Những người đi lễ chùa Cầu Đông ở Hà Nội hôm 26/5/2021 (minh hoạ)
Nhac NGUYEN / AFP
Chính phủ Việt Nam đang sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để điều khiển, đe doạ và đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập trong nước. Một báo cáo mới của Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) của Mỹ vừa công bố vào ngày 27/9 đưa ra kết luận như vậy.
Báo cáo của uỷ ban độc lập lưỡng đảng Hoa kỳ trong báo cáo mới về nội dung tôn giáo do nhà nước kiểm soát và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã chỉ ra cách mà Chính phủ Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để giám sát, đe doạ và thậm chí là xoá sổ các tổ chức tôn giáo gốc và độc lập khác ra sao trong quá trình lịch sử hàng chục năm, nhất là sau chiến tranh Việt Nam 1975.
Theo báo cáo này, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã sử dụng ba tổ chức then chốt của Đảng và Chính phủ cùng nhiều điều luật bao trùm và ba chiến thuật để quản lý đời sống tôn giáo của người Việt qua sáu tổ chức tôn giáo được Chính phủ thừa nhận.
Sáu tổ chức tôn giáo được Chính phủ thừa nhận cho hoạt động ở Việt Nam bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Ba tổ chức then chốt được Chính phủ sử dụng bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an.
Mặt trận Tổ quốc thực chất là thuộc Đảng Cộng sản và có nhiệm vụ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương của Đảng để xác định các trường hợp nào là dị giáo, tôn giáo nào cần phải loại bỏ. Mặt trận Tổ quốc đã góp phần vào việc loại bỏ các nhóm tôn giáo nhỏ như đạo Hà Mòn, đạo Dương Văn Mình, Bà Cô Dợ.
Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ và không có chức năng bảo vệ an ninh nhưng các lãnh đạo của cơ quan này đều có nguồn gốc từ Công an. Ban này có nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động tôn giáo, soạn thảo các luật, quy định về tôn giáo.
Bộ Công an thực thi các luật và quy định về tôn giáo. Theo báo cáo, Bộ Công an giám sát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập bằng cách bắt giữ, thẩm tra, đánh đập và đe doạ các tín đồ.
Các luật được chính quyền Việt Nam sử dụng thường để kiểm soát tôn giáo bao gồm Luật về Tôn giáo và Tín ngưỡng 2016, Luật Đất đai 2013, Bộ luật Hình sự 2015, Luật về Bảo vệ Bí mật Nhà nước 2018, Luật Xây dựng 2014.
Ba chiến thuật được chính quyền Việt Nam sử dụng bao gồm thay thế, kết nạp và thâm nhập. Bằng các chiến thuật này, Chính phủ Việt Nam xoá sổ các tổ chức tôn giáo gốc, lấy đất đai và cơ sở tôn giáo của họ, bắt người theo đạo phải bỏ đạo và tham gia vào các tổ chức tôn giáo của Nhà nước, kiểm soát các hoạt động tôn giáo rộng khắp, đàn áp tôn giáo không chỉ ở trong nước mà còn lan ra nước ngoài.
Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng chiến thuật thay thế để xoá sổ những tổ chức tôn giáo cũ, lập các tổ chức tôn giáo mới và bắt những người theo đạo phải tham gia vào các tổ chức tôn giáo mới do Chính phủ kiểm soát.
Điều này đã xảy ra với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khi giáo hội này bị chính quyền thay thế bằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không tuân thủ lệnh của chính quyền bị đàn áp, bắt bớ, tù đầy, có người bị tra tấn và chết trong tù, các cơ sở, đất đai của giáo hội này bị tịch thu hoặc bị phá.
Những người theo Phật giáo Khmer Krom ở miền Nam cũng chịu chung số phận khi họ bị bắt phải theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu không muốn bị đàn áp, bắt bớ và bỏ tù.
Chiến thuật thay thế cũng được áp dụng với Cao Đài Chơn Truyền khi tổ chức tôn giáo gốc này bị thay thế bằng Chi phái Cao Đài 1997; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo cũ cũng bị thay thế bằng Giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo mới của Nhà nước. Những tín đồ của các tổ chức tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo gốc bị bắt phải tham gia giáo hội mới. Những người đến giờ vẫn tiếp tục theo giáo hội gốc phải đối mặt với tình trạng sách nhiễu và đàn áp thường xuyên.
Chiến thuật kết nạp (co-opting) được Chính phủ Việt Nam áp dụng chủ yếu với Hội thánh Tin lành miền Bắc và miền Nam vốn là hai hội thánh gốc trước kia phổ biến cho những người H’mong ở phía Bắc theo Tin Lành và người Thượng theo Tin Lành ở Tây Nguyên. Chính phủ Việt Nam đã biến các hội thánh này thành các hội thánh bị Chính phủ kiểm soát hoàn toàn với những lãnh đạo của các hội thánh tuân thủ lệnh của Chính phủ và giữ im lặng khi những người theo đạo Tin Lành bị đàn áp. Báo cáo mới đưa ra dẫn chứng là các vụ đàn áp người H’mong ở Mường Nhé 2011, hay người Thượng ở Tây Nguyên vào các năm 2002, 2004, 2008.
Chiến thuật thâm nhập được Chính phủ Việt Nam áp dụng rõ rệt nhất đối với Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, theo báo cáo. Chiến thuật này được Chính phủ áp dụng khi họ không thể kiểm soát hoàn toàn tổ chức tôn giáo do mạng lưới rộng lớn tràn ra ngoài biên giới của Việt Nam. Chính phủ thành lập tổ chức tôn giáo giả danh và thành viên của tổ chức này cũng là thành viên của tổ chức gốc. Những người này sẽ có nhiệm vụ diễn giải các bài giảng và thực hành đạo theo cách mà Đảng Cộng sản muốn.
Chính quyền Việt Nam áp dụng chiến thuật thâm nhập phổ biến đối với đạo Công giáo - tổ chức tôn giáo độc lập duy nhất được Chính phủ công nhận. Chính phủ Việt Nam đã đưa người vào các hàng ngũ linh mục, giám mục Công giáo trong nhiều năm.
Những thành viên của các tổ chức tôn giáo giả do Chính phủ lập nên đã tấn công những linh mục và giáo dân dám lên tiếng chống bất công, đòi bảo vệ tự do tông giáo.
Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam sử dụng Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng 2016 thực chất là để đàn áp tự do tôn giáo khi các điều trong luật này bắt các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các hoạt động với chính quyền, cung cấp cho chính quyền danh sách của các chức sắc và bổ nhiệm chức sắc. Luật cũng cho phép Ban Tôn giáo Chính phủ được quyền bãi miễn chức vụ của các chức sắc tôn giáo trong các nhóm tôn giáo được Chính phủ thừa nhận.
Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng 2014 của Việt Nam đã khiến hàng trăm cơ sở và nhiều đất đai của của các tổ chức tôn giáo bị Chính phủ lấy sử dụng vô thời hạn, bị phá vì lý do lợi ích công cộng, trong khi các cơ sở tôn giáo khi muốn xây dựng bất cứ công trình gì trên đất của mình đều phải xin phép chính quyền địa phương.
Bộ luật Hình sự 2015 với các Điều 117 (tuyên truyền chống Chính phủ), Điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) và Điều 116 (phá hoại chính sách đoàn kết) thường được sử dụng để kết án những người theo đạo thuộc các nhóm thiểu số, nhất là người Thượng và người H’mong.
Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước 2018 quy định các mức độ thông tin được coi là bí mật nhà nước từ 10, 20 đến 30 năm và Chính phủ giành quyền quyết định để kéo dài thời hạn này đến bất kỳ khi nào.
Theo báo cáo, vào tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký một quyết định xác định là Đảng Cộng sản đã đưa người vào các tổ chức tôn giáo và thông tin về những người này là bí mật Nhà nước.
Khoảng 27% dân số Việt Nam (tương đương khoảng 26,5 triệu người) là người theo đạo tính đến tháng 10/2023, theo thông tin từ báo cáo. Thống kê vào năm 2019 cho thấy người theo Công giáo chiếm khoảng 44,6% số người theo đạo ở Việt Nam, tiếp theo là Phật giáo chiếm 35%, Tin lành chiếm khoảng 7%, các nhóm còn lại chiếm khoảng 13,4%.
Báo cáo của USCIRF kết luận cách làm của Chính phủ Việt Nam đang có ảnh hưởng tiêu cực đến tự do tôn giáo của Việt Nam, làm yếu đi các tổ chức tôn giáo độc lập.
USCIRF đã nhiều năm liên tục đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2022 mới đưa Việt Nam vào danh theo dõi đặc biệt.
Chính phủ Việt Nam phản đối việc bị xếp vào danh sách theo dõi đặc biệt và liên tục khẳng định luôn đảm bảo tự do tôn giáo, tin ngưỡng của người dân.
Theo RFA