Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”.
Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
- Ở Đà Nẵng sao ba biết anh Sơn vậy?
Mạ chỉ nói sơ
- Nghe ba con kể Sơn tranh đấu Phật giáo đi biểu tình cùng Phước (em con chú Tài), cả hai bị rượt bắt chạy về nhà Phước nấp, gặp lúc ba con đến thăm chú Tài nên quen biết Sơn.
Tứ đó, mỗi ngày sau giờ học, anh Sơn về nhà kèm môn Anh Văn và Toán. Các em trai và anh thân mật nhanh chóng như người một nhà. Nhờ anh Sơn dạy kèm nên điểm học chị em tăng cao tiến triển, ba Vi mừng lắm, xem anh như người thân trong gia đình. Anh xuất thân từ viện mồ côi, ngoan hiền và may mắn gặp một Sư Cô đem về Chùa nuôi nấng cho ăn học, nay được BaVi thương quý anh rất mừng rỡ chăm dạy hết lòng.
Vi lên lớp đệ tứ, đệ tam có phần e dè trầm tư, lúc rảnh rỗi thường dạo chơi quanh vườn, hoặc hai chị em gái rủ nhau ra bến sông ngồi nhìn bóng con đò chèo ngang, hoặc đem truyện theo đọc hứng gió sông. Thỉnh thoảng anh Sơn cũng ra tìm, cùng ngồi ngắm nắng chiều đang buông xuống, anh hút thuốc thả những cụm khói lơ lửng thành vòng tròn bay tan loãng, Vi nói “thích nhìn khói thuốc bay”, anh cười hỏi lại
- Vì răng Tường Vi lại thích
- Vì màu khói đẹp như ảo mộng, có rồi tan ... Anh cười cú đầu Vi
- Con nhỏ ni lãng mạn hè.
Tự dưng Vi mê ép các loài hoa có trong sân vườn vào tập truyện tới khi khô héo, thời gian sau mở ra thích nhìn màu hoa đổi sắc rồi lại bâng khuâng nỗi buồn xa vắng. Anh Sơn từ từ tỏ thái độ chăm sóc Vi, thỉnh thoảng mua sách truyện, có lúc đem về khung hình hay cái kẹp đưa Vi kín đáo. Vi bắt đầu biết ngắm trời đẹp mỗi giấc sáng thức dậy, bắt đầu yêu tiếng chim hót trên cây, bắt đầu thích đạp xe những nơi có xác Phượng đỏ rụng đầy như đường Mai Thúc Loan, đường Đinh bộ Lĩnh, hoặc đi tìm cây Sầu Đông để giẫm lên xác hoa bé tí có cánh nở trắng, nhuỵ trong màu tim tím nên thơ trên đường về Vỹ Dạ.
Vi khám phá mình có những trạng thái hơi là lạ, chẳng hạn khi anh Sơn vắng mặt một ngày, Vi thấp tha thấp thỏm ra liếc, vào liếc phòng các em trai ở chung với anh, chưa thấy bóng anh tự nhiên buổi cơm nhạt nhẽo đối với Vi, đêm ngồi học bài trong phòng, tai cố nghe ngóng tiếng mở cửa, và cố thức chờ anh về mới thấy lòng an ổn. Quả tim cũng hoạt động kỳ lạ, thường đập nhanh khi đến giờ anh dạy kèm, rồi bỗng dưng né tránh ánh mắt anh nhìn, không còn tự nhiên như trước nữa.
Một hôm anh Sơn tiếp mấy người bạn chung lớp, trong số trai thanh nữ tú có hai cô đẹp tha thướt trong tà áo lụa màu vàng và lam, họ kéo nhau ra bến sông nói chuyện cười đùa, không dưng tay chân Vi hơi run, người bần thần khó tả, nỗi buồn chán từ đâu đến. Khách về rồi Vi không thèm nhìn mặt anh Sơn, nhưng nhất cử nhất động của anh Vi đều theo dõi.
Anh vẫn vô tư dạy kèm cho đến khi Vi thi bán phần đậu thì anh xin nghỉ việc, lý do vì bài vở nhiều, anh cần chăm kỹ vào năm thứ tư để thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa.Trước khi ra đi anh kín đáo gởi Vi lá thư nội dung:
“Anh đã biết yêu em từ lúc mới vào nhà, và ngầm cảm nhận em cũng thích anh, nhưng vì sự kính nể quá lớn với ba em nên anh đè nén trong lòng để lo tròn bổn phận của vị gia sư. Có những lúc ngồi học anh chỉ thấy hình ảnh em chập chờn trước sách vở, anh phải cố gạt qua để nhìn hàng chữ trước mắt. Mỗi lúc về nhà luôn nhìn quanh quẩn, chỉ cần thấy thấp thoáng bóng dáng em là như được chuyền vào người anh cảm giác an lạc, tăng nguồn sống mạnh mẽ và bỗng yêu đời khôn
Giờ anh tạm xa em nhưng chúng mình vẫn thư từ liên lạc, mình nắm giữ trái tim và tâm hồn của nhau trong lúc chờ đợi, em nhé”.
Chao ơi! thì ra anh cũng để ý Vi, lá thư đầu tiên như một bảo vật quý giá, mỗi lần muốn đọc Vi giấu lén lút đi ra bến sông, đọc đã thuộc mà sao cứ ưa đọc hoài, nhìn hoài nét chữ, mỗi lần cầm thư Vi có cảm tưởng như được cầm tay anh... Ôi, tình là cái chi chi mà có những điều lạ lẫm đến vậy.
Vi lo lắng giấc ngủ, bữa ăn khi nghĩ cảnh anh lo học, không để ý chuyện bồi dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe, nên Vi nhờ Ái Hoa (bạn thân) tới chợ Đông Ba mua dùm sữa đặc ông Thọ, thức ăn khô, bánh kẹo đủ thứ đưa đến nơi anh thuê chung nhà với vài người bạn gần ngã Thượng Thành, và Ái Hoa cũng làm chim xanh giao thư qua lại. Thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm ba mạ Vi và mời chị em đi ăn chè Cồn. Hình như ba mạ cũng đoán ra tình cảm giữa Vi và anh, nên gặp đám giỗ hay muốn đi ăn tiệm cả nhà cũng ghé chở anh, ôi cuộc đời đẹp như mơ đầy tin yêu sức sống.
Vi thi đậu bằng Toàn Phần, anh tốt nghiệp Cử Nhân ra dạy môn Công Dân các trường tư thục như Nguyễn Du, Hưng Đạo. Thấy tình hình các khóa đàn chị học Văn Khoa ra trường bốn năm lấy bằng cử nhân nhưng không có việc làm, trong khi đậu vào sư phạm hễ tốt nghiệp là được chính phủ bổ nhiệm đi dạy. Vi thi vào sư phạm sinh vật nhưng không đậu, quay qua thi sư phạm Quy Nhơn thì được nhận, vậy là Vi phải xa anh vào Quy Nhơn ở nội trú. Hôm cuối anh đến nhà ăn tối cùng gia đình, đêm đó trăng sáng tỏa, mọi người ngồi chơi trước thềm uống trà, dùng bánh ngọt. Sau khi các em vào ngủ, mạ Vi cũng ngủ sớm, chỉ còn lại hai người, đã quấn quýt trao nhau nụ hôn thần tiên của tình yêu để hiểu thứ hạnh phúc mà người ta thường nói “sống không tình yêu là chết mà biết thở”. Anh trao cho Vi chiếc hộp dặn khi anh về mới được mở, cả hai rì rào to nhỏ dưới đêm trăng dịu vợi hương mùi hoa Tường Vy, hoa Dạ Lý thơm bay nhẹ trong không gian, nhưng rồi không thể níu kéo thêm nữa vì đêm đã quá khuya “dù chậm thế nào mình cũng phải xa nhau”( Nguyên Sa ).
Đêm đó Vi mất ngủ, chiếc đồng hồ anh tặng như trao cho Vi chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, Vi mơ màng biết bao nhiêu ước mơ…
Những phong thư đậm đà qua lại gởi gấm thông điệp của tình yêu thiêng liêng cao quý trọn vẹn dành cho nhau đến năm thứ hai, sau đó có hơi thưa, Vi nghĩ chắc anh đi dạy nhiều nơi mệt nhọc, tuy nhiên về phần Vi vẫn đều đều thư cho anh như đang nói, đang thỏ thẻ bên anh, tận hưởng mùi hương kỳ diệu bất diệt của tình yêu.
Chẳng thể chối bỏ sự thật, Vi không còn nhận được thư nữa, đánh điện bao lần cũng không trả lời, Vi bắt đầu lo âu anh có vấn đề gì. Năm ấy Vi về thăm nhà dịp Tết, tìm gặp Ái Hoa nghe ngóng tin tức về anh, bạn né tránh nói lảng sang chuyện khác,Vi rủ bạn đến nhà anh xem thử, bạn ngăn cản nhưng cuối cùng cũng hé môi nói e dè
- Nghe bạn bè kể cách đây không lâu anh Sơn đi ăn đám cưới, gặp O Dạ Hương mô đó đẹp lắm, dáng cao mặc áo tím với mái tóc dài thả gió lê thê đã hớp hồn anh “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng”, chàng ngả lòng rồi.
Vi vẫn chưa tin:
- Có chắc tin đó đúng không?
- Không đúng thì răng chẳng liên lạc với mi nữa, tao chưa gặp nhưng có người khác thấy anh Sơn chở O trên xe Honda chạy ngang đường phố Phan Bội Châu.
Vi lùng bùng nóng tai, đầu óc choáng váng, môi miệng nhạt thếch đắng nghét, bạn rủ vào quán chè gần cửa Thượng Tứ, lần này Vi không còn thấy chè ngọt nữa.
Giấu mãi cũng không được, ba mạ Vi biết chuyện, cũng chỉ im lặng tư lự theo nỗi buồn của con. Ra Tết Vi trở lại Quy Nhơn, hai tháng sau Ái Hoa gởi thư cho Vi biết họ đã đám cưới. Suốt mấy ngày Vi dã dượi như con mèo ốm nằm co thân trong chiếc mền. Gần bảy năm Vi vun xới, xây dựng lâu đài tình yêu: anh chỉ gặp người ta lần đầu, và chỉ thời gian ngắn đã xây dựng chuyện vợ chồng, như vậy phải tin đây là định số hay sao?!! Từng ngày bỗng dài lê thê trôi qua, nặng nề u ám như trời giông bão mùa đông xứ Huế. Việc học đối với Vi lúc này thật khó khăn, nỗi buồn đè nén kiểu tâm tánh con người Huế vui không ai biết, buồn chẳng ai hay càng thấm đậm trong lòng, Vi cố vùng ra khỏi địa ngục tình cảm để tập trung vào việc học, thời gian là liều thuốc giảm cơn đau. Cho đến một hôm Vi tỉnh hẳn ra, lòng Vi dửng dưng chẳng tiếc nuối tình cảm được nuôi dưỡng bao năm trời, những lý tưởng thời hoa mộng cũng nhạt nhòa, không còn điều gì tốt đẹp để Vi thần tượng về tình yêu. Vi đâm ra lạnh lùng và cảm thấy giận mình vô cùng đã lãng phí những đêm nhớ nhung, những buổi lo lắng, hy sinh đồng tiền nhịn ăn nhịn tiêu để bới xách thức ăn, lo cho bản thân anh còn hơn bản thân mình, giờ đây chỉ còn lại con số không to tướng rỗng tuếch và vô duyên.
Ra trường Vi được bổ nhiệm về dạy tại làng Phù Lương, thuê nhà dân ở lại cuối tuần mới về nhà. Mỗi ngày đứng trên bục gỗ với phấn vẽ giúp Vi nguôi ngoai dần dần khi nhìn các em hồn nhiên ngồi học, tìm niềm vui với nghề nghiệp phần nào. Vi đánh mất tuổi xuân tự bao giờ, thoáng qua mà số tuổi đã lên gần ba mươi, các em Vi lần lượt lập gia đình, còn lại Vi sớm hôm với nắng đục mưa trong, lầm lũi nhìn thời gian một cách ơ thờ…
Năm 1972 trường học xuất hiện người đàn ông trạc tuổi Vi hoặc lớn hơn, đến nhận lớp dạy. Anh tên Việt thuộc dạng bảnh bao đẹp trai, anh tự giới thiệu tốt nghiệp khóa mấy Sư Phạm Quy Nhơn, trước dạy vùng Cầu Hai, hai người trở thành bạn đồng nghiệp. Anh lái xe Honda mỗi ngày lên về, biết Vi cũng từ trên thành phố, anh ngỏ ý nếu Vi muốn về giờ nào anh sẽ cho quá giang, Vi thấy nơi ăn chỗ ở đã ổn định và thân phụ nữ cũng cần dưỡng sức, nên chỉ cuối tuần mới nhờ anh. Tám tháng trôi qua hai người gần gũi, rồi tình bạn đến tình cảm thương mến. Một chiều thứ bảy anh qua nhà mời Vi đi chơi, lúc ấy trời mưa to, anh chở Vi về hướng Vỹ Dạ ghé quán bên đường ăn bánh canh Nam Phổ, về quán cà phê nằm trên mặt nước hồ Sen trong Thành Nội rất nên thơ. Anh đi vào vấn đề một cách nghiêm chỉnh:
- Thời gian qua anh rất mến Vi, chúng ta cũng không còn cái tuổi mơ mộng lãng mạn nữa, nếu Vi đồng ý chúng ta có thể đi đến hôn nhân.
Lời tỏ tình nhanh chóng của anh ngắn gọn và tự nhiên, Vi mỉm cười như hàm ý chẳng có gì khó khăn hết. Hai người ngồi bên nhau nhìn mưa rơi từng giọt xuống mặt hồ, hoa Sen vài cánh nở nhô lên mặt nước màu trắng trong tinh khiết, trao cho nhau niềm bình an ấm áp. Thế rồi mỗi tháng anh gởi 1/2 số lương cho Vi giữ, anh bảo “trước đây hào hoa phong nhã chẳng dư đồng nào, giờ muốn lập gia đình phải nhờ phụ nữ giữ tiền mới bảo đảm được. “Và con tim đã vui trở lại,” dù nó không mang những cảm giác như lần đầu, nhưng nó sưởi ấm nỗi cô đơn, như ánh nắng len lỏi chen vào căn phòng tối khép kín đã từ lâu.
Trái đất đúng là tròn, thành phố Huế đi quanh rồi cũng gặp nhau cả. Anh Sơn dọn tới ngôi nhà mới nơi đường Ngô Đức Kế thuộc khu chợ Xép, gần cửa Đông Ba cách nhà Việt hai căn. Họ gặp nhau tại văn phòng trường luật, cả hai cùng ghi danh lấy “cua” (Cours) về học, nhưng Việt mới bắt đầu, còn Sơn học tiếp ba năm để lấy bằng luật sư. Họ nhận ra cùng hàng xóm và từ đó trở thành bạn thân thiết, Việt thường hay qua nhà anh Sơn tìm hiểu thêm về bài vở. Lúc này anh Sơn đã có một cháu gái lên năm tuổi, vợ anh dạy trung học đệ nhất cấp. Việt vô tư kể nàng nghe như vậy.
Vy chỉ có một cô bạn tâm đầu ý hợp, vẫn còn độc thân nên thỉnh thoảng đến nhà chơi hoặc rủ tôi vào quán nước ngồi tâm tình. Lần này Ái Hoa kể chuyện anh Sơn, Vy chẳng muốn nghe nhưng cũng tế nhị im lặng để bạn nói
- Mi biết không? anh Sơn rõ chuyện mi quen anh Việt rồi đó, hôm trước tao tình cờ gặp anh, đứng giữa đường phố anh nói nhanh như sợ tao bỏ đi. Anh kể có gặp mi một lần Việt chở vào ngõ xóm, nhưng mi không thấy anh. Một phút gặp lại người xưa làm anh bàng hoàng nhưng sau đó anh thở phào như trút được điều gì thật dễ chịu. Anh nói “lỗi nơi anh, anh ray rứt lắm với người ơn, với Tường Vi nhưng chỉ biết cúi mặt bẽ bàng và lẩn tránh. Bảy năm trời theo dõi cuộc sống của Vi, thấy sống như chiếc bóng bên lề, cô đơn và lầm lũi lại càng làm anh ân hận hơn, nay biết Vi quen Việt (em trai kết nghĩa), anh thấy lương tâm mình nhẹ nhõm lắm”
Vi nghe và chỉ cười nhạt vì bóng hình đó đã bị đào thải ra khỏi tâm hồn nàng từ lâu, lời nói Vi thả vào khoảng không để gió cuốn đi, chẳng lưu tâm tiếc nuối làm chi nữa.
Ba tháng hè Vi và Việt bắt đầu đi xem vải sắm áo cưới, đi quan sát giá biểu những vật dụng trang hoàng và hỏi dò dịch vụ cho mướn bàn ghế, nhầm vào mùa nghỉ nên có nhiều thời gian sắp xếp mọi chuyện.
Một buổi trưa, Vi đang dọn dẹp nhà cửa, em gái Việt đạp xe qua với nét mặt tái mét hãi hùng, báo tin anh Việt bị đụng xe đã được chở vào bệnh viện. Vi lạnh người run lẩy bẩy, em gái Việt và Vi tức tốc qua phòng cấp cứu, có sẵn các em của Việt ngồi ngoài chờ đợi. Tim Vi hồi hộp đau nhói, đầu óc Vi lung linh mơ hồ không định hướng. Một đêm chờ đợi trên ghế, thức ngủ chập chờn mê hoang, sáng sớm hôm sau bác sĩ lắc đầu chia buồn không cứu được vì anh bị chấn thương nặng trên đầu.
Xác anh đưa về nhà, các em ngơ ngác chỉ biết ngồi khóc vì mạ Việt đã mất từ lâu, ba đi chơi lặng lẽ không cho biết đến nhà bà con nào và nơi đâu, hàng xóm người lo nấu cơm, người luộc trứng, người đặt cúng trên đầu giường. Vi đứng nhìn xác Việt nằm, hết biết vì đuối sức, tình cờ đứng cạnh có người đàn ông vỗ nhẹ vai Vi, ngẩng qua bắt gặp ánh mắt sâu đen của Sơn, hình như anh muốn nói điều gì nhưng không nói được, sau đó Vi mềm nhũn ngã nhào không biết gì nữa.
Bạn Việt đến rất đông, người lo việc này kẻ lo việc nọ, trong số đó có Quân thật tốt, anh là lính mang cấp bậc trung uý thuộc ngành tâm lý chiến. Anh dựng bàn thờ, đóng kệ và ở lại nhà anh Việt từ đầu đến cuối, mượn năm chiếc xe nhà binh chở bà con đến mộ phần chôn cất. Vi xỉu đi xỉu lại nhiều lần vì tinh thần bị chấn động suy sụp đến sức khỏe. Vi xin để tang và được ông Cậu từ dưới quê lên chấp nhận. Trong thời gian làm đám có cô Chiêu Đãi Viên Hàng Không từ Đà Nẵng ra khóc lóc điên cuồng, chỉ nơi này, chỉ nơi kia nói mê sảng “anh Việt nơi tề, anh Việt còn sống...”. Hôm sau lại có cô bạn em gái anh, đang học ngành Cán Sự Y Tế đứng thắp hương ôm mặt khóc lặng lẽ. Vy ngỡ ngàng trước ái tình bí mật của Việt, nhưng dù sao anh đã chọn Vi làm vợ và được để tang, Vi thấy nhiều an ủi, đồng thời cũng thấy nỗi đau thấm như ai lấy dao cắt thịt.
Hôm đưa đám, Ái Hoa có dự, diễn tả quang cảnh buổi đám cho Vi nghe…
Hàng người đến đưa tiễn đứng hai bên trước sân, trong đó có anh Sơn. Lúc quan tài đưa ra Vi bịt khăn tang đi kế sau, anh Sơn nét mặt khắc khổ hiện lên, cầm điếu thuốc gõ mãi trên hộp diêm bối rối... Vi nghe bằng sự vô cảm lạnh lùng.
Ngày tháng tiếp tục đi qua...hơn năm sau anh Quân đến với Vi, nét mặt anh toát ra vẻ hiền lành và rất nghệ sĩ. Giai đoạn làm đám, mỗi tối anh thường đem đàn dạo những bản nhạc buồn, anh trầm lặng, kín đáo ít nói, giờ đây bỗng bày tỏ nỗi lòng thầm kín
- Khi đám tang Việt, bắt gặp nét mặt người phụ nữ buồn ủ rũ bịt vầng khăn tang có sức thu hút anh lạ thường, như một bức tranh đẹp ẩn ý nghĩa sâu xa...Từ đó anh bị ám ảnh không thoát ra được, thỉnh thoảng lại gặp trong giấc mơ, nhưng nghĩ không phải là thời điểm để anh dám lại gần trong khi vết thương lòng của Vi đang lở loét và tâm hồn đang đóng chặt.
Vi nghĩ đến hai người đàn ông trước đây đi qua trong đời sống tình cảm, nên thắc mắc hỏi anh đã có mối tình nào chưa? Anh trả lời thật thà... “Lúc trước sinh hoạt gia đình Phật Tử có quen cô huynh trưởng, thấy cô mê đọc truyện, thỉnh thoảng anh đi lùng sách báo cũ mua tặng cô, cô cũng xem như anh em trong gia đình, người ta gán ghép, anh ngại bị hiểu lầm, nên tìm cách né tránh, khi vào lính không liên lạc từ đó, giờ cô lập gia đình rồi.”
Hai người làm đám cưới, các em gái của Việt ủng hộ Vi hết mình và rất quý anh Quân. Đứa con gái đầu lòng được đặt tên Vi Vân chào đời theo cuộc sống êm ả của Vi và Quân.
Anh giỏi đàn, Vi mê nhạc, những lúc rảnh rỗi anh đàn Vi hát những bản nhạc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Âm nhạc thi ca phong phú đưa hai người đến chân trời góc bể, lãng đãng theo làn mây, nhẹ nhàng dưới ánh trăng để xây đời bằng mộng..., bản nhạc theo điệu valse vui tươi Vi vẫn hay hát
Em lo gì trời gió
Em lo gì trời mưa
Em tiếc gì mùa hè
Em tiếc gì mùa thu
Ta cứ yêu đời đi
Như lúc ta còn thơ... (NS Đức Quỳnh)
Tháng Tư năm 1975, ấn tượng hãi hùng nhất trong đời Vi ...Gia đình nhỏ gồm vợ chồng Vi, con gái và mẹ Quân chạy giặc vào Đà Nẵng, cố gắng chen chân lên tàu lớn đậu ngoài sông Bạch Đằng. Cảnh hỗn loạn xảy ra vô cùng khiếp đảm, họ gây gỗ bắn nhau tứ tung, Quân và con bị trúng đạn chết, họ thảy xuống biển cùng số người khác, Vi đang mang bầu đứa thứ hai mệt nhọc, đầu óc hoảng loạn như người mất trí, có vài chiếc ghe nhỏ trở vào bờ, Vi năn nỉ van xin nên họ giúp đưa Vi và bà mẹ chồng bị mù vào lại. Sáng kế tiếp VC đã vào tới thành phố Đà Nẵng, Vi gởi mẹ chồng nơi nhà bà con, ngày nào cũng ra quanh quẩn bến Bạch Đằng nghe tin tức cũng như ngồi khấn vái xác chồng con tấp về. Hai ngày sau người ta vớt được nhiều xác, Vi nhận ra chồng bởi chiếc áo mặc trên người và sợ dây đeo tượng Phật, nhưng không thấy xác trẻ con, Vi thuê xe chở xác chồng về Huế chôn cất sơ sài, mạ chồng trở bệnh đau nặng nằm một chỗ hai tháng sau cũng qua đời, Vi lại lo chôn cất tiếp. Lúc này Vi chỉ muốn đi theo anh Quân cho xong cuộc đời, nhưng mỗi đêm trong giấc mơ anh vẫn về an ủi với nét mặt buồn bã làm Vi bật khóc như mưa như gió, nhớ thuyết nhà Phật dạy “được sinh làm người mà đi hủy hoại thân mình là mang trọng tội bất hiếu với tổ tiên và cha mẹ”, huống gì ba Vi đã đi “tù cải tạo”, mẹ cũng đang già yếu, hơn nữa Vi đang mang đứa con trong bụng, Vi nghiến răng “mình phải sống, mình phải để đứa bé chào đời”.
Trước khi rời Đà Nẵng Vi vào bệnh viện để lại tên tuổi, địa chỉ nhà bà con trong Đà Nẵng, nếu có tin về xác trẻ tấp bờ, họ sẽ báo tin biết, nhưng vẫn hoài bặt tăm, Vi lấy giờ mất của Quân và con chung ngày giỗ.
Có lẽ thấy hoàn cảnh Vi như vậy, nên họ động lòng cho Vi về dạy trường Trần Quốc Toản gần nhà Quân, đi bộ chỉ mấy đoạn đường ngắn. Nhà mạ Vi bị tịch thu, các em lập gia đình ờ xa, chỉ còn mạ và em gái, Vy mời về sống chung nương tựa lẫn nhau trong lúc này.
Bé trai Hùng chào đời...bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vần vũ đi qua rồi trở lại nuôi Vi cô đơn, nuôi Vi khép kín màu kỷ niệm, chỉ có dòng sông nước vẫn trôi, gió vẫn thổi hờ hững khỏa lấp bụi thời gian ... Nhìn con lớn dần giống y hệt nét mặt Quân, Vy xót xa ôm con vào lòng trước sự nghiệt ngã của định mệnh với giông bão phủ xuống đời. Vi phải chiến đấu can trường với chính mình trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, giữ vững tinh thần để bù đắp tình thương cho con. Ngoài giờ dạy học, Vi đan thêm len cùng mẹ, đọc kinh Phật chữa trị căn bệnh u uất trầm cảm có thể đánh gục nàng bất cứ lúc nào.
Mây bay ngày đêm, mây không dừng lại, sóng đời đẩy tới, lăn trôi không ngừng nghỉ bên hình hài, giọt máu của Quân để lại, quá khứ chỉ được ôm ấp quay về khi bất chợt nhìn vầng trăng nhớ tiếng đàn, nhớ giọng hát của anh…
Tung phấn hương yêu, qua muôn lời hát
Bay tới bên anh, tới anh thầm nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ
Bóng em phai dần, ái ân tàn theo…
(Đoàn Chuẩn Từ Linh).
Hai em trai đi vượt biên lần lượt, mười hai năm sau cha Vi ra tù và qua Mỹ diện HO4, ba mạ và các em định cư Tiểu Bang California.
Hơn mười lăm năm sau mẹ con Vi được cha và các em bảo lãnh. Vi bây giờ đã lên chức bà nội ở nhà trông cháu, cuối tuần đến Chùa sinh hoạt làm công quả, nghe kinh kệ thấm hiểu lẽ vô thường, mọi thứ đều là Không, Không Sanh, Không Diệt để tâm hồn nhẹ hẫng như làn mây, mây sẽ không dừng lại mà ngàn năm mây vẫn bay…
Minh Thúy Thành Nội