Ngày 01/05/2004, Liên Hiệp Châu Âu đã có “bước đại nhảy vọt”, mở rộng từ 15 lên thành 25 nước và thêm 75 triệu dân, lực hấp dẫn chuyển trọng tâm sang phía đông. Phần lớn các nước thành viên mới vừa thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva. Bruxelles muốn biến những đối thủ trước đây thành đối tác để ổn định châu lục, giúp những nước này thoát hẳn khỏi mô hình Cộng sản, hoàn tất quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và nền kinh tế thị trường.
Quốc kỳ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tại trụ sở Hội Đồng Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/03/2024. © Virginia Mayo / AP
Tìm về nguồn cộiNgoài Malta và Chypre, đa số công dân mới của Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm đó đều lớn lên trong khối Cộng sản cũ (Ba Lan, CH Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Litva và Latvia). Theo bài xã luận được trang Ouest-France đăng ngày 30/04, giới trí thức Đông Âu nhắc đến “sự thống nhất châu lục” hơn là mở rộng Liên Âu, chỉ vì họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về văn hóa châu Âu và cuối cùng đã được giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản cùng với những tội ác của chủ nghĩa này. Rất nhiều người đã tiếp tục dòng lịch sử quốc gia, đã đột nhiên bị người Nga làm gián đoạn.
Tìm bảo đảm an toànBa nước Baltic có sự thay đổi thật ngoạn mục nhất. Chưa đầy 15 năm sau khi đoạn tuyệt với Liên Xô và giành độc lập, Latvia, Litva, Estonia gia nhập Liên Âu để tránh xa Matxcơva, trong khi vẫn chưa quên “thời Nga chiếm đóng”, được coi “là một giai đoạn khó khăn trong lịch sử”, theo giáo sư Linas Kojala, Đại học Vilnius, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu (EESC) tại Litva. Trong phóng sự ngày 30/04 của đài truyền hình Bỉ RTBF, ông cho biết : “Đối với chúng tôi, gia nhập Liên Âu mang lại sự an toàn… Không phải là an toàn theo nghĩa năng lực quân sự hay quốc phòng, mà theo nghĩa quan hệ với các đối tác phương Tây, hội nhập kinh tế, tiếp thu xã hội, liên kết với các nền văn hóa, các trường đại học và truyền thông”.
Dù Liên Hiệp Châu Âu không có quân đội chung, phòng thủ phụ thuộc vào quân đội mỗi nước hoặc các đồng minh trong NATO, nhưng Sandra Kalniete, hiện là nghị sĩ châu Âu của Latvia, cho rằng nước bà gia nhập khối để được an toàn hơn, nhất là hiện giờ “bóng đen chiến tranh Ukraina bao phủ các nước, đặc biệt là đối với những nước gần khu vực chiến sự nhất, như đất nước chúng tôi. Người dân Latvia chúng tôi nói rằng cuộc chiến đó cũng là cuộc chiến của chúng tôi”.
Khát khao thịnh vượng và phát triểnQuyết định kết nạp không phải 1 mà 10 thành viên cùng lúc cho thấy tham vọng mang tính kinh tế và địa-chính trị của Liên Âu, dù lúc đó bị nghi ngờ tạo thành một khối bất tương xứng. Tuy nhiên, 20 năm sau, khó có thể phủ nhận thành tích kinh tế mà tất cả các thành viên đều có lợi. Kinh tế của khối đã tăng gần 30%.
Liên Hiệp Châu Âu đã chuyển khoảng 200 tỉ euro cho các nước thành viên mới, giúp họ thâm nhập thị trường chung và nhận viện trợ từ các quỹ châu Âu. Doanh nghiệp Tây Âu cũng được lợi khi dịch chuyển sản xuất sang những nước có giá nhân công thấp hơn, nhờ đó người tiêu dùng Tây Âu cũng được lợi. Ví dụ, trong vòng 20 năm, số lượng ô tô nhập từ Đông Âu đã tăng gấp 10. Slovakia hiện nổi tiếng chuyên về ô tô điện cỡ nhỏ. Ngược lại, ngành sản xuất ô tô sụt giảm ở Pháp. Đức tính toán tốt hơn khi giữ lại một phần nhà máy nhưng vẫn sử dụng các nhà thầu phụ ở Đông Âu.
Chênh lệch thu nhập và tỉ lệ thất nghiệp dần giảm bớt. Mười nước đã bắt kịp và giầu lên. Theo trang Radio France ngày 30/04, GDP bình quân đầu người ở Ba Lan đã tăng gần gấp ba lần (hiện xấp xỉ với Tây Ban Nha), Slovakia tăng 75% và Hungary tăng 50%. Kết quả của ba nước Baltic gây bất ngờ hơn cả. Estonia không chỉ sánh vai với những nước giầu nhất Liên Âu, mà còn vô địch về kỹ thuật số và có nhiều công ty khởi nghiệp nhất tính bình quân đầu người.
Kết nạp các nước Đông Âu : Tránh “bức màn sắt” mớiPhát biểu với một nhóm nhà báo ngày 29/04, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho rằng nếu không kết nạp thêm 10 thành viên, có lẽ an ninh ở châu Âu đã đi theo hướng hoàn toàn khác, Liên Âu có lẽ bị một “bức màn sắt” mới chia cắt và các nước Đông Âu trở thành mục tiêu của “những âm mưu chính trị và ý thức hệ của điện Kremlin để chiếm những nước này”.
Khi mở rộng khối năm 2004, Liên Âu cũng đề ra mục tiêu củng cố nền dân chủ ở 10 nước thành viên mới. Nhìn chung đã có sự cải thiện về tôn trọng nhà nước pháp quyền và bảo vệ những cộng đồng thiểu số. Nhưng Bruxelles vẫn bất lực trước một số thách thức, như sự chuyên chế của thủ tướng Hungary Viktor Orban, tính độc lập của tư pháp và tự do báo chí vẫn không được bảo đảm ở Hungary và Ba Lan. Gần đây lại xuất hiện một khó khăn khác: nhiều nước Đông và Trung Âu trở thành cầu nối giữa Trung Quốc - “đối thủ có hệ thống” của Liên Âu và Nga, nước gây chiến ở Ukraina.
Theo RFI