Thảo gọi phôn cho tôi và mở đầu bằng một câu than thở:
– Khiếp quá, nếu mình là cô giáo ở Việt Nam thời buổi nay là không yên thân với lũ học trò và cả phụ huynh luôn. Nghề dạy học cao quý bây giờ xuống cấp rồi.
Thảo là bạn học Trung học với tôi ở Việt nam. Trước 1975 nàng vào ngành sư phạm và yêu nghề này lắm. Tôi hỏi:
– Chắc bạn mới đọc tin trên báo mạng Việt Nam vụ học trò ở Tuyên Quang nhốt cô giáo trong lớp và ném rác ném đồ vào cô giáo hả?
– Ừ, ở Đồng Tháp có vụ phụ huynh túm tóc đánh cô giáo giữa sân trường nữa cơ, hành xử “bạo lực” như giang hồ ấy.
– Vụ này mình cũng đọc. Bố và bà nội thể hiện ”tình thương con thương cháu vô bờ bến”, đến “xử tội” cô giáo vì dám tát con cháu họ dù cô giáo đã biết điều gọi phôn đến nhà xin lỗi.
– Cô giáo Tuyên Quang và cô giáo Đồng Tháp kia dù có sai trái, đám học trò và phụ huynh tấn công cô giáo càng sai trái hơn…
Thảo kể thêm:
– Vì mình từng là dân sư phạm nên luôn quan tâm đến những gì liên quan mà buồn. Đấy là phần thày cô giáo là nạn nhân của học sinh, còn học sinh là nạn nhân của chính bạn học thì đếm không xuể, tại thành phố Hồ Chí Minh nam sinh bị bạn đâm dao thủng cổ. Tại Long An nữ sinh lớp 8 bị nhóm bạn lột áo, đánh bằng mũ bảo hiểm đến chấn thương phần đầu và cổ. Đứa thì đánh, đứa thì đứng quay video lát sau phát tán lên mạng. Chúng chẳng sợ gì ai, coi trời bằng vung.
Tôi cũng đã từng xem trên báo Net Việt Nam những đoạn video nhóm nữ sinh xúm vào đánh hội đồng 1 đứa bạn vì tội gì đó, các nữ sinh mặc áo dài mà “vũ phu” dơ chân múa tay “tung chưởng” tấn công đấm đá tới tấp vào người nạn nhân mặc cho nạn nhân bò lê bò càng ra chịu trận, khóc lóc và hết lời van xin tha tội. Ôi, tội nghiệp những tà áo dài Việt Nam dịu dàng tha thướt mà kẻ mặc nó tính cách hung dữ côn đồ mang danh là nữ sinh. Những học sinh này không biết đến “Tiên học lễ hậu học văn” và môn công dân giáo dục là gì. Dù đó chỉ là một thiểu số học sinh hư nhưng vẫn đáng lo đáng buồn cho ngành giáo dục nơi quê nhà.
Thảo tiếc nuối nhớ về quá khứ:
– Ngày xưa học trò tụi mình thật là ngoan, thày cô giáo là thần tượng của mình, một lòng yêu kính tin cậy và vâng lời thầy cô dạy bảo, tình cờ gặp thày cô ngoài đường mình còn rụt rè e ngại nào dám lại gần nói chi chuyện động tay động chân như học trò ngày nay.
Tôi nói thêm:
– Với bạn bè nếu có xích mích chỉ giận hờn nhau nhẹ nhàng như mưa bóng mây, chẳng mấy khi chúng ta giận dữ cãi nhau với bạn học chứ đừng nói là đánh nhau đấm đá túm tóc chảy máu bị thương như học trò ngày nay.
Thảo tỉ tê kể:
– Mình nhớ hồi cấp hai lúc tan học có lần thày giáo nhờ mình giữ giùm thày cái cặp táp khi thày bận ôm một đống sách vở lên phòng học vụ. Ôi, mình đứng trước cửa lớp khư khư ôm chiếc cặp của thày với niềm sung sướng và hãnh diện vô biên, vì cả lớp có mấy chục đứa học trò má thày chỉ nhờ mình, thế mới oai. Giá ngay lúc ấy có kẻ cướp đến giụt chiếc cặp táp của thày chắc chắn mình sẽ gào khóc và bảo vệ chiếc cặp của thày đến….hơi thở cuối cùng luôn.
Tôi cũng có kỷ niệm để khoe với Thảo, những kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên:
– Còn mình hồi lớp nhất ban đầu mình học thày Muôn, thày bệnh mình và Tới nhỏ bạn cùng xóm đã lò mò đến Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm thầy, sau đó thày Muôn nghỉ dạy, học cô giáo Bích, có một buổi chiều mình và Tới rủ nhau đến nhà cô chơi. Hai đứa đi bộ từ nhà đến hẻm chùa Huỳnh Kim, Hạnh Thông Tây, quẹo vào xóm nhỏ vừa đi vừa hỏi thăm đến được nhà cô giáo Bích hai đứa mừng như bắt được vàng. Thày cô vừa ăn cơm xong, thày đang nằm võng tòn ten nghe đài radio bên cạnh, cô Bích đang dọn dẹp bàn ăn, thế là mình và bạn cùng phụ cô, đứa rửa bát đứa quét nhà sạch sẽ, sạch hơn khi quét nhà mình nữa cơ. Nhà cô Bích có một cây chùm ruột trước sân, chẳng có gì làm quà cho hai đứa học trò cô bèn ra hái một rổ chùm ruột chín vàng trên cây vào chấm muối ớt. Chùm ruột chua mà hai đứa cùng hí hửng ăn, vì chua thì chua nhưng của nhà cô giáo vẫn quý và ngon hơn mua ở chợ.
Thảo cười khúc khích:
– Mình cũng thế, đi ngang nhà cô giáo, nhìn vào sân thấy con chó nhà cô cũng… dễ thương làm sao.
Sau 1975 Hàng xóm tôi có gia đình bác Tâm, đời cha bác, đời bác đều là nhà giáo. Bác Tâm có 3 người con gái Lan Huệ Cúc, bác khuyên ba con thi vào sư phạm “nối nghiệp” cha ông. Ba cô Lan Huệ Cúc ngoan ngoãn vâng lời cha dù ngày nay không phải ai cũng quan niệm nghề giáo cao cả như suy nghĩ của cha mình, dù “ Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo. đều là nhà…nghèo.” có mấy ai giàu đâu, chưa kể nghề giáo phần nhiều là phái nữ ít đồng nghiệp nam, nên cô giáo thường bị ế chồng.
Mỗi năm đến ngày nhà giáo học trò tặng hoa tặng quà cho thày cô. Nhà bác Tâm đầy hoa không biết cắm vào đâu nữa, bác gái bảo mấy nhà hàng xóm sang nhà bác lấy hoa về mà cắm cho bác bớt chật nhà. Thế là hàng xóm được hoa đẹp miễn phí, được “ thơm” lây vinh dự ngày nhà giáo.
Tôi cũng có hai người em là nhà giáo nên thông cảm vụ này lắm. Thời bao cấp cả nước đói nghèo, học sinh nào tặng thày cô hiện vật hay hiện kim bỏ vào phong bì thì quý biết bao còn hoa thì đẹp đấy nhưng chỉ nhìn bằng mắt, nhiều hoa quá mà bụng đói thì thày cô cũng…. hoa cả mắt.
Hai bác Tâm luôn hãnh diện gia đình mình từ cha ông đến con cái nghề nghiệp trí thức. Ngày ấy cô Lan con gái lớn quen và yêu một anh công nhân trong xóm nhưng hai bác nhất định phản đối, chê anh công nhân không xứng với con gái cô giáo của họ. Vài năm sau anh công nhân lấy vợ có hai con rồi mà cô Lan vẫn ế chưa có một tấm chồng tương xứng. Lúc ấy bà giáo Tâm mới kinh nghiệm “xuống nước” để gả hai cô con gái còn lại kẻo …bị lây cái ế của cô chị.
Ba cô giáo Lan Huệ Cúc ở nhà hiền ngoan đến trường lại là cô giáo giỏi, tư cách đàng hoàng nên được học trò yêu mến, học trò các cô thường đến nhà chơi. Những thày cô tư cách như thế thì trò nào dám lờn mặt dở thói côn đồ cho được.
Ngày nay lứa tuổi học trò của hơn nửa thế kỷ trước, các cựu học sinh trường lớn trường nhỏ, trường ở ngay thủ đô Sài Gòn hay ở những tỉnh thành xa hiện đang sống tại hải ngoại, dù tuổi đời những học trò đã cao , có “trò” đã lưng đau gối mỏi, cao mỡ cao máu ngày uống mấy loại thuốc nhưng các “trò” vẫn háo hức chờ mong ngày họp mặt hàng năm hoặc vài ba năm một lần để gặp lại thầy cô bạn bè, cùng nhớ lại những kỷ niệm đẹp thuở áo trắng học trò.
Không biết nửa thế kỷ sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè, nhưng bên cạnh những kỷ niệm đẹp ấy họ có quên được không những vụ bạo lực học đường mà họ đã là nạn nhân hoặc nhân chứng một thời?
28/12/2024
Nguyễn Thị Thanh Dương