Xe bọc thép của cảnh sát cơ động tại triển lãm thiết bị của Bộ Công an tại Hà Nội tháng 7/2022
AFP
Một nhóm mười tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ở trong nước và hải ngoại gửi thư chung cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ với đề nghị xem xét việc xuất khẩu vũ khí và thiết bị an ninh cho Bộ Công an Việt Nam vì quan ngại lạm dụng trong việc đàn áp dân chúng.
Thư chung do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam khởi xướng, được gửi cho Bộ trưởng Gina Raimondo vào ngày 11/4, gần một tháng sau khi một phái đoàn gồm đại diện nhiều công ty Hoa Kỳ dẫn đầu bởi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US ABC) tới Hà Nội và gặp gỡ với Bộ Công an Việt Nam.
Dự thảo của bản ghi nhớ giữa hai bên xác định năm lĩnh vực quan tâm của phía Hoa Kỳ, đó là công nghệ phát hiện và phòng ngừa tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ hàng không (trực thăng) và an ninh mạng.
Trong thư chung, các tổ chức ký tên bày tỏ quan ngại:
“Việc bán vũ khí và thiết bị an ninh một cách vô trách nhiệm cho Công an Việt Nam, trong những trường hợp đó, chắc chắn sẽ củng cố mô hình đàn áp nhân quyền nhất quán của lực lượng này và mâu thuẫn với các cam kết của Chính quyền Biden là đặt nhân quyền làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 12/4, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, khẳng định:
“Công an đối với cộng sản là khí cụ để bảo vệ chế độ. Từ xưa đến nay trong chế độ cộng sản, công an là lực lượng dùng để đàn áp người dân chứ không phải là để chống ngoại xâm, cho nên cung cấp vũ khí thiết bị an ninh cho công an tức là giúp cho công an đàn áp người dân.
Những thiết bị an ninh tối tân nếu rơi vào tay an ninh thì sẽ rất là nguy hiểm. Những nhà bất đồng chính kiến và đồng bào của chúng ta ở quê nhà sẽ càng khốn đốn hơn vì sẽ bị đàn áp nặng nề hơn với những vũ khí tối tân hơn.”
Thư chung trích dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Thực hành Nhân quyền ở Việt Nam trong đó nói “báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh đã có nhiều hành vi vi phạm” bao gồm “các vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục của các cơ quan chính phủ.”
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần phải xét lại quyết định cung cấp giấy phép cho các nhà sản xuất những thiết bị an ninh và vũ khí cho công an Việt Nam.
Ông cũng cho biết trong thời gian tới, các tổ chức XHDS Việt Nam sẽ vận động dân biểu và thượng nghị sỹ liên bang Hoa Kỳ về vấn đề này.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho RFA biết trong khoảng hai thập niên gần đây, lực lượng an ninh thường xuyên sử dụng các thiết bị hiện đại để đối phó với sự phản đối ôn hoà của người dân, như phá rối biểu tình bằng máy phá sóng điện thoại để cắt đứt liên lạc giữa người biểu tình với nhau hay giữa người biểu tình với bên ngoài, sử dụng máy phát âm thanh có công suất lớn (LRAD) để giải tán biểu tình.
Tuy nhiên, ông cho rằng để trấn áp người dân và giới hoạt động, thì lực lượng công an Việt Nam không cần mua thêm các vũ khí, thiết bị hiện đại. Với những gì Việt Nam hiện có, tự sản xuất cũng thừa sức đối phó với người dân tay không tấc sắt.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của RFA, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học Quốc gia Úc (Canberra) cho rằng Hoa Kỳ nên cho phép các nhà thầu an ninh xuất khẩu thiết bị và công nghệ liên quan để trợ giúp Bộ Công an Việt Nam chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, rửa tiền, buôn người, buôn bán trái phép ma túy và tiền chất, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, và khủng bố và tài trợ khủng bố.
Theo vị chuyên gia về chính trị Việt Nam, việc xuất khẩu chỉ nên giới hạn ở những thiết bị kiểm soát đám đông không gây sát thương để cung cấp cho các đơn vị cảnh sát cơ động mới thành lập có nhiệm vụ đối phó với tội phạm bạo lực, bạo loạn và khủng bố.
Phóng viên gửi email cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thư ngỏ của mười tổ chức XHDS Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo RFA