logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 14/06/2024 lúc 01:21:39(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,236

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ngày Hiền Phụ hay là Ngày Lễ Cha (Father’s Day) rơi vào ngày Chủ Nhật thứ 3, tháng 6 hàng năm tại Hoa Kỳ, được Tổng Thống Lyndon Johnson chính thức công nhận là ngày lễ quốc gia từ năm 1966, sau đó Tổng Thống Nixon ký thành luật, ban hành năm 1972. Theo lịch sử Hoa Ký, vào năm 1909, bà Sonora Smart Dodd lúc đó 27 tuổi, sau khi nghe diễn thuyết về ngày Lễ Mẹ tại đền Spokane tiểu bang Washington, bà nảy sinh ý muốn có một ngày đặc biệt để tôn vinh người cha, vì cha cũng xứng đáng được tôn vinh như mẹ. Tư tưởng này xuất phát từ lòng can đảm, sự hy sinh và tình thương dành cho các con của cha bà là ông William Smart. Vợ chết ngay khi sinh đứa con thứ 6 vào năm 1898, ông William Smart đã ở vậy, một mình nuôi 6 đứa con ở một nông trại miền Đông tiểu bang Washington Hoa Kỳ. Ngày Lễ Cha do bà Sonora vận động được tổ chức lần đầu tiên ở tiểu bang Washington vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 là ngày sinh nhật của William Smart đến nay (2024) đã là 114 năm, được trên 50 quốc gia trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam.

Biết được trường hợp của ông William Smart tôi hết sức ngạc nhiên, vì trường hợp của William sao mà giống với trường hợp của ba tôi quá. Năm 1954 mẹ tôi mất khi đứa em út của tôi vừa tròn một tuổi. Ba tôi 36 tuổi, cũng ở vậy một mình nuôi 6 đứa con thơ nhỏ dại, đứa lớn nhất là anh hai tôi, lúc đó mới có 12, còn tôi 11. Sau khi mẹ tôi mất, ba mới đùm túm bày con côi cút trở về quê, cất một căn nhà nhỏ ở khu vườn hoang vắng làm việc đồng áng ở địa danh gọi là Cầu Nước Trong, xã An Lợi, huyện Long Thành, cách Sài gòn 60 cây số về hướng Đông. Hoàn cảnh của ba tôi khó hơn William Smart rất nhiều: Ba phải nuôi dưỡng 6 con, toàn là trai mà đứa lớn nhất mới có 12 tuổi còn William cũng nuôi 6 con nhưng đứa con đầu là gái lúc đó đã là 16, chắc hẵn đã biết chăm sóc các em và đỡ đần cho ba tốt hơn là một cậu trai 12 tuổi như anh hai tôi!

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Về Gia Định là về quê ngoại tôi, còn về Đồng Nai là về quê nội tôi. Ông nội theo Tây học, là người có chức sắc ở địa phương, sinh tất cả 10 người con mà ba tôi là con thứ tám, sinh năm 1918 tại Long Thành. Ông nội là người có học, có chức quyền nhưng không hiểu sao con ông không ai học cao hết, nhất là mấy cô tôi, ngoại trừ ba tôi là biết tiếng Pháp, đẹp trai mà lại hiền lành, được ông cưng nhất. Trong một lần từ Sàigòn đi Long Thành bán vé tiết kiệm, ông ngoại tôi đã “chấm” ngay ba tôi. Chấm có nghĩa là ở trong bụng ưng ý, chọn ba tôi làm phò mã, làm con rể mà chưa nói ra. Thế là ông ngoại dẫn ba tôi lúc đó mới ngoài hai mươi, lên Sài gòn, về quê ngoại, giới thiệu với gia đình, để cho má tôi, là trưởng nữ “coi mắt” ba tôi, và… chuyện gì đến đã đến. Ngặt một nỗi là ông nội không bằng lòng làm sui với ông ngoại, chê ông ngoại không ngang “vai vế” và nhỏ tuổi hơn ông, cho dầu ông ngoại là người “văn hay, chữ tốt” và rất tinh thông Hán học. Ông ngoại nhờ không biết bao nhiêu người có uy tín đến thưa chuyện cùng ông nội nhưng ông đã quyết định không là không. Thành thử đám cưới ba tôi chỉ một tay bà nội tôi lo, còn ông nội tôi không ngó ngàng gì tới! Má tôi về làm dâu với gia đình ông nội là trăm bề cay đắng, cho dầu được bà nội che chở và yêu thương hết mực. Năm sau mẹ sanh anh hai tôi, thể trạng ốm yếu, đau bệnh hoài. Bà nội nghe lời thày bói nói anh hai tôi phải là con nuôi của má mới là tốt!? Thế là bà nội mới đi tìm một người ăn mày, cho tiền họ, bảo họ giả bộ nhận anh hai tôi làm con, sau đó má tôi mới đến xin về làm con nuôi với hy vọng anh hai tôi hết bệnh. Ông ngoại đặt cho anh hai tôi một cái tên rất đẹp và ý nghĩa là Nguyễn Thành Kỉnh nhưng bà nội tôi đặt tên lại là Chỏi, để cho anh hai tôi có thể chống chỏi, vượt qua được cơn bệnh hoạn.

Tôi biết bà nội còn ông nội thì không, vì ông mất từ lâu. Những chuyện về ông phần lớn là nghe các cô tôi kể lại. Nổi bật nhất là sự khó tính của ông nội và lòng yêu thương vô bờ bến của bà nội với các con, bất kể đó là dâu hay rể! Có một lần nửa đêm cả nhà đang ngủ, ông nội tôi thèm thịt gà. Ông bèn tự tay bắt gà làm thịt, nấu cháo. Xong xuôi ông mới đánh thức mọi người dậy để cùng ăn với ông trong lúc các bác, các chú và cô tôi thèm ngủ chớ đâu có thèm ăn, Ai không dậy nổi ông cũng không tha mà lấy roi mây quất vào đít cũng phải tỉnh ngủ thôi. Nghe nói ông nội tôi còn có roi cá đuối, không biết để đánh ai? Vậy mà cũng có người đi trốn, tìm chỗ ngủ tiếp chớ đâu có ăn! Bà nội tôi khi về già thì được các cô tôi rước về nuôi nhưng bà không thích ở hẳn với đứa con nào mà chỉ ở với người này một vài tháng rồi người kia một vài tháng, cứ thế mà xoay vòng tròn cho đến giáp năm. Có lẽ bà nội tôi nghĩ như thế mới là công bằng? Đúng vậy, sự công bằng có kèm theo lòng yêu thương nữa: Mỗi khi bà nội tôi được bàn giao cho cô nào thì mấy cô bắt bà ngồi vào cái thúng, móc vào một cái cân tạ, loại cân heo để cân xem bà tăng ký hay sụt ký. Trường hợp thấy sụt ký thì bà lén bỏ chì vào, gọi là “bù chì” cho bằng trọng lượng của lần cân trước. Hỏi để làm gì thì bà nói để cho các cô tôi vui vẻ với nhau, ai cũng nuôi bà nội tốt hết, nếu không thì các cô tôi phân bì, phiền trách, châm biếm và mỉa mai nhau, khổ lắm!

Ông nội nghiêm khắc, bà nội thì dễ dãi, sanh ra ba tôi “ hiền như cục bột ”. Thấy anh hai tôi bệnh hoài không hết, má tôi mới quyết định ẫm anh tôi về quê ngoại tìm thày chữa trị. Ba tôi không có lựa chọn nào khác hơn là phải theo má tôi về quê vợ, cuộc đời lật sang trang mới. Nghe đâu quê ngoại tôi ở miệt Cần Giờ, Cần Đước, sau này mới tản cư lên xã Phú Xuân Hội, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định, cách Sài gòn theo đường chim bay chừng 7 cây số. Bên ngoại thì có ông bà ngoại và cậu Tám. Tôi đã được sanh ra ở đây vào năm Quý Mùi 1943. Má tôi có sạp bán trái cây ở chợ Cầu Muối. Bà đẻ hầu như năm một. Thường thì ba đặt tên cho con. Nhưng ở đây ông ngoại mới là người đặt tên cho anh em tôi: NguyễnThành Kỉnh, Nguyễn Đức Đạo, Nguyễn Thế Nhân, Nguyễn Hữu Lý, Nguyễn Kim Lưu, Nguyễn Hữu Thời. Má tôi đẻ đứa nhỏ thì gửi đứa lớn về cho bà ngoại nuôi, bà là một bà Mẹ Việt Nam tuyệt vời. So với bà nội thì bà ngoại tôi đau khổ, bất hạnh gấp trăm ngàn lần. Sanh 9 người con nhưng cuối cùng ai cũng bỏ bà ra “đi” hết. Thời gian đầu ba tôi làm ở hãng xăng dầu Shell Nhà Bè với cậu Tám tôi. Từ Sài gòn, ba được xe của hãng đưa rước đi làm hàng ngày. Mỗi sáng tôi ra mé lộ trước nhà canh đúng giờ xe chạy ngang qua để xem coi có trông thấy ba tôi không. Khi xe chạy ngang qua, ba tôi thường thảy xuống cái gói đồ ăn mà má tôi đã làm sẵn cho anh em tôi. Hơn sáu chục năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như mới ngày nào, những con dế cơm lăn bột chiên, trong bụng có nhét những hạt đậu phộng dòn rụm và béo ngậy mà ba tôi đã thảy xuống cho tôi. Có lẽ ba đã bắt những con dế này ở bờ tường, cột đèn đem về cho má tôi làm thành món ăn đặc biệt cho anh em tôi.

Khi phong trào Việt Minh nổi dậy, không nhớ là năm nào, cậu Tám tôi bị Tây bắt. Thời gian sau cậu được thả ra, ông ngoại tôi sợ quá mới lên Sàigòn, qua vùng Khánh Hội mua đất cất hai căn nhà kế nhau ở đường Tôn Đản, một căn cho ông bà và cậu, một căn cho gia đình ba tôi. Bà ngoại vẫn tiếp tục chăm sóc anh em tôi, còn ba thì bán vé xe buýt cho “Công Quản Chuyên Chở Công Cộng Đô Thành Sài gòn Chợ Lớn”. Ngoài giờ làm việc thì ba phụ bán trái cây với má chớ không bạn bè, đờn ca, hát xướng, văn chương, thi phú như cậu Tám tôi. Khi nào rỗi rảnh thì cậu chở ba đi chỗ này chỗ kia bằng chiếc mô-tô to đùng của cậu. Nếu cậu Tám tôi “bay bướm” bao nhiêu thì ba hiền lành bấy nhiêu. Có những lần ba thất nghiệp ở nhà phụ má tôi rất nhiều, vậy mà bị bà cằn nhằn dữ lắm. Tôi vẫn còn nhớ mãi một câu, ba không nói với ai được, nên phân trần với tôi: “Má mầy nấu cơm khét mà cũng đỗ thừa cho ba”. Không hiểu sao trên đời này lại có người hiền lành đến như vậy. Trong các anh em tôi, người giống tánh ba nhiều nhất là đứa em thứ năm của tôi. Con trai tôi cũng thừa hưởng cái gen của ông nội là hiền lành quá đổi! Hiền lành là một yếu tính của đạo đức nhưng hiền quá chỉ nhận về mình nhiều thua thiệt, khó mà thành công, vươn lên được với đời mà người tốt thì ít, người xấu thì nhiều.

Ông ngoại, cậu Tám và má tôi mất chỉ trong vòng hai năm là một tai họa khủng khiếp giáng xuống bà ngoại tôi và là một bước ngoặt quan trọng đối với ba tôi. Má tôi mất khi đứa em thứ 5 của tôi mới có 4 tuổi. Lúc tẫn liệm má thì em gào thét, khóc lóc dữ dội, không cho mọi người bỏ má vào hòm. Ba tôi thì ghì chặt, vuốt đầu, vỗ về, an ủi em tôi. Hình ảnh này làm sao tôi quên được? Khi viết tới đây thì mắt tôi đã tràn đầy ngấn lệ… Sau đám tang má, một người bà con bên ngoại mới nhận đứa em thứ sáu của tôi về nuôi giúp ba tôi cho ba bớt gánh nặng. Lúc đó em tôi hai tuổi, thể trạng rất yếu và thường hay bị động kinh. Trải qua tuổi thơ đầy cay đắng, sau này em tôi viết tự truyện nói “Mẹ là không có thật trên đời ”! Bà ngoại cùng theo về với mấy người bà con bên ngoại. Trong lúc tang gia bối rối thì ba bị hãng xe buýt cho thôi việc, ông buộc phải dắt 5 anh em tôi về quê Long Thành. Đại gia đình chúng tôi tan đàn, xẻ nghé kể từ ngày đó.

Hơn một năm tá túc ở nhà người cô Năm, ba tôi mua lại một mảnh đất ở Cầu Nước Trong, cất căn nhà nhỏ, mặt tiền hướng ra quốc lộ 15, vừa làm vườn, vừa làm “gà trống nuôi con”. Gọi là làm vườn chớ thật ra vườn tược trong nhiều năm cũng chẳng mang lại hoa lợi gì đáng kể, một phần vì đất đai khô cằn không màu mỡ, phần khác ba tôi không phải là dân làm vườn chuyên nghiệp.Thời gian này mấy cha con sống nhờ tiền cho thuê căn nhà đường Tôn Đản và cái sạp bán trái cây của má tôi để lại. Hàng ngày ba tôi đào mương, cuốc đất, trồng cây thì anh em tôi xuống suối bắt ốc, hái rau hoặc lên rẫy đào củ mài, củ sắn. Cứ thế, thời gian trôi đi, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác… Nhờ trời thương, anh em tôi không đau yếu bênh hoạn gì cả mà vẫn dũng cảm lớn lên như những bông hoa dại trong vườn. Thấy ba tôi cực khổ quá, mấy cô tôi ai cũng đốc thúc ba tôi lấy vợ để bớt cô quạnh và có người chăm nom, săn sóc gia đình. Ba nói để anh em tôi lớn lên rồi sẽ tính chớ cưới vợ bây giờ ba rất sợ cảnh “mẹ ghẻ ” ăn hiếp con chồng. Vậy mà cô Chín tôi tài khôn, từ Sài gòn dẫn về một bà, giới thiệu cho ba tôi. Ba đâu có chịu. Lại một trường hợp khác, y như chuyện thần tiên, chuyện cổ tích: Có một người người trông rất sáng sủa, hiền lành, nước da trắng, ăn mặc không sang trọng nhưng gọn gàng, không biết từ đâu, hễ ba tôi vắng nhà là xuất hiện. Bà mang cho chúng tôi bánh trái, rồi sắp xếp đồ đạt, quét dọn nhà cửa từ trong ra ngoài rất sạch sẽ, tươm tất rồi ra đi. Bà xuất hiện nhiều lần như vậy rồi sau đó không thấy trở lại nữa. Tiếc là lúc đó tôi không nói chuyện với bà, cũng không hỏi ba. Câu chuyện đi vào quên lãng, bây giờ ngồi viết mới nhớ lại. Một ý nghĩ thoáng qua, hay là má tôi xuất hiện? Nhưng mà má tôi nước da ngâm đen chớ đâu có trắng như người đàn bà bí mật kia. Không biết là ba và mấy em tôi có biết chuyện này hay không?

Đứa em thứ 6 của tôi cuối cùng cũng được đưa về sum họp với gia đình. Không nhớ là năm nào, chỉ nhớ khi về “nhập bầy” với anh em chúng tôi thì em kêu ba bằng Anh Hai, thấy xe chạy trên đường thì nói là tàu vì nơi em được nuôi lúc nhỏ chỉ toàn là sông rạch, người ta đi lại bằng ghe, thỉnh thoảng cũng có thấy những chiếc tàu. Thời gian ở Long Thành mấy em tôi học trường làng, tôi và anh hai đi học tiểu học ở quận, bằng xe đạp, xa nhà 4 cây số. Mỗi ngày ba tôi dậy sớm nấu cơm cho anh em tôi mang theo ăn trưa ở trường, đến chiều thì đạp xe về nhà. Hết lớp nhất, anh hai tôi thi đậu vào trường Trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, còn tôi tiếp tục học trường tư ở quận vì quá tuổi, không thi vào đệ thất ( lớp 6 ) trường công được.

Về quê làm vườn và làm gà trống nuôi con được mười năm, ba tôi được hãng xe buýt kêu trở lại làm việc. Lên Sài gòn ba tôi đòi lại nhà đường Tôn Đản để đưa anh em tôi lên ở. Người ta không trả nhà mà cũng không trả tiền thuê nhiều tháng. Ba phải nhờ luật sư đưa họ ra tòa xin án lệnh trục xuất. Vụ việc kéo dài nhiều năm mới giải quyết xong. Trong lúc đi làm mà chưa đòi lại được nhà không biết ba tôi ở đâu mà cứ mỗi tuần vào chiều thứ bảy thì ba về thăm chúng tôi để rồi chiều chủ nhật ra con lộ trước nhà đón xe đò lên Sài gòn cho kịp đi làm ngày thứ hai. Sáu giờ chiều ba mới về nhưng mới hai giờ trưa thì tôi và bốn đứa em (anh hai tôi học ở Biên Hòa chưa về) đã ra ngồi thành hàng một trước hiên nhà, hướng mắt ra quốc lộ 15 để trông ngóng ba tôi, hy vọng sẽ nhìn thấy một chiếc xe đò nhỏ vừa qua khỏi Cầu Nước Trong thì chậm lại rồi ngừng hẵn: một người đàn ông vóc dáng trung bình, cao độ một thước sáu mươi lăm, áo sơ mi trắng bỏ ngoài, quần tergal màu xanh lợt, một tay cầm ổ bánh mì, tay kia xách con vịt quay, bước xuống. Ba tôi đó! Có những thứ tình cảm mà chữ nghĩa không thể diễn tả và diễn tả hết được. Một em bé ngồi ở ngạch cửa chờ mẹ đi chợ về chỉ trong chốc lát đã thấy dài vô tận. Còn anh em tôi phải chờ đến bảy ngày mới gặp lại ba thỉ nỗi khát khao, vui mừng kia nó to lớn đến mức độ nào? Ba tôi vì hoàn cảnh phải để bầy con thơ dại sống một mình trong căn nhà nhỏ giữa đồng không mông quạnh thì sự nhớ thương, lo lắng và nóng lòng của ba biết lấy gì mà đo lường được? Khi ba về mà có anh tôi về nữa thì thật hạnh phúc. Ba dắt chúng tôi ra dòng suối trước nhà tắm giặt, nô đùa thỏa thích, ba dẫn chúng tôi đi chợ Long Thành mua thức ăn dự trữ cho một tuần. Trước khi trở lên Sài gòn bao giờ ba cũng kho để lại cho anh em tôi một nồi thịt có trứng vit. Niềm vui 24 giờ của chúng tôi trôi qua rất nhanh vì đến chiều chủ nhật thì anh tôi trở lên Biên Hòa còn ba thì đi Sài gòn tiếp tục bán vé xe buýt. Khi nhìn anh và ba chuẫn bị đồ đạc lên đường bao giờ tôi cũng chảy nước mắt, hình như tôi biết buồn kể từ ngày đó, nhưng chưa bao giờ tôi để các em nhìn thấy. Tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc động nhưng trước mặt mọi người bao giờ tôi cũng tỏ ra cứng rắn.

Không nhớ năm nào thì ba lấy nhà lại được và rước chúng tôi lên Sàigòn. Có lẽ lúc đó tôi hai mươi tuổi, vì bài thơ đầu tiên tôi làm đăng báo ở Sàigòn có tên là Tuổi Hai Mươi. Chỉ trừ anh hai tôi là vẫn tiếp tục học trường công ở Biên Hòa còn tôi và các em đều học trường tư, trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh, gần chợ Thái Bình và rạp chiếu bóng Khải Hoàn bên quận 1. Chỉ việc lo áo quần, sách vở và học phí cho năm anh em tôi chắc ba cũng mệt. Thời gian sau, khi việc nhà cửa và việc học của chúng tôi ổn định thì ba về quê ngoại, tìm và rước ngoại lên ở chung với chúng tôi. Vậy là hơn mười năm bà cháu tôi mới sum hợp lại, mừng mừng tủi tủi, có bút mực nào mà tả cho hết. Lúc má tôi còn sống, ngoại đã nuôi dưỡng và chăm sóc chúng tôi, hai mươi năm sau bà lại tiếp tục khổ cực vì chúng tôi! Thấy sức khỏe của ngoại ngày càng suy giảm, ba mới xin phép ngoại cho ba tục huyền để có người phụ ngoại lo việc chợ búa, cơm nước, coi sóc gia đình và ngoại đồng ý. Người này ở xã An Lợi, hiền lành và ít nói, có lẽ do cô Năm tôi giới thiệu. Ngày rước dì tôi lên, ba đốt nhang khấn vái trước bàn thờ của má, ba sai tôi qua nhà bà Năm bên cạnh mua một xị rượu, ba và dì làm lễ với ngoại dưới sự kiến của mấy anh em tôi. Buổi “lễ cưới” cực kỳ đơn sơ nhưng trang nghiêm và xúc động. Anh hai và đứa em út của tôi thì hân hoan còn tôi thì có cảm giác bâng khuâng khó tả, không buồn mà cũng không vui, mặc dầu tôi hoàn toàn tán thành việc tục huyền của ba, thật ra trước đó ba đã hỏi ý kiến của mấy anh em tôi rồi. Có dì thì ba bớt cô đơn và mệt óc, ngoại cũng đỡ vất vả. Rồi một ngày, ngoại lui về Phú Xuân cất một căn nhà nhỏ, giống như cái am bên cạnh nhà ông Năm, em của ngoại, ngày đêm tụng kinh niệm Phật, khi nhớ cháu thì bà lên thăm. Anh Hai tôi từ Biên Hòa cuối tuần đạp xe về Sàigòn sum hợp với gia đình. Ít lâu sau anh mất vì bệnh.

Gia đình tôi ổn định được 5 năm thì ba tôi lại bị cho nghỉ việc, vừa lúc tôi thi đậu tú tài phần 2, nghĩa là vừa xong trung học. Lần này ba quyết định cùng với dì trở về quê, sửa lại căn nhà, chăm sóc lại mảnh vườn đã hoang phế từ nhiều năm. Năm anh em tôi lại sống một mình. Lần này không phải là nơi đồng không mông quạnh mà là giữa lòng đô thị với tất cả phức tạp và nghiệt ngã của nó. Thật là may, ngay khi ba tôi bị nghỉ việc và trở về quê thì tôi được nhận vào làm thông dịch viên tại Ty Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Bình Dương, cách Sàgòn 30 cây số, với số lương khá cao. Sở dĩ tôi làm được điều này là vì ngoài giờ học phổ thông buổi sáng ở trường Hưng Đạo, ba đã cho tôi học thêm Anh Văn vào buổi chiều, suốt bốn năm cuối trung học. Nếu trước đây ba từ Sài gòn về Cầu Nước Trong thăm chúng tôi vào cuối tuần thì đến phiên tôi, từ Bình Dương tôi về thăm các em tôi ở Sài gòn cũng vào cuối tuần. Tuần nào tôi không về được thì đứa em kế lên chỗ tôi ở trọ lấy tiền về chi dùng. Trong thời gian này, cùng lúc tôi chịu hai áp lực, một là gánh nặng gia đình, hai là bị gọi đi lính. Tôi được hoãn dịch vì lý do học vấn. Nếu năm nào tôi rớt một chứng chỉ ở trường Luật thì phải trình diện nhập ngũ ngay. May mắn cho tôi, vừa làm vừa học cực kỳ gian nan, vậy mà sau 4 năm tôi cũng có được mảnh bằng Cử nhân Luật. Kế đến một may mắn nữa là tôi trúng tuyển vào Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, ngạch chuyên viên, lương cao không thua gì lương dân biểu hồi đó. Hàng tháng, ngoài chi phí học hành, chi tiêu trong gia đình cho mấy đứa em, tôi còn giúp được ba. Thường thì mỗi tháng ba lên Sàigòn, ghé thẳng ngân hàng gặp tôi để nhận tiền. Đến “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972 luật tổng động viên ban hành, tôi giã từ ngân hàng, nhập khóa 1/72 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường đi tác chiến hai năm, tôi được biệt phái về lại ngân hàng cho tới ngày 30-4-1975.

Sau gần ba năm đi “học tập cải tạo” trở về thì ngoại tôi mất, hai em thứ tư và thứ sáu thì “hồi hương” về Long Thành làm ruộng với ba, căn nhà và miếng vườn ở Cầu Nước Trong cũng không còn. Quan trọng hơn là sự chia tay giữa ba và bà dì. Bà trở về sống với con bà, ba tôi thì sống với hai em tôi. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Ba không nói, tôi cũng không hỏi. Khi được “tạm tha” về nhà, tôi bị công an địa phương áp lực nặng nề. Họ bắt tôi trình diện mỗi tuần và hối thúc tôi đi “kinh tế mới” như “giấy ra trại” đã ghi. Họ bảo tôi phải “chấp hành”. Tuy vậy, tôi không chịu thua họ, không đầu hàng hoàn cảnh mà cải thiện hoàn cảnh, bằng mọi cách phấn đấu để vươn lên. Kết quả: tôi được nhập lại hộ khẩu, làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, kể cả ở ban Tài Chánh Quản Trị thành ủy Sài gòn, giúp họ cải tiến công tác quản lý các công ty xuất nhập khẩu của đảng. Khi nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động, tôi “nhảy ra” làm việc cho nhiều ngân hàng với nhiều chức vụ quan trọng, như khi tôi giúp nhóm tư bản Đài Loan, xây dựng cho họ một ngân hàng, họ tin tưởng, bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám Đốc. Căn nhà cây vách ván ở đường Tôn Đản mà ông ngoại tôi cất từ thuở nào đã mục nát, được tôi xây lại bằng gạch, đẹp đẽ hơn, khang trang hơn. Rồi tôi về Long Thành rước ba lên ở với tôi. Lúc này tôi đã cưới bà xã và có hai con.

Vào một buổi chiều mùa Thu, ba than đau bụng. Tôi chở ba đến bệnh viện đa khoa quận. Nơi đây người ta khám qua loa, bảo là đau ruột thừa rồi quyết định chuyển ba lên bênh viện Nguyễn Trải quận 5. Tôi về nhà lấy thêm đồ đạc cần thiết cho ba, đồng thời báo cho đứa em thứ 5, ở nhà đối diện, cùng đi theo ba với tôi. Nếu là đau ruột thừa thì phải mổ ngay. Lấy lý do là ngày chủ nhật không có bác sĩ (?), người ta để ba tôi nằm ôm bụng suốt một đêm. Sáng hôm sau ba bảo tôi cứ đi làm, một mình em tôi ở với ba cũng được. Tôi đi làm mà lòng không yên. Trưa tôi ghé bệnh viện, người ta nói ba tôi đang ở trong phòng mổ, bảo tôi ra hành lang mà chờ. Thời gian chờ đợi dài khủng khiếp. Tôi nghe như có lửa đốt trong lòng. Rồi người ta đẩy ba tôi qua một căn phòng mà từ cửa sổ hành lang tôi có thể nhìn thấy được: Ba nằm bất động trên giường, chằn chịt những dây truyền dịch, dây trợ thở. Tôi thấy ba cô đơn quá, một sự cô đơn tuyệt đối! Tôi muốn chạy đến bên người, nhưng đã “nghìn trùng xa cách”, vĩnh viễn xa cách! Người ta mời tôi vào văn phòng và cho biết ba tôi đã ra đi! Bầu trời trước mặt tôi đã sụp đổ. Tôi không màng hỏi xem ba tôi mất vì lý do gì và suốt đời tôi không biết vì lý do gì!

Ba tôi mất ở tuổi 73. Nếu có ai hỏi tôi cư xử như thế nào với ba khi người còn sống thì tôi trả lời đã làm hết những gì có thể. Tuy nhiên, có một điều quan trọng tôi rất ân hận là nói chuyện với ba ít quá. Đáng lẽ tôi phải nói chuyện với ba nhiều hơn, để hiểu ba hơn và chia sẻ với ba những nỗi niềm, ưu tư trong cuộc sống. Và, buồn nhất là trong giờ phút lâm chung của ba không có đứa con nào có mặt. Ba tôi có đầy đủ phẩm chất của một người cha (như Willam Smart) mà cả thế giới ngưỡng mộ, lấy làm biểu tượng và dành một ngày trong năm để vinh danh, gọi là ngày Từ Phụ. Các phẩm chất đó là lòng can đảm, sự hy sinh và tình thương cao cả dành cho các con. Ngoài ra, ba tôi còn là một người rất nhân hậu và đạo đức. Đây là một di sản quý báu, đáng tự hào mà anh em chúng tôi đã thừa hưởng và phát huy được từ một người cha khả kính, đúng như nhận định rất chính xác của đứa em út : “Dầu không thành đạt gì về vật chất. Nhưng tất cả đều đã sống lương thiện, đàng hoàng, biết yêu cái đẹp và còn có thể làm ra cái đẹp nữa”.

Duy Nhân
*Trùng chủ đề
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.132 giây.