Bà Sara Hossain, chủ tịch ủy ban quốc tế độc lập điều tra Iran, phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 18/03/2024. AP - Valentin Flauraud
« Đừng quên Iran ! », đây là lời kêu gọi của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua, 18/03/2024. Định chế này chịu trách nhiệm làm sáng tỏ về phong trào phản đối sau cái chết của Mahsa Amini công bố báo cáo khẳng định chính quyền Iran có những hành vi vi phạm nhân quyền, phạm tội ác chống nhân loại nhắm vào người biểu tình.
Từ Geneve, thông tín viên đài RFI, Jeremie Lanche tường thuật :
« Tra tấn, bị mất tích, hành quyết tùy tiện… danh sách các hành vi ngược đãi của lực lượng an ninh Iran dài dằng dặc. Các nhà điều tra cho rằng có ít nhất 551 người biểu tình đã bị giết chết từ tháng 9/2022, trong đó có 68 trẻ em. Các vụ bắt giữ ước tính lên đến hàng chục ngàn người. Bà Sara Hossain, chủ tịch ủy ban điều tra cho biết :
"Lực lượng an ninh đã ngăn cản tù nhân tiếp xúc với gia đình hay luật sư, bất chấp pháp luật. Để trừng phạt, hạ nhục hay ép họ thú tội, họ thường phải chịu đựng nạn bạo lực tình dục : người ta nói đến các hành vi hiếp dâm bằng đồ vật hay hiếp dâm tập thể. Họ còn bị đánh đập, quất roi hoặc bị điện giật, những hành vi như thế có thể coi là tra tấn."
Một cách khác để buộc những người bất đồng chính kiến phải im lặng : Nhắm bắn thẳng vào đầu người biểu tình, đặc biệt là vào mắt. Rất nhiều người có lẽ sẽ bị mù vì cách hành xử này. Và như vậy, chính quyền sẽ dễ dàng nhận diện được những người này trong quãng đời còn lại của họ.
Bất chấp những yêu cầu liên tục, các nhà điều tra chưa bao giờ được đặt chân đến lãnh thổ Iran, và buộc phải chất vấn các nạn nhân cũng như là nhân chứng từ xa. Teheran phủ nhận bất kỳ tính hợp pháp nào của ủy ban điều tra, bị coi là mang tính chính trị và thiên vị. Một phát biểu đã trở nên thường xuyên tại Hội đồng Nhân quyền từ phía nhiều nước sẵn sàng tham gia định chế này nhưng lại ít muốn báo cáo tình hình nhân quyền trong nước mình. »
Theo RFI