Hai hôm sau khi Trung ương Đảng « giới thiệu » ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch thường trực Quốc Hội, vào chức chủ tịch Quốc Hội, thay thế ông Vương Đình Huệ, từ chức hồi cuối tháng 4 vì những “vi phạm, khuyết điểm”, hôm nay 20/05/2024, các đại biểu Quốc Hội Việt Nam đã nhất trí thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ chủ tịch Quốc Hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (T) và bộ trưởng Công An Tô Lâm, trong phái đoàn đến viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, trước cuộc họp của Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/05/2024. AP - Hau Dinh
Báo chí trong nước cho biết chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, 62 tuổi, đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức ngay trong ngày hôm nay.
Theo dự kiến, tới đây Quốc Hội sẽ thông qua nghị quyết bầu ông Tô Lâm, bộ trưởng bộ Công An, ủy viên bộ Chính Trị, phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, làm chủ tịch nước. Thực ra, đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức vì ông Tô Lâm, hôm 18/05 đã được Văn phòng Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định chọn làm chủ tịch nước thay thế ông Võ Văn Thưởng, từ chức vào tháng 3 vừa qua cũng vì có những“vi phạm, khuyết điểm”.
Do những xáo trộn chính trị ở thượng tầng lãnh đạo Việt Nam, 6 ủy viên bộ Chính Trị liên tiếp phải từ chức chỉ trong một thời gian ngắn, chuyến đi Hà Nội của tổng thống Nga Vladimir Putin đã không thể diễn ra theo kế hoạch.
Hãng tin Anh Reuters hôm 17/05 tiết lộ là trong bức thư đề ngày 06/03 gửi thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới và các nhà tài trợ phương Tây lấy làm tiếc là Việt Nam đã để vuột mất tối thiểu 2,5 tỷ đô la viện trợ nước ngoài chỉ trong 3 năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ đô la vì chiến dịch chống tham nhũng và những bất ổn chính trị trong nước góp phần làm « tê liệt hành chính ».
Theo RFI