Một người đào tẩu Bắc Hàn cùng các con đứng trước hàng rào dây thép gai gần khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên
Những người đào tẩu khỏi Bắc Hàn đã lên tiếng vạch trần những vi phạm nhân quyền tại quốc gia mà một vài người trong số họ mô tả là “địa ngục” trong một sự kiện của Liên Hợp Quốc ở Geneva hôm 15/3.
Họ kêu gọi Liên Hợp Quốc tăng cường giám sát để điều tra và ghi nhận những vụ việc tương tự.
Các nhà ngoại giao ở Geneva cho biết Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ xem xét một đề xuất do EU chủ trương nhằm tăng cường giám sát bằng việc cập nhật một báo cáo từng được công bố năm 2014, theo Reuters.
Báo cáo này đã cho thấy các vi phạm nghiêm trọng cấu thành tội ác chống lại loài người [của Bắc Hàn].
Anh Kim, một người 33 tuổi trốn khỏi Bắc Hàn, người yêu cầu không nêu tên đầy đủ để bảo vệ những người còn ở trong nước, đã chuẩn bị cho cuộc đào tẩu trong 15 năm và trốn sang Hàn Quốc bằng thuyền vào năm ngoái.
Anh đi cùng người vợ mang bầu và mang theo tro cốt của cha mình do sợ rằng mộ của ông sẽ bị đào lên, một hình thức trừng phạt những người đào tẩu.
Anh Kim nói rằng mình bị chính quyền [Bắc Hàn] sách nhiễu và tịch thu đồ ăn, chỉ còn vừa đủ để sống sau khi nhà nước áp dụng những biện pháp hạn chế trong đại dịch Covid-19.
"Tôi rất tức giận vì không thể làm gì ở đất nước này. Tôi không thể sống trong địa ngục đó nữa."
"Bây giờ tôi đứng đây với hy vọng rằng chính phủ Bắc Hàn sẽ cho gia đình và bạn bè tôi ở đó một cuộc sống thoải mái hơn chút," anh Kim nói với Reuters bên lề sự kiện.
Bài Kyu Li Kim, người đã đào tẩu năm 1997 bằng cách bơi vượt sông Đồ Môn sang Trung Quốc, cho biết bà lo lắng rằng em gái bà có thể đã chết sau khi bị bắt ở Trung Quốc và trục xuất về Bắc Hàn vào năm ngoái.
“Năm 2023, em trai tôi đã chết trong tù vì bị bỏ đói và chịu những hình phạt hà khắc. Tôi không muốn em gái mình cũng chết như vậy,” bà cho biết thêm hai người đã mất liên lạc hoàn toàn.
Bắc Hàn vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và chỉ trích các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc là một âm mưu do Mỹ hậu thuẫn nhằm can thiệp vào nội bộ Bình Nhưỡng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), một trong 20 nhóm xã hội dân sự kêu gọi một cuộc điều tra mới của Liên Hợp Quốc, cho biết Trung Quốc gần đây đã cưỡng bức hồi hương khoảng 500 người Bắc Hàn đào tẩu.
HRW cảnh báo những người này phải đối mặt với nguy cơ bị đưa vào các trại cưỡng bức lao động hoặc thậm chí bị hành quyết.
Trong sự kiện, Đại sứ Mỹ Michele Taylor đã cam kết hỗ trợ những người đào thoát khỏi Bắc Hàn: "Tôi xin hứa sẽ lên tiếng để đảm bảo rằng những gì quý vị nói hôm nay không vô ích và lời kêu cứu của quý vị sẽ được truyền bá rộng rãi.”
Bà cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý.
Tháng 10/2023, Trung Quốc cho biết không còn người đào tẩu Bắc Hàn nào ở nước này và họ đã xử lý những người nhập cảnh bất hợp pháp vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Bắc Hàn và Nga – một quốc gia cũng đang hứng chịu nhiều chỉ trích - có dấu hiệu được củng cố.
Hôm 16/3, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un công khai sử dụng chiếc xe hơi do Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng.
Theo truyền thông nước này, đây là "minh chứng rõ ràng" về tình hữu nghị ngày càng được thắt chặt giữa hai quốc gia.
Bình Nhưỡng và Moscow đã xích lại gần nhau hơn kể từ cuộc gặp giữa ông Kim và ông Putin tại Nga vào tháng 9/2023.
Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thắt chặt quan hệ quân sự, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của phương Tây rằng Bắc Hàn đang cung cấp cho Nga đạn dược và tên lửa để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo RFA