Cuối tháng 10, sang đầu tháng 11, cổng nghĩa trang, gần nhà tôi, người ta bầy bán đầy những chậu hoa và những bó hoa tươi đẹp, hoa đủ mầu, đủ họ, hoa huệ lys trắng, đỏ, hồng. Hortensia đỏ và xanh lục, rotondes, fortisia jasmin vàng tươi, có cả hoa trạng nguyên rực rỡ, nhiều nhất là bông cúc, cúc đơn màu vàng, màu trắng thanh thoát; xum xuê lộng lẫy là những chậu cúc vàng óng crysanthèmes đậm màu sắc và bông lớn như tô múc canh, những chậu cúc đại đóa mãn khai rực rỡ này làm chúng ta nhớ tới tết nguyên đán ở Việt Nam, nhưng với người tây phương, hoa cúc đại đóa chỉ dùng đi thăm mộ và tặng nghĩa trang… không sao, nhập gia tùy tục, ở nhà hay ở nghĩa trang, hoa đại đóa vẫn lộng lẫy, sắc màu rậm rạp và trang trọng, pha nét phong phú sung mãn… nhất là màu vàng như vàng lá vàng diệp.
Đi tới nghĩa trang là thấy một rừng hoa chào mừng lễ các thánh, rồi lễ tạ ơn. Tạ ơn chúa, tạ ơn thượng đế… tạ ơn thượng đế, le dieu de tout puissant, bà bảo trợ người Pháp của tôi vẫn dậy tôi nói lời ấy ngay từ lúc đầu tiên tôi gặp bà. Tạ ơn chúa cho chúng ta đã gặp nhau. Bà Pamart hay nói câu đó.
Ở Việt Nam mà nhà ở gần nghĩa trang thì có lúc hơi sợ, sợ… sợ ma? Trái lại, ở đây, đất thánh là nghĩa trang rộng, đẹp, thoáng mát và uy nghi, nên không sợ gì cả. Mộ và cây thẳng hàng lối, lối đi lát gạch, có người giám trang thu vén coi sóc, quét dọn lá khô, lá vàng, hoa héo nên rất khang trang và sạch đẹp.
Tôi thích đi dạo nơi đây vì yên tĩnh và mát mẻ, vả lại lúc này gần ngày lễ các thánh Toussaint, gần luôn lễ tạ ơn, nên đường trong đất thánh đã lác đác có nhưng chậu hoa mới đủ mầu sắc tươi vui hơn mọi ngày khác trước đó. Cũng có người ra vô, thân nhân vô thăm và chăm sóc các phần mộ, làm nghĩa trang như bừng tỉnh dậy sau một năm dài ngủ yên miên mật.
Gia đình ruột thịt tôi không có ai an nghỉ nơi đây. Duy có ông bà bảo trợ người Tây an nghỉ nơi này đâu đã hơn hai chục năm có lẽ. Thời gian qua đi thật mau, mà vì bận công việc mưu sinh sinh hoạt hàng ngày, thoáng cái đã cả chục năm qua đi thật mau, cứ tưởng như mới hôm qua hôm kia đây thôi… Bà bảo trợ Pamart người cao to, tốt tướng và khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi… bà to người mà không thô, khuôn mặt vui và vẫn có nét khoan thai và ung dung như một nữ hoàng, quả có thế, tên gọi con gái của bà là Reine de Saba; Pamart là họ của ông chồng.
Tôi cứ nhớ mãi như in ngày tôi và em trai tôi được bảo lãnh qua Tây, ông bà bảo trợ làm giấy tờ và ưu ái đón ba cha con tôi về ở cùng trong thành phố của họ, mẹ và hai em gái tôi còn kẹt lại bên nhà.
Tôi khép nép và rụt rè khi cha tôi đẩy tôi ra chào bà, may mà tôi còn nhớ lời mẹ tôi dặn trước khi ra đi là nếu không hiểu tiếng của người lạ, thì cứ chào họ bằng cách chắp hai tay ngang ngực và cúi đầu xuống, lễ phép như khi lạy phật, họ sẽ hiểu. Tôi đã làm vậy trước mặt bà và ô hay, là bà cũng chào lại tôi y như vậy! Rồi bà kéo và ôm tôi vào vòng tay bà và khẽ gọi tôi bằng tên tôi… rất đúng, có thể là bà biết và chuẩn bị từ lúc viết và điền tên tôi vào hồ sơ bảo lãnh! Bà kéo luôn thằng em lại gần và nói với chúng tôi điều gì đó rất thân mật mà cha tôi bảo là : bà nói “từ nay hai đứa con không có mẹ một bên, thì đã có bà, bà sẽ luôn ở cạnh các con.“
Bà tìm thuê nhà cho chúng tôi rất gần nhà bà, rồi bà qua lại sáng chiều mỗi ngày, săn sóc, giúp đỡ. Bà tập cho chúng tôi làm quen với lối sống mới, bà dậy chúng tôi những câu nói pháp văn sơ đẳng đầu tiên. Niềm vui mừng nhất của bà là bà tìm được ở nhà nguyện la paroisse rất gần nhà, có một ma sœur người việt, bà mời ngay sœur Chung, Anna Chung tới dậy chúng tôi học pháp văn suốt ngày, mỗi bài học trong sách Mauger I & II, sœur Chung giảng thoát ý sang tiếng việt, ngay sau đó, bà Pamart giảng lại bằng tiếng pháp, nên hai chị em tôi tiến bộ mau và vững, căn bản. Qua nửa năm sau, chúng tôi được nhận vào trường tiểu học trong vùng.
Chị em tôi có lúc cũng ham học mà quên lãng đi đôi lúc nỗi nhớ mẹ ray rứt… có lần em tôi nói: Tây nó lộn xộn quá… đi là bước đi, mà je dis lại là tôi nói.
Nhưng điều mà tôi cảm động đến phải rưng rưng nước mắt, là bà bảo trợ từng đi mua cả băng vệ sinh tháng và ưu ái chỉ dậy cách dùng. Ngoài ra bà còn rất năng nổ ráo riết lo hồ sơ bảo lãnh cho một nửa gia đình tôi ở Việt Nam sớm được sang đoàn tụ một nhà. Bà là thành viên của comité national de protection des enfants nên bà ráo riết xin và viện lý do chị em tôi còn quá nhỏ và rất cần có mẹ bên cạnh vì không ai thương yêu và thay thế được người mẹ. Mẹ tôi còn ở lại bên kia bờ đại dương và đang bị lupus led nặng. Bà cứ lo sợ mẹ con tôi không có ngày gặp lại, nên bà hăng hái đi vận động đủ mọi hội đoàn từ thiện xin giúp đỡ… nhờ đó kết quả đến khả quan, hai năm sau gia đình tôi được đoàn tụ, và người vui mừng đầu tiên cũng là bà Pamart. Bà cười rộn rã, mặt đỏ bừng cùng với nước mắt rơi lã chã… bà ôm tôi muốn nghẹt thở… oh… mon dieu… mon dieu de tout puissant! Cũng có một lần đó, cũng tức cười đến ngộp thở, là hôm cuối tuần ngẫu nhiên tôi qua thăm bà, tôi nhác thấy trong nhà vệ sinh có treo một bức ảnh Phật Quan Âm, ngay sau cánh cửa, đối diện chỗ ngồi. Tôi giựt mình thót ruột, tôi hỏi bà tại sao bà lại để dieu của tôi trong nhà vệ sinh? Bà đỏ mặt và dơ cả hai tay lên cao, đầu hàng:
Oh, tôi xin lỗi, lỗi tại tôi mọi đàng, pardon, excuses moi, tao không hề biết đó là bà dieu của con, tao treo bả ở đó tại vì thấy bả đẹp quá!
Và sau đó bà tháo gỡ mang ra ngoài phòng khách, tôi liền an ủi bà là khi vô tình thì không hề vô phép. Bà cũng như an ủi lại đối phương:
Này nhé, bà Quan Âm bên phật giáo thì cũng như bà Maria Ave bên thiên chúa giáo, họ là một vị thiêng liêng, mà tại là họ đi tới nhiều quốc độ khác nhau thì họ phải mang hình dáng và mặc áo quần có khác nhau, nhưng họ là một vị, một dieu, dieu de tout puissant, đã gọi là thượng đế toàn năng, thì lúc là bà Quan Âm, lúc là bà Maria điều đó đâu có khác biệt… đâu có sai trái…
Rồi những ngày sau đó, có khi bà lái xe vù vù đưa chúng tôi tới chùa Linh Sơn lạy phật, có chúa nhựt, bà dắt chúng tôi tới nhà thờ ma mère Miraculeuse đốt nến và khấn lễ…
Với thời gian, những năm sau đó, chúng tôi lớn lên, học hành tiến tới và thi cử thành đạt. Bà cả ông đều mừng rỡ, xoa tay vui sướng như chính là bà đã từng thi đậu vậy, ah, há… on a gagné!
Cũng cứ mỗi mùa thu, cuối tháng 10 sang tháng 11, bà rủ chúng tôi đi hái táo, lựa trái chín và ngon để làm tarte aux pommes. Bà dậy em trai tôi gọt táo, bà cầm dao và đưa lưỡi dao từ ngoài vào phía trong, trong khi tụi tôi làm ngược lại, đẩy dao từ trong ra ngoài theo chiều quả táo, bà quan sát và cười cười, thằng em không hiểu sao bà cười, gọt từ trong ra ngoài, ít nguy hiểm và không sợ lưỡi dao đâm vô người mình… bà vui vẻ chiều ý, để tao tập theo, mà tập theo thì làm quá chậm, thôi thì cứ mỗi người trở về với thói quen của mình.
Táo gọt xong, sắt từng lát mỏng, khuôn moule đã có sẵn, chỉ cần trải tấm bột bì gọi là pâte brisée vào khuôn, xếp táo nằm gọn và đều trong khuôn bột rồi đút lò nướng, khi táo bốc mùi thơm gần chín, bà lấy cái rây, rây rắc mỏng mỏng lên táo bột quế, beure, đường vani, rồi để lại vô lò 15 phút nữa cho bánh vàng và chín hẳn… vừa làm bánh, vừa ăn bánh, bà cũng vừa giải thích cho tụi tôi hiểu thế nào là lễ tạ ơn, bà giảng giải cặn kẽ khi ta mang ơn chúa, mang ơn thượng đế, mang ơn những người làm việc xung quanh ta, đã cho chúng ta cuộc sống đầy đủ, an lành, không chiến tranh, không thiên tai bão lũ… tháng cuối năm là tháng của lòng biết ơn và tạ ơn thanksgiving ở khắp mọi nơi. Lễ thanksgiving có con gà tây nướng chín vàng, vây quanh là rau, củ, quả potiron, ớt, trái lê nhiều màu, brocoli, hạt dẻ nhiều mầu nâu, đỏ, vàng cam, xậm mầu chín tới… màu của một năm làm việc kết quả tốt và bội thu. No lành. Bà vừa trân trọng nói về lễ tạ ơn, bà vừa luôn tay thu dọn bàn, ly, muỗng, tách… xong xuôi, bà lau tay bằng tấm yếm làm việc và tiện còn chút xíu thì giờ, bà hỏi tiếp:
Tôi giảng vậy, các con có hiểu không?
Oui, thưa là có lúc cũng hiểu lơ mơ.
Thế nên, c’est pourquoi, tôi nói các con phải học rành pháp văn, sau đó nên học anh văn, đức văn và nga văn… kể cả hoa văn… khi mình học nhiều sinh ngữ, mình đối chiếu từng chữ, từng câu cạnh nhau, thì không khó lắm đâu và dễ nhớ…
Này, các con ơi, mes enfants, khi xưa có người nói là đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, mà ngày nay, hình như, sinh ngữ là cái miệng cũng là cửa sổ của linh hồn… cứ nói vắn tắt là linh hồn là cái cửa sổ có hai cánh, đóng đóng mở mở đi, thì đôi mắt là một nửa cửa sổ, cái miệng và ngôn ngữ là một nửa kia của cửa sổ linh hồn, mes enfants, ok?
Ok quá đi chứ…
Cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy của bà Pamart Reine de Saba mãi tới giờ này, qua bao năm tháng, tôi vẫn thấy đúng và như mỗi ngày mỗi đúng hơn… cho tới lúc tôi học, nói và viết được nhiều ngoại ngữ khá chuẩn.
Buổi chiều ra cổng nghĩa trang, nắng thu vàng còn đậu lại ngang tường đất thánh, những cây hạt dẻ lá đỏ lá vàng vẫn như đứng đó để chào tạm biệt, mười cây vẫn đó không thiếu một cây.
Tôi quay xe ra đường lớn, đi ngang quai Jean Mermoz, tôi nhác thấy bóng cái xe màu xanh đậm của em trai. Thì ra đúng là em.
Rồi không hẹn mà hai chị em cùng dừng xe trước tabac, vừa chui ra, em tôi mau mắn hỏi:
Chị đi đâu đó, em đoán là vô thăm ông bà Pamart?
Tôi chợt sững sờ:
Đúng, chị vừa ở trong ấy ra, em đoán tài thiệt!
Tài giỏi gì đâu, số là đêm, trong giấc ngủ về sáng, ngủ mê mệt mà em nghe tiếng của bà, đúng là tiếng gọi của bà… “các con ơi, mes enfants, các con học bài xong chưa, chúng ta phải lo tổ chức lễ tạ ơn… tạ ơn hết thẩy mọi người, tạ ơn chúa đã cho chúng ta cuộc sống no đủ hôm nay. Mes enfants… allez-y!“
Em nhạy bén thiệt!
Nhạy bén thì không chắc, mà cứ tới mùa lễ tạ ơn, là em nhớ tới bà... nhớ những gì bà đã làm cho chúng ta… và làm cho cả mọi người khác nữa.
Tốt… mà em mang theo những gì lỉnh kỉnh thế?
Ồ, có gì đâu, chỉ có một hộp tarte aux pommes và một thẻ nhang thơm… em thích thắp trước di ảnh ông bà một cây nhang, vì khói nhang, là đưa gởi, là kết nối… là lên cao.
Paris, mùa lễ tạ ơn, 2024
Chúc Thanh
*Trùng chủ đề