Tổng thống Joe Biden dừng tranh cử: các diễn biến quan trọng Việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng đã làm đảo lộn cục diện cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ 2024.
BBC tổng hợp những thông tin quan trọng nhất mà độc giả cần biết sau khi ông Biden dừng cuộc đua.
Một nguồn thạo tin nói với BBC rằng Tổng thống Biden đã gọi cho cấp phó của mình là bà Kamala Harris và cả hai đã nói chuyện nhiều lần trước khi ông công khai quyết định.
Chiến dịch tranh cử 'sụp đổ' trong một tháng
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Một số nhà hoạt động đã tập trung trước Nhà Trắng khi tin tức được loan đi
Ngày 27 tháng 6: diễn ra màn tranh luận giữa hai ứng cử viên đua vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã diễn đạt ấp úng, không rành mạch và làm dấy lên lo ngại về khả năng ông có thể đảm đương trọng trách.
Ngày 28 tháng 6: Ông Biden hy vọng chấm dứt những ngờ vực bằng bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử ở Bắc Carolina, trong đó ông nói: “Tôi không ăn nói trôi chảy như trước nữa. Tôi không tranh luận tốt như trước nữa. Nhưng tôi biết điều tôi biết: Tôi biết nói sự thật.”
Ngày 2 tháng 7: Lloyd Doggett là dân biểu Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua - và ngay sau đó đã có những người khác tham gia.
Ngày 5 tháng 7: Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả George Stephanopolous của ABC, ông Biden nói rằng chỉ có “Chúa toàn năng” mới có thể thuyết phục ông rút lui và ông sẽ không thực hiện bài kiểm tra nhận thức.
Ngày 8 tháng 7: Sau một ngày cuối tuần bất đồng trong nội bộ đảng, ông Biden nói với chương trình tin tức Morning Joe rằng “Tôi sẽ không đi đâu cả” và gửi cho Đảng Dân chủ một lá thư dài kêu gọi đoàn kết.
Ngày 10 tháng 7: Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói với chương trình Morning Joe rằng “tổng thống có quyền quyết định việc ông ấy có tái tranh cử hay không”, nói rõ rằng vấn đề chưa ngã ngũ. Diễn viên George Clooney kêu gọi ông Biden bỏ cuộc trong một bài xã luận và Peter Welch trở thành thượng nghị sĩ Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông rút lui.
Ngày 11 tháng 7: Tại hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington, ông Biden gọi nhầm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành “Tổng thống Putin” và Phó Tổng thống Harris thành "Trump".
Ngày 13 tháng 7: Sự chú ý và mọi cặp mắt rời khỏi ông Biden khi ông Trump bị bắn vào tai trong một âm mưu ám sát.
Chụp lại video, Ông Donald Trump bị bắn: Điều gì đang xảy ra?
Ngày 17 tháng 7: Ông Biden có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid và tạm dừng chiến dịch vận động để cách ly. Đảng viên Dân chủ hàng đầu Adam Schiff kêu gọi ông Biden “trao lại ngọn đuốc”. Các nhà lập pháp khác tiếp tục lời kêu gọi.
Ngày 18 tháng 7: Một đoạn clip được lan truyền về việc ông Biden quên tên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong một cuộc phỏng vấn, nơi mà ông cũng nói rằng mình sẽ rời cuộc đua nếu “xuất hiện vấn đề sức khỏe”. Các báo cáo rò rỉ về việc các nhà lãnh đạo Quốc hội nói với cựu Tổng thống Barack Obama về việc ông Biden dừng cuộc đua và nói rằng ông có ít cơ hội chiến thắng.
Ngày 19 tháng 7: Ông Biden tuyên bố sẽ quay trở lại chiến dịch tranh cử vào tuần tới. Số lượng đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đòi ông rút lui lên tới 30 người và các nhà tài trợ lớn ngày càng gây sức ép.
Ngày 20 tháng 7: Ông Trump chỉ trích Đảng Dân chủ không biết ứng cử viên của mình là ai.
Ngày 22 tháng 7: Ông Biden tuyên bố rời khỏi cuộc đua tổng thống. Ông ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên thay thế.
Chụp lại video, Ông Biden gọi nhầm tên ông Zelensky, bà Harris
Các lãnh đạo nước ngoài nói gì?
Nhiều lãnh đạo nước ngoài đã lên tiếng trước quyết định rút khỏi cuộc đua của ông Biden.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ca ngợi Biden là một “người đàn ông vĩ đại”, người “được tình yêu đất nước dẫn lối".
Trong một tuyên bố trên X, ông viết: “Với tư cách là tổng thống, ông ấy là đối tác của người dân Canada – và là một người bạn thực thụ.
"Gửi đến Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân: Xin cảm ơn."
Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã khen ngợi ông Biden về "năng lực lãnh đạo và phục vụ".
Trong một bài đăng trên X, ông Albanese viết: “Liên minh Úc-Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế với những cam kết chung của chúng ta về các giá trị dân chủ, an ninh quốc tế, thịnh vượng về kinh tế và hành động vì khí hậu cho thế hệ này và các thế hệ mai sau.”
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, một đồng minh quan trọng khác, nói rằng Tổng thống Biden đã "gặt hái được rất nhiều điều: cho đất nước của ông ấy, cho châu Âu, cho thế giới".
"Nhờ có ông ấy mà sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trở nên bền chặt, NATO mạnh mẽ và Hoa Kỳ là đối tác tốt và đáng tin cậy đối với chúng tôi. Quyết định không tái tranh cử của ông ấy đáng được tôn trọng."
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Joe Biden gặp nhau ở Thượng đỉnh NATO
Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng ông “tôn trọng” quyết định của Tổng thống Biden và mong được làm việc với ông Biden những tháng cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Ông nói thêm: “Tôi biết rằng, như những gì ông ấy đã làm trong suốt sự nghiệp nổi bật của mình, Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định dựa trên những gì ông ấy tin là lợi ích tốt nhất cho người dân Mỹ.”
Hai người đã gặp nhau lần đầu tiên vào khoảng hai tuần trước, tại hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington, nơi Biden vô tình gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "Tổng thống Putin".
Sau khi ông Keir Starmer phản ứng, người tiền nhiệm là ông Rishi Sunak cũng đã viết trên Twitter/X rằng khi làm việc với ông Biden, ông "đã tận mắt nhìn thấy tình yêu của ông dành cho nước Mỹ và sự tận tâm phục vụ".
Ông nói thêm: “Sự hợp tác của chúng tôi đã đưa đến những thành tựu quan trọng, bao gồm Aukus, sự hỗ trợ kiên quyết cho Israel và những nỗ lực chung trong việc bảo vệ người dân của chúng ta khỏi các mối đe dọa của Houthi.”
"Tôi chúc ông mọi điều tốt đẹp," cựu Thủ tướng Anh Sunak viết.
Các lãnh đạo Mỹ nói gì?
Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên tiếng ngay sau thông báo rút lui của ông Biden:
“Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để Đảng Dân chủ đồng lòng — và đoàn kết đất nước chúng ta — để đánh bại Donald Trump và chương trình nghị sự cực đoan của Dự án 2025 của ông ấy.”
“Chúng ta còn 107 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Cùng nhau, chúng ta sẽ tranh đấu. Và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng.”
Sau đó, bà cảm ơn ông Biden vì “năng lực lãnh đạo phi thường” và “hàng thập kỷ phục vụ đất nước của chúng ta”.
Bà Harris đã kể lại việc bà đã gặp tổng thống như thế nào và tiếp tục viết về "sự trung thực và chính trực,... tình yêu của ông đối với đất nước chúng ta và người dân Mỹ."
Bà mô tả quyết định ngừng tái tranh cử của ông là một "hành động vị tha và yêu nước" và nói rằng bà "rất vinh dự" khi nhận được sự ủng hộ của ông Biden.
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh, Phó Tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden
Cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự tôn trọng đối với Tổng thống Joe Biden, người đã làm cấp phó cho ông trong suốt tám năm.
"Joe Biden là một trong những tổng thống có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, đồng thời là một người bạn và đối tác thân thiết của tôi," cựu Tổng thống Barack Obama viết trên mạng xã hội X.
“Hôm nay, chúng ta cũng được nhắc nhở – một lần nữa – rằng ông ấy là người yêu nước ở mức cao nhất,” Obama tiếp tục.
Ông Obama đã bổ nhiệm ông Biden làm cấp phó trong thời gian ông làm tổng thống. Nhưng trong giai đoạn gia tăng sức ép gần đây lên ông Biden, ông Obama được cho là đã cùng với các đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao khác thúc giục ông Biden xem xét quan điểm của mình.
Bên cạnh những lời ngợi khen về ông Biden, có một điều cực kỳ đáng chú ý: Ông Obama không tỏ ra ủng hộ bà Kamala Harris.
Thay vào đó, ông nói: “Tôi có niềm tin đặc biệt rằng các nhà lãnh đạo đảng của chúng tôi sẽ có thể tạo ra một quy trình để từ đó xuất hiện một ứng cử viên xuất sắc.”
Nguồn hình ảnh, REUTERS
Chụp lại hình ảnh, Ông Joe Biden và ông Barack Obama vào năm 2007
Một đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao khác là bà Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu của ông Biden khi nắm quyền.
Trong một bài đăng trên X, bà gọi ông là "một người Mỹ yêu nước luôn đặt quốc gia lên hàng đầu".
Lặp lại lời của các thành viên đứng đầu khác trong đảng của mình, bà gọi ông là "một trong những tổng thống có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Mới tuần trước, bà Pelosi được cho là đã trình bày với ông Biden những thông tin cho thấy ông không thể giành được Nhà Trắng và gây thêm sức ép lên ông.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ông tự hào được làm việc cho Tổng thống Joe Biden trong suốt 22 năm qua.
“Điều đó đã – và vẫn – là niềm vinh dự của cuộc đời tôi,” ông viết trong một bài đăng trên X.
"Ông ấy đã khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới và mang lại những thành tựu lịch sử trên cương vị tổng thống.
"Tôi mong muốn được xây dựng thêm những thành tựu đó cùng ông ấy trong sáu tháng tới."
Thống đốc California Gavin Newsom cho biết Joe Biden “đi vào sử sách với tư cách là một trong những tổng thống có sức ảnh hưởng và lòng vị tha nhất”.
Viết trên X, ông nói rằng người đồng chí Đảng Dân chủ của ông "đã đấu tranh hết mình vì người dân lao động và mang lại kết quả đáng kinh ngạc cho tất cả người Mỹ".
Newsom là một trong những cái tên được xem là có khả năng kế nhiệm cho ông Biden.
Theo BBC