Cuộc điện thoại đã dứt mà Tử Linh vẫn còn đứng tần ngần một lúc rồi mới quay trở ra hiên, ngồi xuống cái ghế gỗ mà khi nãy cô đang ngồi, vừa đọc sách, vừa nhâm nhi tách trà nóng và những chiếc bánh madeleine thơm mùi vanilla trước khi tiếng chuông điện thoại từ trong phòng khách buộc cô phải chạy vào. Tử Linh cầm tách trà lên nhấp vài ngụm, trà đã nguội ngắt nhưng cô không để ý, đầu óc cô đang quay trở lại với cuộc điện thoại. Giọng nói buồn rầu, van vỉ, mỏng như không có chút sức nặng nào của người phụ nữ đứng tuổi lại vang lên bên tai cô.
Tuần trước Tử Linh đã nghe từ Hoàng Anh, chủ bút tờ Hương Việt tại Little Saigon, California, đề cập đến câu chuyện này, nên chỉ sau vài phút ngạc nhiên ban đầu, cô đã hiểu mục đích của cuộc điện thoại.
Người phụ nữ xưng tên là Mai, kể rằng mình có một con trai duy nhất chết từ lâu và gần đây đã nhận được kết quả xét nghiệm cho biết mình đang bị ung thư máu. Bà quyết định phải làm một việc canh cánh trong lòng bao nhiêu năm, đó là “nói chuyện” với linh hồn người con đã chết. Dò hỏi nhiều người, người này dẫn đến người kia, cuối cùng dẫn đến bà Hoàng Anh ở Mỹ, qua đó bà Mai được biết Tử Linh có khả năng đặc biệt có thể “giao tiếp, liên lạc” với người chết, và bây giờ gọi đến, năn nỉ cô giúp.
Tử Linh nhã nhặn từ chối, giống như đã từ chối bà chủ bút Hoàng Anh. Vài năm nay rồi Tử Linh không còn muốn đề cập đến hay thể hiện “khả năng đặc biệt” của mình vì quá nhiều người nhờ cậy, quá mệt mỏi, cuộc sống không còn được bình yên. Cô cũng buồn bực vì nhiều người đã kỳ vọng ở cô quá nhiều, trong khi cô không thể giải đáp mọi thứ.
Bà Mai vẫn tiếp tục nói về hoàn cảnh của mình, vì phát hiện bệnh trễ nên tình trạng bệnh xấu đi khá nhanh, đồng thời do khao khát muốn “liên lạc” với con quá nên bà còn bị mấy nhà ngoại cảm giả lừa cho.
Sau khi Tử Linh vẫn tiếp tục từ chối, người phụ nữ ngập ngừng, ngắc ngứ một chút rồi thú nhận mình là vú Mai, từng giúp việc cho ba mẹ Tử Linh khi cô còn rất nhỏ cho tới lúc ba mẹ cô chia tay và ba cô trở về Hongkong, còn bà lúc đó cũng phải trở về quê chăm sóc gia đình. Bà nói đúng tên mẹ Tử Linh là Hà Khanh, mô tả bà chủ hồi đó rất đẹp, rất rộng rãi hào phóng với người làm trong nhà. Bà còn nói rất tiếc đã làm mất tấm hình bà chủ chụp bà đang bế bé Tử Linh lúc đó mới có 3, 4 tuổi trước khi về quê, chụp dưới gốc cây ngọc lan trước nhà. Dù không sao nhớ ra được chị vú Mai, nhưng với những chi tiết đó – nhất là không có mấy người biết được ba Tử Linh là một người Hoa, Tử Linh biết bà Mai nói thật. Và cuối cùng cô đành phải nhận lời.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, người ta tìm đến Tử Linh với những câu chuyện thương tâm, với những lời khẩn khoản khác nhau. Người thì muốn “liên lạc”, kết nối, trò chuyện với người thân đã mất, người muốn tìm xem người thân đang bị mất tích của mình còn sống hay đã chết và nếu chết thì xác ở đâu, người khác lại muốn tìm mộ người nhà thất lạc bao nhiêu năm…Trong phần lớn trường hợp Tử Linh đã giúp được họ. Nhưng rồi người ta tìm đến nhiều quá, cô thấy mệt mỏi, phiền hà, đến mức phải bỏ California, bỏ xứ Mỹ sang Anh sống mấy năm nay, đổi số điện thoại, cắt liên lạc, chỉ còn giữ lại một số người vì những lý do không thể cắt được, vậy mà vẫn không yên thân.
Người ta bảo cái khả năng đặc biệt đó là món quà tặng của Thượng Đế. Cho đến bây giờ Tử Linh cũng không hiểu tại sao bỗng nhiên cô lại có khả năng đó. Cô chỉ tình cờ phát hiện ra nó, một thời gian sau cái tai nạn mà cô phải hôn mê, chết lâm sàng 48 giờ rồi sống lại… Cái tai nạn đã cướp đi William của cô và để lại trong lòng cô, trong cuộc sống của cô, một khoảng trống rỗng, không ai và không bao giờ có thể lấp đầy…Như thể cuộc đời cô và chính cô nữa đã bị xé ra làm hai – nửa trước và nửa sau cái ngày tai nạn, hai nửa không bao giờ có thể ghép lại như cũ.
Tại sao bây giờ cô lại nhận lời giúp bà Mai? Một chút liên quan đến thời thơ ấu không đủ là lý do. Cô từng từ chối nhiều người có những mối quan hệ gần gũi hơn, khó xử hơn nhiều và đã phải chấp nhận mất đi nhiều bạn bè, họ hàng gần xa. Cũng không hẳn vì câu chuyện của bà Mai. Ai tìm đến cô cũng có những câu chuyện thương tâm, bi đát. Hay tại vì giọng nói của bà Mai? Trực giác của một người có khả năng ngoại cảm vả kiến thức, kinh nghiệm của một người từng học và làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học cho cô nhận ra ngay đó là giọng nói của một người cả đời quen chịu đựng, cả đời bị bắt nạt. Và cô thường mủi lòng trước những người như vậy. Có lẽ rất nhiều điều bà đã không hoặc chưa muốn nói ra với Tử Linh ngay trong lần gặp đầu tiên.
Thôi thì đã nhận lời, đành phải giúp người ta vậy. Tử Linh thở dài, đặt tách trà xuống bàn, đứng lên. Đã đến giờ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Sống một mình, bữa trưa cô thường chỉ làm dĩa salad các loại, hoặc soup, nhưng bữa cơm chiều thì không thể qua quít quá, chẳng thà lười không muốn nấu thì đi ăn ngoài, hoặc đặt thức ăn mang đến nhà.
***
Mất gần 5 giờ đồng hồ để Tử Linh lái xe từ London đến khu ngoại ô nơi bà Mai đang sống bên ngoài Manchester. Nhờ có GPS, Tử Linh tìm ra ngôi nhà của bà Mai không có gì khó khăn. Đó là một căn nhà nhỏ, một tầng lầu, nằm giữa một dãy nhà giống hệt nhau, xây bằng gạch màu nâu, kiến trúc tầm thường, phía trước mỗi nhà có một khoảnh sân hẹp và bức tường thấp lè tè bao quanh, ngăn cách nhà này với nhà kia. Tử Linh cho xe đậu sát lề đường. Khi cô vừa bước xuống thì cánh cửa gỗ màu xám đậm bật mở, một người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò bước ra đi về phía cô. Phía dưới cái mũ len đội trùm kín đầu, khuôn mặt khắc khổ với nước da tai tái như bớt u uất nhờ nụ cười mừng rỡ mở ra trên đôi môi nhợt nhạt:
– Cô Tử Linh?
Tử Linh gật nhẹ, chưa kịp hỏi lại thì bà nói tiếp:
– Tôi ngồi chờ, nghe tiếng xe đoán là cô tới. Mời cô vào nhà.
Không biết nên chào hỏi ra sao, Tử Linh đành lẳng lặng đi theo bà. Cô đi qua khoảnh sân nhỏ nhưng cũng đủ để trổng dăm bụi hồng, hoa diên vỹ, và hoa tú cầu nở từng chùm to màu xanh lơ, màu tím nhạt– loại hoa khá phổ biến ở đây.
***
Căn phòng khách nhỏ, đồ đạc cũ kỹ, buồn bã như chủ nhân của ngôi nhà. Mọi thứ đều có màu tối, như cái ghế sofa cũ mầu nâu sẫm mà Tử Linh đang ngồi. Bà Mai đặt trước mặt Tử Linh một ly nước lọc theo lời yêu cầu của cô. Bà ngồi xuống cái ghế đối diện, lúng túng mở đầu câu chuyện:
– Thưa…bà chủ có khỏe không cô? Bà chắc cũng đã rời Việt Nam?
– Cảm ơn…bà. Mẹ tôi sức khỏe bình thường, bà hiện đang sống ở San Jose với người chồng sau. Ông là người Mỹ.
Bà Mai đang không biết tiếp tục cuộc đối thoại ra sao thì Tử Linh nói luôn:
– Có lẽ chúng ta bắt đầu luôn để tôi còn kịp thời gian quay về London.
Bà Mai gật đầu. Vì đã được dặn trước qua cú điện thoại thứ hai nên bà Mai liền đi kéo các tấm màn cửa – căn phòng chìm trong bóng tối lờ mờ, sau đó bà đem đến hai ngọn nến trắng đặt trên bàn. Bà định đi lấy cuốn album hình của người con trai thì Tử Linh ngăn lại:
– Tôi muốn bà kể thêm cho tôi nghe về con trai của bà trước, càng nhiều chi tiết càng tốt.
Bà Mai lại ngồi xuống ghế, hai bàn tay gầy, khô, chỉ còn xương và da, chắp vào nhau, đặt trong lòng. Đôi mắt u uất nhìn vào ngọn nến đang cháy, bà thở ra một hơi dài và bắt đầu kể.
***
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở tuốt Cà Mau. Cha mẹ đi làm thuê làm mướn cho người ta, ai thuê gì làm nấy, nuôi 7 đứa con lau nhau có đến 6 đứa là con gái mà tôi là con gái đầu. Vì nghèo quá nên không có đứa nào được ăn học nhiều, chỉ tới hết bậc tiểu học là nghỉ, riệng thằng em út, đứa con trai độc nhứt trong nhà là được học tới hết phổ thông, nhưng rồi sau này nó cũng chỉ đi lao động xuất khẩu, tiền thì có nhưng cũng nhọc nhằn, chứ không có nghề nghiệp gì. Còn tôi thì từ năm 15 tuổi đã đi ở mướn, làm thuê cho người ta.
Nhờ người quen với bà chủ Hà Khanh giới thiệu mà tôi được làm giúp việc và vú nuôi cho cô Tử Linh. Lúc tôi bắt đầu công việc thì cô Tử Linh còn trong bụng mẹ. Trong nhà còn có chị bếp, anh lái xe, nên công việc của tôi cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu là chăm sóc cô chủ nhỏ, lương hậu, bà chủ lại hào phóng tử tế nên cuộc sống cũng thảnh thơi. Nhưng chỉ được hơn 4 năm thì tôi được tin cha tôi bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ, mẹ lại đau ốm dằng dai nên tôi phải xin bà chủ cho về quê, đi làm ruộng gần nhà, để chăm sóc cha mẹ, các em.
Tôi cứ sống như vậy cho đến khi cha tôi mất, rồi mẹ tôi mất, rồi các em dần dần lớn khôn, đi làm thuê làm mướn, còn tôi thì tuổi xuân đã trôi qua lúc nào không hay. Đến khi giật mình nhìn lại thì mình đã ngoài 30 tuổi mà không một mảnh tình vắt vai. Không phải tôi không có người ưng, trái lại là khác, thời con gái tôi cũng xinh xắn, dễ nhìn, nhưng gánh nặng gia đình khiến tôi không dám nhận lời ai hết.
Thời gian đó các em đã lớn, tôi không làm ruộng thuê nữa mà lên Sài Gòn đi làm phụ bếp cho một nhà hàng người Hoa và thuê nhà ở chung với một đứa em gái, cũng đi phụ bán quán cà phê chỗ khác. Và đó là lúc tôi gặp ông chồng tương lai, ông Lâm Hào, một Việt kiều gốc Hoa Chợ Lớn, em trai bà chủ nhà hàng nơi tôi làm việc.
Ông Hào lớn hơn tôi cả chục tuổi, vượt biển tới Anh từ năm 1978, cùng với người vợ đầu. Gia đình họ kinh doanh làm ăn khá phát đạt, người vợ chỉ sinh được một con gái rồi qua đời vì tai nạn giao thông. Năm 1989 ông về Việt Nam, thăm gia đình họ hàng rồi gặp tôi. Không biết tại sao ông lại chọn tôi mà không chọn một phụ nữ người Hoa. Còn tôi chấp nhận lấy ông để thoát khỏi cuộc sống hiện tại chứ thật lòng cũng chưa cảm thấy thương yêu gì.
Rồi ông Hào làm giấy tờ kết hôn và bảo lãnh tôi qua Anh. Tôi đến Anh năm 1992. Vì ít học, không biết ngoại ngữ, nên tôi không xin được công việc gì, cũng không làm nails được vì không khéo tay. Tôi chỉ làm việc trong siêu thị của chồng. Tôi biết ông Hào đi bước nữa là muốn kiếm cho được đứa con trai. Điều may mắn là sau mấy lần xẩy thai, tôi sinh được một đứa con trai là Jason Lâm năm 1994. Nhưng điều không may là lần sinh nở đó tôi bị tai biến sản khoa phải cắt bỏ tử cung, không còn có thể mang thai được nữa.
Khỏi nói ông Hào quý đứa con trai hiếm muộn như vàng. Thằng Jason muốn cái gì cũng được. Nhất là ông Hào không tiếc tiền đầu tư cho thằng nhỏ học hành, nào học võ, học bơi, học đàn piano, học tiếng Hoa, tiếng Đức, rồi lại gia sư tới kèm thêm tại nhà, ăn uống thì tẩm bổ đủ thứ, áo quần, đồ dùng học tập toàn loại đắt tiền. Nhưng mặt khác, ông hết sức khe khắt, ông kiểm soát giờ giấc, ép học hành, không cho xem TV nhiều, không cho chơi games, không cho xài điện thoại, không bạn không bè gì hết.
Ngay từ khi mới về làm vợ ông Hào một thời gian ngắn, tôi đã nhận ra ông là một người tính tình gia trưởng, cực kỳ bảo thủ, thích kiểm soát, khống chế vợ con, cái gì ông cho phép mới được làm. Tôi là vợ nhưng mọi việc lớn nhỏ trong nhà cho tới chuyện kinh doanh, một mình ông quyết, tôi không có quyền hành gì. Ngay tiền lương của tôi hàng tháng ông cũng chuyển thẳng vào một tài khoản chung, cần mua gì xài gì cũng phải nói với ông. Cuộc sống ngột ngạt nhưng tôi tự an ủi dù sao cũng sướng hơn thời thơ ấu hoặc những năm tháng đi làm thuê làm mướn quần quật mà còn bị chủ rầy la, nhiếc móc. Hơn nữa, tôi tự biết mình học vấn thấp, tiếng Anh lõm bõm vài chữ, không có khả năng gì, nếu rời khỏi ngôi nhà này tôi biết đi đâu, sống ra sao trên đất nước xa lạ này?
Nên mỗi khi thấy thằng Jason rơm rớm nước mắt vì bị la mắng khi điểm kém, hoặc bị thúc học quá sức, thương con thắt ruột nhưng tôi chỉ dám vỗ về con, rằng cha chỉ muốn điều tốt cho con, cha muốn con thành ông bác sĩ, kỹ sư, luật sư…chứ không phải chỉ buôn bán,
Mọi chuyện cũng ổn nếu như không có chuyện thằng Jason càng lớn càng không giống con trai nhà người ta, nhất là không giống với mong muốn có một đứa con trai cứng rắn, mạnh mẽ, cương quyết, thành đạt của ông Hào. Nó không thích chơi với đám bạn trai mà lại hay la cà với các bạn gái, không thích đi học võ, học thể thao, mà chỉ thích vào bếp phụ mẹ nấu nướng, thích học may, học vẽ…Tính tình thì dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng như con gái. Khi nhận ra điều đó ông Hào nổi giận, ông ép Jason phải từ bỏ con người yếu đuối, nữ tính để trở lại “đúng tính chất con trai”.
Cho đến một hôm, thằng Jason khóc nói với tôi:
– Má, con chỉ muốn là con gái.
Khi tôi còn đang chết điếng không biết nói sao thì ông Hảo đứng bên ngoài cửa nghe được câu nói đó, ông xô cửa bước vào. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ điên cuồng như vậy. Ông đánh thằng Jason một trận thừa sống thiếu chết. Ông giam thằng nhỏ vào trong nhà kho tối tăm lạnh lẽo, không cho ra ngoài,
Tôi gần như quỳ xuống năn nỉ ông Hào, xin ông nhớ rằng ông chỉ có một đứa con trai duy nhất mà thôi. Ông Hào gầm lên:
– Tôi sẽ đánh chết nó. Chẳng thà tôi không có con trai còn hơn có một đứa ẻo lả, một đứa “lại cái”. Ông xỉa vào mặt tôi:
– Chính là tại cái gen xấu của bà, tôi sẽ tống cổ cả hai mẹ con bà ra đường, Làm sao bà dám nói là tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất? Tôi sẽ lấy người khác, có những đứa con trai khác. Tôi muốn là tôi làm được, bà hiểu chưa.
Hết đánh đập, gào thét, chửi rủa lại xuống giọng năn nỉ, dỗ ngọt, ông Hào cho là thằng Jason bị bệnh, bị ma ám, ông nói riết rồi tôi cũng mê muội tin theo.
Ông Hảo tìm được một ông thầy cúng người Hoa mà theo nhiều người giới thiệu là rất cao tay ấn, có thể trục con ma nữ ám vào người thằng Jason.
Ông Hào và tôi đưa Jason đến nhà ông thầy cúng.
Thằng Jason ở lại đó ba ngày ba đêm.
Khi chúng tôi đến đón, đã thấy thằng Jason ngồi chờ sẵn trên bậc thềm trước cửa, đầu cúi gằm, hai tay vòng ôm lấy hai đầu gối nhọn hoắc cao quá tai. Tôi chạy đến, gọi con, nhưng thằng bé vẫn ngồi im. Đến khi tôi ôm chầm lấy hai vai con mà lắc, thì Jason mới ngẩng đầu lên nhưng không nhìn tôi mà nhìn ra xa xa phía sau tôi, khuôn mặt không biểu lộ gì nhưng đôi mắt trống rỗng vô hồn của thằng bé khiến tôi hoảng hốt. Đúng lúc đó, cánh cửa bật mở và ông thầy cúng to mập bước ra với nụ cười luôn mở rộng trên môi. Đưa mắt nhìn rất nhanh hai mẹ con tôi, ông ta ngọt ngào nói:
– Tâm trạng cháu sẽ ủ dột, khép kín như vậy một thời gian ngắn nữa, ông bà cứ mặc cháu. Rồi cháu sẽ ổn.
Nói xong ông ta quay sang ông Hào:
– Bây giờ ông đã có một cậu con trai hoàn toàn khỏe mạnh, ngon lành rồi.
Tất nhiên là ông Hào hết sức mừng rỡ còn ông thầy cúng thì được một món tiền không nhỏ.
Khi về đến nhà, thằng Jason vào phòng đóng chặt cửa lại không nói không rằng mặc cho ông Hào và tôi thi nhau đập cửa gọi, ông Hào thì giận dữ quát tháo còn tôi xuống giọng năn nỉ, van lơn, nhưng thằng bé không hé miệng nửa lời.
Thấy ông Hào giận quá đòi đạp cửa xông vào, tôi van lơn, nhắc lại lời nói của ông thầy cúng là thằng Jason sẽ có tâm trạng khác thường như vậy một thời gian, chi bằng cứ để cho nó yên. Ông Hào xuôi tai, bỏ đi.
Tôi xuống bếp làm cho thằng Jason món mì xào thập cẩm mà nó thích, lại bỏ thêm mấy cái bánh su kem rồi mang lên đặt trước cửa phòng nó, hy vọng tối khuya đói nó sẽ ăn.
Sáng hôm sau khi tôi lên lầu, mấy dĩa thức ăn vẫn còn nguyên trên chiếc ghế đặt ngoài cửa phòng. Tôi gõ cửa không nghe tiếng gì, sốt ruột tôi xoay cái nắm cửa thì cửa mở ra, nhưng thằng Jason không có trong phòng.
Ba ngày kinh hoàng, ba ngày cả nhà chạy khắp nơi tìm kiếm, báo với cảnh sát, tìm đến mọi nơi chúng tôi nghĩ là Jason có thể tới, cho đến ngày thứ ba thì cảnh sát tìm đến nhà chúng tôi. Một người dân địa phương ở tận Scarborough đã tìm được đôi dép, cái ba-lô và cả điện thoại của thằng Jason để trên bờ, và từ cái điện thoại đó cảnh sát tìm được chúng tôi. Hóa ra thằng Jason bé bỏng của tôi, một đứa từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ được phép có ngày nghỉ, có mùa hè, chưa bao giờ được phép đi chơi xa bất cứ đâu, đã đi tới tận thành phố biển Scarborough, nơi mà nó chỉ được nghe mấy đứa anh em họ nhắc tới. Có cái gì lôi cuốn nó tới đó? Có lẽ là vì biển. Thằng bé chưa bao giờ được thấy biển. Và cả nhà biết rằng Jason không biết bơi. Ông Hào quá quý con nên khi Jason mới sinh ra được một tuổi đã nhờ người đoán lá số tử vi và người ta nói rằng mệnh thằng bé kỵ nước, đừng cho nó đi sông đi biển, chính vì vậy ông Hào cũng không cho nó học bơi.
Tôi ngất đi giữa lúc hai người cảnh sát vẫn đang hỏi chúng tôi về Jason.
Và suốt cả tháng trời sau đó tôi cứ nửa tỉnh nửa mê như vậy, tôi chỉ biết lơ mơ rằng những cuộc lùng sục tìm kiếm của cảnh sát đã không đem lại kết quả gì. Không biết xác thằng bé trôi đi đâu, vướng vào chỗ nào.
Tôi như người quẫn trí. Đến khi có thể ngồi dậy được, tôi đòi đi làm cho bằng được nhưng ở siêu thị, đầu óc tôi cứ nhớ nhớ quên quên, chốc chốc lại khóc, ông Hào bảo tôi nghỉ ở nhà.
Vốn là người nhu nhược, nhẫn nhịn, chịu đựng tính khí độc đoán của chồng từ nhiều năm nay nhưng sau cái chết của con, tôi như trở thành người khác. Tôi oán trách ông Hào đã gây ra tất cả mọi chuyện và cương quyết ly dị. Lạ một điều là ông Hào cũng không phản ứng lại và đồng ý. Ông còn tử tế để lại cho tôi cái nhà, không biết có phải vì có chút hối hận nào trong ông?
Ly dị chưa được bao lâu, ông Hào lấy vợ khác ngay, trẻ hơn ông ta nhiều và có một đứa con trai khác. Ngay từ lúc ly dị ông ta đã nói với tôi điều đó, rằng trời đã lấy mất của ông ta thằng Jason, ông ta phải có đứa con trai khác.
Còn tôi, tôi tưởng như mình không sao gượng dậy nổi sau cái chết của con. Cả ngày tôi cứ vật vờ, đi ra đi vào như cái bóng.
Nhưng rồi 2 năm sau, một may mắn từ trên trời rơi xuống, người chú út độc thân sống một mình ở tận Texas, không lấy gì làm thân thiết, bỗng đột ngột qua đời, để lại cho tôi và hai người anh chị họ mỗi người một số tiền, tôi dùng số tiền đó chung với người khác mở một cơ sở sản xuất nước mắm. Tôi lao vào công việc để quên đi nỗi đau mất con và những bất hạnh của cuộc đời riêng. Lúc đầu cơ ngơi của chúng tôi rất nhỏ, sau nhiều năm làm đã phát triển khá khá, nhưng lúc này thì tôi lại phát hiện mình bị ung thư và không còn sống được bao lâu nữa.
Dằn vặt trong nhiều năm, đến bây giờ sắp chết vì ung thư, tôi chỉ nghĩ đến thằng Jason, trong lòng hết sức hối hận và chỉ muốn một lần được “nói chuyện” với con.