Quý vị nghĩ sao nếu có người nói với quý vị rằng chính phủ và giới truyền thông Hoa Kỳ đang bị kiểm soát bởi một băng nhóm bí mật, nhóm người này tôn thờ ma quỷ và đứng sau hàng loạt các vụ bắt cóc trẻ em? Theo một cuộc khảo sát gần đây, 17% người dân Hoa Kỳ tin rằng thuyết âm mưu này là có thật.
Ngoài ra, có 30% tin rằng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đã bị gian lận và chiến thắng bị cướp khỏi tay Donald Trump. Hơn 36% người dân Hoa Kỳ cho rằng đại dịch COVID-19 là kế hoạch của một nhóm người quyền lực nhất trên thế giới.
Khi nhìn vào những con số này, có thể thấy rằng một phần lớn người dân Hoa Kỳ tin rằng “thực tế không phải những gì đang diễn ra trước mắt.” Hay cụ thể hơn, họ tin vào các thuyết âm mưu, gọi chung là QAnon (thuyết hoang tưởng QAnon), một nhóm thuyết âm mưu xuất hiện từ năm 2017, phổ biến rộng rãi và gần như trở thành một giáo phái.
Học thuyết chung của QAnon là tin rằng có một “nhà nước ngầm” (deep state) – mạng lưới bí mật của một nhóm người thuộc giới tinh hoa toàn cầu, điều khiển và kiểm soát các chính sách, sự kiện xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù nghe có vẻ hoang tưởng, nhưng một phần nào đó của học thuyết này đã được các triết gia xem xét rất nghiêm túc. Đó là, tất cả những hiểu biết của chúng ta về thế giới xung quanh có thể bị bóp méo nghiêm trọng.
Ý tưởng này – thường được gọi là nghi ngờ mọi thứ (radical doubt) hay chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) – đã được René Descartes, nhà toán học và triết gia người Pháp nổi tiếng trong thế kỷ 17, nêu ra trong tác phẩm Meditations on First Philosophy (1964). Nhận ra rằng nhiều điều mình từng tin tưởng hóa ra lại là sai lầm, Descartes đặt ra giả định là có một “thiên tài xấu xa” và đầy quyền năng đang lừa dối ông về tất cả mọi thứ, một cách có hệ thống – giống như cách mà “nhà nước ngầm” đang lừa dối những người tin vào thuyết hoang tưởng QAnon.
Từ đó, Descartes bắt đầu loại bỏ tất cả những niềm tin “không hoàn toàn chắc chắn,” để xây dựng lại từ những “nền tảng cơ bản.”
Trump là đấng cứu thế?
Cũng giống như Descartes muốn tìm kiếm một nền tảng vững chắc cho tất cả những niềm tin của mình, những người ủng hộ QAnon (được gọi là QAnons) đang trông chờ sẽ có một ngày tỉnh thức, được tiên tri bởi nhân vật ẩn danh “Q.” Ngày phán xét này được gọi là “Cơn Bão” (The Storm). Theo các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa quá khích (radicalisation) Mia Bloom và Sophia Moskalenko, “Cơn Bão” là ngày mà Trump sẽ bắt giữ những người thuộc “nhà nước ngầm,” tống cổ họ tới Guantanamo Bay hoặc hành quyết họ. Sau đó, mọi người sẽ ăn mừng “cuộc đại tỉnh thức” vì đã được giải thoát khỏi sự lừa dối bấy lâu.
Trong những tuần trước khi xảy ra vụ bạo loạn Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 6/1, QAnons vẫn một mực ‘án binh bất động,’ nhưng cũng có một số đối tượng ‘cộm cán’ đã tham gia vào cuộc bạo loạn. Sau đó, “Cơn Bão” dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 20/1/2021 – ngày nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thay vì lật đổ “nhà nước ngầm,” Trump lại rời khỏi Tòa Bạch Ốc. Những người ủng hộ QAnon phản ứng theo hai hướng khác nhau: tăng gấp đôi niềm tin và vững lòng theo đuổi, hoặc mất lòng tin và từ bỏ.
Tình hình này kéo dài cho đến tháng 11/2022, khi Trump công bố chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024. Sau hai năm, “đấng cứu thế” của QAnon đã trở lại và kể từ đó, Trump đã kích động QAnon quay trở lại cuộc chiến chống “nhà nước ngầm” một lần nữa. Ngày 11/2/2024, Trump đã đăng một lời kêu gọi trên nền tảng Truth Social của mình như sau:
“Năm 2024 là Trận Chiến Cuối Cùng (Final Battle) của chúng ta. Mọi người cùng kề vai sát cánh bên tôi, chúng ta sẽ phá hủy Nhà Nước Ngầm… chúng ta sẽ đánh bại bọn Truyền Thông Giả Mạo (Fake News Media), chúng ta sẽ Diệt tận gốc bọn Sâu Dân Mọt Nước (Drain the Swamp). Chúng ta sẽ giải phóng đất nước khỏi những kẻ độc tài và đám ác nhân, một lần và mãi mãi!”
Tin tưởng vào kế hoạch
Descartes nổi tiếng với sự chắc chắn trong khả năng tư duy của mình, được biểu hiện qua câu nói: “I think, therefore I am” (Tôi suy nghĩ, cho nên tôi hiện hữu). Ý tưởng là, dù có nghi ngờ về những cảm giác thuộc về cơ thể của mình, nhưng Descartes không thể nghi ngờ sự hiện hữu của mình như một người suy nghĩ. Đó là vì việc nghi ngờ bản thân đang suy nghĩ, tự việc này, cũng chính là một dạng thức suy nghĩ.
Sự chắc chắn này, được gọi là Cogito, đã cho Descartes những nền tảng cơ sở để thoát khỏi sự lừa dối theo giả định “thiên tài xấu xa.” (Ý nghĩa của Cogito là: việc suy nghĩ làm cho chúng ta hiểu được sự hiện hữu của bản thân mình, và điều này là không thể bị nghi ngờ. Vì vậy, ngay cả khi có một thế lực xấu xa tạo ra một loạt những ảo giác lừa dối, Descartes vẫn có thể tin rằng ông tồn tại như một người có suy nghĩ, và từ đó, ông có thể bắt đầu xây dựng một nền tảng vững chắc để tìm hiểu sự thật đằng sau những điều có vẻ là hiển nhiên.)
Dường như có một loại Cogito khác đang bao trùm câu khẩu hiệu chính của QAnon, “Where we go one, we go all” (Một người trong chúng ta đi đâu, tất cả chúng ta cùng đến đó). Đây là lời kêu gọi đoàn kết giữa các QAnons, cùng nhau “tin tưởng vào kế hoạch” – tin vào lời tiên tri của “Q” rằng Trump sẽ chiến thắng “nhà nước ngầm.”
Nhưng liệu điều đó có ngụ ý rằng, ít nhất có một điều gì đó trên thế giới này là đáng tin cậy? Tức là, nếu không có gì đáng tin cậy, thì làm thế nào có thể có một kế hoạch để họ tin tưởng ngay từ đầu? Và nếu trên thế giới này không có gì đáng tin, thì làm thế nào các thành viên trong QAnon có thể tin tưởng lẫn nhau? Vì vậy, sự hiện hữu của QAnon cần phải có niềm tin ở một mức độ nhất định; niềm tin này là sự chắc chắn, là nền tảng cơ bản đối với QAnon.
Nhiều người ủng hộ QAnon và “tin tưởng vào kế hoạch” vì họ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và thấy cô đơn, tách biệt với thế giới. QAnon và Trump có thể đã lợi dụng những cảm xúc và nỗi sợ này để chiếm được lòng tin của họ.
Giống như bất kỳ thuyết âm mưu hay nào, QAnon hứa hẹn sẽ mang đến một môi trường an toàn cho các tín đồ của mình, giải quyết những lo lắng của họ và giúp họ không còn thấy lạc lõng và bất an nữa. Giống như bất kỳ vị cứu tinh thiện lành nào, Trump hứa hẹn sẽ tiêu diệt thế lực tà ác “nhà nước ngầm.” Điều này có thể giải thích tại sao việc Trump tái tranh cử tổng thống vào năm 2024 cũng có thể tăng cường lôi kéo sự ủng hộ dành cho QAnon.
Cuối cùng, sự hiện hữu của QAnon dựa trên một niềm tin, mà nguồn gốc nằm ở nỗi sợ hãi và lo lắng. Người ta tin tưởng vào QAnon vì họ cảm thấy sợ hãi và lo lắng về thế giới xung quanh, và QAnon hứa hẹn sẽ giải thoát họ khỏi bằng lôi “nhà nước ngầm” ra ánh sáng và tiêu diệt thế lực này. Nhưng nếu có thể vượt qua sợ hãi và lo lắng, người ta sẽ có thể tỉnh táo hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, và thoát khỏi sức dụ hoặc của QAnon. Nếu như nỗi sợ là một loại độc dược, thì giải dược chính là lòng dũng cảm.
Đối với những người đang ủng hộ QAnon, có một mạng lưới hỗ trợ luôn sẵn lòng giúp đỡ họ. Chỉ cần họ có can đảm để tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ những người bên ngoài vòng tròn QAnon của mình.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: Bài của Taylor Matthews, trên trang mạng The Conversation: “Descartes and the deep state: what 17th-century philosophy reveals about Trump and QAnon” được đăng trên trang TheConversation.com.”