logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 08/02/2024 lúc 10:58:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch. Chỉ có hai câu: “Em đây, Vầng Trăng Nhỏ của anh đây, chúc mừng anh năm mới luôn tươi vui”. “Cám ơn em, cũng chúc Vầng Trăng Nhỏ luôn trong sáng trong năm mới”.
Ông sinh năm Canh Thìn 1940, qua bao nhiêu thác ghềnh mà vượt được sáu mươi năm cuộc đời đến đích Canh Thìn 2000, nhận được món quà hạnh phúc thứ hai, không bao giờ tưởng là có được.
Đang miên-man nghĩ-ngợi, thì chuông reo: “Em đây, Vầng Trăng Nhỏ của anh đây, chúc mừng anh năm mới luôn tươi vui; năm nay em muốn nói dài hơn mọi năm, vì năm nay là Giáp Thìn, sáu mươi năm kể từ Giáp Thìn 1964, năm đẹp nhất của chúng ta, tạ ơn anh”.
Ông thoáng rùng mình, nàng nói “đẹp nhất, tạ ơn anh” với giọng trong vắt như của trẻ thơ mặc dù năm nay nàng dã tám mươi. Ông chầm-chậm hít hơi thở thật sâu, kỷ niệm đêm gặp-gỡ thiêng-liêng lúc ông hai mươi bốn tuổi và nàng hai mươi vẫn là món quà hạnh phúc hiếm quí nàng ban cho ông như một cái phao cứu hộ giúp ông vượt qua bao nhiêu đau khổ. “Cám ơn em, cũng chúc Vầng Trăng Nhỏ luôn trong sáng trong năm mới. Tạ ơn em, đã ban cho anh hai món quà hạnh phúc thiêng-liêng, cùng vào năm Thìn 1964, và năm Thìn 2000. Mừng là còn nói chuyện với nhạu ở tuổi bát tuần”
Im lặng, như mọi năm, chờ đến giao thừa âm lịch. Ông pha ly cà-phê đậm, đêm nay có lẽ ông thức trắng, quay lại cả khúc phim đời mình.

***

Ông dọn về căn hộ trong khu nhà già này đã được mười hai năm rồi. Một mình ông thảnh-thơi yên tĩnh trong một vùng không gian thanh lịch, lặng lẽ, nhưng không xa phố chợ Little Sài Gòn bao nhiêu, chỉ năm phút xe là có phở, bún bò, cháo lòng, hủ tiếu... Cũng lạ, mười hai năm trước, 2012 là năm Nhâm Thìn; mình sinh năm Thìn mà cứ vào năm Rồng là đời mình có một sự việc để lại kỷ niệm đẹp.
Sau Tết Nhâm Thìn 2012, ông quyết định về hưu năm bảy mươi hai tuổi, đóng cửa văn phòng địa ốc, bán căn nhà lầu ba tầng gần biển, mua căn hộ phòng đơn trong khu nhà già này. Đời ông vốn cô quạnh từ nhỏ, bây giờ sống một mình lúc tuổi già, ông cũng chẳng thây buồn. Ông nhớ suốt tuổi ấu thơ từ 1940 đến 1954 tại Hà Nội, rồi tuổi thiếu niên 1954-1961 tại Sài Gòn, ông sống trong một gia đinh thượng lưu, giàu sang, như một gia đình mà chẳng phải gia đình. Ông chủ gia đình thượng lưu đó đậu tú tài Pháp, rôi cử nhân luật, trước năm 1946 làm trong tòa thống sứ Pháp Bắc Kỳ, danh giá uy quyền lắm; sau năm 1948 lại làm ở bộ Tư Pháp trong chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Bà chủ là con một thương gia giàu có, bậc nữ lưu thành thị, sanh được hai con trai đều cho đi học trường Tây; anh trai lớn tên Xuân sinh năm 1937, anh nhỏ tênThu, sinh năm 1938. Không biết nguyên nhân bệnh tật gì mà sau khi sinh hai con thì bà không chăn gối được với chồng nữa.
Khu biệt thự rộng lớn có tòa nhà gạch kiểu Tây là chỗ ở của gia đình ông bà; còn phía xa bên kia cái sân là dãy nhà gỗ dành cho thím bếp, cô sen , anh tài xế, mỗi người một căn phòng riêng. Cô sen là mẹ của ông; ông đã qua tuổi thơ trong căn phòng gỗ. Mặc dù chỉ kém hai anh trai một hai tuổi, coi như cùng trang lứa, nhưng không bao giờ ông được phép chơi với các anh, không bao giờ được tham dự những tiệc tùng, giỗ tết ở nhà trên. Cũng may, ông bà chủ còn cho phép ông đi học trường Việt. Cô sen làm những việc vặt ở nhà trên, dọn phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, phòng tắm, giặt-giũ lật-đật cũng hết ngày. Khi ông mười tuổi, bà chủ giao cho việc, đi học về phải vào phòng sách của ông chủ dọn dẹp giấy tờ, lau bụi tủ sách. Ông chủ có nhiều sách chữ Pháp, cũng như chữ Việt mà ông mê man đọc; đó là những tiểu thuyết Tàu dịch ra tiếng Việt, những tiểu thuyết, những tập thơ của nhiều tác giả Việt. Trong phòng đọc sách, ông như sống trong một thế giới riêng, mải mê đọc cho đến khi mẹ gọi xuống ăn cơm.
Đầu năm 1954, ông đủ lớn để nhận định việc đời chung quanh. Có một cái gì bẩt thường sắp xảy ra, khi ông đọc báo do ông chủ mang về. Ông thấy bà chủ mướn người tới đóng gói, quần áo, sách vở. Một buổi trưa đi học về, thím bếp bỗng ôm lấy ông: “Mẹ cháu về quê rồi, nói vài bữa lên lại, vì bà chủ gởi về làm việc gì đó cho bà”. Ông vẫn nhớ lúc nghe tin mẹ, tim ông thót lại, linh cảm một biến cố lớn cho đời mình sắp xảy ra. Quả nhiên lúc nửa khuya, có lệnh bà chủ tất cả ra khỏi nhà. Bên ngoài cổng đậu sẵn một chiếc xe lớn. Thím bếp dắt ông lên xe; đồ đạc gói ghém trong vài va li. Ông hầu như hoàn toàn thụ động. Xe chạy trong đêm vài tiếng đồng hồ; hóa ra xe chạy vào phi trường Gia Lâm. Ông thảng-thốt hỏi thầm thím bếp: “Mẹ cháu đâu?” Thím bếp im lặng, ôm ghì ông, ông thấy nước mắt thím rỏ xuống đầm-đìa vai ông.
Về sau này do thím bếp kể lại, ông mới biết bà chủ dàn dựng một màn kịch thật thâm độc. Vào tới Sài Gòn, gia đình đã có sẵn một biệt thự lớn không kém gì ở Hà Nôi. It lâu sau ông mới biết, ông bà chủ có thế lực lớn. Bà chủ là con nhà thương gia, rất nhạy bén, mua sẵn nhà trong Sài Gòn, khi vào tới là có chỗ ở ngay. Cũng một tòa nhà kiểu Tây cho gia đình ông bà chủ; chị bếp và anh tài xế và ông ở mép vườn; chỉ thiếu có mẹ của ông. Hai anh trai vẫn học trường Tây, ông được đi học ở một trường tư thục chương trình Việt.
Mất mẹ, ông cảm thấy mình giống một con chó hoang, lủi thủi đi, về, ăn, uống; ông vùi đầu vào cái kho truyện trong tủ sách của ông chủ. Đã học lớp đệ ngũ rồi, lớn rồi, hằng đêm tự hỏi mình là ai trong cái nhà này, tại sao người ta đuổi mẹ đi mà giữ lại đứa con; ông đã nảy ra ý định bỏ đi, tự mưu sinh, không thể sống mãi ở đây như một bóng ma.
Khoảng một năm sau, khi có đợt di cư từ miền Bắc, bỗng có một người trong họ của bà chủ dẫn đến một bé gái khoảng mười tuổi. Thím bếp cho ông biết nó là con gái của em ruột bà chủ, mồ côi, bà chủ nhận nuôi coi như con đẻ, cho đi học trường Tây như hai anh trai. Bà chủ gọi nó là Tiểu Nguyệt, chắc là trong họ có bà lớn nào tên Nguyệt. Lúc mới đến trông nó lem luốc, mà lạ thay, vài tháng sau nó trông thật mượt-mà, xinh xắn. Bà chủ chả thèm giới thiệu nó cho ông, vì bà coi ông như thứ người ăn người làm, còn Tiểu Nguyệt thuộc giai cấp trên mà.
Một buổi chiều, đi học về, ông đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp trong phòng sách, thì Tiểu Nguyệt bước vào, ngạc nhiên hỏi: “Anh đọc được chữ Pháp à, giỏi thế?” “Vì trong chương trình Việt có dạy hai sinh ngữ Pháp Anh, nên tôi thích cả hai, cứ đọc một mình mò mẫm, tra tự điển mỏi tay, nhưng tôi chỉ đọc mà không nói được tiếng Pháp cũng như tiếng Anh vì trường đâu có dạy nói”. Ông đang học đệ tam trung học đệ nhị cấp; Tiểu Nguyệt kém ông bốn tuổi, đang học lớp đệ lục trường Marie Curie, ra dáng một tiểu thư con nhà giàu.
Cô nói hồn nhiên: “Mỗi chiều em sẽ đến phòng sách nói chuyện với anh bằng tiếng Pháp nhá”. “Nhưng bà chủ biết được thì sao?” Cô tròn mắt ngạc nhiên: “Thì sao? Thì em nói với mẹ là có người để luyện tập đàm thoại”. Từ ngày đó, ý định bỏ nhà đi dần tan biến; ông như người chết đuối bám được cái phao cứu hộ, ông tự hứa cố gắng thi xong tú tài hãy tính. Những đêm thao thức ông lấy giấy viết theo cảm xúc những câu chuyện đời, buổi chiều khi đi học về, ông ghé mấy tòa báo gởi đăng. Ông bịa ra những bút hiệu khác nhau với những tờ báo khác nhau. Bỗng có lần, một nhân viên của một tòa soạn gọi ông vào, nói truyện ngắn nhi đồng của cậu tuần rồi hay lắm, tặng cậu vài chục đi ăn kem nhá. Ông mừng rỡ, cầm tiền đạp xe đến cổng trường Marie Curie đón Tiểu Nguyệt, mời cô đi ăn kem.
Tiểu Nguyệt nói: “Anh giỏi quá, tự kiếm tiền được rồi” “Chó ngáp phải ruồi, lâu lâu mới được vài chục, nhưng cũng vui”. Sau đó cứ vài bữa ông lại đón cô đi ăn uống vặt, hôm thì bò khô đu đủ, hôm thì đậu đỏ bánh lọt, hôm thì bánh tôm. Dần dần hai người gọi nhau anh em lúc nào không hay.
Có lần Tiểu Nguyệt đưa cho ông xem một bài luận sắp nộp cho cô giáo. Ông xem rồi “phê” ở đầu trang: “Vầng Trăng Nhỏ có nhiều ý lạ, nhưng coi chừng lạc đề”. Tuần sau, cô khoe nhờ anh phê nên em sửa lại, được điểm cao. Từ đó, mỗi khi cô nhắn tin gì với ông, cô đều ký tên Vầng Trăng Nhỏ.
Khi đậu xong hai phần tú tài, ông thầm cảm ơn cô đã giúp ông vượt qua nỗi cô quạnh mà học hành đỗ đạt. Ông đã sắp đặt mọi sự rồi, quyết định bỏ nhà, làm đơn vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, không cho ai biết, ngay cả thím bếp. Hai anh trai đã đi du học bên Pháp. Ông viết một bức thư cám ơn ông bà chủ, thím bếp, anh tài xế, và Tiểu Nguyệt đã nuôi cho ông khôn lớn đỗ đạt. Ông lặng lẽ ra đi. Quân trường giúp ông quên hết mọi phiền muộn.
Ông không cần suy nghĩ đi lính để làm gì; ông không thuộc giai cấp thống trị, cũng chẳng thuộc giai cấp bị trị, chẳng là thành phần bần cố nông, chẳng là trí thức tiểu tư sản; chẳng có nhãn hiệu nào đúng để dán lên con người ông; ông chỉ muốn quên hết mọi dĩ vãng, cùng lắm một phát súng trên chiến truòng là xong. Hiện giờ ông không phải ăn cơm của bà chủ, thế là trong lòng thấy nhẹ nhàng. Còn nói đi lính để chiến đấu cho một lý tưởng nào đó thì lẽ ra hai anh trai phải xung phong chứ, sao lại trốn đi ngoại quốc; vì ông chủ nằm trong tầng lớp lãnh đạo mà, phải làm gương chứ?
Những ngày khóa sinh được phép tiếp thân nhân, ông nằm trong trại hay lên thư viện, xuống canteen làm vài chai bia. Ông có thân nhân nào mà thăm với hỏi. Bỗng một lần, có loa gọi ông ra gặp thân nhân, ông choáng người. Ông hồi hộp nghĩ hay là Tiểu Nguyệt ? Đúng rồi, từ lâu ông tự dối mình, ông mong nàng đến, năm nay nàng đã học đệ tam, tuổi thiếu nữ mười sáu trăng tròn đẹp như mơ. Ông là dòng suối khô cạn, nàng như nguồn nước trên núi cao đổ xuống an ủi đời ông. Nhưng người đến thăm ông lại là thím bếp. Thím ôm ông khóc òa; thím nói thím giấu bà chủ, chỉ có ông chủ biết, gởi cho cháu gói này; hôm nay là dịp duy nhất thím nói hết sự thực cho cháu. Thím nói cháu hãy mở gói quà của ông chủ ra trước. Một bức thư ngắn viết ngay ngắn trên một vuông giấy nhỏ, chỉ có vài giòng : “Bố xin con tha thứ cho bố vì đã vô trách nhiệm sanh con ra mà không dưỡng dục. Xin con nhận món quà nhỏ này”. Đó là một lượng vàng. Ông thẫn thờ, gục đầu trên gối. Hóa ra những điều ông từng thao thức hằng đêm tìm câu trả lòi cho bao nhiêu câu hỏi, bây giờ đã rõ.
Thím bếp kể, khi bà chủ sinh con trai thứ hai, bà cảm thấy trong người suy yếu, về quê mướn một cô gái nghèo làm cô sen chăm sóc hai đứa con. Cô gái quê mười tám tuổi, lúc mới lên thành, trông lam-lũ, vậy mà mấy tháng sau tự nhiên trổ mã, đẹp mẩy, khỏe mạnh không như các cô gái thành thị. Bà chủ càng ngày càng gầy đi, hình như không còn làm việc chăn gối được, cuối cùng bà phải vào bệnh viện nằm mấy tháng mới bình phục. Bà về nhà được vài tuần thì phát hiện việc động trời, cô sen nôn mừa, triệu chứng có thai. Thím bếp đã biết trước sắp có sóng gió nổi lên. Nhưng bà chủ đầy bản lãnh, âm thầm dặn thím cách ly cô sen, kín đáo săn sóc cô, dò hỏi ngọn ngành. Nếu có ai biết, gạn hỏi thì nói chồng cô ấy ở quê đã bỏ cô. Bà chủ đã biêt ai là tác giả cái thai trong bụng cô, bà muốn giữ danh giá gia đình không làm ầm lên. Chính bà thú thực với thím bếp là do lỗi của bà không đáp ứng được nhu cầu của ông chủ. Tuy vậy trong lòng, bà hận lắm, bà nghĩ chính cô sen đã quyến rũ ông trong thời gian bà nằm bệnh viện.
Đến ngày sinh nở của cô sen, bà chạy tiền để đứa con mang họ của mẹ, không dính dáng gì đến họ của ông chủ. Hàng xóm, bà con nội ngoại chỉ xì-xào là cô sen có chồng ở quê đã bỏ cô , may được ông bà chủ cưu mang. Vì thế, đứa con sinh ra mặc dù mang huyêt thống của ông chủ, nhưng bị coi là hạng người ở.
Khi bà sắp xếp kế hoạch di cư vào Nam năm 1954, bà đã tính sẵn bỏ cô sen lại, chỉ đem đứa con theo như một cách trả thù người con gái xinh đẹp đã quyến rũ chồng bà. Trong bao nhiêu năm bà không hề trách cứ đay nghiến ông chủ, nên ông cũng đóng kịch không dám tỏ ra săn sóc đứa bé. Còn hai người anh trai, thì chẳng bao giờ thèm chơi với hạng đày tớ; nhưng thím bếp nói bà chủ vẫn còn chút lương tâm mà cho đứa bé đi học.
Nghe xong chuyện, ông cầm lượng vàng đặt trong tay thím: “ Xin thím chuyển lời cảm ơn bố cháu, coi như cháu đã nhận quà, cháu xin tặng lại thím để lo lúc tuổi già; cháu thừa sức kiếm được gấp trăm lần . Thím đừng nói việc này cho bất cứ ai nhá”.

***

Trong chín tháng quân trường, ông góp nhiều bài viết cho đặc san của trường, được trung úy chủ bút khen ngợi; khi tốt nghiệp ông được chia vào ngành tâm lý chiến, có lẽ do trung úy đề bạt; ông thầm cảm ơn phòng sách của bố đã giúp ông đọc bao nhiêu truyện làm căn bản cho sự viêt lách sau này. Với lon chuẩn úy, ông lên đường đi nhận công tác tại môt quân trường huấn luyện tân binh.
Phòng tâm lý chiến của quân trường có một ban văn nghệ hàng tuần đi ca hát cho các đại đội khóa sinh, có hai hạ sỹ quan chơi guitar, bốn hay năm cô ca viên. Giữa chốn đao binh khô khốc, sự xuất hiện của các cô được các khóa sinh tân binh gọi là những bông hồng mát mẻ. Ông được đại úy trưởng phòng cho chỉ huy ban văn nghệ, có nhiêm vụ chọn bài hát phù hợp từng mùa chiến dịch, đồng thời phụ trách làm đặc san cho trường. Gân gũi tân binh, ông thấy thương xót vô cùng, phần lớn nhà nghèo, it học; ông nghĩ nếu mình không có bằng tú tài thì chắc cũng rơi vào lớp binh nhì như họ; ông lại thầm cảm ơn bà chủ, mặc dù có tội phân ly mẹ con ông, nhưng cũng còn chút lương tâm cho ông đi học.
Hằng tháng có những tiểu đoàn tác chiến luân phiên về dưỡng quân; ban văn nghệ của ông phải đi sinh hoạt nhiều hơn; ông có dịp tiếp xúc với nhiều vị tiểu đoàn trưởng cùng những chiến binh mỏi mệt trong chiến trận. Ông có nhiều đề tài để viết. Có một lần, hêt sức bât ngờ, ông gặp lại bạn học cũ hồi trung học bây giờ là tiểu đoàn trưởng ; hai người mừng rỡ; nhìn nét phong sương của bạn, ông không nào ngờ ngày trước anh ta là môt thư sinh ẻo lả, hiền như bụt; ông ôm bạn chảy nước mắt, sao chiến tranh lại tàn khốc đến thế, lẽ ra bạn đã ra trường làm giáo sư sống đời bình lặng. Ông cay đắng nghĩ tới hai anh trai của ông đang sống sung sướng bên trời Tây; sao đời nhiều bất công thế nhỉ ? Người đã sướng lại sướng nhiều hơn; kẻ đã khổ lại gánh thêm khổ.
Cùng ngồi uống bia trong canteen, anh bạn nói: “ Khi nào ông chán việc văn phòng thì ra tác chiến với tôi; chiến binh của tôi cần được an ủi từng ngày nơi mặt trận, chứ không phải lâu lâu về dưỡng quân nghe vài bài hát vô vị”.
Câu nói của anh bạn ám ảnh ông mãi nhiều năm sau. Ông nhớ tiểu thuyết Tàu HÁN SỞ TRANH HÙNG kể cuộc chiến tranh giữa Hán Vương Lưu Bang và Sở Bá Vương Hạng Võ. Hạng Võ oai phong lẫm-liệt, binh hùng tướng mạnh mà thua tiếng sáo êm đềm Trương Lương. Suy nghĩ so sánh, ông dự cảm dân miền Nam đang bị ru trong tiếng sáo Trương Lương.
Vào dịp Tết Giáp Thìn 1964 , ông đã ở trong quân ngũ được bốn năm, đã đeo lon trung úy. Đúng xế chiều mùng 1 Tết, ông ngồi trực trong văn phòng, bỗng chuông điện thoại reo từ cổng gác ngoài trại, báo trung úy có người thân tên Tiểu Nguyệt muốn gặp. Ông như rớt từ mặt trăng xuống, trong một giây tim ông như ngừng đập. Ông đứng dậy cố nén luồng cảm xúc dường như làm da mặt ông tái đi. Ông từ từ đi ra cổng. Ông đã xa nàng gần năm năm rồi; năm nay nàng hai mươi, nhanh quá. Nàng ngồi chờ trên ghế phòng khách, áo dài trắng, gương mặt như thiên nữ ngóng chờ.
Ông cố tự chế, không lộ vẻ bất bình thường, khẽ reo lên: “Ô Vầng Trăng Nhỏ”. Nàng giơ bàn tay thon nhỏ che miệng cười. Nàng nói: “Sau khi thi xong tú tài em mới rảnh rang đi tìm anh, dò hỏi nhiều nơi mới biết anh đóng quân tại đây; em mời anh vào tỉnh ăn Tết với em”.
Ông thấy mình như một chú học trò nhỏ riu-ríu vâng lời cô giáo; trở vào nhờ một anh bạn trực ban, gọi điện thoại xin phép đại úy trưởng phòng. Mấy Tết rồi, đại úy không thấy ông có thân nhân nào đến thăm, cũng chắng có nhà mà về, toàn là tình nguyện trực thay cho bạn hữu, ông thương trung úy lắm, cho mượn xe jeep chở “đào” đi ăn Tết.
Hóa ra nàng ở trong một khách sạn sang trọng, hai người bước vào phòng ăn, chọn bàn. Ngồi đối diện nàng, ông vẫn tưởng như mình đang ngủ mơ. Nàng nói: “Trông anh rắn-rỏi hơn xưa, anh có thấy em khác nhiều không?” “Em còn đẹp hơn tiên”. “Anh lên trời khi nào mà gặp tiên?
Vài câu mở đầu câu chuyện làm ấm dần tình lạnh mấy năm; nàng kể chuyện nhà, cho biết anh Xuân đã làm giáo sư văn chương tại một trường trung học, anh Thu làm kỹ sư cơ khí trong một hãng xe hơi, mẹ càng ngày càng yếu có dấu hiệu mất trí nhớ, bố vẫn khỏe, tráng kiện lắm, còn thím bếp xin về quê dưỡng lão. Ông băn khoăn tự hỏi nàng có biết chuyện về mình không? Trông nàng vẫn hồn nhiên như chẳng để ý đến sự đời ô trọc.
Ăn chiều xong thi trời sẩm tối, ông và nàng sánh vai đi trong công viên, như chẳng muốn rời xa nhau. Đến một bụi cây khuất, bỗng nàng dừng lại, đột nhiên ôm vai ông, thì thầm bên tai ông: “Tối mai em lên máy bay qua Pháp rồi, em muốn anh ở lại với em đêm nay”. Da thịt và hơi thở nàng thơm ngây ngất; bản năng nam nữ bùng lên khiến ông không kiềm chế được, ôm siết nàng . Bỗng ánh trăng trong vắt chiếu vào mắt ông, ông bừng tỉnh: “Không, Vầng Trăng Nhỏ của anh , em như giải lụa trắng trong, anh không thể... không thể...”
Nàng cũng như tỉnh giấc, khẽ nói:“Tạ ơn anh”. “ Tạ ơn em đã ban cho anh hạnh phúc chưa bao giờ anh có trên đời”
Lần chia tay đó ông nghĩ là vĩnh viễn rồi; đêm thao thức trong doanh trại, nhớ lại phút giây mê đắm trong công viên khách sạn làm ông rùng mình, suýt nữa hai đứa đã sa vào tội lỗi nhơ-nhuốc.

***

Sau biến cố Mậu Thân 1968, ông thăng chức đại úy, làm trưởng phòng thay cho sếp cũ lên thiếu tá chỉ huy phó quân trường. Một hôm, bỗng có điện thoại reo từ bộ chỉ huy trung đoàn X đóng ở Quảng Trị, nhận ngay ra giọng anh bạn cũ, Anh ta nói anh đã thăng trung tá làm chỉ huy phó trung đoàn, muốn mời ông về làm trưởng phòng tâm lý chiến trung đoàn. Ông đã dự định từ lâu muốn ra thực tế tác chiến, sống gần các chiến binh đáng thương. Ông luân phiên theo các tiểu đoàn hành quân, nhờ vậy trải qua nhiều kinh nghiệm quý báu giúp ông hoàn thành thành công cuốn đặc san trung đoàn đươc anh bạn giao phó làm chủ bút. Cuốn đặc san gồm nhiều bài vở viết theo thực tế từ nhiều người viết, từ anh binh nhì, bác thượng sĩ già, cho đến cấp sĩ quan.
Hai bạn rất tương đắc, hợp tính nhau. Anh bạn cũng là loại độc thân kinh niên, anh nói không dám lấy vợ vì sợ chết trận bất ngờ làm khổ người phụ nữ. Ông nghĩ nếu cái đêm mùng một Giáp Thìn 1964 mà xảy ra chuyện thì nàng đã là vợ ta, đời nàng khổ biết mấy. Bây giờ hẳn là nàng đã tốt nghiệp đại học, đã lấy chồng giàu sang phú quí, còn ta, không tiền, không bạc, không danh, không nhà cửa; không lẽ lại kéo nàng tiên từ thiên đình xuống sống lây-lất trong trại gia binh. Ta cám ơn ánh trăng công viên đêm đó đã giúp ta bừng tỉnh.

***

Chả biết mạng ta là gì mà qua bao nhiêu rừng bom mưa đạn đều thoát chết; thật tình trong đáy sâu tâm hồn, hình như ta có khuynh hướng chán chường cõi người, chẳng sợ chết, nhất là từ ngày thím bếp vào quân trường thăm ta kể chuyện, rồi người yêu đi xa như cánh sao băng biến vào đêm đen vô tận. Mùa hè đỏ lửa 72 qua đi, chiến sự 75 qua đi, ta cùng anh bạn chạy qua biên giới Lào tìm đường vào Thái Lan, rồi qua Mỹ năm 1976. Được tin bố ta đã mang bà chủ bệnh hoạn qua Pháp trước khi Sài Gòn thất thủ. Số ông bố thật sướng, đi đâu là có nhà cửa sang trọng sẵn sàng. Ta chán chường cái trò đời đạo đức giả; ông là cấp lãnh đạo mà bỏ chạy trước tiên, 54 cũng như 75, trong khi ta và những chiến binh của ta còn đang lặn lội bìa rừng khe núi.
Anh bạn vốn giỏi toán, học lên thành kỹ sư, tìm được việc làm ổn định; còn ta với cái vốn văn chương vô tích sự chẳng tìm được việc gì ra hồn. Có lúc xin được chân cầm bảng “Stop” trong trường học, ngăn xe cộ cho học sinh qua đường; có lúc đi bỏ báo từ ba giờ sáng... Được ba bốn năm ta xin được chân cắt cỏ của môt công ty Mỹ Landscaping chuyên săn sóc vườn cây các nhà giàu trên đồi.
Một buổi sáng ta đang tỉa cây trong vườn hoa rộng lớn của một tỷ phú làm chủ mấy trung tâm thương mại. Bỗng thấy ông chủ đi cùng một khách trông bệ vệ sang cả lắm, bước vào vườn. Ta mặc quần áo công nhân bám đầy bụi , hai ông mặc sơ mi cà- vạt, giày bóng láng. Ta ngạc nhiên khi thấy hai ông nói chuyện với nhau bằng tiêng Pháp; lắng nghe, hóa ra ông khách từ Paris qua, hẳn là hùn vốn làm ăn cùng ông chủ, sang Mỹ bàn bạc chuyện mở rộng kinh doanh. Chắc hẳn ông chủ cũng là người Mỹ gốc Pháp. Họ đi ngang chỗ ta, ta bỗng vọt ra câu chào tiếng Pháp và khen ngợi vườn hoa của ông chủ sao hao hao giống vườn Lục-Xâm-Bảo.
Hai ông tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, dừng lại hỏi han bằng tiếng Pháp. Ta cám ơn Tiểu Nguyệt đã luyện cho ta đàm thoại hàng ngày nên bây giờ ta lưu loát nói chuyện với hai ông rất tự nhiên. Ông khách tò mò muốn biết gia thế của ta; khi biết bố ta xưa làm tòa thống sứ Bắc Kỳ, một anh trai làm giáo sư văn chương Pháp, một anh làm kỹ sư hãng Renault, cô em cũng làm giáo sư bên Pháp thì ông tỏ ra vui mừng. Hai ông mời ta vào phòng khách nói chuyện. Cám ơn phòng sách
của bố đã giúp ta có chút kiến thức về văn hóa, văn học Pháp, nên hôm đó ta đã chinh phục được hai đại gia. Chó ngáp phải ruồi. Sau một giờ nói chuyện, lại biết thêm ta từng là cựu quân nhân, ông khách đề nghị ta làm việc cho ông với tư cách đại diện thương mại của ông tại Mỹ, lương bổng cao.
Đời ta lên hương từ đó; hai chục năm làm việc với hai ông, ta học hỏi nhiều kinh nghiệm làm ăn trong xứ Mỹ, tự mình mở văn phòng địa ốc giao dịch cấp liên bang. Ta đã mua căn nhà ba tầng gần biển làm nơi tiếp khách bốn phương. Nhớ xưa kia trong quân trường Thủ Đức, ta đã nói với thím bếp, cháu biếu thím lượng vàng này, vì cháu sẽ kiếm gấp trăm lần.

***

Năm Canh Thìn 2000, kỷ niệm sáu mươi năm sống sót trên đời, ông nhận được hai điều vui. Một tuần trước giao thừa, ông nhận một cú phone từ Pháp. Vừa nghe giọng, ông đã reo lên: “Ô, có phải là Vầng Trăng Nhỏ không?” Làm sao ông quên được giọng của nàng? Từ 1964 đến nay đã ba mươi sáu năm rồi, nàng đã năm mươi sáu tuổi, ông không dám tỏ ra vồn-vã quá, e rằng có chồng nàng bên cạnh. Nhưng giọng nàng vẫn hồn nhiên tưởng như còn độ thanh xuân : “Đúng là anh rồi, mừng quá, mùng một Tết Canh Thìn em sẽ qua thăm anh”.
Lạ thật, đời ông cứ như trong cơn mơ, bao nhiêu lần như từ mặt trăng rớt xuống. Ba mươi sáu năm trước, nàng bất ngờ đến quân trường thăm ta vào mùng một Tết; năm nay nàng lại đến Mỹ mùng một Tết. Ông bồi hồi nhớ cái đêm trong công viên khách sạn; lần này thì sao đây? Nàng sẽ đến một mình hay với chồng con nàng? Dù sao, biết tin nàng, còn hơn là “biệt vô âm tín”.
Thà là nàng bất ngờ đến, còn hơn hẹn trước khiến ông mất ngủ cả tuần. Đêm giao thừa, ông tham dự một buổi “countdown” với một tổ chức cộng đồng người Việt thật là cảm động. Người Việt mình khôn quá, một năm đón giao thừa đến hai lần, tây lịch và âm lịch. Nhạc giao thừa vừa bằng tiếng Mỹ vừa bằng tiếng Việt, đúng là Mỹ Việt đề huề. Đồng ca đón giao thừa vừa dứt, điện thoại của ông reo, giọng Tiểu Nguyệt vang lên: “Chúc mừng anh năm mới, em vừa ra khỏi phi trường, đang lấy taxi về khách sạn, mười giờ sáng mai sẽ gặp anh tại văn phòng địa ốc”.
Đó là việc hai mươi bốn năm trước, ông nhớ lại, nàng vẫn còn thanh tân không lập gia đình, sinh sống bằng nghề dạy học, săn sóc mẹ lúc tỉnh lúc mê. Nàng kể, mẹ hay gọi anh là thằng bé, có lúc nói như mê sảng : “Khi nào con gặp thằng bé, nói mẹ có lỗi với nó, với mẹ nó”.
Hỏi về anh lớn, nàng nói: “Em chán cái ông gàn dở đó, cái gì cũng Tây là nhất, sợ và ghét cộng sản nhưng lại làm dáng thiên tả tiến bộ, chê Việt Nam chẳng có tác phẩm nào có tầm vóc thế giới, được mỗi cái truyện Kiều mà cứ khoe, đọc chỉ thấy tên Tàu có thấy gì Việt đâu”. Em cãi lại: “Thế em đố anh dịch ra tiếng Pháp sao cho hay, cho hợp với ý tác giả: Sè-sè nấm đất bên đường, dàu-dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh’. Tàu làm gì có chữ sè-sè, dàu-dàu”. Ông dè-dặt nói: “Em đẹp, sang, trí thức vậy, thiếu gì chàng ao ước, sao không lập gia đình?” Thoáng một giây, ông thấy mắt nàng nhìn ông như hờn giận, nhưng nàng cười giòn: “Nhớ anh hoài làm sao lấy chồng?”
Khi nàng về lại Paris, ông nghĩ hai đứa không thành vợ chồng lại là một cái hay; trong lòng ông luôn kính ngưỡng nàng như một thiên nữ trong trắng mà không dám làm ô uế. Cứ yêu nhau như vậy là hạnh phúc rồi; buộc vào hôn nhân, có khi hạnh phúc vỡ tan.
Nửa năm sau, lại một sự cố bât ngờ xảy đến. Một người khách khỏang bốn mươi, ăn mặc chải-chuốt đến nói với cô thư ký văn phòng xin gặp riêng ông chủ. Ông mời vào phòng riêng. Anh ta nói: “Xin lỗi ông giám đốc, xin đường đột hỏi ông có phải xưa kia ông đã từng ở Hà Nội, số nhà như vầy, rồi ở Sài Gòn số nhà như vầy”. Ông kinh ngạc nhìn người khách, thầm nghĩ hay tay này là công an trong nước ra điều tra lý lịch ông, vi ông từng là quân nhân chế độ cũ trốn học tập cải tạo.
Ông đang phân vân chưa biết trả lời thế nào, thì người khách chắp tay vội vã nói: “ Xin lỗi đã làm ông nghi ngại, em là con của bà Trần thị N. từng làm cô sen trong nhà ông bà phán ở Hà Nội từ 1939 đến 1954; mẹ em gởi em qua đây để tìm gặp anh lớn của em tên là Trần văn T. Công ty địa ốc của anh nổi tiếng nên mẹ em mới biết”.
“Thế ra bà N. đã lấy chồng sau 1954”.
“Dạ đúng thế, năm 1956 lấy một trung úy, đến 1960 sinh ra em, năm 1975 ông lên đến chức đại tá ngành công binh; ông giao dịch với nhiều công ty địa ốc nước ngoài, nhờ vậy mới tìm ra anh. Xin anh đừng nghi ngại, việc này không dính dáng gì đến công an.Em tên Thanh
hiện đang làm trong ngành xuất bản phát hành sách”.
Ông nhẩm tính trong đầu, nói: “Vậy là bà năm nay đã gần tám chục rồi”.
“Dạ, chính xác là bảy mươi tám ạ”.
Ông mừng là mẹ còn sống sau chiến tranh, bây giờ lại có danh phận trong xã hội mới, ở vào tầng lớp thống trị rồi, quả là một cuộc đổi đời.
“Mẹ nói nếu gặp anh con thì mời anh về gặp mẹ vì bà già rồi không biêt chết lúc nào”.
Ông nghĩ làm sao ta về được, nguy hiểm đến thân mạng, lý lịch của ta đã vào hồ sơ đen, làm trong ngành tâm lý chiến, lại trốn đi nước ngoài. Ta đã quen nếp sống tự do, không dại gì tự chui vào rọ. Vả lại xưa kia ta đã ở trong tầng lớp dưới, bây giờ ta về cũng lại bị xem như tầng lóp nhân dân bị trị thôi.
Ông lắc đầu nói: “Anh thương nhớ mẹ, nhưng anh không thể về được, nhờ chú nói lại anh mừng là mẹ bây giờ đã hết đau khổ”.

***

Hai tách cà phê đậm làm ông thức đến bốn giờ sáng, nhưng không thấy buồn ngủ. Ông muốn nhẩm lại lời Tiểu Nguyệt chúc Tết vừa qua. Ông mong ước trong những năm cuối đời ông được hưởng một hạnh phúc lớn, được sống bên nàng.
Cái tam giác bi kịch của gia đình ông đã tan biến rồi, sau khi ba nhân vật lần lượt qua đời; mẹ ông 82 tuổi, bố ông 85 tuổi, bà chủ 95 tuổi. Bà chủ thọ nhất, nhưng theo lời kể của Tiểu Nguyệt thì bà qua những năm cuối đời thật vật-vã đau đớn vì bệnh tật, nửa sống nửa chết lúc tỉnh lúc mê; khi bà hấp hối, mê sảng nói thều-thào: “Tiểu Nguyệt, khi nào gặp thằng bé nói mẹ có lỗi với nó, với mẹ nó”. Ông mơ hồ thấy cái tam giác bi kịch trong gia đình ông là một phiên bản thu nhỏ của cả một xã hội lớn.
Sau khi mẹ chết, Tiểu Nguyệt về hưu, năng viết thư cho ông; mỗi lá thư của nàng là một bảo vật đối với ông; ông cho mỗi cái vào một trang album; gần mười năm có đến ba cuốn. Trong lá thư tháng trước, nàng báo đang sắp xếp chuyện bán nhà để qua Mỹ đoàn tụ với ông; nàng viết “Chúng mình đã chờ nhau quá lâu”.
Ông nhớ lại lời nàng chúc giao thừa tây lịch vửa qua, nàng muốn kỷ niệm sáu mươi năm Giáp Thìn 1964-2024 tại Mỹ. Ông mong thời gian bay nhanh để cùng nàng đón giao thừa âm lịch.


Ngày 1 tháng 2 năm 2024
Đào Ngọc Phong
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.327 giây.