Ông Michael Kirby (giữa), chủ tịch uỷ ban điều tra Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Bắc Triều TiênMột uỷ ban điều tra của Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Triều Tiên về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, rộng khắp và có hệ thống có thể cấu thành các tội ác chống nhân loại. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường trình từ Geneva rằng trong một báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Uỷ ban trình bầy bằng chứng mạnh mẽ về những đau khổ mà những người sống sót qua các trại giam đã phải gánh chịu.
Nếu có một điều mà Shin Dong Hyuk có thể chắc chắn trong thời gian 2 thập niên trải qua trong một trại tù ở Bắc Triều Tiên, đó là ông ta phải chịu đau khổ. Cũng như những người khác, sự đau khổ có thể bao gồm nhiều hình thức ngược đãi, từ việc bị đánh đập đến nhịn đói, cho đến việc phạm những hành vi dã man không thể nói lên được.
Nhưng tệ hại nhất là sự vô vọng - sự chấp nhận, như Shin mô tả cho một cử tọa tại Washington hồi năm ngoái, là không thể thoát ra được. Ông Shin nói:
"Ðiều đầu tiên mà tù nhân học hỏi, là nếu họ bỏ trốn, thì họ sẽ bị trừng trị. Họ sẽ bị trừng trị bằng cái chết và đó là một quy luật không thể phá vỡ được.”
Các báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền thu thập được từ những người Bắc Triều Tiên sống lưu vong ở Seoul và Tokyo là trọng tâm của một báo cáo đệ trình ngày thứ ba ở Geneva cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Các nhà điều tra nói các cuộc điều trần công cộng, được tổ chức trong tháng trước, trình bầy lời khai rõ rệt của hàng chục nạn nhân cũng như của nhiều nhân chứng chuyên môn.
Ông Michael Kirby, chủ tịch Ủy ban gồm 3 thành viên, nói rằng uỷ ban đã lắng nghe những người sống sót từ các trại tù chính trị đã qua thời kỳ niên thiếu bị đau khổ vì đói khát và những hành động dã man không thể nói lên được.
Ông nói trẻ em bị bỏ tù theo một tập tục gọi là “tội có liên hệ”, trong đó nhiều thế hệ bị trừng phạt vì một các quan điểm chính trị hay liên kết của một thành viên trong gia đình.
Ông Kirby nói: “Chúng ta nghĩ về lời khai của một thanh niên, bị bỏ tù từ khi mới sinh và sống sót nhờ ăn chuột, thằn lằn và cỏ, và chứng kiến việc hành quyết mẹ và người anh em trai của mình. Chúng ta nghĩ về lời khai của một thiếu nữ, bị cưỡng bức hồi hương và bị bỏ tù vì rời khỏi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, mô tả việc cô đã chứng kiến một nữ tù nhân bị ép buộc trấn nước chết đứa con nhỏ của mình.”
Ông Kirby nói Uỷ ban đã nghe lời khai của những người bình thường phải đối mặt với tra tấn và bỏ tù vì không làm gì khác ngoài việc xem những phim bộ của nước ngoài hay vì có một niềm tin tôn giáo.
Ông cho biết Uỷ ban đã nghe nói về việc cố ý bắt nhịn ăn và những vi phạm nghiêm trọng khác xảy ra trong các cơ sở giam giữ các loại và sự đau khổ của toàn thể dân chúng chịu cảnh suy dinh dưỡng triền miên.
Ông nói những lời khai mà các nhân viên điều tra nghe được tiêu biểu cho các khuôn thức hành xử quy mô lớn có thể cấu thành những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo có hệ thống.
Thành viên Quốc vụ viện Bắc Triều Tiên Kim Hong Yo bác bỏ bản báo cáo. Ông gọi cuộc điều tra là giả tạo và là một âm mưu mạ lỵ để buộc thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên. Ông nói cuộc điều tra về nhân quyền đã bị chính trị hóa bởi Liên Hiệp châu Âu và Nhật Bản, kết hợp với chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ.
Ông Kim nói: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong tương lai cũng sẽ tiếp tục quảng bá và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của nhân dân để chống chọi với mọi loại âm mưu và sách lược chính trị xấu xa mà các lực lượng thù nghịch đang theo đuổi.
Ðây là báo cáo đầu tiên được đưa ra bởi Uỷ ban thành lập hồi tháng 3 để điều tra những vụ vi phạm trắng trợn, kể cả vi phạm quyền được ăn, và những vụ tra tấn và đối xử vô nhân đạo ở Bắc Triều Tiên.
Uỷ ban cho hay sẽ tiếp tục cuộc điều tra trong những tháng tới. Uỷ ban nói họ sẽ tìm cách quyết định các cơ quan và giới chức chính phủ nào chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn. Uỷ ban dự trù sẽ đệ trình báo cáo chung cuộc vào đầu năm tới.
Theo VOA