Nhiều tờ báo Paris ngày 03/05/2024 đã bắt đầu đưa tin về chuyến công du sắp tới của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Pháp trong hai ngày 6-7/05. Trên nhật báo Le Monde, nhà Trung Quốc học Jean- Philippe Béja, trường Sciences Po, phân tích Tập Cận Bình đã « lừa gạt » được hết tất cả các phe phái trong đảng như thế nào để leo lên đến đỉnh cao quyền lực. Rồi ở chức vụ tổng bí thư ông đã « tăng cường kiểm soát đảng Cộng Sản Trung Quốc » ra sao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Mark Schiefelbein
Các trường đại học Mỹ « sôi sục » vì phong trào sinh viên ủng hộ người Palestine ; Đủ điều tai tiếng và hàng loạt các vụ kiện vẫn « không cản đường » Donald Trump trở lại Nhà Trắng ; Nguyện vọng dân chủ : Gruzia trước một « khúc quanh lịch sử », đối lập và đường phố « không đầu hàng » ; Một tháng trước bầu cử, khối Liên Âu thường bị chỉ trích là một cỗ máy hành chính cồng kềnh, nhưng thực ra đã đem lại nhiều thay đổi tốt cho dân châu Âu : Trên đây là những chủ đề chiếm nhiều trang tin quốc tế của làng báo Paris ngày 03/05/2024. Nhưng trước hết xin điểm qua phân tích của nhà nghiên cứu Pháp Béja về con đường thăng tiến của ông Tập Cận Bình trước ngày chủ tịch Trung Quốc đặt chân đến Paris.
Theo chuyên gia người Pháp này, trước khi ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, Tập Cận Bình đã tránh gây thù oán, thậm chí có vẻ mờ nhạt, không mấy khi bày tỏ chính kiến và lại càng không để lộ ông là người có cá tính …
Nhưng tất cả đã thay đổi khi ông Tập được đặt vào cương vị « người cầm lái ». Nhiều người chờ đợi Tập Cận Bình sẽ đi theo đường lối « tự do của Uông Dương », nhưng bất ngờ ông lại theo gót bí thư Thành Ủy Trung Khánh, Bạc Hy Lai lao vào chiến dịch bài trừ tham nhũng, dùng chiêu bài này để loại hết các đối thủ chính trị, kể cả họ Bạc.
Với năm tháng, cũng Tập Cận Bình đã từng bước gạt vai trò của chính phủ và thủ tướng Trung Quốc, trọng tâm quyền lực được dồn về các cơ quan của Đảng.
Để nắm chặt Đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn nữa, ông Tập đã không ngần ngại « thoát khỏi cái bóng của Đặng Tiểu Bình », tự cho mình quyền được tiếp tục trị vì ở Bắc Kinh thêm một nhiệm kỳ và có thể là mãn đời như « nhà cầm lái vĩ đại » Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình làm sống lại chủ nghĩa « sùng bái cá nhân » chưa từng thấy tại Trung Quốc từ khi Mao qua đời.
Sau ba năm ở chiếc ghế tổng bí thư, ông Tập đã « tấn công vào các phong trào xã hội dân sự », rồi ban hành luật cấm các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước ngoài năm 2016. Bước kế tiếp là, dưới sự dẫn dắt của ông Tập, mỗi doanh nghiệp tư nhân đều là một « tế bào » của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn tại các doanh nghiệp nhà nước thì quyền lực thuộc về đảng ủy nhiều hơn là về các giám đốc điều hành công ty ». Giáo sư Jean –Philippe Béja đi đến kết luận Tập Cận Bình giống Stalin nhiều hơn Mao Trạch Đông.
Mao xưa kia huy động « quần chúng » để loại các đối thủ mà không sợ đẩy đất nước vào cảnh hỗn loạn. Trái lại ông Tập dùng chính những cơ chế của nhà nước, cộng thêm với công nghệ mới, để theo dõi ngườ dân. Chính sách của Tập Cận Bình đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chẳng khác gì cách Stalin đối xử với các cộng đồng thiểu số tại Liên Xô xưa kia.
Theo VOA