logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 24/03/2024 lúc 09:02:15(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,236

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh.
Mùa hè năm rồi, Ông bà Frank đã chọn phố biển Nha Trang làm nơi nghỉ dưỡng. Bà Frank chọn Nha Trang là do tình cờ đọc được quảng cáo về các “Tour Du Lịch Sinh Thái” ở Việt Nam, còn ông Frank chọn Nha Trang là vì ông muốn tìm lại những kỷ niệm của mối tình đầu dang dở gần năm mươi năm về trước.
Năm 1972, Ông Frank sang Việt Nam, làm việc trong Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Nơi đây ông gặp một người con gái trong đêm dạ vũ. Nàng có vẻ đẹp liêu trai với làn tóc mượt mà, óng ả xõa ngang vai làm ông say đắm. Nhưng không dễ chút nào, vì nàng con nhà lễ giáo, cha nàng là một sĩ quan cao cấp của trung tâm và rất nghiêm khắc. Vậy mà, tiếng sét ái tình đã đem đến cho họ một mối tình lãng mạn, thăng hoa và trong sáng.
Gần một năm đằm thắm trôi qua, đợi một lễ cưới trang trọng theo ý muốn của cha nàng. Nhưng cuối năm 1974, tình hình chính trị ở Việt Nam biến chuyển, ông Frank được lịnh rời khỏi Việt Nam gấp rút. Họ đành chia tay trong nỗi ngậm ngùi.
Trước đêm chia tay, họ trao cho nhau tất cả ân tình… và hẹn ngày tái ngộ. Không ngờ một lần ân ái, Frank đã để lại giọt máu của mình trong thân thể người đàn bà.
Rồi biến cố ngày 30-4-1975 đã cắt đứt mọi mối dây liên lạc. Từ đó hai mảnh đời son trẻ rẽ ra hai hướng. Frank về Mỹ, mấy năm đầu sống trong sự nhớ thương ray rứt… chàng tìm đủ mọi cách để trở lại Việt Nam tìm người yêu, nhưng không được vì lúc đó Mỹ đang cấm vận Việt Nam. Thất vọng, chán chường! Ba năm sau Frank lập gia đình với người bạn gái, học cùng trường thời High School. Còn nàng thì rời khỏi Nha Trang, lên Buôn Mê Thuột, sau khi nhà cửa ở Nha Trang bị tịch thu và người cha bị đưa vào trại cải tạo.
Chiều nay, trên bãi biển Nha Trang, ông Frank nhớ đến mối tình đầu trên miền duyên hải thơ mộng này, ông kể cho vợ nghe. Bà Frank là người dễ tính, bà nhớ lại hồi còn học chung trường ở High School, Frank rất đẹp trai, những đứa bạn của bà theo tán tỉnh Frank, nhưng Frank không có tính trăng hoa và từ khi lấy bà, Frank là người chồng tử tế, chí thú làm ăn, lo cho vợ con, không “mèo chuột” linh tinh. Bà hiểu đàn ông, mấy ai không có những “mối tình gác trọ” nên bà rất thích nghe chuyện tình hiếm hoi của chồng.
Frank đang kể đến chỗ bi thương, thì một con bé khoảng ba tuổi, rời tay mẹ nó, chạy lẫm chẫm đến chỗ hai ông bà đang ngồi, trao cho bà chiếc vỏ sò. Một chút ngỡ ngàng, nhưng bà hiểu ra, con bé muốn tặng cho bà.
Ôi! Nó đẹp như thiên thần.
Bà ôm nó vào lòng, nó tỏ ra sung sướng lắm. Ông Frank nhìn nó cười, rồi vẫy tay chào Hello! Nó lại chạy qua ôm chân ông Frank, rất thân thiện. Mẹ nó cười buồn nhìn con thầm nhủ: “Sao tự nhiên nó lại thân thiện với ông bà già Mỹ này như vậy nhỉ?”
Chiều hôm sau, con bé đòi ra biển sớm để chơi với ông bà già người Mỹ, mẹ nó chần chừ. Nó khóc! Thế là phải dẫn nó ra biển.
Chiều hôm ấy, biển vắng! Ông bà Frank nằm trên ghế dài ngó mông ra biển. Con bé gỡ tay mẹ, lẫm chẫm chạy tới phía sau ông bà lay nhẹ. Ông bà rất vui khi gặp lại. Bà Frank quay sang ôm nó vào lòng. Bà lấy thỏi kẹo chocolate cho nó. Con bé cầm thỏi kẹo săm soi, bỗng nói: Thank you! Ôi! Sao mà dễ thương quá! Bà Frank âu yếm vuốt ve, hôn lên mái tóc nó. Người mẹ ngạc nhiên, tại sao nó nói được tiếng Anh? Có lẽ nó bắt chước những người lớn trong khu nghỉ dưỡng.
Hôm nay, người mẹ đứa bé ngồi lại với ông bà già Mỹ khá lâu. Nàng im lặng vì không nói được tiếng Anh, nhưng trong ánh mắt và cử chỉ cho thấy nàng muốn thổ lộ tất cả tâm tình. Ông Frank có dịp nhìn kỹ người con gái ấy, trông hao hao giống người yêu của ông mấy mươi năm trước, cũng mái tóc thề tỏa xuống ngang vai, đôi mắt bồ câu đen láy biểu lộ nét thông minh, nhưng nước da trắng bệch, thân hình gầy guộc trông rất thương tâm.
Họ ngồi bên nhau cho đến khi hoàng hôn buông xuống, ông Frank cõng con bé trên lưng, rời bãi biển. Khi đến đường Trần Phú (Duy Tân cũ) ông Frank trao con bé cho mẹ nó. Họ chia tay về khách sạn, hẹn gặp lại chiều mai trên bãi biển.
Chiều hôm sau, mẹ con nàng ra biển muộn. Ông bà Frank có ý mong chờ. Khi nắng chiều sắp tắt, mẹ con nàng đến đứng sau hai chiếc ghế, nàng khẽ để chiếc túi nhỏ bên cạnh ông Frank, con bé chạy vòng tới trước nũng nịu ngả vào lòng bà Frank. Ông bà Frank nói huyên thuyên, nàng không hiểu hết, nhưng đoán biết họ đang vui. Rồi nàng vừa bập bẹ vừa ra dấu cho ông bà Frank hiểu rằng: Nàng muốn gởi con bé cho ông bà trông hộ, nàng trở lại khu nghỉ dưỡng. Ông bà Frank hiểu ý, gật đầu, OK.
Tiếng OK làm nàng tin tưởng. Nàng muốn đến trước mặt quỳ lạy hai con người nhân hậu này để gởi gắm đứa con bé bỏng, nhưng nàng không đủ tiếng Anh để giãi bày tâm sự, nàng sợ hai ông bà không hiểu hết nỗi bi thương mà từ chối thì sẽ mất đi cơ hội để con nàng thoát cảnh bi thương sau khi nàng qua đời. Nên nàng đánh liều để lại đứa con bé bỏng cho ông bà Mỹ, lặng lẽ ra đi với nỗi lòng thương con dâng nghẹn…
Nàng biết từ đây sẽ không còn gặp lại đứa con thơ bé bỏng, nước mắt cứ tuôn ra! Nàng không muốn hai ông bà người Mỹ và đứa con thân yêu trông thấy những giọt nước mắt đang nhỏ xuống. Nàng vội quay đi, bước về hướng bắc.
Bãi biển nơi đây vắng người, nàng bước ra mép nước, nghe tiếng sóng vỗ rì rào, cảm thấy đời mình không còn lối thoát. Nàng có ý định quyên sinh để không phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp hành hạ mà không có tiền mua thuốc giảm đau. Chỉ cần từ mép nước này đi mãi xa bờ, làn sóng sẽ cuốn thân xác nàng vào lòng biển cả… nàng sẽ thoát cảnh khổ trần ai.
Nhưng khi nhìn lên tượng Chúa trên đồi La San, nàng nghe như có tiếng thì thầm bên tai: “Đừng quên lời răn thứ năm của Chúa: Hãy quý trọng thân xác và sự sống của mình cũng như của người khác.” Là con chiên ngoan đạo, nàng bỏ ý định quyên sinh, quay về khu nghỉ dưỡng, kéo chiếc va li ra khỏi phòng, đi về hướng bến xe. Không ai biết nàng sẽ đi về đâu.
Từ lúc gởi đứa con cho ông bà già Mỹ đến khi hoàng hôn buông xuống đã gần hai tiếng đồng hồ, nhưng không thấy nàng trở lại, ông bà Frank hơi lo lắng. Đợi đến khi phố xá lên đèn cũng vẫn chưa thấy bóng dáng nàng đâu, lúc này ông bà Frank thực sự bối rối.
Ông Frank đi tìm viên chức coi an ninh khu vực, trình bày sự việc. Viên công an bảo ông Frank đem đứa bé giao cho Phường, rồi họ sẽ xúc tiến công việc đi tìm người mẹ. Ông bà Frank xin được chăm sóc đứa bé đêm nay, để chờ kết quả tìm kiếm mẹ nó như thế nào. Viên công an đồng ý. Ông Frank xin viên công an viết cho giấy chứng nhận để tránh trường hợp vu cáo “bắt cóc trẻ con.” Hắn lấy giấy nguệch ngoạc mấy chữ, đưa cho ông Frank. Về lại khách sạn, con bé khóc tìm mẹ. Bà Frank vỗ về, cho nó uống sữa, ăn bánh cookie, tắm rửa… rồi dỗ nó ngủ. Bấy giờ ông Frank mới lấy túi nhỏ mà ban chiều người mẹ đứa bé để cạnh bên ông ra xem. Trong đó có mấy bộ quần áo trẻ con, tã lót, bình sữa và phong bánh kẹp, dưới cùng có hai phong bì.
Ông Frank mở ra đọc, lá thư thứ nhất viết bằng Anh ngữ, lá thứ hai viết tiếng Việt. Ông đọc lá thư Anh ngữ cho vợ nghe. Nội dung như sau:
“Kính thưa Ông Bà.
Trước tiên con xin Ông Bà rộng lòng tha thứ cho con về việc gởi đứa con bé bỏng cho Ông Bà - ra đi mà không nói rõ lý do.
Ông Bà ơi! Cho phép con giãi bày tâm sự: Con bị ung thư phổi đến thời kỳ cuối, bác sĩ cho biết không chữa trị được nữa và chỉ còn sống khoảng bốn, năm tháng nữa thôi. Nghĩ đến những ngày sau khi con chết, người ta sẽ gởi đứa con bé bỏng của con vào Viện Mồ Côi hay nó sẽ bơ vơ trên cõi đời oan nghiệt, lòng con đau như xé… tim con thắt lại! Nên hằng đêm con cầu xin Đức Mẹ soi sáng, dẫn đường cho con gặp được người nhân hậu để gởi gắm đứa con bé bỏng, trước khi con rời cõi nhân gian.
Ông Bà ơi! Đức Mẹ đã nhận lời cầu xin của con để buổi chiều hôm ấy, mẹ con con gặp được Ông Bà trên bãi biển.
Con bé Linh (tên của nó) rất sợ người lạ, ai thấy nó dễ thương muốn bồng bế, nó khóc và ôm lấy mẹ. Thế mà chiều hôm ấy nó tự động gỡ tay con, chạy đến tặng cho Bà chiếc võ sò nó nhặt được trên bãi biển mấy hôm trước và cất giữ như món đồ chơi quí giá.
Linh tính báo cho con biết: Chúa và Đức Mẹ đã tìm được cho con nơi gởi gắm đứa con thơ bé bỏng.
Ông Bà ơi, xin thông cảm cho con, con không đủ tiếng Anh để giãi bày hoàn cảnh bi đát và nỗi thương tâm… Nên đêm qua con ngồi viết lá thư này và nhờ người dịch ra tiếng Anh để Ông Bà đọc, với hy vọng đứa con bé bỏng của con sẽ được lớn lên trong vòng tay yêu thương và nhân hậu của Ông Bà.
Đọc xong thư này, Ông Bà lật dưới đáy túi xách để xem tấm hình và sợi dây chuyền vàng là chứng tích của hai cuộc tình bi thảm của bà ngoại và của con. Con phải giấu kín vì sợ công an bắt gặp tấm hình, họ sẽ kết tội con làm gián điệp; còn sợi dây chuyền sợ bọn bất lương đánh cắp.
Ông Frank gỡ cặp kính lão lau nước mắt, lật đáy túi xách lấy ra phong thư, trong đó có tấm ảnh đã phai màu và một sợi dây chuyền vàng gắn tấm ‘lắc’ hai chữ NL.
Cầm tấm hình lên xem, ông Frank ôm đầu, nấc lên rồi bật khóc! Trời ơi! Đó là tấm hình chụp ông với Loan, người tình đầu trên bãi biển Nha Trang mấy mươi năm trước.
Bà Frank ôm vai chồng, ôn tồn nói:
- Đây là thánh ý Chúa! Frank bình tĩnh lại, đưa lá thư tôi đọc tiếp xem nào. Bà đọc tiếp lá thư cho chồng nghe:
Ông Bà ơi! Sau đây là những lời bà ngoại nói với mẹ con, rồi mẹ con kể lại con nghe và con nhớ mãi đến bây giờ: ‘Tháng 3-1975, Việt Cộng chiếm Nha Trang. Họ đuổi gia đình bà ngoại ra khỏi khu villa xinh đẹp. Ông cố của con bị bắt và chết trong tù. Bà cố dẫn bà ngoại về đồn điền cà phê của gia đình ở Buôn Mê Thuột, trong lúc bà ngoại đang mang bầu được bảy tháng. Bà ngoại sinh mẹ con vào tháng 7 năm 1975. Ba tháng sau đồn điền bị tịch thu. Bà ngoại làm lao công trong đồn điền cà phê của mình. Bà ngoại và mẹ con sống trong cơ cực, thiếu thốn. Đến năm 1987, chính phủ Mỹ cho phép con lai Mỹ được định cư ở quê cha. Lúc đó bà ngoại phải nuôi dưỡng bà cố già yếu, nên không đi Mỹ. Có người đến đề nghị mua mẹ con để họ lập sơ giả đi Mỹ, nhưng bà ngoại nhất định không bán và mẹ con cũng nhất định không rời bà ngoại. Thời gian trôi qua, mẹ con lớn lên lai Mỹ rất đẹp. Năm 25 tuổi, mẹ con lấy chồng, một người chồng hiền lành, tốt bụng, cùng làm việc trong đồn điền. Con được sinh ra tháng 9 năm 2001 ở trong khu đồn điền này.
Khi con lên hai thì bà ngoại con qua đời. Trước lúc lâm chung bà ngoại đưa cho mẹ con tấm ảnh và căn dặn giữ kỹ tấm ảnh này để có ngày tìm được người cha rất tốt bụng… nhưng vì hoàn cảnh phải chia ly.’
Cha mẹ con làm cu li trong đồn điền, cơ cực quá nên bỏ Buôn Mê Thuột xuống Nha Trang làm nghề khai thác tổ yến trên các hải đảo ngoài khơi biển Nha Trang. Bất hạnh thay, trong một đêm mưa to, gió lớn, thuyền của cha mẹ con bị chìm. Cha mẹ con chết mất xác. Lúc đó con lên chín tuổi, nhưng thân hình nhỏ như đứa bé lên sáu.
Trong cảnh mồ côi cha mẹ, một ông già mù lòa, không có vợ con, nhận con làm con nuôi. Con theo ông về túp lều vải gần ga xe lửa. Con chỉ mang theo một cái xách tay của cha mẹ con để lại, trong đó có mấy bộ quần áo của con và một hộp nhỏ đựng ít tiền và tấm ảnh này. Từ khi làm con nuôi ông già mù loà, ông rất thương yêu con. Ngày ngày ông cháu dẫn nhau đi hát dạo trên bãi biển, trong công viên kiếm sống… Ông có giọng ca rất truyền cảm. Ông dạy con nhạc lý và tập luyện giọng. Chỉ một thời gian ngắn, ông cháu song ca rất mùi. Khách qua đường cho khá nhiều tiền. Nhưng bốn năm sau, ông già qua đời, con lại bơ vơ. Lúc đó con ở tuổi mười ba.
Một bà chủ nhà hàng thương tình, cho con vào rửa chén và làm những việc lặt vặt… được bao ăn, ở. Trong thời gian làm việc ở nhà hàng, con được ăn uống đầy đủ, nên trổ mã cao lớn rất nhanh.
Một hôm, tình cờ thấy trên TV thông báo tuyển lựa tài năng mới. Con đánh liều, trốn bà chủ đi thi thử. Không ngờ được chấm hạng nhất. Từ đây đời con bước vào ngã rẽ mới. Nhiều nơi gọi con đi hát, được trả ‘cát sê’ rất cao và con trở thành ca sĩ nổi tiếng, kiếm rất nhiều tiền.
Nhưng đường tình duyên của con không được may mắn. Năm mười chín tuổi, con gặp một anh Việt kiều, trong một đêm ca nhạc; trông anh ta rất hiền lành, lịch sự, đẹp trai ngỏ lời yêu thương và muốn cưới con đem về Mỹ. Lúc đầu con sợ lòng người dối trá, nhưng sự theo đuổi say đắm của anh ta làm con ngả lòng và sự khờ khạo của tuổi trẻ, con đã cho anh tất cả. Khi hay tin con có bầu, anh ta về Mỹ hứa sẽ trở lại làm đám cưới và bảo lãnh con sang Mỹ, nhưng rồi biệt tăm. Không hiểu anh ta phụ tình hay gặp tai nạn (?) Con vô cùng đau khổ và sinh bé Linh trong cô đơn.
Khi bé Linh gần ba tuổi, thì con bị bịnh ung thư phổi vào thời kỳ cuối. Bao nhiêu tiền kiếm được trước đây, đổ vào bệnh viện, nhưng không qua khỏi căn bịnh ung thư. Đời con sao mà lắm nỗi thê lương!?
Ông Bà ơi! Xin rộng lòng thương xót mà bảo bọc đứa con bé bỏng của con. Khi nó lớn lên, Ông Bà đưa cho nó sợi dây chuyền mà cha nó tặng cho con và giải thích về tấm ‘lắc’: N là viết tắt chữ Ngọc, tên của cha nó và L là viết tắt chữ Liên, tên của con. Đây là chứng tích một cuộc tình… may ra nó sẽ tìm được người cha đang sống ở CA.
Thư đã dài, con xin chấm dứt ở đây. Khi về bên kia thế giới con sẽ dõi theo và phù hộ Ông Bà cùng đứa con thân yêu của con.
Xin đội ơn…Vĩnh biệt Ông Bà!
Liên.
Ông Frank chống tay lên cằm, nước mắt ứa ra theo từng lời đọc của vợ và bà Frank cũng đầm đìa nước mắt, nói với chồng:
- -Đây là sự an bài của Thượng đế. Bằng mọi cách phải đưa con bé Linh theo mình về Mỹ ông ạ.
Ngày hôm sau, ông bà Frank liên lạc với Toà Đại Sứ Mỹ, trưng dẫn những bằng chứng và tiến hành mọi thủ tục. Cuối mùa hè năm ấy, ông bà Frank dẫn bé Linh theo ông bà về Mỹ và nhờ Tòa Đại Sứ tìm giúp người mẹ của bé Linh. Ông bà Frank cũng cố gắng tìm người cha của bé Linh, nhưng chưa có kết quả.
Bốn tháng sau, ông bà nhận được thư báo tin từ Toà Đại Sứ Mỹ, ở Hà Nội: “Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên đã yên nghỉ nghìn thu bên ngôi mộ của bà ngoại Hoàng Bích Loan.” Kèm theo lá thư là tấm hình chụp hai ngôi mộ nằm song song duới chân đồi một đồn điền cà phê thơ mộng.

3/2024
Lê Đức Luận
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.099 giây.