Dân Hồng Kông phản đối việc Bắc Kinh áp đặt giáo dục kiểu Trung Quốc. Ấn Độ giàu tài nguyên mà lại bị cúp điện. Tại Thế vận hội, nữ vận động viên Trung Quốc Diệp Thi Văn lập thành tích khả nghi. Luân Đôn thu hút nhiều khán giả, nhưng hàng quán lại than phiền bán buôn ế ẩm, thưa vắng khách hàng. Đây là các chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay.
Dân Hồng Kông biểu tình đòi thu hồi sách giáo khoa (Reuters)Liên quan tới Trung Quốc, nhật báo Le Monde quan tâm đến cuộc biểu tình khá quy mô tại Hồng Kông vào ngày chủ nhật vừa qua (30/07/2012). Mặc dù thời tiết hôm đó rất nóng, nhưng khoảng 90.000 người dân Hồng Kông đã tập hợp để phản đối việc chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị đưa vào các trường tiểu học bộ môn ‘‘giáo dục quốc gia’’.
Nhân mùa tựu trường sắp tới, các học sinh cấp một sẽ học thêm một bộ môn bao gồm giáo dục công dân, lịch sử địa lý, học quốc ca và thể thức chào cờ. Đặc biệt là các học sinh Hồng Kông phải học thêm về cách vận hành thể chế chính trị của Trung Hoa lục địa.
Mục tiêu của bộ môn này, theo cách giải thích của giới quan chức Bắc Kinh, là nhằm để thắt chặt quan hệ giữa Hồng Kông với mẫu quốc, cũng như nuôi nấng tinh thần yêu nước của các em học sinh. Theo dự kiến, bộ môn này bắt đầu được giảng dạy từ tháng 9 năm 2012 và trở thành bắt buộc vào năm 2015.
Vấn đề gây tranh cãi ở đây là loại sách giáo khoa mà Bắc Kinh dùng để giảng dạy bộ môn này.
Mang tựa đề "Mô hình Trung Quốc", nội dung quyển sách ca ngợi tính ưu việt của chế độ Cộng sản, một thể chế mà Bắc Kinh cho là ‘‘tân tiến, cởi mở và phóng khoáng’’ so với mô hình của các nước Tây phương. Tuy nhiên theo báo Le Monde, quyển sách không đá động gì đến các sự kiện quan trọng như Cách mạng Văn hóa, Bước Đại nhảy vọt, vụ đàn áp Thiên An Môn.
Kể từ đầu tháng 7, giới phụ huynh bắt đầu đánh động dư luận Hồng Kông về điều mà họ gọi là thâm ý của Bắc Kinh. Theo Hiệp hội các phụ huynh học sinh, việc ca ngợi thể chế chính trị Trung Quốc mà không nhắc một chữ đến phong trào đòi dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh, chẳng khác gì là cố tình ếm nhẹm để bóp méo lịch sử. Tuy chỉ có 7 triệu dân, nhưng Hồng Kông nhờ vào quy chế đặc biệt, có nhiều quyền tự do hơn so với một tỷ dân sống tại Hoa Lục. Điều khiến giới phụ huynh nói riêng và dư luận Hồng Kông nói chung bất bình là sự ‘‘đồng hóa’’ lãnh thổ này với Trung Quốc. Và điều đó bắt đầu với việc đưa sách giáo khoa mới cũng như bộ môn giáo dục lịch sử quốc gia vào trường tiểu học.
Nhiều phụ huynh học sinh còn đi xa hơn nữa, khi cho rằng tân lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh chỉ làm việc để phục vụ lợi ích của Bắc Kinh. Trước sự phản đối của dư luận, ông cam kết công bố toàn bộ nội dung của giáo trình, và sẽ tham khảo ý kiến của các hiệu trưởng về việc thành lập các lớp giảng dạy.
Thế nhưng, theo báo Le Monde, yêu sách của người biểu tình là lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh phải rút lui toàn bộ kế hoạch. Bằng không, họ kêu gọi tổ chức đình công vào mùa tựu trường sắp tới để phản đối điều mà nhiều phụ huynh gọi là chính sách ‘‘nhồi sọ’’ của Bắc Kinh.
Source: RFI