Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn. Courtesy sgttRất nhiều người quan tâm đến thi ca đã tỏ ra bi quan trước hiện tượng thơ Việt Nam khá lâu trầm lắng một cách khó hiểu. Thơ vẫn xuất bản đều đặn dưới nhiều hình thức nhưng trong những thi tuyển ấy người đọc buồn bã nhận ra rằng khó gặp một tác giả vượt ra được chấn song cổ điển của những bài thơ có vần. Và cũng chính người đọc khó tính ấy nhận ra rằng những bài thơ không vần, hậu hiện đại, làm dáng hay tự trói tay mình rồi la lớn cho ra cách khác người còn tệ hại hơn là những bài thơ có dáng dấp của phong trào thơ mới.
Trở về với đời sống thựcCùng với dòng chảy của thời sự nóng bỏng không ít người làm thơ đã buông hẳn cảm xúc của họ về tình yêu, về những câu hỏi triết học đối với thân phận để trở về với đời sống thực của xã hội. Và trong những bài thơ vội vã, ngồn ngộn sức sống ấy, nhiều nhà thơ đã sống và viết đời sống khác: quan sát, cảm nhận và phát đi những câu thơ đầy lửa.
Thơ dạng này đầy ắp những gào thét thế sự nhưng cũng vì vậy thiếu sự mẫn cảm của những tế bào nằm sâu trong cơ thể của thi ca. Cái được và mất ấy làm nhiều người xao xuyến và không ít trong họ tạm chấp nhận gác bút, hoặc viết blog hay làm một điều gì khác ngoài việc làm thơ.
Thế nhưng cuộc tranh đấu để tồn tại của văn học dù muốn hay không vẫn diễn ra trên đất nước lắm sự kiện chính trị nhưng biến cố văn học thì không hề thấy trong gần hai mươi năm qua. Người ta chỉ còn mong đọc thơ trên một tuyển tập mỏng, được in ấn nghiêm túc và ở đó những con chữ như nói chuyện với người đọc chúng.
Trong điều kiện hiện nay, đọc thơ theo cách ấy thật khó khăn. Thường thì những sản phẩm in phải tốn khá nhiều tiền. Thế nhưng khi in thơ thì niềm hy vọng nhặt lại vốn bỏ ra xem như mua vé xem phim, vé hết hạn ngay khi phim vừa chiếu xong.
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn. Photo courtesy of TranHuuDungBlogKhi muốn đọc thơ hay, người đọc chỉ còn cách tìm chúng ở Internet, nơi khá phức tạp nhưng nếu chịu khó lọc ra cũng sẽ gặp nhiều bài thơ thú vị. Trong trường hợp này chúng tôi muốn nói đến thơ của Chiêu Anh Nguyễn, một cái tên chưa được nhiều người biết nhưng thơ của cô khi đã đọc thì khó giữ được trong lòng mà không giới thiệu cho người khác cùng đọc.
Trên trang Tienve.org, tên của Chiêu Anh Nguyễn nằm kề với những người nổi tiếng khác. Về mục thơ, tác phẩm của Chiêu Anh tương đối ít so với nhiều nhà thơ khác nhưng cái ngồn ngồn bên trong thì không ít chút nào. Có những bài thơ đọc xong và rời khỏi màn hình computer để làm việc khác thì từng câu một lại hiện lên trong đầu, nhảy múa và bỡn cợt với trí nhớ. Đôi khi lẫn lộn giữa các con chữ, đôi khi nhớ hoàn toàn một câu thơ của Chiêu Anh…nhưng câu hỏi nảy sinh là tại sao thơ của cô gái này lại âm ỉ, trăn trở và dai dẳng trong trí nhớ của người đọc như thế?
Giải thích hiện tượng này có thể rất đơn giản. Thơ của Chiêu Anh có sức sống riêng và vì vậy nó động đậy trong trí nhớ người đọc. Cũng không ổn lắm. Rất nhiều bài thơ hay, tràn sức sống nhưng không thể nhớ trọn vẹn nguyên câu khi đọc lần đầu tiên.
Khi đọc một câu thơ rất đỗi bình thường trong bài Không được khóc:
“Con đặt tay mình lên bầu vú vẫn còn hơi ấm
mẹ vẫn hay kể với mọi người con nhay vú mẹ tới chừng bốn tuổi.”
Câu thơ này có làm cho ai trong chúng ta giật mình không? Chúng tôi tin là có.
Cái bầu vú của người mẹ sắp chết ấy mấy ai trong chúng ta có diễm phúc gần gũi và hơn nữa lại lấy tay day day nó như khi tuổi còn thơ. Câu thơ xúc tích lạ thường và nó nằm lại trong trí tưởng của chúng ta là điều không có gì khó hiểu. Bài thơ cứ thế nhẹ nhàng và đau đớn kể lại cái giây phút đắng lòng của Chiêu Anh trước hình hài người mẹ mà nay, cô thấy cũng chính là mình trong đó.
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn, ảnh chụp tại Đà Lạt. Photo courtesy of PhốVănBlogKhông được khócCon dặn mình như thế trước tấm gương soi khuôn mặt tạc ra từ mẹ
Không được khóc
Khi con cởi chiếc áo bệnh viện để thay cho mẹ chiếc áo lót mỏng màu trắng
Mẹ vẫn thường mặc
Con dặn mình lần nữa
Không được khóc
Cơ thể mẹ hiện rõ dưới ánh sáng ngọn đèn phòng cấp cứu
Bầu ngực, từng lằn bụng nứt, nơi con hoài thai
Nơi đó mẹ đã cưu mang chín anh em con
Nơi đó mẹ đã cho ra đời đứa con gái út cứng đầu ngỗ ngược
Con đặt tay mình lên bầu vú vẫn còn hơi ấm
Mẹ vẫn hay kể với mọi người con nhay vú mẹ tới chừng bốn tuổi
Đứa con gái út bất trị mang toàn bộ tính tình lẫn hình hài mẹ
Vâng, con đã không khóc
Con mặc cho mẹ áo quần lần cuối
Chải tóc cho mẹ lần cuối
Hơi ấm cuối cùng còn lại trên cổ mẹ
Con áp mặt vào
Lần cuối
Ba mươi lăm tuổi đời con lạc mất mẹ
Ngôi nhà đó giờ thành xa lạ
Không nẻo về
Sợi kết nối cuối cùng
Mẹ giận dỗi quay lưng
Mấy anh em con đứa lớn đã gần sáu chục
Mà ngơ ngác nhìn nhau
Giờ biết tựa vào đâu?
Hả mẹ?
Ở một bài thơ khác, Chiêu Anh len lén dặn dò chúng ta đừng rời màn hình khi câu thơ chưa chấm dứt. Mà làm sao rời được khi ngay câu đầu tiên của bài thơ đã mở ra một tò mò mới trong ngôn ngữ mà Chiêu Anh dùng. “Tôi xé những ngón tay mình thành ngọn lửa”.
Chữ “xé” mở ra khái niệm rách tơi và có cảm giác của sự đau nhức. Tuy nhiên khi xé ngón tay thành ngọn lửa thì khác. Ngón tay sẽ đau đớn nhưng đau đớn không thành lửa. Sự đau đớn ở dây biến dạng, từ phản ứng sinh lý biến thành phản xạ của tâm lý. Ngọn lửa rừng rực thiêu đốt người khác, vật khác còn khái niệm đau đớn thể xác không thề chia sẻ với bất cứ ai.
Ngọn lửa ấy tràn sang người đọc và đòi bốc cháy. Yếu tố thành công của một bài thơ là không nói cho chính mình. Thơ cần người khác đọc, ngẫm nghĩ, chê khen.
Ngàn lần vẫn emTôi xé những ngón tay mình thành ngọn lửa
Bên ngôi nhà màu nâu buồn bã
Khung cửa sổ buông rèm
Em
Bất động
Ngàn đêm như một
Tôi trèo vào em qua trí tưởng tượng
Mười ngón tay
Thắp như mười ngọn đuốc
Săm soi từng đường gân thớ thịt
Trên khuôn mặt
Em
Trầm uất
Em
Rộng lượng
Em thả cơn mê vào tôi
Trôi tuột
Tôi
Cài đôi môi mình trên ngọn đèn khuya
Mấp máy
Rủ rỉ cùng em
Ngàn đêm như một
Tôi sà vào em qua hốc mắt
Cháy bạo cuồng
Cháy tận cùng gan ruột
Người đàn bà không bao giờ biết khóc
Nước mắt
Em
Thành bầu sữa nhỏ
Nuôi những tình yêu khát rốc
Rồi
Đêm
Trên căn phòng màu nâu
Một tượng hình hoài thai trong mắt
Tôi
Đu đưa cùng ngọn gió
Ngoài khung cửa
Chỉ để thấy
Ngàn đêm
Như một
Vẫn là em
Nói thơ Chiêu Anh dễ chia sẻ cũng không hẳn đúng. Nhưng nếu nói ngược lại cũng khó mà thuyết phục. Đâu đó trong thơ của cô có những con chữ phục kích người đọc, phục kích chính những dòng thơ tiếp theo sau nó trong cùng một bài thơ. Những câu chữ xoắn xuýt, trốn đuổi lý thú làm cho chúng ta nhiều khi muốn cảm giác ngơ ngẩn khi đọc thơ cô cứ ở mãi trong người. Bởi, nếu đọc thơ mà cảm thấy ngơ ngẩn, thảng thốt hay ủ ê phiền muộn thì còn gì lý thú hơn?
Ký ức muộnEm đi tới đầu nguồn
Tìm lại...
Mùa này
Ngã ba sông
Thông lô nhô khấp khởi
Sim chín rục dậy mùi
Những nấm mồ nâu trống hoác
Ngọn đồi rực hoa vàng
Giấc mơ anh cõng em bay trên ngọc lan sau căn phòng chúng ta đánh rơi chiếc chìa khoá duy nhất
Đành yêu nhau bên hàng hiên giữa gạch ngói ngổn ngang
Đêm như dài, sâu hơn chìm trong đáy ly vang uống dở
Anh rót vào em ngày chóng vánh
Tất cả còn treo trên mười ngón tay anh
Em buộc vào đấy một nụ hôn
...
Tháng mười
Của nhiều mùa yêu trước
Cánh ngọc lan sót lại trên chiếc đệm trắng
Rùng mình
Chuyến bay cuối cùng đưa em rời khỏi anh
Lại khởi đầu một dụ ngôn
Chúa giờ này cũng thở dài
Những khải huyền không còn rượt bắt
Chúng ta chạy về hai phía
Giấc mơ triền miên
Lũ mèo hoang tha con đi khắp hẻm chợ
Rao bán suồng sã
Chúng nói tiếng người và cười nhạo hỉ hả
Em còn nghe rõ những thanh âm
Đến tận khi giật mình thức giấc
Chúa thì xa, Phật cũng xa
Chỉ những nỗi đau là thực
Đen thẫm như cánh ngọc lan nằm lại
Căn phòng
Khi chúng ta
Quay đi..
Bài thơ thật ra không khó hiểu hay dễ hiểu. Nó chỉ dễ thương, gây nhớ và ai trong chúng ta hình như cũng đã từng trải qua. Yêu nhau trong những khung đoạn thời gian không nhất định cộng với một nhóm không gian luân chuyển từ thơ mộng, hiện thực tới không tưởng, lãng mạn. Vừa hạnh phúc lại chớm đớn đau. Bài thơ đóng lại bất ngờ với tiếng mèo kêu thảng thốt khiến người đọc hụt hẫng, khó chịu, mà trong cái khó chịu ấy phải chăng chính Chiêu Anh đã gài bẫy chúng ta?
Chiêu Anh không phải luôn sống và viết trong khung cảnh một mình cùng những suy tưởng riêng tư, cô cũng như những người cùng lứa tuổi khác thở chung hơi thở của những ngày Sài Gòn sôi động theo ngữ nghĩa chính trị. Lạc lõng và cảm thấy bị bỏ rơi giữa một thể chế mà nhà thơ cho là trò hề đã khiến thơ Chiêu Anh biến dạng thành những mã số, những tích lũy đầy ắp dấu hỏi về nơi chốn cô đang sống.
Sài Gòn của những trò hềNhững con đường Sài Gòn sáng nay
Dẫn về đâu?
Những dấu chân bị xoá giữa chừng
Những chiếc bóng câm lặng
Những số máy cầm tay không tín hiệu phản hồi
Bạn bè tôi
Ở đâu?
Sáng nay
Sài Gòn đông đúc
Sài Gòn tử khí
Sài Gòn lô nhô sắc phục
Lô nhô những bàn tay sẵn sàng bóp nghẹt thanh quản anh em tôi
Trò hề công lý
Đã chết
Như con đường có chiếc cầu bắc ngang dòng kênh bốc mùi nồng nặc
Đường sá
Nhân quyền
Toà án
Tự do
Dân chủ
...
Sáng nay
Tôi cười như khóc
Hèn
Nhục
Khi tuổi trẻ biểu tình chống Trung Quốc vài năm trước hơn một lần Chiêu Anh đặt câu hỏi “Yêu nước là gì”. Thoạt nghe nhiều người cho là ẩn dụ hay sự giễu nhại của thời đại, tuy nhiên từng lời thơ trong bài “Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước” đã mở ra một bài học khác về lòng yêu nước của từng con người và từng chính thể. Ở đó Chiêu Anh cũng như nhiều người trong lớp tuổi cô hụt hẫng khi thấy rằng lòng yêu nước không phải lúc nào cũng được tôn vinh.
Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nướcTôi sẽ không biết trả lời bạn thế nào
Thực sự bối rối vô cùng
Nếu bạn hỏi tôi như thế
“Lòng yêu nước”
Dù có dịch ra rất nhiều thứ tiếng
Cũng dễ dàng nhận ra qua thái độ của người nghe lẫn người thốt lên ba từ đẹp đẽ ấy
Thú thực
Tôi cũng tự hỏi mình nhiều lần
Mi có đủ can đảm để cầm súng khi đất nước lâm nguy
Mi có đủ gan dạ để bước đi không do dự khi lãnh thổ VIỆT NAM bị đe doạ bởi lũ ngoại xâm tham lam hèn hạ
Tối thấy mình mỉm cười gật đầu thanh thản
Có lẽ đó là lòng yêu nước
Tôi tạm an tâm với mình
...
Hôm xuống đường
Những người bạn tôi
Những người quen sơ
Và cả những người chưa hề biết mặt
Tất cả đều chung một khí phách
Hừng hực
Tôi gọi đó là lòng yêu nước
Đến khi
Lòng yêu nước của chúng tôi được đáp trả
Bằng những hàng rào chắn
Xe công an dàn hàng ngang với dùi cui tứ phía
Thầy hiệu trưởng doạ nạt sinh viên xuống đường sẽ bị buộc thôi học
Bạn bè tôi có người còn bị bao vây nhà để mời lên phường uống trà nguyên ngày chủ nhật
Hạch hỏi bắt bớ
Theo dõi hành hung
Cốt ý cho lòng yêu nước phải thụt lùi run sợ
Cuối cùng
Lại tự phải hỏi mình
Tôi đang thể hiện lòng yêu nước
Trên lãnh thổ mình
Hay tôi là kẻ di dân
Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác
Bây giờ
Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Có lẽ
Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc
Rời những dòng thơ trên màn hình có lẽ điều mà mọi người mong muốn biết chính tác giả nghĩ gì về những bài thơ của mình. Chiêu Anh đã cho chúng tôi cơ hội được nghe nhà thơ bày tỏ. Như một statement, một tuyên ngôn ngăn ngắn của nhà thơ. Hãy mở lòng cùng với Chiêu Anh để chia sẻ những gì mà một nhà thơ có thể nói được:
Có những khoảng thời gian tôi chỉ biết trông chờ vào thượng đế. Số phận là một từ rất mơ hồ, thượng đế cũng vậy, ngài mơ hồ và không hình hài
Có những ngày chèo chống với định mệnh, tôi thích mỉm cười trước gương.
Ý nghĩ đối phó với thương đế luôn làm tôi cảm giác được sự nổi loạn của mình song song với lòng mộ đạo
Tôi là một con chiên đi hoang trên chính mảnh đất của cha mình
Thượng đế ! khó có định nghia nào cho khuôn mặt ngài trong tôi. Những buổi chiều muộn quỳ gối giữa ngôi nhà nguyện nhỏ nhắn quét vôi vàng, khuôn mặt ngài in đậm trong mắt đứa bé gái sớm có những nỗi buồn và lời thánh ngào ngạt hương hoa tháng năm
Baì ca cât lên lảnh lót đẹp tê mê khuôn mặt mẹ Mari . Hàn mạc tử mang trăng vào thơ, mang thượng đế vào thơ mang khuôn mặt trinh nữ vào thơ và chính chàng đã mang thơ vào tôi. Con bé ngờ nghệch lên 10.
Thơ ca , thượng đế, hoa cỏ và sương mù…lương thực chính đã nuôi hồn thơ tôi đi xuyên suốt hơn hai mươi năm sống
Như Sự nổi loạn đáng yêu của nàng Meggie, cố công giành cha Rand ra khỏi tay thượng đế để cuối cùng nàng chả còn gì ngoài sự cô độc
Đôi khi tôi cũng ngỡ mình đã cố công giành giật định mệnh với ngài, thượng đế đáng yêu của tôi. Ngoảnh mặt quay lưng với thơ để sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu sinh linh trên tinh cầu này, để rồi một ngày quỵ ngã trước chân ngài, định mệnh của tôi, thượng đế của tôi, chàng thơ của tôi..
Tôi quay về với chính khuôn mặt mình do tay ngài tác tạo
Và đỉnh mù sương không dành cho những đôi chân mang giày gót nhọn
Sự thô mộc của ngôn từ sẽ sáng bừng phía dưới hào quang
Định mệnh đã tác hợp cuộc hôn phối hoàn hảo này
Thượng đế, thơ và tôi !
Theo RFA