Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều.
Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời.
Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ.
Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết.
Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi hơn cho gia đình, xã hội hay là cho quê hương.
Nghĩ đến cái chết nhiều hơn và thường hơn sẽ giúp ta rất nhiều trong việc hoàn thành những việc hệ trọng mà mình muốn làm cho thế hệ tương lai, cho gia đình, nhất là cho đạo mà mình muốn phục vụ.
NGƯỜI GIÀ BIẾT TU VẪN CÓ KHẢ NĂNG THAY ĐỔI
Người ta thường cho rằng người già khó thay đổi. Tuy nhiên người già mà biết tu vẫn có khả năng thay đổi.
Sự thay đổi để hiền hơn, dễ dãi hơn, mau hết giận hơn chớ không phải thay đổi ngược lại thành nóng nảy, dễ giận, dễ hờn.
Nói tóm lại là dễ buông hơn. Người già càng buồn giận khó khăn chừng nào càng khổ cho chính mình và cô đơn chừng đó.
Dù già hay trẻ, dù tu nhiều hay tu ít mà thiếu kiên nhẫn, và lúc nào cũng nghĩ rằng mình đúng và thấy người khác sai, thì cuộc sống về già càng vui ít, buồn nhiều và sẽ đi vào ngõ cụt.
Càng nhẹ nhàng với chính mình và nhẹ nhàng với người sẽ giúp cuộc sống về già bình an hơn, tỉnh thức hơn, mới có sức khỏe để vui sống với con cháu, bạn bè và người thân.
CON ĐƯỜNG VỨT BỎ CÒN NGẮN HAY DÀI?
01-03-2023. 6 giờ chiều.
Sự buông bỏ của một người muốn tu tập giống như từ từ lột mình như lột một củ hành tây. Lột hết lớp này đến lớp khác cho đến cái nõn bên trong để không còn gì để dấu nữa.
Khi nhìn mình chỉ còn là một cái lõi nhỏ bên trong thì mình có chắc là đã hết chăng? Hay phải bẻ đi cả cái lõi vứt đi để trở về con số không?
Tu, tập và hành bao nhiêu năm nhưng vẫn còn "nghe", "thấy", dù đã thực tập hoài. Phải chăng cái lõi trong cùng vẫn chưa đủ can đảm để bỏ, để vứt nó đi, để trở về sự sáng trong toàn vẹn của thuở mới lọt lòng, chưa biết gì về sự khổ.
Có những niềm đau thương tưởng chừng đã quên đi bao nhiêu lần vẫn trở đi trở lại và phải xóa đi xóa lại, xóa tới xóa lui nhưng nó vẫn còn đó.
Vậy mình phải chấp nhận thực tại như là vì càng xóa nó càng trở lại chăng?
Vậy thì có những điều thay vì cố quên, cố xóa thì mình chấp nhận và trực diện với sự hiện hữu của nó.
Con đường tu học, càng đi sâu càng thấy khó. Những lúc thấy tâm nhẹ nhàng bình an là lúc ta tự dối mình để an hưởng cái xa hoa của sự an lạc.
Viết về đạo không phải là những đoản văn hay bay bướm, êm tai, dễ ngủ mà viết về đạo cần những nét dao bén ngọt, cắt từng đoạn ruột, banh da xẻ thịt để tìm cội nguồn của sự khổ, những gì đã khiến con người phải ngụp lặn trong đau khổ, thức trọn những đêm thâu, tìm ra vì sao cái khổ có thể làm tim ta rướm máu, đau thắt từng cơn và đầu muốn tung, óc muốn bể, đến thân xác rã rời như bị dập nát tan tành.
Khi nào vứt được cái nõn, cái lõi của củ hành đi, vứt bỏ cái Ta đi thì mới thoát khổ chăng?
Đoạn đường này còn ngắn hay dài?
Nguyễn Huỳnh Mai