logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 16/03/2024 lúc 09:03:06(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,228

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

Đây là một cuốn sách viết về chín khuôn mặt văn học miền Nam Việt Nam. Chín khuôn mặt đặc thù. Chín phong khí văn chương. Chín bờ cõi chữ nghĩa mà cái ánh sáng cùng khí hậu văn học đặc biệt của miền Nam nước Việt, với thổ ngơi, màu sắc và khí chất riêng của nó, đã hun đúc nên và làm toả ánh.
Miền Nam, nhưng không phải là chỉ là do người miền Nam, chỉ cất lên từ một chất giọng miền Nam. Mà nó là một chất giọng Việt Nam đặc biệt, của cả ba miền Nam Trung Bắc hợp lại. Miền Nam, ở đây, chỉ là một không gian địa lý, một cõi bờ, một địa vực, của đất Việt. Những tiếng nói ấy gặp nhau trong một khung cảnh, một giai đoạn lịch sử đặc thù, làm nên cái chất giọng, cái “phong khí” chung của một dòng văn học, của một “điệu” văn chương. Rồi, sau thời điểm 1975, cái “điệu” văn chương ấy lại toả đi khắp chốn. Nó tiếp tục được cất tiếng trên những vùng thổ ngơi không phải là đất Việt. Nhưng nó làm “hồi cố” những âm vang xưa. Nó làm lấp lánh cái hồi quang của một trời đất cũ. Và nó cũng hoà quyện trong nó cái ánh sắc của những vùng không gian mới.
[…]
Tác giả chỉ hy vọng, qua chín khuôn mặt và phong khí được trình bày, giới thiệu, phê bình và nhận định trong cuốn sách này, có thể làm ánh lên đâu đó cái đẹp, cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu, sinh động của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.
Những khuôn mặt, phong khí văn chương được trình bày trong cuốn sách này, dù sao, và trong một góc cạnh nào đó, cũng có thể đại diện cho những ánh sắc khác nhau của vùng văn học được khảo sát. Đó là miền Nam Việt Nam. Khởi đi và được nuôi dưỡng trong hai mươi năm chiến tranh (1954 – 1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt, rồi tiếp tục bừng nở, mang trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở của thời đại, cùng với mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội tâm hay ngoài Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt này đã tiếp tục làm lớn mạnh tiếng nói và tâm hồn dân tộc.
Tôi mong cuốn sách này, dù sao, cũng có thể cho người đọc thấy được, ở những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách và khí chất của những con người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người đọc có thể thấy hay cảm nhận được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một vùng trời đất hoa cỏ quê hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người, nói chung.
Cái cõi sống ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng đến. Trong đó, tất cả—người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết và cái được đọc—đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau.
(Trích Lời Vào Sách)
Trích đoạn một số phê bình/nhận định về các tác giả trong sách
Về Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền là khuôn mặt, là tiếng thơ độc đáo của nhóm Sáng Tạo. Ông là một biểu tượng thơ của miền Nam sau 1954. Một biểu tượng mở cõi. Tiếng nói ấy của thơ, nơi Thanh Tâm Tuyền, không giống với những tiếng nói trước đó hoặc cùng thời với ông. Thậm chí, sau ông. Ông lên tiếng về cuộc đời, về tự do, về tình yêu. Nhưng sự lên tiếng ấy mang trong nó một bản chất khác. Nó mới. Và nó làm ngạc nhiên, thích thú. Hoặc nó đem đến một hiệu ứng ngược lại: nó làm khó chịu, bực bội. Những thước phim đen trắng pha đầy chất tượng trưng-siêu thực trong thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn chiếu nhấp nháy trong lòng ta. […]
Trên đường đi tìm một tự do hằng khao khát, Thanh Tâm Tuyền, như bất cứ ai chọn cuộc lên đường đầy thử thách để tìm một dải đất mới cho mình, đã có những lúc phẫn nộ. Có những phẫn nộ chính đáng, trong đó có những mầm hạt cho một hạnh phúc ước mơ sau này. Có những phẫn nộ xem ra vô lý, vô cớ, không dựa trên một lý do chính đáng nào cả, nếu ta không làm một cuộc nội soi vào tâm lý nhà thơ, không đi vào “thâm cung, mật thất” của tâm hồn ông. Nhưng thật ra thì phẫn nộ, phản kháng là yếu tính của con người nghệ sĩ, của kẻ sáng tạo.
Cần để ý đến những nỗ lực đổi mới thơ của Thanh Tâm Tuyền, kể từ khi ông viết những bài thơ tự do làm rối mắt, rối tim và rối trí nhiều người từ những năm cuối thập niên ’50. Thơ tự do của ông đã ghi một dấu ấn rõ nét trên khuôn mặt của thi ca miền Nam, nói riêng, và văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam, nói chung. Nó phản ánh những ngày ông từ bỏ Apollon thanh thản, hài hoà, yên bình để chạm mặt Dionysos đầy biến động, hỗn loạn và cuồng nộ. Để, từ đó, “vượt qua” và “vượt lên”. Dấu ấn và ảnh hưởng ấy vẫn còn có thể được nhìn thấy cho đến hôm nay trên văn học cả nước, dĩ nhiên cùng với sự cộng hưởng từ nhiều nguồn ảnh hưởng khác.
Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền là một âm bản lạ lùng của/về thành phố & tình yêu, cùng với những biểu tượng nhiều mặt và đứt gẫy, mất liên hệ của chúng, phản ánh tâm thức cùng lúc hoà đồng với mọi sự, mọi vật chung quanh, như cả ông cùng với những vật, những người, những sự đó đều được làm bằng cùng một chất liệu, đồng thời, nó cũng cho thấy, từ trong vô thức cho đến phong cách, diễn ngôn bên ngoài của ý thức, cái tinh thần “tôi là người là một người khác” nơi ông. Hình ảnh cái tôi bị xé rách từ chính nó trong thơ Thanh Tâm Tuyền làm người đọc, nếu không quen biết với một vài tác giả nổi bật, đặc biệt những tác giả liên hệ đến thuyết hiện sinh, cảm thấy ngỡ ngàng, quái dị và xa lạ.
Nhưng tập thơ «Thơ ở đâu xa », viết trong giai đoạn tù ngục, khoảng 30 năm sau, lại cho thấy một dương bản nơi ý thức sáng chói của nhà thơ. Nó viết về đời sống cùng khổ nhưng đầy ý nghĩa của một người. Nó viết về thiên nhiên, dịu hiền, khổ hạnh, bình đạm và thậm chí thơ mộng của con người ấy. Nó như một thứ nhật ký về đời sống đày ải. Có khắc khoải, đớn đau, nhưng cương ngạnh, tha thiết.
Trong «Thơ ở đâu xa », cái mới của Thanh Tâm Tuyền được phát lộ trong hình ảnh, đã đành; nhưng điều quan trọng, tạo nên một dấu ấn rõ nét trong thơ ông, ở thời kỳ này, là, ngoài một số bài thơ tự do theo lối cũ nhưng với một sắc thái mới, giản dị hơn, buốt sắc hơn, thơ mộng đằm thắm hơn, và cũng mới lạ hơn trong phần chữ nghĩa cũng như trong tiết nhịp và vần điệu, ngoài một vài bài thơ xuôi rất đẹp, thơ mộng và thiết tha đến nao lòng, ngoài một vài bài lục bát mà hình ảnh mới và đẹp như búp nõn, những bài còn lại là những bài thơ tám chữ, bảy chữ, sáu chữ, năm chữ, bốn chữ. Một số bài chỉ có bốn câu, như thơ tứ tuyệt đời Ðường, đôi khi lại như thơ haiku của Basho hay Issa.
Trong những bài thơ mang phong khí cổ ấy, cái mới và cái làm nên Thanh Tâm Tuyền vẫn là những hình ảnh rất sáng tạo, rất sắc nét và rất riêng của ông, được đặt trên một cái nền u nhã và có vẻ cổ kính. Ðó là một kết hợp rất nghệ thuật. Chúng là những hình, những ảnh, những âm, những chữ cương ngạnh, thiết tha, rực sáng, reo múa nơi hồn người.
Về Mai Thảo
Mai Thảo được biết đến, nhiều nhất, qua cách hành từ, tạo từ, diễn ý, và chấm câu. Nói chung, một cách nào đó, ông là người được xem là đã cách tân ngôn ngữ, trong văn chương miền Nam sau Tự Lực Văn Đoàn. Sự cách tân đó được người đọc nhìn thấy rõ nét trong chữ nghĩa của Mai Thảo. Đặc biệt trong nhịp hành văn.
Chữ nghĩa của Mai Thảo là một nét đặc thù riêng ở nơi ông. Có thể nó cầu kỳ ở một vài khía cạnh nào đó, nhưng cái cầu kỳ ấy đẹp. Nó đẹp, cũng như sự giản dị có cái đẹp của nó. Cái đẹp của văn chương Gustave Flaubert và cái đẹp của văn chương Alphonse Daudet là hai cái đẹp khác nhau. Một cái cầu kỳ, trau chuốt. Một cái đơn sơ, nhẹ nhàng. Cũng thế, cái đẹp của chữ nghĩa Hemingway và cái đẹp của chữ nghĩa Kahlil Gibran không đồng dạng. Một cái trơ, trần, ngắn gọn, và sắc. Một cái mượt mà, thanh cao, nhiều tính gợi ý, gợi hình. Nhưng mỗi cái đẹp ấy đều đã được sáng tạo với một sự khổ công nào đó. Và những ánh sáng phát ra từ chúng đều khiến cho chúng ta hạnh phúc để cảm nhận rằng đời sống đã trao tặng cho chúng ta nhiều điều. Và những người được đời sống dùng như sứ giả của sự trao tặng kia đều là những người đáng để cho chúng ta yêu mến. […]
Chữ, ở Mai Thảo, không lắm khi mọc lên như rừng, với những cây cành, lẻm nhọn. Mà chữ, nơi ông, thường ánh lên và sóng sánh như một biển đầy ánh sáng, đầy sắc màu. Mềm mại, gợn sóng, và vang âm. Những con âm rì rào, thao thiết. Trong chiều, trong đêm, hay khi về sáng.
Những bước chân âm trải sóng khắp lòng ta.
Về Vũ Khắc Khoan
Vũ Khắc Khoan là con người của “lộng ngôn”, của “thác ngôn”. Là con người của “tuý bút”. “Lộng”, như một trào lộng, ngoa ngoắt, tung tẩy. “Thác”, như một ký gửi, một hàm nghĩa. Và “tuý” (không phải “tuỳ”), như một say đắm, ngất ngư, phóng thả. Nhưng vẫn đầy chất suy tư. Nhà văn họ Vũ cũng là người của những “huyền truyện”, những truyện tưởng như cổ tích, dựa vào cổ tích, nhưng lại thấm đẫm chất suy tư của con người thời đại. Chúng ẩn giấu cái nhìn triết lý để nói về những chọn lựa chính trị, về cái thế đứng (nhiều khi khó khăn, chênh vênh) của con người, đặc biệt của người trí thức, người nghệ sĩ, trước thời cuộc, trước lịch sử. Con người đối mặt với cuộc hiện sinh mang nhiều nét phi lý của mình.
Con người trong truyện của Vũ Khắc Khoan cũng là con người mải miết thiết tha đi tìm cái đẹp, cho dù biết cái đẹp đó chỉ là ánh lửa của một ngọn đèn lập loè, lấp loá trong đêm. […]
Người ta có thể nói đến một “chất kịch” của Vũ Khắc Khoan. Cái chất ấy toát ra từ phong cách riêng của họ Vũ. Nó nằm trong suy nghĩ, thái độ, ngôn ngữ, lối nói, cái nhìn về cuộc đời. Của riêng ông. Ngôn ngữ như những đường gươm, những thế chém tuyệt kỹ và đầy ánh sắc.
Vũ Khắc Khoan là một kiếm sĩ của ngôn từ. Và người đọc nhớ mãi những đường gươm của ông.
Về Võ Phiến
Về truyện ngắn, người đọc chú ý đến cái tài quan sát của Võ Phiến. Con mắt của ông tinh sắc, giác quan của ông bén nhạy. Ông nhìn, nghe, cảm và bắt ngay được cái tính cách và tâm lý của nhân vật mình. Ông nhìn ngắm và phân tích nó. Làm cho nó phát lộ hết tính cách, con người mình. Và người đọc, kinh hãi, vì, rất nhiều khi, thấy hình bóng những người mà mình đã từng quen biết, thậm chí thấy cả những hình bóng của chính mình, qua những nhân vật bị ông rọi đèn, chiếu sáng. Về mặt này, ông rất gần với Stefan Zweig. […]
[T]uỳ bút của Võ Phiến đặc sắc, dí dỏm và thu hút người đọc trong một cái nhìn chi li phân tích. Với một giọng văn sống động. Và với kiến thức rộng rãi về xã hội, lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học.
Ngoài cái tài đưa dẫn người đọc vào những bàn luận, suy nghĩ độc đáo, đôi lúc mang tính bách khoa, ngoài cái tài lèo lái câu chuyện một cách duyên dáng, dí dỏm và tung tẩy, Võ Phiến, trong tuỳ bút của mình, có một chất ngọc quí. Đó là một thứ tố chất của chữ. Nó cuốn hút, kích thích, và làm cho người xem phải nghiện.
Về Nguyễn Mộng Giác
[Tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác] vẽ lại chân dung của những thời đại, qua đó, cũng cho thấy chân dung tâm hồn và đời sống của những con người Việt Nam sống trong những thời đại đó. Những con người lịch sử cũng như những con người của đời thường. Dù đó là những tác phẩm hư cấu, nhưng những ai đọc sách đều hiểu rằng hư cấu của tiểu thuyết có cái sự thật riêng của nó. Tác phẩm văn học không phản ảnh thực tế như một bức hình chụp hay như một tấm gương soi, nhưng nó giúp cho con người đến với sự thật và học được nhiều điều qua sự thật ấy. Bằng cách nghiền ngẫm về hiện thực. Cái hiện thực mà nhà văn đã bày ra trước mắt người đọc. Đối với những bộ trường thiên, cái hiện thực ấy chắc chắn lại được phân thành những mảnh nhỏ cũng với nhiều lớp cắt khác nhau. Cái tài của người viết tiểu thuyết, đặc biệt những bộ tiểu thuyết trường thiên, nằm trong sự tổng hợp được những lớp, những mảnh hiện thực có ý nghĩa, đưa đến một cái nhìn bao quát, tạo nên một quần thể, một chỉnh thể mang tính toàn cảnh về đời sống và về tâm hồn con người. […]
Nguyễn Mộng Giác là một người đầy ý thức trong những thế sống của mình. Qua cuộc sống mà anh đã để lại, tôi nghĩ rằng anh tin vào chữ viết của anh, nhưng anh cũng biết được cái giới hạn của người cầm bút. Như một người yêu văn chương chữ nghĩa, anh hãnh diện và hạnh phúc trong vai trò là một nhà văn, nhưng anh cũng hiểu được những đòi hỏi khắc nghiệt của vai trò đó, cùng với những trách nhiệm của nó.
Về Nguyễn Xuân Hoàng
Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn của lòng hoài niệm. Của nỗi nhớ.
Ông viết cả tuỳ bút, đoản văn, lẫn truyện ngắn, truyện dài, nhưng trong cái viết của Nguyễn Xuân Hoàng, người ta luôn thấy trở đi trở lại cái ngọn lửa say mê và si dại (cho dù cũng có rất nhiều chất suy tư) bập bùng trong những dòng hồi nhớ của ông. […]
Tôi nghĩ, cái mạnh trong chữ viết của Nguyễn Xuân Hoàng nằm ở tuỳ bút. Ở thể loại này, chữ nghĩa của ông vừa mướt mềm vừa cứng ngạnh, vừa thơ mộng vừa sắc nét. Nhiều lúc, chữ và nghĩa của ông bay múa theo câu văn; nhưng đó không phải là cái nét bay múa trong ballet, trong vũ đạo, với nghĩa từ nguyên của “vũ” 儛 là múa. Mà chữ và nghĩa của Nguyễn Xuân Hoàng bay múa theo cái nhịp của các thế võ. Nó là cái bay múa của võ thuật 武.
Rất nhiều khi, đọc Nguyễn Xuân Hoàng, tôi thấy chữ nghĩa của ông như những thế võ mềm mại, hay tưởng là mềm mại, nhưng có thể đánh gần, rất gần, rất mạnh, để “bẻ khoá” vào trái tim người đọc.
Về Phạm Công Thiện
Phạm Công Thiện yêu triết, yêu sự khôn ngoan, theo nghĩa của chữ Philosophy với các gốc rễ cành nhánh của nó [ Philosophy / (φιλεῖν phileîn, “yêu”, và σοφία sophía, “trí tuệ”): với philein (động từ), philos (tính từ), philus (tiếp tố), philia (danh từ/tiếp tố) và sophia (danh từ/tiếp tố) ]. Ông yêu mọi thứ liên quan đến triết, nhưng ông không phải là triết gia. Ít nhất, theo nghĩa hẹp của nó. Như một người sống vì triết, sống cho triết. Ngoài những sáng tác của mình trong các lĩnh vực như tản luận, triết luận, tuỳ bút/tuỳ luận và thơ, ông có khả năng đặc biệt là làm người đọc yêu triết và thơ qua những bản dịch của ông về triết luận hay về thi ca (hoặc là những tác phẩm mang tính phối kết giữa hai lĩnh vực này) của những tác giả nổi tiếng. Chẳng hạn như các quyển Về thể tính của chân lý, và Triết lý là gì?, của Martin Heidegger; Tự do đầu tiên và cuối cùng của Jiddu Krishnamurti; Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke; Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (Ecce Homo) của Friedrich Nietzsche, v.v.
Phạm Công Thiện là một hiện tượng đặc biệt của văn nghệ Sài Gòn, văn nghệ miền Nam, đặc biệt trong giới tuổi trẻ trí thức, những người có đọc sách, vào những thập niên ’60, ’70 của miền Nam Việt Nam. Ông nổi bật lên với tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (vừa mang tính triết luận, phê bình, “tuyên ngôn”, lại vừa mang rất nhiều nét của tuỳ bút lãng mạn), viết vào những năm trên dưới 20 tuổi của tác giả. Tác phẩm đưa ra cái nhìn, cái cảm, cái luận, cái mỹ học của ông về văn chương thế giới. Ông được hầu hết người đọc sách biết đến, qua quyển sách thượng dẫn và nhiều quyển sách khác. Nhiều người yêu và cũng có những người ghét. Yêu, vì lối viết lôi cuốn, thơ mộng, với sự hiểu biết rộng rãi về các tư tưởng Đông Tây, các trào lưu và văn chương thế giới. Và ghét, vì lối viết, lối diễn ý, lối lập luận, trong một số bài, mang tính “báng bổ”, khiêu khích, cực đoan, công kích nhiều đối tượng, với ngôn ngữ và lập luận đặc thù, có khi pha chất “bí hiểm” (vì đi sâu vào những miền “hố thẳm tư tưởng” với một thứ ngôn ngữ chính xác nhưng đặc dị) của riêng ông. Những yêu ghét ấy cho thấy ông là một người thu hút được nhiều sự chú ý, có nhiều suy tưởng, thơ mộng thiết tha, đắm đuối sâu lắng, nhưng cũng có lúc hoang ngôn/hoang ngông và cực đoan. Phong cách của Phạm Công Thiện là phong cách của một nghệ sĩ, không phải là phong cách của một người chấp nhận sự quy củ, hay tính bài bản của các quy thức trường ốc. Trong nhiều cuốn sách của mình, chữ viết của Phạm Công Thiện sóng sánh chất thơ.
Tư tưởng và chữ nghĩa của Phạm Công Thiện có những điểm tích cực và/hay tiêu cực gì? Hiện tượng Phạm Công Thiện như thế nào, có những nét đặc biệt gì đáng chú ý, và nó cho thấy một vài nét tâm thức nào của con người miền Nam, nhất là tuổi trẻ trí thức miền Nam, trước cuộc chiến tàn khốc trên đất nước Việt, trước một số trào lưu và tác giả hiện đại của văn chương thế giới, là những điều vẫn còn được bàn cãi. Nhưng dấu ấn của ông đã được đóng xuống.
Văn của Phạm Công Thiện, dù có những khúc, những đoạn đầy tinh thần nổi loạn, chống phá, “bùng nổ”, vẫn luôn dung chứa trong nó, như đã nói, chất thơ, chất say của rượu mềm. Và nắng, và gió, và lửa của những cơn mộng cũ, của những hải đảo xa xôi. Là một người yêu ngôn ngữ, chữ nghĩa nói chung, Phạm Công Thiện thường đi sâu vào lĩnh địa/linh địa này. Ông dẫn dụ, lôi cuốn người đọc bằng cái nhìn thiết tha nhưng cũng “ma mị”, và bằng tâm hồn rạt rào sóng gió, mơ mộng của mình. Là một người đã soạn một quyển Tinh Âm Từ Điển tiếng Anh từ năm 16 tuổi, và cũng biết thêm một số ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Sanskrit và tiếng Latin, Phạm Công Thiện say mê chữ và các ý tưởng từ những con chữ. Trong sáng tác, điều này kéo ông vào những biển từ. Để ông bơi lội, nhào lộn tung tẩy và sống cuồn cuộn trong đó. Chính là lòng yêu chữ nghĩa ấy, một cách hết sức thơ mộng, đã nuôi sống Phạm Công Thiện trong suốt một đời cầm bút.
Đọc Phạm Công Thiện, nếu chỉ lướt qua, và chỉ đọc những đoạn nào mình thích, chẳng hạn những đoạn mang nhiều chất thơ, ta dễ thấy dòng văn ấy lôi cuốn, nhiều khi trong trẻo, hồn nhiên, tha thiết. Khiến ta có thể hình dung văn ông như những con sông bao la ở Nam Mỹ, những con sông nhiều khi ta thấy nước chảy trong vắt, với những thân cây mọc từ dưới nước trồi lên cao, ánh mặt trời xuyên qua những tàng lá, những kẽ lá, chiếu xuống, tạo thành cả một khung cảnh nên thơ, rung động. Ánh nước rung động, và lòng ta cũng rung động. Nhưng, thật sự, nếu đọc kỹ (và chịu khó đọc hết các tác phẩm của ông), ta sẽ thấy, cùng với những đoạn nên thơ, thiết tha và đầy lôi cuốn như đã nói, có những đoạn, những phần, những bài mang những tư tưởng rất cực đoan, đôi khi đi đến chỗ “yêu ngôn”, say cuồng, cùng với các lập luận có những khi lòng vòng, chồng chéo, nhưng đầy tính luận lý. Những lúc như thế, ta lại hình dung thấy dòng văn của Phạm Công Thiện như những hang động tối tăm nhưng vẫn đầy thu hút ở Quảng Bình, hay như những vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười thời Nam tiến, với hệ sinh thái của động-thực vật hoang dã, dưới nước và trên rừng, cùng với nhiều loài phiêu lưu thảo, sống đời cộng sinh, tràn đầy, ăm ắp sức sống. Dưới “nghìn mặt trời rực rỡ”. Hay dưới đơn lẻ một ánh trăng xanh.
Tất cả, dù sao, đều ánh lên một nét gì đó cùng lúc mang tính cuồng nộ, hoang dại và mơ mộng, thiết tha. Dù cho chúng có được đặt trong một quần thể, ở một vài góc độ nào đó, trong một số trường hợp nào đó, đầy sự chằng chịt kết nối dọc ngang đan xen trong bầu khí ẩm thấp, mù tối.
Người ta có thể đọc Phạm Công Thiện, đọc kỹ, đọc hết, trong toàn bộ cái khí quyển mà nó tạo ra. Hoặc chỉ đọc ông, như cách ông muốn, nhiều khi, ở những đoạn trong trẻo, thiết tha, nên thơ nhất. Và, thật sự, cái cốt tính của Phạm Công Thiện có lẽ chính là ở những chỗ như thế.
Vì vậy, cho dù Phạm Công Thiện đã để lại những tác phẩm, những dịch phẩm đáng quý, cho dù việc đọc ông thường là một hạnh phúc, nhưng, nếu muốn, theo phong cách của chính Phạm Công Thiện khi nói về văn chương thế giới (và về các tác giả thế giới): “Hãy đốt bỏ tất cả các cuốn sách (của)…, và chỉ chừa lại…(cuốn)…” (một lối nói khá “bốc” và “cuồng”, nhưng cũng mang một chất thơ [mộng/ngây] và ngông ngược, đáng yêu riêng), người ta cũng có thể nói: Hãy đốt bỏ tất cả các cuốn sách của Phạm Công Thiện, và chỉ giữ lại những ý tưởng thơ mộng của ông, những suy nghĩ đắm đuối và dạt dào của ông, những tư tưởng đằm sâu của ông. Về sách vở, về tư tưởng, về thơ ca, về triết lý, và về cuộc đời. Nói chung. Những điều đó là thể tính, là căn cốt và hơi thở của một người, theo tôi, đã lãng đãng và lênh đênh-thơ mộng-hồn nhiên-tha thiết đi vào và đi qua cuộc trần gian này.
Ư nhữ ý vân hà?
Về Bùi Giáng
Bàn về thơ của Bùi Giáng, dĩ nhiên là có thể có nhiều giác độ khác nhau, nhiều cảm thụ khác biệt. Trong quan điểm riêng, tôi nghĩ không nên xé lẻ từng bài thơ, từng câu thơ của ông ra mà xét định, bình giá là dở hay hay. Đặc biệt để phán xét một cách tiêu cực. Tôi nhìn cõi thơ của Bùi Giáng, nói riêng, và cả những công trình, những đóng góp khác của ông, nói chung, là một khu rừng nguyên sinh, mà chính sự rậm rạp, tràn lan, phong nhiêu và chằng chéo của nó, trong cả những nét tích cực và tiêu cực, đã làm nên cái phong cách độc đáo, có một không hai của ông. Trong cái nhìn của tôi, nếu chúng ta cắt bỏ đi những cành cây rậm rạp, những dây leo bò tràn lan trên mặt đất, những tàng lá rậm rịt trên cao, vốn làm nên cái quang cảnh phong nhiêu rậm rạp kỳ bí của khu rừng nguyên sinh ấy, nghĩa là nếu chúng ta thử (hoặc cố gắng) làm cho nó trở nên phong quang để… gió và ánh ngày có thể chiếu sáng, bay lượn một cách đẹp tươi trong đó, khu rừng ấy sẽ mất đi cái sức hút mang tính “huyền bí và ma quái” của nó.
Đọc Bùi Giáng, nhất là đọc thơ Bùi Giáng, tôi nghĩ, là phải đọc trong cái tâm thức toàn thể và “xuyên suốt” này. Có lẽ cứ nên để cái phong nhiêu, kỳ bí, tràn lan kia lan toả trong tâm thức ta khi đi vào “cuộc chữ” của ông. Hãy cứ để cái phong khí “nguyên sinh” của khu rừng mịt mùng ánh lục kia phong toả lấy ta. Và cảm nhận toàn vẹn sự trình hiện ấy của con người nhà thơ. Cho dù ta tiếp cận ông từ bất cứ mặt cắt nào của khối đá đen, đầy rêu phong ẩm ướt, và đầy những lồi lõm và méo mó này. Trong thơ, trong văn. Hay trong dịch thuật, sáng tác.
Hãy cứ để ông được là. Được là ông như thế. Đừng bắt ông phải là. Thế này hay thế khác. Hãy cứ để ông được “thì”. Như trong câu “Thơ văn của Bùi Giáng thì rậm rạp, quái dị.”. “Thì”, như “Bầu trời thì xanh”. Và nhìn như Heidegger: Ist (Is, tiếng Anh; Là, Thì, tiếng Việt) chính là Sein (Being, tiếng Anh, Hữu Thể, Tồn Thể, Vĩnh Thể, Tồn Tại, tiếng Việt). Hay, thích đáng hơn, hãy để Sein kết hợp với Da (ở đó). Ở ngay trong đời. Dasein. Hiện Thể (Hữu-thể-tại-thế/Tại-hữu). Bùi Giáng là ông chính ở cái sự Dasein, Hiện Thể đó. Hãy cứ để Bùi Giáng như thế với khuôn mặt lồi lõm, méo mó, rêu phong của ông. Đừng cố gắng làm hay đòi hỏi nó phải phẳng phiu, cân đối, phong quang, sáng sủa như ta muốn.
Hãy thử để những con chữ, những ý tưởng của nhà thơ bay múa trong ta, dù ta đến với ông qua những trang văn hay những dòng thơ. Hãy đừng mặc định một thể thức mà ta nghĩ là nên có trong sự diễn tả của Bùi Giáng. Hãy trì ngự trong “cuộc chữ” đó. Và mỉm cười. Và thán phục. Ở những chỗ ta thấy đó đúng là cảm nhận của mình.
Hãy đi vào và giáp mặt với khu rừng nguyên sinh đầy ánh lục kia.
Và hãy chạm tay vào cái khối đá đen đầy rêu phong, lồi lõm, hoang quái nọ.
Rồi hãy thử
… “nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”.
Về Tô Thuỳ Yên
Tô Thùy Yên là một nhà thơ Việt Nam lớn lên trong cái bối cảnh tinh thần của con người thế kỷ. Ông đã nhận chịu và đã kế thừa cái gia sản chung của nhân loại trong suy nghĩ và trong tiếng nói của mình. Nhưng trong tiến trình sống và phát triển, trong khi học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm chung của nhân loại, ông còn có được những kinh nghiệm riêng của chính mình. Những kinh nghiệm riêng này của Tô Thùy Yên là những kinh nghiệm của một con người nói riêng, mang cá tính độc nhất như bất cứ một con người nào trên thế gian; đồng thời, chúng còn là những kinh nghiệm của một nhà thơ, và của một nhà thơ Việt Nam, trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lồng vào khung lịch sử của thế giới trong một giai đoạn nhất định của lịch sử con người. Bởi thế, những kinh nghiệm ấy trở nên hết sức đặc thù đến nỗi chúng gần như được chọn lựa để trao ban. […]
Chữ, nghĩa và hình ảnh trong thơ Tô Thuỳ Yên là những vảy sáng, những nét sáng, những vệt sáng trong thơ ông. Chúng có nét óng ánh của tơ trời mà cũng có cái ánh sắc của vàng kim. Tất cả đều được chọn lựa, “sao tẩm” thật kỹ, để khi được đưa vào các câu thơ, chúng bật ra cái chất óng ngời, đôi khi ma mị của chữ, của hình và của nghĩa. […]
Đây là một thứ ngôn ngữ đầy chất u hiển. Nó sáng, nó cháy, nó lập lòe như lân tinh trong những đêm tối quỷ ma nào đó của trần gian, hay trong những mộ địa âm u nào đó nơi những vùng nước sâu, ngầm ngầm, thuỷ tận. Nó hô hấp và nó triển sinh trong cô đơn và đau khổ. Nó lập loè và thấp thoáng trong cõi siêu hình. Nó nghi ngút như những đợt khói mỏng manh bay dài suốt cõi thời gian trắng vô âm. Và nó hiển lộng giữa chúng ta, rạo rực, như một mùa hè. Mùa hè cọ xát điên kim loại.

Bùi Vĩnh Phúc

9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương
do Văn Học Press ấn hành. 442 trang – 6 x 9
Liên lạc: Tự Lực Bookstore
Toll Free: (888) 204 7749 – (714) 676 8310
www.tulucmall.com
bvphuc2000@yahoo.com

Sửa bởi người viết 16/03/2024 lúc 09:04:28(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.464 giây.