Người đứng đầu cơ quan khí hậu của Liên hiệp quốc Simon Stiell nói các nước G20 sẽ trở thành trung tâm của các dự án giảm thiểu khí thải.
Người đứng đầu cơ quan khí hậu của Liên hiệp quốc cảnh báo nhân loại chỉ còn hai năm để “cứu thế giới” và kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ để hạn chế lượng khí thải giữ nhiệt và các quyết định tài chính ưu tiên cho khí hậu.
Trong phát biểu ngày 10/4, Thư ký Điều hành về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc Simon Stiell nói rằng mặc dù ông biết cảnh báo này nghe có vẻ tâm lý tình cảm nhưng hành động là hết sức bức thiết.
“Chính xác thì ai có hai năm để cứu thế giới? Câu trả lời là mỗi người trên hành tinh này”, ông Stiell nói. “Ngày càng có nhiều người muốn hành động vì khí hậu xuyên suốt các xã hội và phạm vi chính trị, phần lớn là vì họ đang cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trong cuộc sống hàng ngày và ngân sách gia đình của họ.”
Cảnh báo đặc biệt nhắm vào các quốc gia G20, bao gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Những quốc gia này chịu trách nhiệm 80% lượng khí thải làm nóng hành tinh, điều mà ông Stiell khẳng định sẽ buộc họ trở thành trung tâm của các dự án giảm thiểu khí thải.
Các nước nghèo hơn không thể chi trả cho việc thực thi các chiến lược giảm thiểu khí hậu. Các nước đang phát triển, không bao gồm Trung Quốc, vốn tự coi mình là một quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với chi phí ước tính 2,4 nghìn tỷ đô la hàng năm để đáp ứng các ưu tiên về khí hậu và phát triển của họ vào năm 2030.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những cảnh báo gây sợ hãi sẽ dẫn đến hành động hiệu quả.
Ông Michael Oppenheimer, nhà khoa học khí hậu của Đại học Princeton, đồng thời là giáo sư về các vấn đề quốc tế, nói: “‘Hai năm để cứu thế giới’ là một luận điệu vô nghĩa – hễ tốt nhất là nó có thể bị bỏ qua, còn tệ nhất là nó sẽ phản tác dụng”.
Dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ rằng nồng độ carbon dioxide và khí metan trong khí quyển đã đạt đến mức cao chưa từng có vào năm ngoái và đây cũng là năm nóng kỷ lục. Đồng thời, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng 1,1%.
Nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức hiện tại, ông Stiell nói “điều đó sẽ làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia nghèo nhất và giàu nhất thế giới và giữa các cộng đồng.”
Hiện tại, các chính phủ chưa đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải.
Theo VOA