Trong một xã hội đồng giọng, nhân dân không lên tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tán thành chế độ.
Mục tiêu thiết lập xã hội đồng giọng là để bảo vệ sự độc tài của chế độ. Nhưng điều đó không phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và lợi ích của đất nước.
Chu Văn An, trung thần nhà Trần, người từng được tôn là bậc “Vạn thế sư biểu” (hiểu nôm na là người thầy của muôn thế hệ). Ông thường được nhắc đến với sự kiện dâng “Thất trảm sớ” cho hôn quân bấy giờ là vua Trần Dụ Tông để xin chém 7 kẻ nịnh thần. Không được vua chấp thuận, ông treo ấn từ quan về sống ẩn dật.
Ngẫm xem, nếu tái thế vào thời nay, cái thời mà gian thần, loạn đảng sống nhung nhúc khắp xứ sở, nếu lại gởi một “Thất trảm sớ” hay một “Bách trảm sớ” đến chế độ, ông chẳng phải sẽ bị gọi là phản động, xếp vào đối tượng thế lực thù địch và cáo buộc tội danh hình sự “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 hay sao? Và “Thất trảm sớ” hoặc “Bách trảm sớ” chẳng phải sẽ là chứng cứ được Sở Thông tin và Tuyên truyền giám định rồi kết luận “Tài liệu tâm lý chiến, gây hoang mang trong nhân dân, làm mất uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước…” hay sao?
Chế độ, ít nhất từ thời điểm “Cướp chính quyền” vào năm 1945 cho đến nay, chưa bao giờ chấm dứt việc đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân trong một ngày nào cả. Đỉnh điểm của thời kỳ đầu chính là việc đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm để đày đọa hàng loạt văn sỹ, thi sỹ. Trong năm 2018 trở lại đây, sự đàn áp lại càng gia tăng khốc liệt theo cách vô pháp và bất công chưa từng thấy.
Nhiều công dân đã từng lên tiếng, góp ý, phản biện, phê bình, chỉ trích, phân tích… về hiện tình đất nước đều bị xem là thách thức quyền lực chính trị của chế độ, để rồi phải đối diện với sự trừng phạt. Nhiều người thất vọng chuyển sang thái độ im lặng, bàng quan từ nhiều năm, thế nhưng, lần lượt từng người một, họ vẫn tiếp tục phải trả giá bằng những cáo buộc hình sự đầy phi lý, phi nháp… Họ bị gọi là phản động, là thế lực thù địch.
Chế độ tung tài lực sử dụng vài chục nghìn dư luận viên để theo dõi, phỉ báng, báo cáo về tất cả mọi công dân có tiếng nói trên mạng xã hội. Chúng theo dõi từng lời bình luận, thậm chí, từng cái nhấp vào các biểu tượng cảm xúc để báo cáo, trừng phạt công dân.
Không chỉ thế, nhiều người dùng mạng xã hội còn tin rằng chế độ đã có thể can thiệp, buộc các doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội như Meta, Google... xóa bài, xóa tài khoản người dùng FaceBook, YouTube bên cạnh việc đưa chương trình SocialBeat vào sử dụng để kiểm soát, theo dõi người dùng mạng xã hội
Chế độ đặt ra mục tiêu đàn áp khốc liệt đối với quyền tự do ngôn luận của người dân với thông điệp quá rõ ràng, họ chỉ muốn có một xã hội đồng giọng, một xã hội mà mọi lời lên tiếng đều chỉ được phép nói theo, phụ họa, tô hồng theo định hướng có sẵn từ tuyên giáo, qua hệ thống truyền thông với cả hàng nghìn đài báo trong cả nước. Mọi tiếng nói khác biệt, ngược ý… đều là biểu hiện phản động, thù địch, thách thức quyền lực chế độ.
Trong một xã hội đồng giọng như thế, sẽ không còn tiếng nói nào chỉ ra các chủ trương, chính sách sai lầm của chế độ cả, nhất là trong bối cảnh chế độ không hề có khả năng xây dựng nên những chủ trương, chính sách tốt đẹp.
Nhìn vào lịch sử thế giới cận đại, Adolf Hitler thiết lập chế độ Quốc xã độc tài với một xã hội đồng giọng ở Đức quốc, cho nên, đã dập tắt mọi tiếng nói phản biện để đưa đến cuộc chiến tranh thế giới lần hai với hậu quả để lại hết sức nặng nề. Hàng chục triệu sinh mạng mất đi, hàng nghìn thành phố từ Châu Âu, Châu Á và Bắc Phi trở thành đống gạch vụn…
Ngay tại Việt Nam từ sau năm 1945, một xã hội đồng giọng đã ngăn cản những lời phản biện để triệt phá toàn bộ cơ sở tôn giáo như đền đài, chùa chiền, nhà thờ cũng như bắt giữ các tu sỹ… đã tiêu diệt nền tảng gìn giữ đạo đức dân tộc. Hoặc tại miền Nam sau năm 1975, về các chính sách “Cải tạo” để vô hiệu hóa vốn nhân lực khổng lồ từ hàng triệu cán bộ, công chức… là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đang rất cần để tái thiết lại xứ sở thời hậu chiến. Về chính sách “Đánh tư sản” đã phá hoại sạch trơn nền tảng kinh tế thị trường tại miền Nam đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước đó. Về chủ trương “Bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ - Ngụy” để đưa đi đốt nhiều sách vở, vốn là nền tảng tri thức của nhân loại mà miền Nam may mắn thụ đắc được…
Thật ra:
- Trong một xã hội đồng giọng, nhân dân không lên tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tán thành chế độ.
- Dùng bạo tàn để thiết lập xã hội đồng giọng, thì có thể ép buộc nhân dân im lặng, nhưng điều đó không thể dập tắt được sự ý chí phản kháng trong suy nghĩ của họ.
Mục tiêu thiết lập xã hội đồng giọng là để bảo vệ sự độc tài của chế độ. Nhưng điều đó không phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và lợi ích của đất nước. Hầu như chế độ đã quên rằng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” [1]. Khi thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước.
Thế nên, khi thiết lập một xã hội đồng giọng, là chế độ đang đi dần vào giai đoạn cuối của con đường mà nhiều chế độ độc tài trước đây từng đi qua. Nó không chỉ là dấu hiệu, mà là quy luật chẳng thể nào đảo ngược.
Đặng Đình Mạnh (VOA)
Tác giả Đặng Đình Mạnh là một luật sư nhân quyền đến từ Việt Nam. Trong 10 năm qua, ông tham gia bào chữa trong hơn 80 phiên tòa chính trị. Nhiều người trong số thân chủ của ông là những tù nhân chính trị hoặc những vụ án nổi tiếng như nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Huỳnh Thục Vy, ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Vụ án Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ...
Năm 2021 ông bị Bộ Công An ban hành quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2023, ông bị Bộ Công An yêu cầu Cơ quan An ninh Điều tra tiến hành điều tra đối với ông.
Tháng 06/2023, ông được chính quyền Hoa Kỳ cho phép nhập cảnh để tỵ nạn chính trị tại Mỹ.
Sửa bởi người viết 29/03/2024 lúc 08:32:08(UTC)
| Lý do: Chưa rõ