logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 09/02/2024 lúc 07:02:30(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,241

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!

Ngự Chiêu hỏi Thư Hương:
“Năm nay ông chú của Hương có mở gian hàng máy bay vòng quanh Việt Nam nữa không?”
Thư Hương trề môi:
“Năm ngoái ổng bị lỗ sặc gạch luôn. Chiều ba mươi tính sổ xong thấy trong két sạch bách mà còn nợ tiệm bánh Đông Hưng gần mười ngàn đồng nữa!”
Ngự Chiêu phì cười:
“Nếu ai cũng lỗ như chú thì sao năm nay thiên hạ vẫn ùn ùn đăng ký mở gian hàng như thường vậy?”
Thư Hương cấu bạn một cái:
“Chiêu ngu thật! Họ thiếu gì mánh khoé để hốt bạc. Tại chú của Hương hiền lành thật thà quá đó chứ. Ai đời giải thưởng lại đi bê toàn thứ xịn về thì không bán nhà trả nợ cũng còn may. Mấy gian hàng kia họ đặt hàng dỏm không hà. Này nhé, pháo họ mua thứ nổ một viên thì tịt mười viên, rượu thì pha nước trà vào, dán nhãn đủ màu cho hấp dẫn, thuốc lá Nha Trang đầu lọc làm bằng lá đu đủ trộn lá khoai mì xắt nhỏ, phơi khô rồi ướp mùi, còn hột dưa thì họ mua thứ chẳng cần rang gì cả, chỉ phơi nắng cho khô rồi nhuộm màu đỏ choé vô là đủ. Như vậy thì làm sao không có lời cho được?
Ngự Chiêu cười ngất:
“Sao Hương rành dữ vậy?”
Thư Hương như vẫn còn ấm ức:
“Chưa hết đâu. Trước tiên họ còn rủ nhân viên của ban văn hoá thông tin đi nhậu một chầu no say để họ giảm lệ phí hằng ngày cho. Trừ đi phí tổn bữa nhậu tính ra họ cũng còn lời chán.
Ngự Chiêu vuốt ngực Thư Hương:
“Thôi hạ hoả đi bồ. Chiều hăm ba này tụi mình hẹn nhau đi chợ Tết nghen! Họ sẽ khai trương vào lúc bốn giờ đó.”
Thư Hương thở ra:
“Có cái khỉ gì đâu mà coi. Cũng ba cái trò chơi nhảm nhí đó xào đi nấu lại hoài.”
Ngự Chiêu cười gượng:
“Thì Chiêu cũng muốn tụi mình đi chơi cho đúng lệ hằng năm vậy mà.”

Thư Hương hứ một tiếng dài. Nói vậy chứ đúng ba giờ chiều ngày hăm ba, cô cũng cọc cạch đạp xe tới nhà Ngự Chiêu rồi hai cô cùng đi. Ngự Chiêu dắt chiếc xe đạp màu trắng sữa của cô ra, nhẹ nhàng leo lên. Hai cô thong thả đạp xe thẳng xuống biển hóng mát một vòng trước. Nắng chiều vàng ruộm trải trên những ngọn cây và làn gió mát rượi từ biển thổi vào khiến Ngự Chiêu thấy lòng nhẹ tênh thật dễ chịu. Con đường biển kéo dài hun hút trước mắt, toàn là xe đạp chạy ngược xuôi. Mặt biển xanh ngắt, sóng vỗ lăn tăn, dịu êm như một mặt hồ. Nắng làm bừng sáng những hòn đảo xa xa, hòn Tre, hòn Rùa, hòn Đỏ...
Ngự Chiêu mơ màng:
“Nhìn hòn Rùa, Chiêu lại nhớ tới hai câu thơ của Hương.”
Thư Hương lơ đãng:
“Câu nào?”
Ngự Chiêu hắng giọng đọc:
Như đảo Rùa ngàn năm bơi mải miết
Không thể nào xa được Nha Trang
Rồi cô trở giọng bình thơ:
“Bồ đúng là thi sĩ có khác. Chiêu chưa bao giờ có ý nghĩ là hòn đảo có hình dạng con rùa đó đang cố bơi ra ngoài biển khơi mà không thể nào rời xa thành phố này được.”
Thư Hương đăm chiêu hỏi:
“Chiêu vẫn còn có ý định vượt biên sao?”
Ngự Chiêu cười buồn:
“Có muốn cũng không được! Nhưng chẳng lẽ cả lũ tụi mình ở lại như thế này thì không có quyền sống nữa hay sao?”

Hai cô đi hết đường biển, rẽ trái qua toà nhà bưu điện nằm yên tĩnh sau cây bàng lá um tùm toả bóng mát. Qua một con dốc, sự yên lặng ban nãy đã được thay thế bằng quang cảnh rộn rịp của chỗ gởi xe đạp vào chợ Tết. Lúc hai cô vừa xuống xe thì vừa hay một tràng pháo khai trương chợ Tết cũng bắt đầu nổ ròn rã xen lẫn với tiếng hò hét của lũ con nít, làm Ngự Chiêu thấy nao nao trong lòng. Mùi pháo thơm nồng bay trong không gian. Thư Hương nheo mắt hỏi:
“Năm nay ông Táo về trời hai lần, nhà Chiêu đưa cả hai chứ?”
Ngự Chiêu gật đầu:
“Má Chiêu sẽ đưa cả hai ngày. Hy vọng ổng sẽ đủ thì giờ ráp-bo tất cả những khổ đau của dân mình.”

Loay hoay một hồi lâu, Ngự Chiêu và Thư Hương mới xếp được hai chiếc xe đạp vào dãy xe dài ngoằng trước cửa chợ. Dọc theo lối đi vào chợ Tết có những người nhà quê đứng ôm mấy gốc mai chi chít nụ xanh rờn. Một đứa bé độ chín mười tuổi đang cố sức đỡ một cây mai cao gấp đôi nó. Mặt thằng bé đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Thư Hương đứng lại hỏi nó:
“Bao nhiêu cây này vậy em?”
Thằng bé nhướng mắt nhìn xem cô gái này có muốn mua thật hay không rồi mới trả lời:
“Ba chục ngàn tiền cũ.”
Ngự Chiêu le lưỡi:
“Chu choa, mắc dữ vậy! Bằng một trăm tháng lương của mình rồi đó, Hương à.”
Thư Hương hỏi tiếp:
“Sao em không kiếm cái gì chống cái cây lên mà cứ rán đứng giữ nó chi cho mệt vậy?”
Đứa bé đáp thật lẹ:
“Công an tới làm sao chạy cho kịp?”

Thư Hương lắc đầu, khẽ vuốt má nó rồi kéo tay Ngự Chiêu đi. Qua gian hàng trái cây, Ngự Chiêu thấy vui vui trước các màu sắc rực rỡ của thanh long, cam, nho xanh, nho tím, chôm chôm. Dưa hấu xếp cao ngất. Những thứ này mà rớ tới thì phải biết, giá cao bằng trời. Một bà cán bộ hãnh diện ngoắc một chiếc xích-lô lại, chất nửa chục dưa hấu lên trước ánh mắt thán phục của mọi người chung quanh. Bà ta cất cao giọng với cô bán hàng:
“Về xẻ thử thấy ngon ngày mai tôi sẽ ra mua thêm nữa!”

Thư Hương háy mắt với Ngự Chiêu:
“Chơi kiểu này dân cán bộ gọi là “chơi bù”, cho bõ những năm sốt rét ở Trường Sơn.”

Kế bên hàng trái cây là hàng hoa. Từ các giống hoa địa phương đến nhiều loại hồng, lay-ơn ở Đà Lạt chở xuống còn tươi roi rói, trông thật mát mắt. Nhìn quanh, Ngự Chiêu thấy người bán coi bộ còn đông hơn người mua, và người “mua thật” còn ít hơn những người đi xem như hai cô.

Ngự Chiêu và Thư Hương bước vào khu bán bánh mứt. Các gian hàng kề nhau san sát, bày ăm ắp đủ loại mứt, nhuộm màu sặc sỡ theo thị hiếu dân quê. Ở đây cũng có nhiều thứ rượu mang nhãn hiệu rất kêu. Ngự Chiêu nghe nói đây chỉ là cồn 60, 70 độ, có cho thêm màu vào mà thôi. Vậy mà đây là món bán chạy nhất ở khu này. Kế cận là các gian hàng trò chơi. Bước vào đây, khách bị hoà lẫn vào một rừng âm thanh hỗn độn, đinh tai nhức óc. Chủ nhân các gian hàng thi nhau mời những ban nhạc địa phương trình diễn nhạc sống cho thêm phần hấp dẫn. Năm nay có lệnh cấm chơi nhạc ngoại quốc nên họ chỉ dám hoà tấu nhạc không lời. Qua gian hàng máy bay, hai cô thấy một cô bé trạc tám chín tuổi đang cầm micro gân cổ hát “Anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông...” Thư Hương bấm tay Ngự Chiêu:
“Em này còn nhỏ mà đã ranh quá trời!”

Ngoài những trò chơi truyền thống như máy bay, lô-tô, bọ tìm chuồng, ném vòng vịt, năm nay còn có những trò chơi mang “tính thời sự” như ném banh vào mặt “bọn bành trướng” chẳng hạn. Thư Hương kéo tay Ngự Chiêu đứng lại xem. Năm mươi xu một trái banh nhựa, mua rồi tha hồ ném sao cho lọt vào cái miệng to toác hoác của ba tên bành trướng được vẽ bằng một nét cọ hết sức xách mé. Mặt nào mặt nấy béo phì phị, hai mắt ti hí và cái miệng to tướng có thể nuốt trọn một quả banh, trông hết sức kệch cỡm. Thật đúng là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân Việt Nam! Lại còn trò chơi của “anh hùng” Phạm Tuân bay (ké) vào vũ trụ, ghé đến tất cả các hành tinh trong thái dương hệ. Cô bán vé, mắt kẻ xanh lè, chìa vé cho hai cô, miệng mời dẻo quẹo:

“Hai chị mua mỗi người một vé lấy hên cuối năm đi! Chỉ còn có hai vé thôi.”

Anh chàng hoạt náo viên nói to vào micro:

“Đó! Đó! Hai cô đứng bên phải đó. Đừng để cho anh Phạm Tuân chờ lâu mà, mua giùm hai vé đi!”

Ngự Chiêu đỏ mặt lôi Thư Hương qua gian hàng khác. Nơi nào cũng kêu gào, mời mọc mà dường như số vé bán ra rất chậm. Ngự Chiêu đảo mắt nhìn qua những giải thưởng... dỏm mà Thư Hương đã giới thiệu, cười thầm trong bụng. Thiên hạ chen chúc nhau, người nào người nấy cũng đầy mồ hôi mồ kê, bụi bay mù mịt. Thư Hương kéo Ngự Chiêu đi thật nhanh, cô lầm bầm:
“Khi khổng khi không vô đây hít bụi!”

Hai cô len lách một hồi lâu mới thoát ra khỏi rừng người rậm rạp đó. Ngự Chiêu rút khăn tay ra thấm mồ hôi. Nhìn Thư Hương trong bộ áo quần xô lệch, cô không nín được cười. Nhìn bạn đang cau có, cô nhẹ nhàng bảo:
“Vậy là xong thông lệ cuối năm rồi đó. Hẹn Hương trưa mồng một Tết đến nhà Chiêu rồi tụi mình lên nhà nhỏ Nguyên Nhã chơi.”

***

Má Ngự Chiêu ngước nhìn ba cô đang lau chùi bàn thờ ông bà, cất tiếng hỏi:
“Năm nay mình theo lịch nhà nước rước ông bà sớm một tháng, kỳ quá há ông?”

Ba Ngự Chiêu vừa quét bụi vừa đáp:
“Thì tháng sau mình lại rước lần nữa chớ sao bây giờ. Ông bà cũng phải thông cảm cho mình thôi.”


Ngự Chiêu nhìn tờ lịch có con số 30 nhỏ nằm ở góc dưới, rồi bâng khuâng ngó ra khoảng sân rộng có cây cối um tùm phủ lớp nắng chiều sắp tắt. Dù sao đi nữa thì đây cũng coi như là buổi chiều cuối năm. Những ngày giáp Tết thiên hạ đổ xô đi mua sắm theo túi tiền, khiêm nhường hay hào phóng, để rồi rút cả vào nhà trong giờ phút cuối cùng của năm cũ. Lúc trưa Ngự Chiêu khó nhọc lắm mới mua được năm cành hoa cẩm chướng vàng với một giá cắt cổ. Cô mang hoa về cắm vào bình, bày trên cái bàn nhỏ trong phòng cô. Mấy nụ hoa còn hàm tiếu làm căn phòng nhỏ của cô như sáng sủa ra thêm một chút. Cô bần thần ngồi bên bàn, nhìn những cuốn sách trên kệ trước mặt với những cái gáy xanh đỏ đủ màu. Đầu óc cô phiêu phiêu, bềnh bồng. Cô không muốn nghĩ đến một điều gì hết. Mãi đến khi bóng tối đã theo vuông cửa sổ ùa vào phòng cùng với tiếng của chị Ngự Trâm từ phòng khách gọi vọng sang, Ngự Chiêu mới giật mình nhìn quanh thấy căn phòng tối om, vắng ngắt. Cô nhẹ nhàng bước qua phòng khách. Chị Ngự Trâm ngó cô hỏi:
“Làm gì ở hoài trong đó vậy? Ngồi đây coi ti-vi cho vui!”

Ngự Chiêu nhìn qua thấy ba má cũng đang ngồi vừa coi truyền hình vừa chuyện trò. Trên màn ảnh là một chương trình ca nhạc của một số ca sĩ không tên tuổi, ca những bài “tự biên”, nghĩa là tự sáng tác lấy và “tự diễn” luôn cho tiện. Từ lâu nay gia đình Ngự Chiêu vẫn có thói quen tụ tập vào buổi tối trước máy truyền hình để... nói chuyện với nhau. Máy truyền hình chỉ là một cái cớ, vì đa số các chương trình đều ngớ ngẩn, nặng mùi tuyên truyền. Nhưng chẳng sao, miễn có hình ảnh nhấp nháy và tiếng nói, tiếng hát léo nhéo là đủ cho mọi người ngồi lại với nhau, nói bao nhiêu thứ chuyện trong ngày, thỉnh thoảng mới nhìn qua một hình ảnh bất chợt nào đó trên màn ảnh nhỏ, vậy cũng gọi là thưởng thức nghệ thuật rồi! Bây giờ đến lượt cô xướng ngôn viên quen thuộc xuất hiện. Cô mặc một chiếc áo dài hoa hoè hoa sói, phía sau có hình một cành mai và câu chúc mừng năm mới. Cô đang đọc chương trình đặc biệt đêm giao thừa. Ngự Chiêu quay qua nhìn chị:

“Tội nghiệp cô xướng ngôn viên này quá, chị Trâm ơi! Cổ kiếm đâu được cái áo dài đẹp quá mà lên ti-vi đen trắng ngó chẳng ra cái gì hết. Thật là uổng công cho cổ trau chuốt má hồng môi son. Lên ti-vi môi cổ thấy thâm xịt hà!”

Lúc ba Ngự Chiêu đứng lên sửa soạn bày biện bàn thờ cúng ông bà thì trên màn ảnh nhỏ cũng vừa hiện ra một cái đồng hồ chỉ mười hai giờ kém một phút. Ngự Chiêu nhìn cây kim giây nhích từng nấc một, bất giác trong lòng cũng thấy hồi hộp, nôn nao. Lúc chiếc kim giây chập lại làm một cùng với hai cái kim lớn ở số mười hai, màn ảnh truyền hình chiếu một phong pháo đang nổ giòn. Và hầu như cùng một lúc, ngoài kia hàng trăm tiếng pháo khác cũng thi nhau nổ vang trời, át cả tiếng pháo trên truyền hình. Dù biết rằng năm nay ăn Tết trái ngày, Ngự Chiêu vẫn thấy xúc động thật sự giữa giờ phút trời đất giao hoà này. Nơi bàn thờ, ba cô chỉnh tề trong chiếc áo dài the, đang lâm râm khấn vái. Mùi hương trầm thơm ngan ngát bay quyện lấy gian nhà. Không dưng, Ngự Chiêu thấy má mình ươn ướt vì hai giọt nước mắt vô tình lăn xuống, cô cũng không hiểu vì sao. Có lẽ vì nơi đây cô có mùa xuân, có gia đình, có bạn bè, nhưng lại thiếu đi một điều gì to tát lắm, không bao giờ còn tìm lại được.

Cúng kiếng xong, ba Ngự Chiêu lấy một phong pháo ra treo trên cành cây khế trước nhà rồi châm nhang đốt. Phong pháo nổ đì đùng như reo vui, không sót một viên nào. Má Ngự Chiêu cười rạng rỡ:

“Vậy là năm nay hên rồi!”

Chị Ngự Trâm ngáp dài hỏi:

“Chiêu buồn ngủ chưa? Chị mỏi mắt lắm rồi.”

Chị đứng lên đi vào buồng trong. Ngự Chiêu cũng tắt cái ti-vi, bước ra ngoài cửa. Đâu đây vẫn còn lác đác tiếng pháo nổ của những nhà cúng giao thừa muộn. Ngự Chiêu thoáng nhớ đến căn nhà cũ hồi cô còn bé, với những cái Tết năm xưa êm đềm. Cô hình dung thấy mình xúng xính trong chiếc áo đầm mới, tay cầm một xấp phong bì đỏ đựng tiền mừng tuổi, ngồi nhìn mọi người vui Tết. Thoắt một cái đã mười mấy năm rồi. Ngày xưa còn bé, mong ngóng Tết sao thấy thật lâu. Lớn lên, hoàn cảnh đất nước đổi thay, cô không chờ Tết nữa, mà sao ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy Tết trở về. Đã bao nhiêu mùa xuân trôi qua, Ngự Chiêu thấy con người mình mỗi năm một khô héo đi, mỗi năm lạnh lùng thêm một chút; học hành dang dở, việc làm bấp bênh, sống một cuộc đời được chăng hay chớ, nước chảy bèo trôi.

Ngự Chiêu tắt hết đèn đóm trong nhà, trở vào giường nằm thao thức. Giấc ngủ đầu năm không đến, kỷ niệm mơ hồ của những cái Tết tuổi nhỏ chập cùng lên nhau, nhoè nhoẹt. Lúc trời tờ mờ sáng, Ngự Chiêu mệt mỏi thiếp đi được một lúc thì đã nghe tiếng ba lục đục bày biện bàn thờ để cúng ông bà đầu năm. Hai mắt cô cay xè, nhưng cô cũng rán trở dậy. Đầu năm mà.

Ngự Chiêu vừa ăn xong khoanh bánh tét chay thì ba má bảo cô coi nhà để các cụ đi chúc Tết bà con. Chị Ngự Trâm đã có mục sáng mồng một Tết ở nhà bạn bè. Ngự Chiêu đi tắm rồi trở ra, thoải mái trong bộ đồ lụa mềm màu hồng phấn. Cô ngồi hong tóc bên cửa sổ, cạnh chiếc bàn có bình hoa cẩm chướng. Căn phòng của cô vẫn lặng lờ như mọi ngày. Những cuốn sách nằm lặng lẽ trên kệ như làm tăng thêm sự im vắng của gian phòng. Thốt nhiên, Ngự Chiêu đâm ra sợ cái yên lặng này quá. Cô đứng dậy, bật nút cái cassette, tiếng nhạc bay nhẹ trong căn phòng làm cô thấy dễ chịu hơn một chút. Cô pha cho mình một tách trà nhạt, uống từng ngụm thong thả. Cô thấy buồn buồn nhưng cũng rất thích được ở nhà một mình đầu năm như thế này.

Gần trưa mới có vài người quen của ba má đến xông đất. Ngự Chiêu thở phào nhẹ nhõm khi người đầu tiên đến là một người lanh lẹn, cởi mở. Cô cười thầm vì thấy mình cũng tin dị đoan y hệt như mà cô vậy. Ngự Chiêu vừa tiễn người khách thứ ba ra cổng thì Thư Hương dắt xe vào. Cô nói liến thoắng:

“May quá, Hương cứ sợ phải xông đất nhà Chiêu thì rầy rà lắm!”

Ngự Chiêu nắm tay Thư Hương hỏi:

“Đầu năm Hương đi đâu nhiều chưa?”

Thư Hương cười ngặt nghẽo:

“Chiêu học sách nào ra mà hỏi giống nhiều người quá vậy? Sáng giờ Hương gặp ai cũng bị hỏi ‘Đi chơi đâu nhiều chưa?’ Tức cười quá chừng. Còn Chiêu thì sao, đầu năm phát tài chưa?”

Ngự Chiêu vui lây theo bạn. Cô dẫn Thư Hương vào nhà, dọn mứt kim quất và một tách trà thơm đãi bạn. Cô vào phòng thay áo. Ngự Chiêu đứng tần ngần trước những chiếc áo dài đã ủi thẳng nếp. Đã từ lâu, con gái ít mặc áo dài, chỉ có đi chùa hay lên... sân khấu mới mặc đến mà thôi. Ngự Chiêu tiếc ơi là tiếc thời sân trường nữ trắng màu áo dài tha thướt mỗi giờ ra chơi. Cô tặc lưỡi chọn chiếc sơ-mi màu trứng sáo và cái quần tây màu sẫm. Mùa xuân len nhẹ vào hồn cô, một niềm vui mỏng như lá non khẽ rung lên trong lồng ngực. Cô bôi một chút nước hoa Muguet, mùi hoa linh lan thơm dịu gợi một khoảng trời mênh mông nơi hương đồng cỏ nội.

Ngự Chiêu trở ra phòng khách, thấy Thu Hương đang rung đùi nhâm nhi mứt. Hai cô ríu rít kéo nhau dắt xe ra cổng. Ngoài đường, thiên hạ lũ lượt đi xe, đi bộ, tíu tít trong những trong những bộ quần áo đẹp nhất của mình. Anh xích-lô áo quần rách rưới, gò lưng cố đạp xe, chở một đám nhóc tì ngồi chồng chất lên nhau. Ngự Chiêu và Thư Hương đạp xe về hướng Chợ Mới. Hai bên đường đầy dẫy các hàng quà vặt, thuốc lá lẻ của những người lao động có lẽ không biết đến Tết là gì. Dịch vụ đắt khách nhất là sửa vá xe đạp. Ngự Chiêu nhìn một thằng bé mặt mũi lem luốc, áo quần rách bẩn đang hì hục bơm bánh xe, và cô thấy mùa xuân vừa len vào hồn cô ban nẫy không phải là mùa xuân của tất cả mọi người.

Hai cô đi ngang qua nhà ga xe lửa. Nhà ga vắng tanh, chỉ có vài người hành khất ngồi hong nắng gần các bồn hoa. Càng xa trung tâm thành phố, người đi lại càng thưa. Trai gái trên Thành đổ xuống cả Nha Trang để chơi Tết. Họ mặc những kiểu áo loè loẹt, khác hẳn dân thành phố. Đến Chợ Mới, Ngự Chiêu và Thư Hương theo đường rầy xe lửa rẽ xuống xóm nhà của Nguyên Nhã. Một bên là ruộng lúa xanh ngăn ngắt, một bên là con đường sắt chạy ngoằn ngoèo. Không gian thoang thoảng mùi lúa non. Tiếng pháo ở đây khá hiếm hoi. Chẳng có vẻ gì là Tết ở nơi này cả.

Con chó trong nhà Nguyên Nhã lớn tiếng sủa. Thư Hương kêu chí choé:

“Nhã ơi, đầu năm bồ định lì-xì cho tụi này con chó này hả?”

Nguyên Nhã bước ra trong bộ đồ giản dị mà cô vẫn mặc thường ngày, quát đuổi con chó khiến nó cụp đuôi chạy biến ra sân sau. Ngự Chiêu và Thư Hương dắt xe vào sân. Những cây xoài che rợp bóng mát cả một khoảng sân rộng. Nguyên Nhã mời hai bạn ngồi xuống cái xích đu dưới một gốc xoài lớn đoạn dọn ra một mâm mứt bánh. Ngự Chiêu nhìn những lát mứt dừa nhuộm đủ màu, mứt tầm ruộc màu đỏ thẫm, mấy cái bánh thuẫn màu vàng nghệ, tự dưng cô thấy buồn vẩn vơ. Cô nhìn cây mai vàng ối, sum sê những hoa là hoa gần đó. Ngoài nó ra dường như mùa xuân không vào tới tận đây. Nhà Nguyên Nhã cất theo lối cổ của dân quê, có thềm cao để phòng mùa lụt, và như hầu hết các ngôi nhà ở vùng quê, trước nhà có ghi con số năm xây cất: 1943.

Trong nhà tối om, leo lét ánh đèn dầu trên chiếc bàn thờ trông tươm tất nhưng vẫn không che giấu được vẻ thanh đạm của gia đình. Sau lưng các cô là đồng ruộng bát ngát với tiếng ếch nhái kêu khàn khàn, ngắt quãng. Nguyên Nhã muốn nói một câu nhưng cũng không biết phải nói gì. Thư Hương lên tiếng, cố phá tan bầu không khí nặng nề:

“Đầu năm Nhã đi đâu nhiều chưa?”

Rồi cô phá lên cười. Tiếng cười gượng gạo của cô không đủ xua đi sự già nua của ngôi nhà và cái yên lặng ngột ngạt trong khoảng sân rộng. Nguyên Nhã không hiểu cái cười của Thư Hương, cô vân vê vạt áo, trả lời:

“Sáng giờ Nhã vẫn ở nhà. Mọi người đi chúc Tết cả rồi.”

Ngự Chiêu hỏi:

“Nhã được nghỉ Tết đến chừng nào mới đi dạy lại?”

Nguyên Nhã cầm lên một lát mứt dừa cong queo:

“Tới mồng năm. Mồng bốn Nhã sẽ ra lại Tuy Hoà.”

Ba cô lại ái ngại nhìn nhau. Thư Hương không cười nữa. Cô di di mũi giày trên nền đất. Nguyên Nhã giật mình nhắc:

“Kìa, ăn mứt đi chứ hai bồ!”

Ngự Chiêu chiều bạn, nhón một trái tầm ruộc cho vào miệng. Chất ngọt tan dần ra trên đầu lưỡi mà sao cô thấy có một chút gì đăng đắng. Lần đầu tiên Thư Hương nói một câu nghiêm trang:

“Tụi mình đến nơi cả rồi, Chiêu, Nhã há!”

Rồi cô nhìn bâng quơ những giọt nắng len qua kẽ hở của những chiếc lá xoài, nói tiếp:

“Vậy là hết Tết rồi!”

Một chiếc lá xoài rời khỏi cành, chao chao vài vòng rồi rơi xuống trước chỗ Ngự Chiêu đang ngồi. Trên chiếc lá có một con kiến vàng bò chậm chạp, loanh quanh. Không hẹn mà cả ba cô gái cùng chăm chú nhìn không chớp mắt chú kiến vàng đang bình thản bò trên chiếc lá xoài trong ánh nắng đầu năm.

Trần C. Trí
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.228 giây.