Tôi không phải là thi sĩ, nhưng chắc cũng giống như những thi nhân của đất Việt, thường gửi gấm tâm tình u uất vào những vần thơ của mình. Những bài thơ viết xong, tôi cặm cụi chép vào nhật ký, xen vào những lời than thân trách phận, hờn mây khóc gió. Cuốn nhật ký, tôi cất kỹ trong ngăn kéo ở cái table de nuit cũ kỹ bên cạnh chiếc giường nhỏ trong phòng ngủ. Cũng may là má chưa lục ra đọc lần nào. Nếu không, chắc má đã lắc đầu ngao ngán khi đọc thấy những câu thơ yếm thế của đứa con gái tội tình mà tuổi chưa đến đôi mươi:
Ngày tháng này là những trưa mắt đỏ
Nghe gió luồn qua những lối thân quen
Ngóng chim về bên thềm vắng, mái hiên
Và nắng đổ trên sân vàng thương nhớ
Ngày thì rộng, tháng thì dài, tôi biết làm sao cho hết, nên phải tìm quên bằng cách lao vào những “sinh hoạt phường khóm” ở địa phương mà trước đây tôi thường tìm cách trốn tránh như khai bệnh, hay viện cớ phải ở nhà phụ má chăm sóc ông ngoại đang trở bệnh nặng. Tôi ghi tên vào nhóm dạy “bình dân học vụ” trong khóm của mình để khỏi phải đi “lao động” mỗi tháng. “Học trò” của chúng tôi phần lớn là phụ nữ, chỉ có một vài người đàn ông, tuổi từ trung niên đến cao niên, ngày xưa chắc vì cơm áo không được học chữ, nay “cách mạng” bắt phải đi học i tờ, nếu không thì sẽ bị cắt phần gạo và nhu yếu phẩm hằng tháng. Tôi đi dạy như vậy, mỗi tháng cũng mua được mấy ký gạo, chứ không có lương lậu gì cả.
Nhóm “thầy cô giáo” tay ngang này, ngoài tôi ra còn có hai anh chàng cùng trang lứa là Thanh và Thu. Hai anh này nhà ở gần nhau, và chỉ cách nhà ông ngoại tôi chừng mấy trăm thước. Từ nhà chúng tôi đến lớp có thể đi bộ được, qua vài con đường im ắng, có những hàng cây sum sê tàng lá hai bên vệ đường, thoang thoảng mùi gió từ đại dương, vì chỗ chúng tôi ở không xa biển là mấy. Lớp học nhóm vào buổi tối, học trò chỉ lèo tèo năm sáu người, đi học thật trễ, lại hay xin về sớm. Lớp học là trụ sở của khóm, có dựng một tấm bảng đen dã chiến tựa vào vách tường, bên cạnh là vài viên phấn vụn. Những người lớn tuổi, sau một ngày mệt nhọc để kiếm sống qua ngày trong xã hội “mới”, thường than mệt nhọc, mắt mờ, cả người mỏi mê, học làm sao vô, họ bảo vậy.
Tụi tôi thì mệt kiểu khác, đang còn tuổi ham chơi mà phải đi làm, nhất là vào ban đêm, tuy mỗi tuần đến lớp chỉ có hai lần. Mấy người lớn nói tiếng Việt dẻo quẹo, nhưng không biết đọc, thấy việc gắn âm vào chữ, hay nhìn chữ cho ra âm, sao mà khó vậy. Ba vị thầy cô thì thi nhau mà đọc như cuốc kêu cho học trò nghe, giảng giải, sửa giọng, tập viết cho học trò cũng chẳng kém phần vất vả. Thanh, Thu và tôi lớn lên ở miền Nam tự do, được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, văn minh của chế độ cộng hoà, được dạy bảng mẫu tự tiếng Việt một cách thanh tao, đọc a, bê, xê, dê, đê... đàng hoàng đâu vào đó, chẳng thua kém gì bảng mẫu tự tiếng Tây. Bây giờ mấy ông ở rừng ra, bắt phải đọc và dạy học trò là a, bờ, cờ, dờ, đờ... nghe thật chướng tai và đọc thật ngượng miệng, vậy mà phải theo cách đó, không thôi bị dán nhãn “phản động” thì cũng rầy rà. Chẳng hạn như ngày xưa chúng tôi được dạy đánh vần chữ “Việt” là vê... i... vi... ê... vê... tê... viết... nặng... việt, thì bây giờ mấy ông bảo phải đánh vần theo kiểu i... ê... tờ... iết... vờ... iết... viết... nặng... việt, chúng tôi phải đau khổ mà làm y như vậy.
Niềm vui của ba đứa chúng tôi là... lúc lớp học kết thúc, học trò lục tục ra về, miệng thì ngáp dài liên tục, trong lúc ba thầy cô giáo hân hoan chạy ra khỏi trụ sở khóm, hít hà mùi thơm của cây lá trong đêm tĩnh lặng. Ba chúng tôi sánh bước đi bên nhau, lúc nào tôi cũng đi giữa, Thanh và Thu đi hai bên, tựa như vô tình làm “gạc-đờ-co” cho cô giáo nhỏ nhắn là tôi. Giữa hai anh chàng, Thanh đẹp trai hơn Thu, lại có vẻ “sang” hơn một chút, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh tề, có phần chải chuốt, dù chỉ là để... đi dạy bình dân học vụ. Thu, trái lại, có vẻ “trung bình về mọi phương diện”, xuề xoà, giản dị. Thanh hoạt bát, dí dỏm, còn Thu ít nói, không thích đùa. Tôi là người đứng giữa, cố dung hoà cá tính khác nhau của hai người bạn mới này. Những lúc cùng đi đến lớp với nhau, cùng dạy học (theo ba nhóm nhỏ), hay cùng đếm bước về nhà, tôi thấy tạm quên đi nỗi buồn lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Mỗi lần như vậy, hình ảnh của Việt như mờ đi một chút trong tôi, vì tôi đang bận bịu nói cười rôm rả với hai “đồng nghiệp” bất đắc dĩ.
Chẳng biết tôi có giàu tưởng tượng hay không, nhưng tôi có cảm tưởng là hai anh chàng này cũng có cảm tình với tôi, một loại cảm tình “đặc biệt” chứ không phải thứ cảm tình suông của một người với một người. Với tưởng tượng đó, tôi thấy lòng mình lâng lâng vui sướng, nghe như tự ái được vuốt ve, sau mối tình buồn với Việt. Không có gì làm tổn thương nặng nề bằng cảm giác mình bị phụ tình, bị “bỏ”, hay nói thẳng thừng ra là bị “đá”. Tôi chưa bao giờ quên câu Em là gái trời bắt xấu, vốn là tựa đề tập thơ nổi tiếng của nữ sĩ Lệ Khánh, mà cũng là nỗi niềm của riêng tôi. Ngặt một điều là khi yêu, chắc ai cũng quên đi chính mình, cũng tan vào cảm xúc, chỉ thấy hai tâm hồn quyện vào nhau mà không còn nhớ tới dung nhan của ai là ai. Ngày trước, Việt có vượt qua được bề ngoài tầm thường—nếu không muốn nói là xấu xí—của tôi thì anh mới yêu được tôi, tôi vẫn thường nghĩ vậy. Bây giờ, thấy Thanh và Thu dường như cũng nhìn thấu đến tâm hồn của tôi hay sao mà hai anh chàng cùng đối xử với tôi thật dịu dàng, đằm thắm.
Một hôm, Thanh, người hoạt bát, như muốn tỏ ra rằng mình có khiếu nhận xét, nói với Thu, nhưng chắc là cốt để tôi nghe:
“Thuỳ Linh là người sống nội tâm, phải không Thu?”
Thu, người điềm đạm, đủng đỉnh trả lời:
“Ông khỏi cần nói tôi cũng biết!”
Tự hồi nào, hai anh chàng này đã bắt đầu “cạnh tranh” với nhau, và đối tượng của sự cạnh tranh đó không ai khác hơn là tôi. Những lời qua tiếng lại giữa hai anh chàng, tuy không có gì nặng nề, vẫn toát ra những ý tứ ngầm khích bác nhau, hay cố tỏ ra một cách gián tiếp cho tôi thấy, mỗi người trong bọn họ mới là kẻ “trên cơ”, đáng để cho tôi chú ý đến hơn người kia. Chẳng hạn, khi tôi vừa nói lên điều gì, Thu thường mau mắn trả lời trước, trái với tính hay trầm ngâm cố hữu của anh ta. Về phần Thanh, hắn cũng nhận thấy sự thay đổi đột ngột này của “đối phương”, lại như càng trở nên hoạt bát hơn trước. Chỉ có tôi ở giữa là vui vẻ thấy mình cũng không đến nỗi tệ, đang được là mục tiêu nhắm tới của hai chàng trai mới lớn. Nỗi buồn lâu nay tạm lắng xuống, bên cạnh những niềm vui nho nhỏ với hai người bạn mới này.
Những đêm cùng đi dạy với nhau về, Thanh và Thu là người chia tay với tôi trước, vì nhà của họ gần hơn, còn tôi phải đi thêm một đoạn đường nữa mới về đến nhà mình. Những câu chuyện chúng tôi trao đổi với nhau thường về các đề tài không ăn nhập gì đến cuộc sống ngột ngạt lúc bấy giờ, mà hướng về những chuyện xa vời như văn chương, âm nhạc hay phim ảnh, như những lối thoát khỏi thực tế sần sượng hằng ngày. Có lúc tôi nhắc đến nền thi ca tiền chiến và những thi sĩ nổi tiếng thời đó như Xuân Diệu, Huy Cận hay Chế Lan Viên, thì Thanh nhanh nhẩu ứng khẩu ngay:
“Ồ, tưởng gì chứ tôi thuộc lòng nhiều câu thơ của những nhà thơ này lắm! —Rồi hắn đổi giọng ngâm nga, mà lại dám cả gan đổi lời của tác giả—Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, ba người nhưng chẳng bớt bơ vơ...
Hắn tiếp tục, chuyển sang mục... bình thơ:
“Huy Cận diễn tả chỗ này thật tuyệt. Tình yêu là không bao giờ cảm thấy đủ cả, lúc nào cũng muốn tràn đầy, muốn thêm nữa, thêm nữa...”
Thu phá ra cười:
“Thôi đi ông cụ non, nhưng mà là bé cái lầm! Hai câu này là của Xuân Diệu chứ Huy Cận cái nỗi gì!”
Thanh tỉnh bơ, tỏ ra không hề hấn gì khi bị đối thủ tấn công, nói tiếp:
“Xuân Diệu với Huy Cận, tuy hai mà một, tuy một mà hai mà lị. Ông không nhớ mấy câu Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine, hai chàng thi sĩ thoáng hơi men, say thơ xa lạ mê tình bạn, khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen... hay sao chứ?”
Thu cảm thấy mình cũng phải trổ tài:
“Xuân Diệu hay Huy Cận có lãng mạn mấy cũng không bằng cái lãng mạn vò xé, khắc khoải trong tình yêu của Chế Lan Viên: ...Nàng không lại, và nàng không lại nữa, cả thân ta dần tan trong hơi thở, một đêm nay lòng hỡi biết bao sầu!”
Không dưng tôi biến thành “cô giáo”, tủm tỉm cười, thầm cho điểm hai chàng trai đang hào hứng tranh tài. Con đường về khuya thật thanh vắng, sương đêm mát lạnh, chỉ có tiếng nói cười vô tư, dòn dã của bọn tôi vang lên trong cõi đêm.
o O o
Rồi cuối cùng hình như tôi đã quyết định “chấm điểm” cho hai anh chàng đó. Tôi cho Thu điểm cao hơn, dù anh ta rõ ràng là thua kém Thanh về nhiều phương diện. Không hiểu sao, bản tính lầm lì, im lặng của Thu lại lôi cuốn tôi hơn là sự hoạt bát, ồn ào của Thanh. Bề ngoài bình dị của Thu một hôm bỗng trở thành thứ yếu đối với tôi, khi tôi biết ra anh chàng này, ngoài tài thuộc làu thơ phú, còn biết sáng tác nhạc và có nét chữ viết tay thật đẹp, thật bay bướm. Thanh biết chơi đàn, nhưng làm sao so sánh được với kẻ biết soạn nhạc như Thu. Hơn nữa, Thanh như một cuốn sách mở, bao nhiêu trang giấy, chữ nghĩa phơi bày ra rõ rệt, còn Thu không khác gì một cuốn sách cũ, khép kín, phủ đầy bụi, nằm im lìm chờ đợi một bàn tay nào đó giở ra, lần theo từng trang giấy để khám phá ra những tâm tình chôn giấu trong đó.
Dần dần, tôi hiểu rõ Thanh và Thu hơn, vì chúng tôi đã bắt đầu gặp mặt, đi chơi với nhau ngoài những lúc cùng nhau dạy học. Thanh thì lúc nào cũng cởi mở, vui vẻ. Còn Thu thì dường như có một tâm sự, một nỗi buồn gì mà anh ta không thố lộ được. Làm việc và đi chơi với nhau một thời gian, tôi mới thấy ra rằng thật sự cảm tình của Thanh và Thu đối với mình cũng không hẳn là đặc biệt như tôi đã lầm tưởng. Chắc phải tách tĩnh từ “đặc biệt” ra khỏi danh từ “cảm tình” của họ dành cho tôi thì đúng hơn. Biết được vậy, tôi cũng hụt hẫng và thoáng buồn đôi chút, nhưng rồi cảm xúc đó cũng qua đi. Đổi lại, tự dưng tôi thấy một chút gì háo hức muốn chinh phục hai người, không, chinh phục Thu—không phải Thanh— mới đúng.
Tôi trở nên lãng mạn bất ngờ. Lãng mạn một mình thôi, không có người nào bên cạnh, nhưng cũng đủ ngây ngất để thỉnh thoảng lại đi ra biển, ngồi trên bãi cát, chỉ để ngắm màu xanh ngăn ngắt của đại dương, để nghe tiếng sóng vỗ bờ, để nghe hàng dừa reo trong gió, như những ngày xưa còn yêu Vũ. Lãng mạn chưa bao giờ chết trong tôi. Tôi đã quên mất biển trong một thời gian dài, vì sau Vũ, tôi đã có dòng sông khác xuất hiện trong đời, và tôi có Việt. Tôi nghe như mình đang thầm thì xin lỗi biển. Biển đã hiện diện trước mắt tôi từ thuở ấu thời, nên nhiều khi tôi coi thường nó, coi như chuyện đã đành. Nhưng ngẫm lại, cũng chính biển đã đem lại cho tôi bao nhiêu cảm xúc dạt dào, như đại dương bao giờ cũng dạt dào, mênh mông. Có một thời, tôi đã mải mê tìm đến những dòng sông, như tìm đến những cảm xúc mới lạ. Rồi những dòng sông đó đã phụ tôi, để cuối cùng tôi đã trở về với biển cả. Cũng như tôi đã tìm ra những người bạn mới trong chuỗi tháng ngày nhạt nhẽo của mình.
Một hôm, tôi quyết định đến nhà Thu chơi mà không báo trước. Hôm ấy là một ngày trong tuần, tôi biết ba má Thu đã đi làm nên mới mạnh dạn đến nhà anh ta. Đứng trước cửa nhà Thu, tôi hồi hộp nhìn cái chuông, một hồi sau mới dám đưa tay ra bấm nút. Thu ra mở cửa, khá ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Hồi giờ lúc nào chúng tôi cũng gặp nhau cả ba người, đây là lần đầu tiên chỉ có Thu và tôi. Anh nói, như không tin vào mắt mình:
“Ủa, Thuỳ Linh đến có chuyện gì vậy?”
Tôi hơi ngượng, ừ, mình đến có chuyện gì vậy nhỉ. Vài giây đồng hồ sau, tôi mới đáp:
“Ơ... Linh đi ngang nhà Thu, tự dưng muốn ghé chơi vậy mà!”
Như một phản xạ, Thu nhìn sang nhà Thanh cách đó vài căn, hỏi tiếp:
“Thanh có thấy Thuỳ Linh ghé đây không?”
“Linh không biết—tôi cắn môi—mà Thanh có thấy hay không cũng có sao đâu!”
Chắc Thu thấy mình nói hớ, mở rộng cửa, mời tôi vào, không nói gì nữa. Tôi e dè bước vào nhà, không dưng thấy cảm động vì được đứng trong nhà của Thu, trong thế giới rất riêng tư của anh, mà hồi giờ tôi chưa bao giờ mường tượng ra. Bỗng dưng, cả hai đứa cùng luống cuống, không biết nói gì, làm gì nữa, mặc dù mọi lần đi chung với Thanh, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác đó. Sau một thoáng im lặng nặng nề, Thu cất tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt bằng một giọng cố làm ra vẻ tự nhiên:
“Thuỳ Linh ngồi chơi ở đây nhe. Tôi chạy ù ra đầu đường mua một bao thuốc lá. Hết thuốc rồi, sáng ra chưa có cà phê cà pháo gì cả! Về rồi tôi sẽ pha cho hai đứa mình hai tách cùng nhâm nhi cho vui.”
Tôi chưa kịp ừ hử gì thì Thu đã biến mất ra ngoài đường. Tôi khẽ khàng ngồi xuống cái sofa, nhìn quanh quất trong phòng khách. Gian phòng tĩnh lặng một cách lạ thường. Đúng là mỗi nhà là một thế giới khác, chứa đựng biết bao nhiêu điều, bao nhiêu bí mật, mà người ngoài không thể hiểu nổi. Trên vách không có tranh ảnh gì cả, chỉ có một bức hình của ba má Thu đặt trên cái tủ chè nằm im lìm trong góc phòng. Thu là con một trong gia đình, tôi chỉ biết có vậy thôi.
Tôi ngồi lóng ngóng một mình chưa đầy năm phút thì Thu đã về. Anh ào vào trong nhà như một cơn gió, tay cầm một điếu thuốc đang cháy dở. Hôm nay tôi mới biết là Thu hút thuốc, trước đây chưa bao giờ thấy anh phì phèo thuốc lá cả. Có điếu thuốc, Thu như tỉnh hẳn ra, và vui vẻ nữa:
“Thuỳ Linh đợi có lâu không? Để tôi vào pha cà-phê uống nhe. Linh uống đen hay có sữa?”
“Cho Linh chút sữa”—tôi e dè nói, không còn tự tin như mọi lần.
Thu vào bên trong một chốc rồi trở ra với hai tách cà-phê trên tay. Anh nhẹ nhàng đặt hai cái tách xuống bàn rồi lên tiếng mời tôi. Khi tôi với tay nâng cái tách lên, Thu lại đánh diêm mồi thêm một điếu thuốc nữa.
“Hồi giờ Linh có thấy Thu hút thuốc đâu!”—tôi nói, giọng như có một chút trách móc.
Thu rít một hơi thuốc dài, mắt lim dim nhìn làn khói trắng anh vừa nhả ra, khoan khoái, nói với giọng hờ hững:
“Tôi còn nhiều điều Thuỳ Linh chưa biết lắm.”
Tôi không biết đáp lại câu đó làm sao lên chỉ im lặng hớp một ngụm cà-phê sữa cho khỏi thấy trống trải. Sau đó thì tôi biết mình có thể nói gì:
“Thu pha cà-phê sữa khéo lắm. Không quá đắng, không quá ngọt.”
“Ước gì đời mình cũng được thăng bằng như vậy”—Thu tiếp lời tôi nói.
“Sao Thu có vẻ chán đời như vậy?”—Lần đầu tiên tôi mới nhận thấy Thu có đôi mắt thăm thẳm, như chứa đựng nhiều điều u uất.
“Đời đáng chán hay không đáng chán, cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”—Thu đọc lên hai câu thơ như để trả lời tôi, mà cũng như cùng tác giả hỏi một câu đầy triết lý đó—“Thuỳ Linh có biết ai là tác giả hai câu này không?”
“Chịu!”—tôi lắc đầu—“Nghe câu này đâu đó mà Linh không biết là của ai.”
“Của Tản Đà đó Linh. Cả trăm năm trước mà ông đã hỏi câu này rồi!”—Thu nói, như đang ở một nơi nào khác.
Chợt như trở về với thực tại, Thu nhìn tôi soi mói:
“Tại sao hôm nay Thuỳ Linh lại ghé chơi? Có phải là vì Linh nghĩ tôi có ý gì với Linh không?”
Bị một câu hỏi quá bất ngờ, tôi nghe lạnh cả mình. Tôi không dè Thu lại hỏi thẳng thừng như vậy. Phản ứng, ngôn từ trong tôi bay đi đâu mất cả. Tôi ngồi ngây ra như tượng, chẳng nói chẳng rằng. Chắc thấy tôi tội nghiệp quá, Thu hạ thấp giọng, dịu dàng nói:
“Xin lỗi Thuỳ Linh nhiều. Tôi ăn nói đường đột quá. Tôi không có ý làm Linh buồn.”
Bấy giờ, tôi đã trấn tĩnh lại phần nào, nói rời rạc:
“Thu đâu có lỗi gì. Thu chỉ nói lên những gì Thu nghĩ mà. Người đường đột mới chính là Linh đây.”
Thu nói, như đang trong một giấc mơ:
“Ừ, mà Thuỳ Linh nói đúng đó. Tôi có ý gì với Linh thật. Tôi quý Linh lắm, quý hơn Linh có thể tưởng tượng được. Nhưng... tôi không dám tiến xa hơn chút nào nữa, vì... vì... vì một lý do mà tôi không muốn cho Linh biết. Chẳng có ích lợi gì cả. Chẳng có ai sửa đổi được gì đâu.”
Tai tôi như ù đi, không còn nghe Thu nói nữa. Tôi loạng choạng đứng lên, lúng búng mấy lời từ giã, rồi quay ra cửa, đi như trốn chạy. Con bé lọ lem ngày nào lại chạy như ma đuổi, như lịch sử vẫn muôn đời lặp lại. Có khác chăng là tôi không làm rớt lại chiếc giày nào, vì dẫu có thế, cũng chẳng ai buồn nhặt lên để tìm lại chủ nhân của nó chi cho phiền toái. Buổi trưa hôm ấy trời nắng gắt, mà hồn tôi nghe lạnh lẽo tựa mùa đông.
o O o
Ngày tháng như khoác lại bộ cánh buồn bã cũ, còn tôi mang lại chiếc mặt nạ ngậm ngùi tưởng đã quên đi. Tôi hí hoáy mấy dòng thơ vào trang nhật ký tội tình:
Con lòng tong nhỏ trôi đi
Bâng khuâng buồn lại phương phi giữa trời
Thêm một lần bước rong chơi
Thấy trang kinh ấy là lời hư không
Sau hôm ở nhà Thu về, tôi lên văn phòng khóm xin nghỉ dạy bình dân học vụ. Họ bắt tôi phải chuyển qua đi lao động hai tháng một lần. Tôi nhận lời ngay, không nghĩ ngợi gì cả. Thôi thà lâu lâu phải đi ra khỏi thành phố, làm việc tay chân, có lẽ cũng tốt cho đầu óc khỏi vướng bận gì. Tôi còn muốn trốn chạy luôn thành phố này. Nhưng sao lúc nào tôi cũng phải trốn chạy hoài vậy nhỉ. Tôi còn biết đi đâu đây. Nơi này là nơi chôn nhau cắt rốn, tôi có trốn được nó thì cũng đâu thể nào trốn tránh chính mình. Tôi là nạn nhân của chính tôi chứ nào phải của ai.
Không biết tự lúc nào, tôi trở lại với thói quen đạp xe đi loanh quanh thành phố. Thành phố thân quen, im lìm, chịu đựng này mà tôi đã tạm thời quên bẵng lâu nay, bây giờ như ôm choàng lấy tôi, bao dung, vỗ về. Thành phố không giận tôi, còn tha thứ cho tôi, còn thương xót cho tôi nữa. Tôi đạp xe đi miên man, từ con đường này qua con đường khác, đi dưới những tàng cây rậm rạp toả bóng mát, hay băng qua nhiều con phố chỉ toàn là các dãy nhà sừng sững hai bên đường, không có lấy một bóng râm. Đi trong thành phố mà hồn tôi thả tận đâu đâu, trong đầu chỉ hiện lên hình ảnh những dòng sông—dòng sông tôi đã thấy, dòng sông tôi chưa bao giờ thấy, và, chợt tôi nghiệm ra rằng sông có khác gì biển đâu. Sông cũng tràn đầy nước và nước như biển cả, cũng dạt dào cảm xúc, nhớ thương, buồn giận, cam chịu, lặng lờ. Sông ngọt ngào, trầm lắng; biển mặn mà, đôi khi thịnh nộ. Nhưng con sông nào rồi cũng quay ra biển, hoà nhập vào vùng nước mênh mông, mang lại nhiều hương vị pha trộn lạ lùng, khó hiểu.
Ngày trước, lẽ ra tôi đã nói với Vũ:
“Linh biết dòng sông này sẽ chảy về đâu rồi Vũ ạ.”
Vũ sẽ hỏi:
“Về đâu hở Linh?”
Tôi sẽ khẽ vuốt những sợi tóc bay trong gió, đang mơn man gương mặt mát rượi của mình, mỉm cười đáp:
“Về biển cả. Và khi ra đến biển rồi thì không còn đâu là biên giới nữa. Ở Nha Trang, Linh cũng có thể ‘cảm’ được đoạn sông này của dòng sông Dinh.”
Hay tôi đã hỏi Việt:
“Anh có biết vì sao Ti không muốn ra dòng sông Tắc với anh không?”
Rồi tôi sẽ tự trả lời câu hỏi của mình:
“Vì Ti không muốn bị thất vọng. Nếu Ti chưa bao giờ thấy dòng sông, nó sẽ mãi mãi đẹp và huyền ảo trong trí tưởng tượng của Ti.”
Nếu Việt có hỏi gì, chắc tôi cũng chỉ khẽ cười và đổi sang đề tài khác.
Với Thu, chắc tôi sẽ không bao giờ có dịp nói chuyện với hắn nữa. Nhưng giả dụ có một lần nào đó được ngồi bên Thu (tôi phác hoạ ra hình ảnh Thu đang cầm hững hờ một điếu thuốc trên tay. Gương mặt hắn xấu xí nhưng đầy nét quyến rũ như nhà văn Jean-Paul Sartre), tôi sẽ hỏi Thu:
“Nhà Thu ở gần biển hơn nhà Linh. Biển có đóng một vai trò gì trong đời sống của Linh không?”
Tôi hình dung ra vẻ trầm tư của Thu, mờ ảo sau làn khói thuốc. Hắn sẽ chậm rãi trả lời:
“Sao Thuỳ Linh hỏi một câu bất ngờ quá vậy? Làm như Linh biết được cảm xúc của Thu vậy. Quả tình là biển rất quan trọng đối với Thu. Biển là người bạn thầm lặng mà Thu có thể gởi gấm hết tâm tình, về những điều Thu không thể nói với bất cứ người nào khác.”
Tôi sẽ hỏi bằng một giọng thật dịu dàng:
“Sao Thu lại u uất đến dường ấy? Linh không thể san sẻ một chút gì với Thu sao?”
Tất nhiên là Thu sẽ lặng yên, và để thay câu trả lời, hắn sẽ đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi thật dài. Đốm lửa trên đầu điếu thuốc sẽ loé sáng lên, rực rỡ, và Thu sẽ thở ra những vòng khói trắng, bay mênh mông vào không trung. Và tôi sẽ ngậm ngùi im lặng theo, ngất ngây, say nhè nhẹ trong mùi thuốc lá, tưởng chừng như người ngồi đó là Việt. Như quá khứ chưa bao giờ mất đi, như những cảm xúc của tình yêu vẫn muôn đời còn đó.
Thu ngồi đó, mà như ngồi ở đâu đâu. Tôi ngồi bên cạnh, mà như ngồi ở một tinh cầu khác. Mỗi chúng tôi là một thế giới hết sức riêng tư, không tài nào bước vào được. Ồ không, không chỉ là một thế giới, mà là cả một vũ trụ, thăm thẳm, khó hiểu, trải dài đến vô cùng vô tận. Mỗi chúng tôi là một cái chấm nhỏ trong vũ trụ bao la, mà cũng chứa đựng cả một vũ trụ bất tuyệt trong lòng của mỗi đứa.
Chiều hôm trước, trong ánh nắng vàng nhàn nhạt, buồn bã đang phủ nhẹ lên cả thành phố, tôi lại đạp xe đi rong. Chiếc xe đạp cũ kỹ của tôi kêu lên ken két, thật trái ngược với nỗi niềm câm nín nặng nề trong tôi. Lúc xe rẽ qua đường Yersin, đi qua trước bệnh viện thành phố, tôi chợt thấy Thu và mẹ từ trong cổng bệnh viện đi ra. Thu đang dìu mẹ đi, nét mặt người mẹ như thất thần, mệt mỏi, bệnh hoạn. Tôi muốn dừng xe lại, xuống chào mẹ Thu và hỏi thăm hai mẹ con, nhưng chợt quyết định thật nhanh rồi tiếp tục đạp xe về phía trước. Chắc Thu đang bận bịu, không nhìn thấy tôi. Có lẽ hai mẹ con cũng không lòng dạ nào để chào hỏi tôi lúc ấy. Nhưng... chắc vì mẹ Thu bị bệnh nặng hay sao mà Thu có những thái độ. lời lẽ khó hiểu dành cho tôi hôm tôi đến nhà chơi, phải chăng là như thế. Thốt nhiên, tôi thấy thương Thu quá đỗi. Hoá ra Thu đang buồn vì bệnh tình của mẹ mình nên tỏ ra yếm thế, lạnh nhạt với tôi. Tôi đến thật không phải lúc. Nghĩ đến mình, tôi thầm cảm tạ ơn trên đã cho tôi thật nhiều may mắn. Ba má, anh chị em trong gia đình tôi vẫn mạnh khoẻ, bình an. Tuổi mới lớn của chúng tôi phải được vô tư, phải được hưởng những ngày xanh tươi mát, hồn nhiên, chứ đâu phải nặng lòng với những nghịch cảnh trong gia đình.
o O o