Từ trái: Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (đã từ chức), TBT Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (đã từ chức). Hình chụp ngày 15 tháng Giêng, 2024.
Thêm một thành viên nữa của Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN nhiệm kỳ 13 “nhất trí” cho “thôi” làm ủy viên của cả Bộ Chính trị lẫn BCH TƯ khóa này (bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư) [1]. Do “nhất trí” chọn lầm, cử sai nên sau ba năm bốn tháng, BCH TƯ đảng khóa 13 tiếp tục “nhất trí” cho... một phần ba Ủy viên Bộ Chính trị (6/18 người) “thôi nhiệm vụ” lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Điều đáng nói là sai lầm trong chọn, cử diễn ra liên tục nên phải luân phiên gật, lắc. Chỉ trong một năm thay hai Chủ tịch Nhà nước (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng), ba Thường trực Ban Bí thư (Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Lương Cường), mới ba năm đã đổi Chủ tịch Quốc hội (Vương Đình Huệ)... song đến giờ, nhân sự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội vẫn... khuyết, cùng chờ... bổ sung do những cá nhân được chọn, cử giữ các vai trò này cùng có vấn đề gì đó về... “trách nhiệm”!
Do vậy không ai dám chắc, sự... “nhất trí” trong chọn, cử có lầm và sai nữa hay không! Nếu các tin đồn lại đúng như đã từng rất đúng thì BCH TƯ đảng khóa này sẽ còn phải họp nhiều lần nữa để “nhất trí” cho phần lớn Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, kể cả những Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm trọng trách phòng ngừa tham nhũng, xử lý tiêu cực, chỉnh đốn đảng “thôi” mọi thứ khi thời thế khiến các đương sự đột nhiên “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” như sáu... đồng đảng từng bị buộc hạ cánh!
***
Trong 40 tháng vừa qua, BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 họp 16 lần và 7/16 lần là họp... bất thường để giải quyết vấn đề nhân sự. Nếu tính cả những lần họp chính thức phải đem vấn đề nhân sự ra bàn bạc, xử lý thì có tới 12/16 lần BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 tụ họp chỉ để loại bỏ cá nhân này, chọn cá nhân kia thay thế. Trung bình cứ hơn ba tháng lại có xáo trộn nhân sự trong đội ngũ mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khẳng định là... “tinh hoa” của dân tộc, của xứ sở!
Hội nghị BCH TƯ đảng lần thứ chín (16/5/2024 – 18/5/2024) vừa bổ sung bốn cá nhân vào Bộ Chính trị, thay cho sáu Ủy viên Bộ Chính trị đã được BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này “nhất trí” cho “thôi” mọi thứ. Cả bốn (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến) đều là thành viên Ban Bí thư của BCH TƯ đảng khóa này. So với sĩ số lúc khởi đầu (18) thì vẫn còn khuyết hai. Với bốn cá nhân mới được bổ sung, liệu tính hình kinh tế - xã hội, tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc có khá hơn chăng?
Câu trả lời là chẳng có gì chắc! Khi đảng CSVN vẫn khăng khăng nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và 50% thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ lực lượng chuyên dùng… súng thì có thể hy vọng gì khác? Trong 16 thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm, có tám xuất thân từ lực lượng vũ trang...
Ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng) có 27 năm khoác áo công an, (từng là Trung tướng Thứ trưởng Công an). Ông Lương Cường (Thường trực Ban Bí thư) vốn là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội (TCCT QĐ). Ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư TP.HCM), có 17 năm khoác áo công an (từng là Trưởng Công an huyện). Ông Phan Văn Giang hiện là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính) có 30 năm khoác áo công an (từng là Giám đốc Công an Nghệ An). Ông Tô Lâm hiện là Đại tướng Bộ trưởng Công an. Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao) có 33 năm khoác áo công an (từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát). Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng ban Tuyên giáo) vốn là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT QĐ.
Tám thành viên còn lại của Bộ Chính trị thì có hai chuyên về... “lý luận xây dựng đảng và chủ nghĩa xã hội” (ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Thắng), phần lớn những thành viên còn lại, nếu không xuất thân từ các tổ chức mà dân chúng ví von là “cờ, đèn, kèn, trống” như ông Trần Thanh Mẫn (cán bộ đoàn) thì gần như toàn bộ cuộc đời cũng gắn với các... doanh nghiệp nhà nước và... công tác đảng!
***
Không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia về Việt Nam đề cập đến “khủng hoảng nhân sự thượng tầng” và nguyên nhân không phải do Việt Nam thiếu những cá nhân đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, dân tộc mà vì giới lãnh đạo đảng CSVN tự đặt định các tiêu chí sao cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự có lợi nhất cho chính họ.
Những đòi hỏi kiểu như... chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên... trong Quy định số 214-QĐ/TW của BCH TƯ đảng khóa 12, ban hành cách nay bốn năm [2] được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc tàn sát các ứng cử viên của nhiệm kỳ tới. Chưa kể việc cố tình... “sáng tạo” hàng loạt yêu cầu phi lý về quy hoạch nhân sự đang tạo ra một cuộc hôn nhân cận huyết về chính trị.
Nhân loại xem hôn nhân cận huyết không chỉ là hủ tục mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho xã hội bởi việc lựa chọn người phối ngẫu gần gũi về huyết thống sẽ tạo ra các thế hệ mắc nhiều bệnh bẩm sinh thuộc loại nan y, làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi. Nhân danh “ổn định chính trị” để đặt định những quy định vô lối, lạc hậu trong lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc không chỉ khiến đảng CSVN phải trả giá đắt về uy tín, cái gọi là “ổn định chính trị” ấy đã, đang và sẽ còn gieo rắc vô số tai họa cho xứ sở và nhấn dân tộc này sâu hơn vào lầm than. Tại sao hàng trăm triệu người phải hi sinh no ấm cho sự “ổn định” tương lai chính trị của một nhúm người?
Trân Văn (VOA)
____________
Chú thích[1]
https://baotintuc.vn/tho...ii-20240516171028447.htm[2]
https://thuvienphapluat....h-Trung-uong-433545.aspx