Theo hãng tin Reuters, một viện nghiên cứu chuyên giám sát thông tin trên mạng thuộc Đại học Toronto, Canada, hôm qua, 07/02/2024, đã công bố báo cáo về một công ty Trung Quốc, có quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh, đứng sau 123 trang mạng, ‘‘giả danh báo chí địa phương’’, hoạt động tại 30 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Những trang mạng này bị cáo buộc phổ biến các quan điểm có lợi cho chính quyền Trung Quốc, với nhiều thủ đoạn, trong đó có việc tung tin bịa đặt.
Ảnh minh họa: Cờ Trung Quốc trên nền màn hình máy tính. REUTERS - Thomas White
Báo cáo của viện giám sát kỹ thuật số và thông tin trên mạng Citizen Lab chỉ đích danh công ty Trung Quốc Haimai (Hải Mại) chuyên về ‘‘quan hệ công chúng’’ đứng sau chiến dịch tuyên truyền này. Báo cáo của Citizen Lab nhấn mạnh đến việc các trang mạng nói trên tự giới thiệu là các trang thông tin địa phương, ví dụ như trang mạng mang tên Roma Journal, bề ngoài giống một hãng tin địa phương của Ý, với các thông tin nổi bật như ‘‘triển vọng chính trị của thủ tướng Ý", "hội khinh khí cầu ở một tỉnh phía bắc nước Ý" hay "một buổi ra mắt sách.’’ Tuy nhiên, mục ‘‘Thông cáo báo chí’’ ở một góc trang chủ đăng lại một loạt bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc về các chủ đề, như đóng góp của Trung Quốc cho phục hồi kinh tế toàn cầu và nỗ lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Theo báo Ý Il Foglio, trang mạng Roma Journal không phải là một cơ quan báo chí hợp pháp tại Ý.
Công ty Haimai đã không trả lời câu hỏi của Reuters. Hãng tin Anh cũng không thể liên lạc được với số điện thoại của công ty đăng tải trên trang nhà.
Tuyên truyền trước mắt ít gây hại, nhưng hậu quả có thể ‘‘vô cùng lớn’’ Phần lớn nội dung trên các trang mạng, mà Citizen Lab tìm thấy, có nguồn gốc từ dịch vụ thông tin báo chí mang tên Times Newswire, dịch vụ mà các chuyên gia công ty an ninh mạng Mandiant năm ngoái xác nhận là một trung tâm của chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhắm vào người dân Mỹ. Trong số các nội dung có lợi cho Bắc Kinh, có nhiều ‘‘thuyết âm mưu’’ chống Mỹ và các đồng minh, chẳng hạn như đổ lỗi cho các nhà khoa học Mỹ làm rò rỉ virus gây bệnh Covid-19.
Viện nghiên cứu Citizen Lab cho biết chiến dịch này đã bắt đầu từ giữa năm 2020. Theo Reuters, rất hiếm khi các nhà điều tra liên kết được các hoạt động tuyên truyền như vậy với một cơ sở cụ thể của Trung Quốc. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Hàn Quốc (NCSC), một bộ phận của cơ quan tình báo quốc gia, trong một báo cáo vào tháng 11/2023, cũng ghi nhận các liên hệ giữa 18 trang mạng thông tin với công ty Haimai nói trên.
Báo cáo của Viện Citizen Lab kết luận ‘‘chiến dịch mà công ty Haimai đứng sau là một ví dụ về hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng phục vụ cả lợi ích kinh tế và chính trị của Bắc Kinh’’. Citizen Lab kêu gọi cảnh giác, vì đằng sau các thông tin về cơ bản được đánh giá là ‘‘vô hại’’, các cơ sở mạo danh báo chí địa phương đang âm thầm gieo rắc các thông tin sai lệch, ‘‘rút cục sẽ gây ra các ảnh hưởng vô cùng lớn khi một trong số các thông tin sai lệch đó được truyền thông chủ lưu hoặc một số nhân vật chính trị hàng đầu chấp nhận’’.
Theo RFI