Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách. Photo StandwithBach.org
Hôm 14/2, một nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về sự an toàn của một nhà hoạt động Việt Nam đang bị cầm tù, người đang tuyệt thực vì “điều kiện giam giữ tồi tệ”; đồng thời, họ kêu gọi Hà Nội ngừng kết án và ngược đãi những người bảo vệ nhân quyền.
Trong một thông cáo đăng trên cổng thông tin của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR), 10 chuyên gia nhân quyền nêu bật hoàn cảnh của luật sư kiêm nhà bảo vệ nhân quyền môi trường Đặng Đình Bách, người mà họ cho rằng đang tuyệt thực lần thứ ba trong trại giam.
Các chuyên gia bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về sự an toàn và sức khỏe của [...] ông Bách. Ngoài sự phân biệt đối xử trong trại giam, còn có thông tin cho rằng ông Bách đã bị tấn công và đánh đập khi bị giam giữ”.
Ông Bách, nhà hoạt động lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường và sinh kế của người dân bị đe dọa bởi các dự án điện than và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác, bị bắt vào tháng 6/2021 và bị kết án 5 năm tù vì tội “trốn thuế”.
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động đáng sợ mà việc ngược đãi và tước đoạt tự do mà ông Bách phải đối mặt liên quan đến quyền tự do cơ bản về hội họp và biểu đạt ôn hòa ở Việt Nam”.
Các chuyên gia này, được Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm nhưng không thay mặt LHQ, chỉ ra rằng ông Bách đã bị giam giữ cách xa gia đình ông 8 tiếng đồng hồ lái xe.
Gia đình cho biết ông đang thụ án tại Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An dành riêng cho các tù nhân chính trị. Ông không được dùng các đồ như sách và vật dụng vệ sinh, đồng thời không được tiếp cận với nước nóng và thuốc cổ truyền.
Các chuyên gia, bao gồm các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, cũng như các thành viên của nhóm làm việc của LHQ về giam giữ tùy tiện nói rằng việc liên lạc và các chuyến thăm từ gia đình và luật sư của ông cũng bị hạn chế.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm: “Ông Bách lẽ ra không cần phải tuyệt thực để yêu cầu thực thi nghiêm khắc luật pháp và điều kiện nhà tù hợp lý”, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “ngưng ngược đãi” ông.
Họ nói: “Việc tước đoạt tự do và ngược đãi trong tù không nên được chính phủ Việt Nam sử dụng như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và các thành viên xã hội dân sự đang làm việc trong các vấn đề nhạy cảm”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo trên của OHCHR, nhưng chưa được phản hồi.
Trong lần tuyệt thực hồi tháng 6/2023 của ông Bách, bà Trần Phương Thảo, vợ ông, cho VOA biết rằng mục đích tuyệt thực của ông là nhằm “truyền đi thông điệp để nâng cao nhận thức của mọi người về môi trường, công lý và khí hậu”, đồng thời ông cũng “phản đối bản án bất công” và “yêu cầu được trả tự do ngay lập tức”.
Như VOA đã đưa tin, trong bản Ý kiến số 22/2023, nhóm công tác của LHQ về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) ra kết luận việc tước quyền tự do của Đặng Đình Bách là “tùy tiện”. Nhóm này nói ông từng bị biệt giam trong thời gian chờ điều tra và sau khi bị tuyên án, bên cạnh đó, ông bị xét xử trong một phiên tòa kín và không được phép tiếp cận đầy đủ với luật sư của mình.
Nhóm UNWGAD nhận định rằng việc bỏ tù luật sư môi trường Đặng Đình Bách là “vi phạm luật pháp quốc tế” và kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông.
Theo VOA