Niềm tin của công chúng vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đang ở mức thấp kỷ lục. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, chỉ có 36% người Mỹ tin tưởng vào giáo dục đại học, hay một trong ba người trả lời cuộc thăm dò cho biết họ “có ít hoặc không có niềm tin” vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ 4 năm. Điều này trái ngược hoàn toàn với một cuộc thăm dò năm 2015, khi 57% những người được khảo sát cho biết họ “khá” tin hoặc “rất” tin tưởng vào con đường “thiêng liêng” này.
Xu hướng sút giảm này gây lo ngại vì giáo dục được coi là nền tảng cho sự thành công cá nhân và sự thịnh vượng của quốc gia. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Chi phí tăng cao: Chi phí học phí đại học đã tăng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây, khiến nhiều người Mỹ không đủ khả năng chi trả. Điều này dẫn đến lo ngại rằng giáo dục đại học chỉ dành cho giới nhà giàu, và đó không còn là con đường để tiến bộ xã hội. (Cần lưu ý là học phí đại học tại các nước giàu tiến bộ khác trên thế giới phần lớn đều miễn phí).
Nợ sinh viên: Sinh viên Mỹ hiện đang gánh khoản nợ vay sinh viên khổng lồ, lên tới hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Gánh nặng nợ nần này có thể gây ra căng thẳng tài chính to lớn và khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc mua nhà, bắt đầu kinh doanh hoặc lập gia đình.
Kết quả không như mong đợi: Một số người Mỹ tin rằng giáo dục đại học không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Họ thất vọng về chất lượng giảng dạy, sự thiếu liên quan giữa các đề tài khóa học với thị trường lao động, hoặc cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hạn chế.
Sự chia rẽ về chính trị: Giáo dục đã trở thành một vấn đề chính trị ngày càng chia rẽ ở Hoa Kỳ. Hai đảng chính trị lớn có những quan điểm ý thức hệ khác nhau về giáo dục. Ví dụ, đảng Dân chủ thường ủng hộ các chương trình giáo dục công cộng mạnh mẽ, ủng hộ học phí đại học miễn phí hoặc thấp, trong khi đảng Cộng hòa thường ủng hộ các lựa chọn giáo dục tư thục và phiếu voucher học phí. Những khác biệt về ý thức hệ dẫn đến tranh luận gay gắt về chính sách giáo dục, khiến khó đạt được sự đồng thuận về cách cải thiện hệ thống.
Mặc dù hướng suy giảm niềm tin này áp dụng cho tất cả các nhóm nhân khẩu học được khảo sát, phe bảo thủ tỏ ra tức giận hơn một chút với tư cách là một khối, trong khi phe Cộng hòa cho rằng những hoài nghi và sợ hãi về “sự truyền bá” chủ nghĩa tự do là nguyên tố chính bỏ qua việc đi học đại học 4 năm.
Với tình hình giáo dục Hoa Kỳ gồm các trường đại học tư có nguồn tài trợ chính từ các công ty và cá nhân có ảnh hưởng về chính trị kinh tế, rất khó cho các cố vấn giáo dục cũng như phụ huynh có thể tuyệt đối tin tưởng vào các trường đại học tư thục. Điều đáng chú ý nữa là những người không tin tưởng vào hệ thống đại học hiện đưa ra nhiều lý do thuyết phục hơn. Và việc vào đại học hay không vào đại học càng ngày càng trở thành một câu hỏi ý thức hệ.
Ngay cả khi giới trẻ phần nào cho rằng bằng cấp nhân văn ở trường đại học tư thục của họ có thể là vô dụng về mặt nghề nghiệp, thì cho đến gần đây, họ vẫn cho rằng một bằng cấp như vậy ít nhất có thể mang lại những lợi ích trí tuệ.
Trong một bài viết năm 2020 cho The New Republic, Tiến sĩ Wim Wiewel của Đại học Lewis & Clark đã nêu ra ba mục tiêu cốt lõi của giáo dục nhân văn: “khuyến khích sự khám phá suốt đời về bản thân và các giá trị của chính mình; để phát triển các kỹ năng cần thiết để bắt tay vào sự nghiệp có ý nghĩa; và chuẩn bị cho việc tham gia đầy đủ, ý nghĩa vào đời sống dân sự và công cộng.” Các giá trị này có lẽ nâng cao tinh thần và hương vị của chiếc bánh giáo dục, bên cạnh quyết định lấy bằng BFA vì mục đích lương bổng. Nhưng những lợi ích tinh thần như vậy ngày càng trở nên mờ nhạt.
Ngày nay, có nhiều hướng đi khác nhau, và định nghĩa về một “sự nghiệp có ý nghĩa” cũng không còn cố định. Kết quả từ cuộc thăm dò của Gallup là tiếng chuông cảnh báo cho một nước Mỹ đang giảm sút niềm tin vào các giá trị xã hội căn bản thiết thực, dẫn đến những hậu quả tiêu cực xã hội đáng kể: lực lượng lao động kém kỹ năng hơn làm giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế Hoa Kỳ, dân trí thấp kém dẫn tới đời sống vật chất/tinh thần kém, đồng thời họ dễ bị thao túng bởi các thế lực chính trị hoặc lợi ích nhóm, dẫn đến bất ổn xã hội.
Điều quan trọng hiện nay là cần phải khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống giáo dục. Làm thế nào? Cải thiện chất lượng giảng dạy, soạn các khóa học có liên quan hơn với thị trường lao động, tạo cơ hội cho tất cả sinh viên có khả năng đều có cơ hội thành công, v.v.
Là một cường quốc trên thế giới, liệu Hoa Kỳ có nghiêm chỉnh đặt ưu tiên tái thiết một hệ thống giáo dục tốt chuẩn bị cho sinh viên Hoa Kỳ đủ trình độ, kỹ năng đáp ứng đòi hỏi phức tạp của thế kỷ 21?
Victor Hugo đã nói: “Người mở cửa nhà trường sẽ đóng cửa nhà tù.” Tương lai nước Mỹ tùy thuộc vào ai sẽ thành Tổng Thống và đảng nào sẽ nắm đa số quốc hội vào tháng 10 này.
Nguyên Hòa