ngưỡng 7. 600 điểm trong phiên giao dịch 14/12/2023. Nhờ đâu mà các sàn chứng khoán sung sức như vậy ? Chuyên gia tài chính Christopher Dembik, thuộc quỹ đầu tư Pictet Asset Management, trên đài phát thanh tư nhân Radio Classique, trả lời :
« Toàn cảnh kinh tế không đến nỗi tệ. Đúng là Cục Dự Trữ Liên Bang thông báo ngừng tăng lãi suất chỉ đạo. Thông thường biện pháp này nhằm kích thích kinh tế và cũng ngầm để cho hiểu rằng, kinh tế có xu hướng bị chựng lại. Nhưng chúng ta hoàn toàn không rơi vào kịch bản đó. Mỹ không có nguy cơ bị suy thoái vào năm tới. Thành thử thông điệp ở đây là kinh tế tuy có tăng chậm lại một chút, hạ lãi suất ngân hàng do vậy chỉ là để kích thích kinh tế năng động hơn và đó là kịch bản lý tưởng đối với các nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán. Điều đó tiếp tục giúp cho các nhà đầu tư lạc quan ».
Chảy máu tư bản ở các nước nghèoNgân Hàng Thế Giới ngày14/12/2023 một lần nữa báo động về tình hình các nước nghèo mang nợ chồng chất : Ethiopia, Zambia, Ghana hay Sri Lanka chắc chắn không là những quốc gia duy nhất có nguy cơ vỡ nợ. Năm 2022, khoảng 100 nước nghèo trên thế giới mang nợ tổng cộng 443,5 tỷ đô la. Lãi mà các quốc gia này phải thanh toán cho các chủ nợ trong năm nay tăng thêm 10% và sẽ còn tăng thêm nữa vào năm 2024.
Vấn đề là các nhà đầu tư không muốn bỏ tiền vào những vùng « nguy hiểm đó » : trong 12 tháng qua, 115 tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các nền kinh tế chậm tiến nhất trên thế giới.
Cơ quan tư vấn Global Sovereign Advisory, trụ sở tại Paris, báo động từ nay đến cuối 2025, có đến 7 quốc gia bị đe dọa mất khả thanh toán. Hơi bất ngờ là trong bảng xếp hạng đó có Thái Lan.
Công nghệ : Một công ty Pháp thuộc về Việt Nam Trong thế giới công nghệ, hôm 06/12/2023 tập đoàn viễn thông của Việt Nam FPT loan báo mua lại 80% cổ phẩm của AOSIS, trụ sở tại Toulouse, miền nam nước Pháp. Các bên giữ kín thông tin liên quan đến trị giá hợp đồng. Công ty tư vấn công nghệ Pháp hoạt động từ 2010 có thể giúp Việt Nam mở rộng địa bàn tại châu Âu.
AOSIS ban đầu chuyên về lĩnh vực phát triển phần mềm, nhưng đã lấn sang các lĩnh vực khác, từ Big Data đến công nghệ Cloud, DataScience, DataViz … và nhất là mảng tư vấn cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, như hàng không vận tải hay hàng không vũ trụ.
AOSIS hiện diện tại Paris, Toulouse, Nantes và Lyon. Trong khi đó tập đoàn Việt Nam qua chi nhánh FPT Software bắt rễ vào Pháp từ 2008 với ba trung tâm tại Paris, Toulouse và Sophia Antipolis.
Châu Âu hiện là một trong những thị trường quan trọng nhất của FPT ở hải ngoại. Theo tạp chí Pháp chuyên về tin học, L’Informaticien, trước AOSIS, tập đoàn viễn thông Việt Nam đã thâu tóm một số các đối tác trong ngành tại Slovakia, Mỹ và cả Nhật Bản. FPT cũng có những quan hệ đối tác quan trọng với hãng chế tạo máy bay của châu Âu Airbus, với tập đoàn bưu điện Geopost.
« Hiệu ứng kinh tế Taylor Swift » Tạp chí Mỹ TIME ngày 06/12/2023 bình chọn danh ca người Mỹ Taylor Swift là « Nhân vật trong năm ». Với hơn 26 tỷ lượt nghe trên Spotify, một vòng lưu diễn ngoại hạng gồm 146 buổi tại hơn 20 quốc gia, tác giả của Shake it Off và Cruel Summer đã làm nên cả một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát. Taylor Swift còn « có ảnh hưởng lớn với kinh tế của Hoa Kỳ ».
Phim tài liệu The Eras Tour về những buổi trình diễn của Taylor Swift đang phá kỷ lục, thu về hơn 1 tỷ đô la cho hãng sản xuất. Mới 33 tuổi, Taylor Swift không ngần ngại kiện những « ông lớn » trong ngành, chia tay với các tay nhà sản xuất, hay các trung tâm môi giới tham lam. Cô cũng đặt điều kiện để cho phát hành phim về vòng lưu diễn 2023.
Ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã nói đến « hiện tượng Taylor Swift », bởi các hoạt động của cô « tác động đến kinh tế Mỹ ». Mỗi vé xem Taylor Swift trình diễn là 5-7 trăm đô la. Mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, cô huy động hàng chục ngàn khán giả. Chỉ cần đội ngũ 50.000 fan theo chân Taylor Swift một đêm là đủ để mang về bạc triệu cho thành phố nơi cô đến lưu diễn.
Trong năm 2023, Taylor Swift đã biểu diễn 66 buổi trên đất Mỹ và là con gà đẻ trứng vàng giúp cho các hoạt động kinh tế « ăn theo » thu về hơn 2 tỷ đô la. Taylor cũng là « yếu tố gây lạm phát » do giá áo T-shirt cô bán ra đắt hơn nhiều so với bình thường, mà hàng vẫn không đủ bán. Taylor Swift đi đến đâu thì giá phòng khách sạn tăng lên đến đấy. Đó là chưa kể các buổi trình diễn của cô gái tóc vàng này thường « cháy vé » và những fan cuồng nhiệt nhất sẵn sàng mua vé chợ đen để tận mắt trông thấy Taylor trên sân khấu.
Bà ngoại của Taylor từng là ca sĩ nhạc opera, bố của cô là một tay môi giới chứng khoán làm việc cho ngân hàng Merrill Lynch : Taylor Swift là một nghệ sĩ đa tài, kết hợp được những cái khiếu thiên phú của cả hai thế hệ đi trước.
Theo RFI