Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trong lễ đón tiếp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/2024. via REUTERS - Sergei Bobylev
Mặc dù phương Tây đã liên tục kêu gọi Trung Quốc cắt giảm hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga chống Ukraina bằng cách hạn chế cung cấp các thiết bị lưỡng dụng, tức là có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, cũng như hạn chế linh kiện vũ khí, Bắc Kinh không có ý định từ bỏ sự hỗ trợ đó, theo nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 17/05/2024.
Trong khi Bắc Kinh không muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây và khẳng định không gửi vũ khí sát thương cho Matxcơva, Washington nhấn mạnh rằng, nếu không sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga sẽ khó mà duy trì chiến dịch tấn công vào Ukraina.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris vào tuần trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh “cam kết” của Trung Quốc “kiểm soát chặt chẽ” việc xuất khẩu hàng lưỡng dụng, nhưng đồng thời bày tỏ quan ngại trước những thông tin về vi phạm của một số công ty Trung Quốc. Cũng dự cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rằng “cần nhiều nỗ lực hơn để hạn chế việc cung cấp hàng lưỡng dụng cho Nga có thể được sử dụng ở chiến trường Ukraina”.
Nathaniel Sher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Carnegie China, một trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc, đã viết: “Với việc cung cấp cho Nga các linh kiện lưỡng dụng thay vì vũ khí thành phẩm, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Nga mà vẫn có thể tuyên bố không hề hỗ trợ. Ngay cả khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu hàng lưỡng dụng để tránh các lệnh trừng phạt tiếp theo, vì lợi ích chiến lược, họ vẫn cần có Nga là một đối tác ổn định".
Trích dẫn các dữ liệu hải quan, nhà nghiên cứu Nathaniel Sher cho biết Trung Quốc đang xuất khẩu mỗi tháng hơn 300 triệu đôla sản phẩm lưỡng dụng mà Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Anh xác định là những mặt hàng “ưu tiên cao” cần thiết cho sản xuất vũ khí của Nga. Theo Carnegie China, đó là 50 sản phẩm lưỡng dụng như vi điện tử, máy công cụ, radar và bộ cảm biến, rất cần thiết để sản xuất các vũ khí như tên lửa, drone và xe tăng.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì cho biết, theo một số ước tính, thị phần của Trung Quốc trong nhập khẩu các bộ phận máy công cụ của Nga đã tăng lên 80-90% vào năm 2023. Trong một báo cáo gần đây, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết: “Trong suốt cuộc chiến, Trung Quốc đã bán các sản phẩm bán dẫn, chip điện tử, vòng bi, thiết bị định vị, bộ phận của chiến đấu cơ và các bộ phận khác trị giá hàng triệu đôla cho Nga. Nhờ vậy mà điện Kremlin đã có thể tăng tốc sản xuất vũ khí, bao gồm thiết giáp, pháo, tên lửa và drone, đồng thời thiết lập một hệ thống phòng thủ hiệu quả chống trả cuộc phản công của quân Ukraina năm 2023."
Các quan chức phương Tây đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc chuyển giao nguyên liệu lưỡng dụng từ các công ty Trung Quốc sang Nga. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc về hậu quả của việc hỗ trợ các nỗ lực của Nga trang bị thêm vũ khí.
Nhà nghiên cứu Nathaniel Sher cho biết: “Tuy nhiên, Bắc Kinh đã làm rất ít để ngăn chặn những giao dịch như vậy do sự gia tăng buôn bán hàng lưỡng dụng với Nga”. Ông nói: “ Đảng và Nhà nước Trung Quốc có liên hệ ngày càng chặt chẽ với các công ty tư nhân, cho nên khó mà tưởng tượng được rằng Bắc Kinh không hề biết trước về các giao dịch hàng lưỡng dụng với Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực rất nhạy cảm”.
Tuy vậy, ông Marc Julienne, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Matxcơva phục vụ lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc, nhưng để cho Nga trở nên "quá suy yếu" và chỉ dựa vào Trung Quốc thì cũng không có lợi cho Bắc Kinh”. Ông Julienne nói với AFP: “Bắc Kinh hiện được hưởng lợi nhiều hơn từ việc đứng ngoài cuộc xung đột (Nga-Ukraina) hơn là tham gia trực tiếp”.
Trong khi Trung Quốc nổi lên là đối tác quan trọng nhất của Nga, Matxcơva cũng đang dựa vào các nước khác trong nỗ lực chiến tranh. Một trang mạng của chính phủ Ukraina mang tên War & Sanctions có một cơ sở dữ liệu về các linh kiện được tìm thấy trong vũ khí của Nga có nguồn gốc từ hơn 30 quốc gia, trong đó có… Ireland và Nhật Bản.
Theo RFI