Minh họa: một quầy báo trên vỉa hè tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2006. AFP
Vỉa hè là của ông nội taoNội công thượng thặng khổ luyện mấy chục năm đã cứu tôi khỏi tai họa rách đầu, thủng cổ vào sáng sớm nay.
Đó là buổi sáng cuối năm mờ sương chắt lọc từ khói bụi của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đang chạy chiếc xe Honda thần thánh ra khỏi nhà. Vừa tới ngã ba, quẹo phải thì xém đụng đầu vô cái góc bịt tôn nhọn hoắt của bảng hộp quảng cáo nhà thuốc nằm ngay góc.
Hộp đèn quảng cáo treo lửng lơ, ngang nhiên chiếm một không gian rất lớn đập vào mắt, nhưng nhiều hơn là đập vào sọ của người đi đường.
Cố tình lượm được bí kípChung sống với các thể loại chướng ngại vật kiểu đó trên khắp các đường phố đô thị, chúng tôi đã may mắn luyện được bí kíp né rất tài tình. Đang đi thẳng trên lề đường bỗng thụp đầu xuống, hoặc niểng sang một bên. Chân đang bước đều đều bỗng nhảy lên như cóc. Này là bảng quảng cáo, hộp đèn, ghế bành bảo vệ ngồi coi xe, bàn ghế người ta ngồi ăn uống nhậu nhẹt trên lề đường, mũ bảo hiểm, hoa, rau, sắt thép vật liệu xây dựng, gấu bông, giày dép, xe đẩy bán hàng… Lề đường đúng nghĩa tấc đất mấy chục tấc vàng: từ sáng đến đêm, mỗi mét vuông lề đường ở những khu đông đúc của đô thị liên tục xoay vòng từ người kinh doanh này sang người kinh doanh khác với vô số mặt hàng, kiếm tiền không ngơi nghỉ.
Luật pháp cấm lấn chiếm lòng lề đường, nhưng luật Việt Nam vốn nói một đằng làm một nẻo, nên những chủ nhà mặt tiền mặc nhiên coi khoảng lòng lề đường trước mặt nhà là của ông nội họ để lại. Muốn băm, muốn xẻ, muốn đặt, muốn cắt, muốn treo, muốn khoan, tuốt tuột, tao thích là tao làm!
Cuộc đập phá chướng ngại vật lấn chiếm lòng lề đường nổi tiếng của ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên phó chủ tịch UBND quận 1 cách đây mấy năm tạo ra hai luồng dư luận trái ngược, nhưng luồng nào cũng có lý và mãnh liệt.
Cắt phăng túi tiềnLuồng phản đối ông Hải viện lý do thành phố Việt Nam nóng nực và bụi bẩn, dân Việt Nam 10 người hết 11 người đi xe máy, rất ít người đi bộ nên không cần dành riêng lề đường quá lớn cho họ.
Luồng ủng hộ ông Hải vỗ tay cho việc chấn chỉnh sự tùy tiện, bát nháo và coi thường pháp luật của vô số tổ chức/đơn vị có số có má, thậm chí “phương diện quốc gia”, trả lại lề đường thông thoáng và an toàn.
Thành công từ sự ủng hộ của dư luận và số đông người dân, công cuộc dọn dẹp lòng lề đường từ quận 1 TP HCM nhanh chóng lan ra khắp thành phố và toàn quốc. Khắp nơi, từ đô thị đến các tỉnh ồ ạt “ra quân” trả lại lề đường cho người đi bộ. Thủ tướng khen và yêu cầu nhân rộng. Rầm rộ đến nỗi chủ đề luôn luôn nóng rẫy trên truyền thông thời điểm đó chính là ông Hải và chiến dịch của ông, với câu cam kết khẳng khái: “Không dẹp được thì tôi cởi áo về vườn”.
Thế nhưng chẳng bao lâu, ông Hải buộc phải cởi áo về vườn trong cay đắng.
Nguyên nhân bề nổi của thất bại chiến dịch ông Hải lẫn tất cả các chiến dịch tương tự trước đó là do những người thực hiện đã tách biệt hai chức năng chính của vỉa hè đô thị Việt Nam.
Ngoài lưu thông, vỉa hè Việt Nam có chức năng kinh tế mạnh mẽ. Nếu “nền kinh tế mặt tiền” là đặc điểm của đô thị Việt Nam thì vỉa hè chính là mặt tiền của mặt tiền.
Nhưng nguyên nhân sâu xa và gốc rễ nhất là ý chí trả lại lề đường cho người đi bộ đã… cắt phăng túi tiền của nhiều người, trong đó có những người (có quyền/có tầm ảnh hưởng/có tiền) to hơn ông Hải.
Mặt tiền của mặt tiền đẻ ra tiền mặt cho những người có máu mặt và có tiền. Cái vòng luẩn quẩn ngon lành ấy … “rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh”!
Ông Đoàn Ngọc Hải ngồi ăn ở một quán vỉa hè. Facebook Đoàn Ngọc Hải
TP HCM chính thức cho thuê vỉa hè ngay từ ngày đầu năm 2024Ngay từ 1/1/2024, TP HCM sẽ thu phí lòng, lề đường, theo một nghị quyết đã thông qua hồi cuối tháng 9 năm nay (năm 2023). Toàn thành phố chia làm 5 khu vực tùy theo mức độ đô thị hóa, ứng với các mức phí khác nhau. Các tuyến đường được cho phép kinh doanh, tổ chức hoạt động văn hóa, giữ xe .v.v trên lòng/lề đường phải còn ít nhất 1,5 m lề đường cho người đi bộ. Nếu là lòng đường thì phần còn lại phải còn ít nhất 2 làn xe hơi cho một chiều lưu thông.
Tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách thành phố để sử dụng cho chính hoạt động thu phí và quản lý, bảo trì, khai thác lòng lề đường.
Trong đề án do Sở Giao thông vận tải thực hiện, dự kiến mỗi năm sẽ thu được hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó thu từ lòng đường 550 tỷ, thu từ vỉa hè gần 1.000 tỷ.
Người sử dụng lòng, lề đường nộp phí cho Sở giao thông vận tải hoặc Ủy ban các quận huyện, tùy theo tuyến đường do ai quản lý.
Ông Bảy, đang bán cá trên lề đường ở một khu chợ tự phát gần đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), phải trả tiền thuê “mặt bằng” này với giá 6 triệu đồng/tháng (VnExpress ngày 6/10/2023).
Sang năm mới, năm 2024, ông Bảy sẽ chỉ phải nộp 20.000 đ-30.000 đ cho mỗi m2 vỉa hè ông đang sử dụng, thấp hơn giá thuê hiện tại 200-300 lần.
Nhưng đó là lý thuyết.
Năm 2018, ông Đoàn Ngọc Hải từ chức. Lá đơn từ chức của ông chứa nhiều thông tin rất đáng chú ý về những bàn tay thao túng nền kinh tế vỉa hè của TP HCM. Dưới đây là một đoạn:
"Quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã đụng chạm đến lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”.
Ông Hải đã chơi tất tay, nói huỵch toẹt vỗ mặt một điều bí mật… ai cũng biết.
Đồng thời cũng chỉ ra cản ngại chính của đề án thu phí lòng lề đường sắp tới.
Giật miếng thịt trong miệng hổBáo VnExpress nói sang năm mới, ông Bảy sẽ chỉ phải nộp số tiền bằng 1/300 đến 1/200 mức ông đã nộp bao lâu nay. Khỏi phải nói, ông Bảy vui mừng cỡ nào.
Nhưng báo quên nói đến người chủ nhà bấy nay cho ông Bảy thuê mảnh vỉa hè trước mặt nhà mình. Vị ấy cũng sẽ đau, tức đến cỡ nào.
Với quy định thu phí lòng lề đường mới của thành phố, các chủ nhà mặt tiền bị mất trắng khoản lợi lớn và đều đặn.
Cũng bị mất trắng khoản lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ là các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, quán nhậu… và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó.
Ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh VnEconomy
Nhất là bộ phận cán bộ.
Năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải “trảm” bãi giữ xe rộng hơn 1.000 m2 nằm ngay phía sau Nhà hát thành phố. Lãnh đạo thành phố bấy giờ gọi đây là bãi xe “vua” vì vị trí kim cương, mang lại lợi nhuận khổng lồ của nó.
Nhưng vị “vua” ấy chính là Đội quản lý trật tự đô thị quận 1. Họ được Ủy ban thành phố giao quản lý bãi giữ xe đó đã hàng chục năm.
Tại sao một cơ quan nhà nước có chức năng giữ gìn trật tự đô thị, công việc hàng ngày là đi bắt phạt những người vi phạm trật tự đô thị như giữ xe trên lòng, lề đường, lại ngang nhiên chiếm mảnh đất công đắt giá nhất thành phố để làm bãi giữ xe của riêng mình?
Câu hỏi này chỉ là một câu hỏi tu từ, vì không một Đội quản lý trật tự đô thị nào có đủ quyền năng để làm điều đó, đã thế còn làm suốt hàng chục năm nay. Nói đến cùng, họ cũng chỉ là những người làm thuê, đứng tên trên giấy tờ và quản lý thực tế để kiếm tiền cho những ông chủ thật sự. Đó là những người có quyền lực để ngang nhiên dùng (những) mảnh đất (tương tự như mảnh đất) này làm bãi giữ xe, cho thuê mở quán nhậu hay quán cà phê .v.v, là những người giấu mặt sau bức màn đen đã bóp chết dễ dàng cuộc “khởi nghĩa” mấy trăm ngày của ông Đoàn Ngọc Hải.
Cái nguồn tiền ngọt đến tận chân răng, cái nồi Thạch Sanh của nhiều đời cán bộ ấy nay bỗng dưng bị cắt để chuyển vào cho ngân sách nhà nước. Xin lỗi, nói chó nó cũng không nghe được. Cán bộ mất nguồn tiền này thì cạp đất mà ăn à?
Những chủ nhà mặt tiền cũng sẽ không bao giờ chấp nhận việc người thuê mảnh vỉa hè trước mặt nhà họ bấy nay giờ được ngồi bán ở đấy một cách hợp pháp, nhưng họ lại không hưởng lợi được đồng nào. Đừng nói đến quy định của Nhà nước, tâm lý “vỉa hè là của ông nội tao để lại” vốn đã mặc định trong phần lớn người dân Việt Nam. Ngoài mặt buộc phải chấp hành chủ trương của Nhà nước nhưng dưới gầm bàn sẽ là những cú bắt tay.
Tôi đoán ông Bảy bán cá vẫn sẽ phải nộp tiền thuê vỉa hè như cũ cho chủ nhà mặt tiền nhưng giờ lại cộng thêm khoản lệ phí nộp ngân sách nhà nước. Thậm chí có lẽ ông còn phải “chạy” quản lý trật tự đô thị quận để được phép thuê lâu dài vị trí buôn bán của mình. Thay vì giảm đi hàng hai, ba trăm lần như báo chí dự đoán và chỉ phải thương lượng với một người chủ duy nhất, nhiều khả năng ông Bảy sẽ mất nhiều tiền hơn và phải chạy nhiều cửa hơn cho vẫn cái mặt bằng ấy.
Còn những “chủ nhân mặt tiền” cỡ bãi giữ xe vua, họ có thừa quyền lực và mưu kế để giữ vững và củng cố nền kinh tế mặt tiền như từ trước đến nay. Không nghị quyết của hội đồng nhân dân nào bắt được họ chắp tay nhường cái túi tiền vô tận ấy cho nhà nước.
Mấy hôm nay TP HCM đang ra sức kẻ vạch lề đường để phân khu vực cho phép kinh doanh. Có vẻ rầm rộ lắm. Lề đường có vẻ gọn ghẽ lắm.
Nhưng rồi cũng sẽ là đầu voi đuôi chuột mà thôi. Với bản chất của chế độ này, thử thách giật cái vỉa hè ra khỏi hàm răng các quan cũng chính là giật miếng thịt trong miệng con hổ đói. Đều bất khả thi!
Chúng ta cứ chờ mà xem!
Blogger Nguyễn Nhơn (RFA)
Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
_________________
Tham khảo https://tuoitre.vn/tp-hc...24-20230919152827194.htmhttps://thanhnien.vn/6-n...-185230228003553582.htm#https://vnexpress.net/ba...-cua-tp-hcm-4661289.htmlhttps://thanhnien.vn/khi...732.htm?utm_source=dablehttps://vtc.vn/chien-dic...guyen-nhan-ar370846.htmlhttps://laodong.vn/ban-d...-1-gio-ra-sao-894705.ldohttps://tienphong.vn/ngo...-dang-do-post1265594.tpo*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do
*Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.