Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri), vũ khí hạt nhân ‘‘chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như vậy trong quan hệ quốc tế”. Việc các cường quốc hạt nhân gia tăng phát triển loại vũ khí hủy diệt này đang đẩy nhân loại đến bờ vực hủy diệt.
Hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Sarmat được bắn đi từ tây bắc nước Nga, bổ sung vào khu vũ khí nguyên tử mà tổng thống Putin nói rằng sẽ làm cho những kẻ thù của Matxcơva phải suy nghĩ. Ảnh do cơ quan Roscosmos công bố ngày 20/04/2022. AP
Ông Dan Smith, giám đốc Sipri, cảnh báo “chúng ta hiện đang sống qua một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người’’. Cùng với đối đầu chính trị, bất bình đẳng kinh tế, khủng hoảng sinh thái, ‘‘chạy đua vũ trang’’ là đe dọa hàng đầu. Đã đến lúc các cường quốc ‘‘nên cùng nhau lùi lại và suy ngẫm”, ông nhấn mạnh.
Theo viện Sipri, chín quốc gia có vũ khí hạt nhân - gồm Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, Vương quốc Anh, Pakistan và Bắc Triều Tiên - đều đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, và một số quốc gia đang triển khai các hệ thống mới vào năm 2023. Tính đến tháng 1/2024, trong số khoảng 12.121 đầu đạn hạt nhân đang tồn tại trên toàn thế giới, có khoảng 9.585 đầu đạn đã trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.
Khoảng 2.100 đầu đạn trong số nói trên, với tên lửa đạn đạo, được đặt trong tình trạng ‘‘cảnh báo tác chiến ở mức độ cao’’. Hầu như toàn bộ số đầu đạn hạt nhân này đều thuộc hai quốc gia Nga và Mỹ, sở hữu 90% vũ khí hạt nhân của toàn thế giới. Lần đầu tiên, Sipri ước đoán Trung Quốc cũng đã đặt ‘‘một số đầu đạn hạt nhân trong tình trạng báo động cao’’, có nghĩa là sẵn sàng sử dụng ngay lập tức.
Vào tháng 2 năm 2023, Nga tuyên bố đình chỉ tham gia hiệp ước START mới, tức ‘‘hiệp ước cuối cùng kiểm soát việc hạn chế lực lượng hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ’’. Sipri cũng lưu ý rằng Matxcơva đã tiến hành nhiều cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật ở biên giới Ukraine vào tháng 05/2024.
Theo RFI