Máy xúc phá hủy khu đất canh tác thuộc xã Xuân Quan - huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên, ngày 17/09/2013. Ảnh blogger Nguyễn Xuân DiệnSáng hôm qua, 17/09/2013, một lực lượng khoảng 20 xe ủi, máy xúc, với sự có mặt của các đại diện chính quyền, đã được đưa đến một khu vực đất trồng lúa và cây ăn quả thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và phá đi nhiều cây ăn quả, cùng một diện tích lúa đang sắp thu hoạch. Hôm nay 18/09, nhiều người dân Xuân Quan có mặt tại khu vực đang có nguy cơ bị phá hoại để sẵn sàng bảo vệ hoa màu và chờ đợi phản ứng từ phía chính quyền.
Theo mô tả của người dân tại chỗ, chính quyền xã mượn cớ đào mương ngòi, đã để xe ủi, máy xúc vào khu vực này phá hoại cây trồng, hàng chục côn đồ cũng có mặt để đe dọa gây hấn.
Cánh đồng xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, hiện do 210 hộ quản lý chung (cùng với hai xã Phụng Công và Cửu Cao), là nơi đã từng xẩy ra vụ « cưỡng chế đất », cho dự án của công ty Ecopark, ngày 24/04/2012, với sự tham gia của hàng nghìn nhân viên an ninh, do chính quyền địa phương huy động. Hành động này đã bị dân chúng địa phương phản ứng quyết liệt. Ngày 01/05/2012, hàng trăm nhân sĩ, trí thức người Việt đã ký "Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực", phản đối hành động của chính quyền Văn Giang và tỉnh Hưng Yên.
Trong một thông cáo đề ngày 24/04/2013, một năm sau vụ « cưỡng chế » nông dân Văn Giang một lần nữa kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ.
Ông Lê Văn Dũng, một người dân xã Xuân Quan, mô tả lại vụ việc xẩy ra hôm qua :
Tải để nghe Lê Văn Dũng (Văn Giang) Ông Lê Văn Dũng : « Hôm qua, chúng tôi nghe tin là chính quyền xã Xuân Quan có muốn múc một con ngòi ở quanh làng. Với tính chất là để (phục vụ) dân sinh, chúng tôi cũng cảm thấy con ngòi đó phục vụ cho việc tiêu thoát nước cho dân, thì ủng hộ. Nhưng sau là các anh ấy lấy một cái cớ như thế, múc ngòi xong rồi lợi dụng việc bà con mình không ra nữa là nó cũng phá hết cả chuối.
Sau khi bà con phát hiện được cái hiện tượng nó làm khác ý định, bà con mới ra giữ đất. Ra giữ đất, thì (thấy) rất là đông, toàn những bọn các cháu (trạc tuổi) gọi là con cháu của gia đình chúng tôi, chỉ vì đồng tiền mà đi theo. Đánh đập chúng nó, chúng tôi không có lương tâm.
Cái thứ hai nữa, là cả chính quyền địa phương và công an huyện cũng lên hỗ trợ tổ thi công này, thì sức mạnh của bên nhà đầu tư và chính quyền lớn lên, thì bà con thấy công an, thì bà con cũng tránh va chạm thôi.
Về tài sản bị mất, chúng tôi bị mất mấy nghìn gốc chuối, cũng đang thu hoạch, rồi là đu đủ, chục mẫu lúa sắp đến ngày thu hoạch rồi. Chúng tôi rất là xót.
Bà con rất bất bình trong việc nó không công khai cái đó. Chúng tôi rất mong muốn là đồng bào trên cả nước, thấy việc làm của bà con theo pháp luật, được nhà nước bảo hộ quyền lợi, thì cũng góp sức vào cho chúng tôi giành lại cho bà con mình. Mấy năm nay đấu tranh thấy rất là khó. Đến các cấp cơ quan thì không giải quyết, ở nhà thì nó cứ hoành hành, có làm gì, động gì, thì người ta lại vu cho là chống người thi hành công vụ, thì một con người làm sao chịu được tiếng nói như thế được. »
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết vắn tắt về tình trạng pháp lý chung của khu đất này :
Tải để nghe luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội) Luật sư Trần Vũ Hải : « Tôi cũng có nói với các bác nông dân rằng, thật ra chính quyền cưỡng chế, nhưng thực ra năm ngoái họ không đưa ra được quyết định cưỡng chế nào cả. Hiện nay, họ đang khiếu nại về vấn đề ấy, nhưng tòa án và ủy ban cũng chưa thụ lý giải quyết. Cái đất này, theo chúng tôi, cũng chưa rõ ràng là như thế nào, có thể coi là liên quan đến khu đất được coi là ‘‘cưỡng chế’’ năm ngoái. Nhưng năm ngoái, thực ra không phải cưỡng chế quyền sử dụng đất, mà là họ dùng một cái lệnh cưỡng chế xác định xử phạt hành chính. Cho nên, theo tôi hiểu mặt luật pháp, cái đất này đang là thuộc quyền sử dụng của bà con. Không có quyết định thu hồi đất là một, và cũng không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Vấn đề (vụ việc đang xẩy ra) tôi cũng chưa nắm rõ lắm, nhưng tôi có thể trình bày để tạm hiểu như vậy.
Đến giờ phút này không có quyết định thu hồi đất của bà con, và cũng không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nên hiện nay Ủy ban nhân dân huyện và Tòa án huyện Văn Giang đang lúng túng không biết giải quyết như thế nào, mặc dù… đã khiếu kiện hơn một năm nay rồi ».
Theo RFI