Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Cách đây gần ba mươi năm, Khôi rời trại tỵ nạn Thailand đến định cư ở Canada. Những người tỵ nạn đến trại sau ngày đóng cửa như Khôi đã phải trải qua nhiều năm dài đợi chờ lây lất nơi đất tạm dung, nên khi vừa đặt chân đến xứ sở tự do, Khôi đã lao vào học hành để đền bù lại những thời gian dài lãng phí ở Thailand. Không giống như nhiều người khác vừa đi học vừa đi làm, với quyết tâm mạnh mẽ, Khôi muốn mình có một tương lai vững chắc để có thể lo được cho gia đình ở Việt Nam cũng như tạo dựng được hạnh phúc cho riêng mình sau này. Cuối cùng, Khôi cũng gặt hái được những trái ngọt thành quả của mình, trở thành một nha sỹ, có một cuộc sống “hình mẫu” đáng mơ ước của những con người thành đạt trên xứ người.
Khôi cũng đã bảo lãnh cha mẹ qua đây đoàn tụ, lo cho các em ổn đinh. Tổ ấm của Khôi cũng chẳng có gì để phàn nàn, một cô vợ xinh đẹp có một văn phòng kế toán riêng và đứa con gái ngoan ngoãn vừa bước vào đại học. Căn nhà của vợ chồng Khôi, không to lớn nguy nga, nhưng cũng đủ cho bất cứ ai bước vào cũng buông lời khen ngợi. Hàng năm, gia đình Khôi cũng biết tận hưởng những ngày vacation tuyệt vời ở khắp mọi nơi, từ những thắng cảnh đẹp ở Canada, đến nước Mỹ láng giềng, tắm biển Hawaii, xuống miền nam Mexico nắng cháy, đi các chuyến cruise, và mới đây nhất cũng đã du lịch khắp các nước Châu Á Châu Âu.
Cuộc sống no đủ, vợ chồng Khôi cũng thường đóng góp cho những công việc từ thiện, dù là của người bản xứ Canada hay của người đồng hương. Những lần quyên góp gây quỹ trong cộng đồng Khôi đều có mặt, cuối năm Giáng Sinh về thì đóng góp cho Hội Red Cross, World Vision, và những đóng góp cho những người nghèo khó tàn tật ở Việt Nam. Với Khôi, là người Công Giáo, không những vì làm theo giáo lý đã được học khi còn nhỏ, mà đơn giản là sự công bằng, khi mình may mắn có đời sống sung túc thì chia sẻ cho những người không có cơ hội và kém may mắn. Hơn nữa, Khôi cũng từng có những ngày thơ ấu thiếu thốn bởi đất nước chiến tranh, và nhất là hơn bốn năm trường sống trong trại tỵ nạn Thailand, những ngày thật gian khó, sống trong chờ đợi mỏi mòn và tuyệt vọng, nếu không có UNHCR (Cao ủy Tỵ nạn liên hợp quốc), và những người thiện nguyện viên người ngoại quốc và người Thái, thì những người tỵ nạn Việt Nam sẽ ra sao? Hành trang khi lên máy bay rời khỏi xứ Thái của Khôi vẫn đậm sâu những tình cảm thân ái, không biên giới của những người bạn thiện nguyện viên mà Khôi đã có dịp gắn bó.
Khôi đến trại ở tuổi hai mươi bốn, một mình không thân nhân đi theo, cũng chẳng có người thân ở ngoại quốc tiếp tế như nhiều người khác trong trại, Khôi bị rơi vào nhóm “con bà phước” ở trại, tức là sống nhờ vào cơm Cao Ủy vốn chẳng dư giả gì. Nhờ may mắn có chút vốn liếng tiếng Anh nên Khôi xin vào làm việc thiện nguyện trong trại, kiếm thêm chút đỉnh tiền lương tượng trưng và cũng là cơ hội học thêm tiếng Anh. Nhưng quả thực, cái mà Khôi học hỏi được thật vô giá, đã biến đổi con người Khôi phải biết sống vươn lên, giúp Khôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Những người thiện nguyện trong tổ chức YWAM (Youth With A Mision) là những người đến từ nhiều nước khác nhau: Úc, Tân tây Lan, England, South Africa nhưng họ giống nhau ở trái tim nhiệt huyết, quên đi cuộc sống cá nhân, vượt nửa quả địa cầu để sống với người tỵ nạn, nâng đỡ tinh thần và chia sẻ buồn vui với người tỵ nạn.
Tuy mang tên Youth With A Mision nhưng các thiện nguyện viên có nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó Khôi thân nhất với Cathy vì cùng trẻ tuổi, lại cùng phụ trách trường dạy Việt Ngữ và Anh Ngữ cho các trẻ em tỵ nạn. Ngoài giờ lên lớp, Khôi hay có những buổi đi chơi ăn uống, tâm tình với cô bạn gái này. Qua Cathy, Khôi càng khâm phục và mến yêu những người thiện nguyện mà Khôi đã có dịp tiếp xúc trong trại. Từ bà già Rainie với giọng Úc khó nghe, cô Sue trong cao ủy xã hội, Shane trong bưu điện, Mark làm trong bệnh viện … Họ làm việc trong trại cho đến chiều thì trở về khu nhà cao ủy dành cho họ ngoài thị trấn, cơm ăn đạm bạc, mọi nhu cầu đều đơn giản tối đa. Cuối tuần ngày nghỉ, họ lại vào trại làm lễ ở nhà thờ, chia sẻ Kinh Thánh, đi thăm viếng người ốm đau, trầm cảm, neo đơn.
Khôi vẫn còn ấn tượng những ngày gần lễ Giáng Sinh, sau giờ làm việc, những người thiện nguyện ra về như thường lệ, nhưng khoảng 6-7 giờ tối họ lại xin trở vào trại, đi thành một nhóm, có dân tỵ nạn hiếu kỳ nối đuôi theo sau, đi vòng quanh các khu nhà trong trại, vừa đi vừa hát những bài Thánh Ca, phân phát những viên kẹo nho nhỏ cho trẻ em, những chiếc bánh cookies cho người lớn, mà sau này Cathy cho Khôi biết những chi phí đó đều do tiền túi của từng cá nhân bỏ ra, vì Cao Ủy chỉ cho họ chỗ ăn ở hàng tháng, còn mọi nhu cầu sa xỉ khác đều phải tự lo. Đó là những “Christmas Carol” đầu tiên trong đời mà Khôi được biết và sẽ không bao giờ quên.
Buổi chiều ở trại tỵ nạn rộn ràng nhất ở khu phát nước, mọi người tấp nập đến lãnh nước về nhà giặt giũ cơm nước. Khôi còn nhớ có lần nhóm bà Rannie, cô Sue đi ngang qua khu phát nước, những khuôn mặt quen thuộc nhận ra hai bà liền í ới gọi tên, họ cũng đáp lại dân tỵ nạn bằng những cái vẫy tay và nụ cười thân thiện. Có mấy đứa bé nghịch nước chạy loăng quăng làm vấy sình lên áo quần của cô Sue, vậy mà cô vẫn mỉm cười, ngồi xuống ôm ấp nựng nịu mấy đứa trẻ. Rồi những sáng chúa nhật sau giờ lễ, họ đi thăm những bệnh nhân trong bệnh viện, hỏi thăm, ủi an rất chân thành. Khôi đã nhiều lần xúc động và tự hỏi, họ là những người không cùng dòng máu, không cùng màu da, mà họ đối xử yêu thương với người tỵ nạn Việt Nam như thế, trong khi ở trại, đã có những đồng hương từng đánh nhau chỉ vì những tranh chấp nhỏ nhen.
Nhưng có lẽ kỷ niệm êm ái nhất và đẹp nhất là những tháng ngày gắn bó thân tình với Cathy, cô gái thiện nguyện viên xinh đẹp, dễ thương và nhỏ tuổi nhất trong nhóm YWAM.
Cathy bằng tuổi Khôi, cô mất mẹ từ khi lên mười, ba của cô là chủ tịch của hội thiện nguyện giúp người tỵ nạn ở Thailand. Cathy vừa tốt nghiệp đại học và đi theo con đường thiện nguyện của ba. Vì Khôi và Cathy cùng phụ trách trường học Việt Ngữ nên gặp gỡ nhau hàng ngày. Những giờ nghỉ trưa, đôi khi Cathy ở lại trại, theo Khôi và nhóm bạn Việt Nam về khu nhà Khôi ăn cơm Việt Nam. Cathy thích thú học thêm tiếng nói và văn hóa Việt, cũng như Khôi học thêm tiếng Anh từ Cathy. Sau bữa cơm, để trốn cái nắng cháy da của xứ Thái, hai người hay tản bộ trong khu trường học, hoặc ngồi nói chuyện dưới bóng mát của hàng cây bông giấy ngay trước văn phòng trường.
Cathy kể cho Khôi nghe những ngày ấu thơ ở quê nhà nơi vùng ngoại ô xa xôi nước Úc, cũng như Khôi kể cho Cathy về đất nước Việt Nam, về nơi chốn mình đã sinh ra, lớn lên và mãi nhớ thương khi phải lìa xa. Có lần Cathy đã khóc nức nở khi nhắc lại kỷ niệm những ngày cuối đời của mẹ mình khi nằm trên giường bệnh, Khôi chỉ biết bối rối nhìn đôi vai cô nàng run nhẹ dưới mái tóc màu hạt dẻ và đôi mắt đỏ hoe ngượng ngùng khi Khôi trao cho cô chiếc khăn lau nước mắt. Mối thân tình này chưa phải là tình yêu, nhưng đó là một tình bạn quá đậm đà khi có những ngày cuối tuần không gặp Cathy thì Khôi thấy thiếu vắng, nhớ nhung, để rồi sáng thứ hai lại nôn nao chờ đón chiếc xe “van” của nhóm thiện nguyện đi vào cổng trại bắt đầu một tuần làm việc mới.
Ngày Khôi lên đường đi định cư Canada, trong buổi tiệc tiễn đưa, Cathy tặng Khôi một lọ thủy tinh có một trăm ngôi sao nhỏ xíu do tự tay cô xếp với hy vọng mỗi ngôi sao là một may mắn trên con đường tương lai của Khôi. Mọi người đã cho Khôi một buổi tối tuyệt vời, những tình cảm vô giá làm Khôi nghẹn ngào. Hôm ấy, bên những người bạn Việt Nam và những người bạn ngoại quốc, Khôi đã rất xúc động nói lời tâm tình từ trong đáy tim:
“Nếu không có các bạn, chúng tôi đã không vượt qua những tháng ngày gian khổ của trại tỵ nạn. Các bạn đã cho tôi biết về tình yêu, niềm tin và hy vọng trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời! Tôi mong ước sau này sẽ có dịp đi theo bước chân các bạn, dù chỉ là một thời gian ngắn ngủi để đền đáp lại những gì các bạn đã làm cho tôi, cho đồng bào tôi!”.
Rồi Khôi quay qua nắm tay Cathy, nói nhỏ: “Tôi sẽ trở về với các bạn”.
Vậy mà bao nhiêu năm qua Khôi chưa làm được lời hứa ấy. Thỉnh thoảng trong những cuộc vui, hoặc đêm về thao thức vì những tháng ngày cũ, Khôi cũng tự trách mình, nhưng rồi dòng xoáy cuộc đời với chuyện cơm áo hàng ngày đã cuốn hút Khôi trở lại, bận rộn liên miên, những kế hoạch, những mục tiêu của vợ chồng con cái vẫn chờ đợi Khôi phải hoàn thành cho tròn nghĩa vụ người chồng người cha trong gia đình. Khôi lại tự nhủ, những đóng góp tiền bạc hàng năm của mình cũng tạm đủ cho lời hứa năm xưa.
Nhưng thời gian gần đây, có phải vì tuổi bắt đầu “về già” hay vì còn canh cánh lời hứa đó, mà những cuộc vui, những niềm vui mà Khôi từng tham gia đã không còn hấp dẫn Khôi như trước nữa? Đôi khi, giữa những cuộc vui ồn ào bia rượu, các ca sỹ đang ca hát ầm ỹ cho những người ra sàn nhảy, Khôi chỉ muốn bỏ về nhà, vào căn phòng của mình, uống một ly café, nghe một bản nhạc êm dịu, đọc một cuốn sách yêu thích. Nhẹ nhàng và đơn giản như những đêm tỵ nạn Thailand, có Khôi và mấy người bạn với cây đàn guitar, một bình trà nóng, vài chiếc bánh kẹo và một mảnh sân ngập đầy ánh trăng, cùng nhau tâm tình, ca hát, thậm chí chỉ là im lặng nhìn nhau, vẫn cảm thấy ngọt ngào ý nghĩa của cuộc đời, tình bạn và tình yêu. Khôi bỗng thèm da diết cái thời gian khó khăn, đơn sơ, chan chứa tình người ấy biết bao .
Có phải khi cuộc sống nghề nghiệp công danh và gia đình ổn định, không còn gì để mơ ước nữa, thì người ta bắt đầu mệt mỏi và hay hồi tưởng lại quá khứ, nhất là quá khứ gian khổ?
Mùa hè năm ngoái ở Florida, trong khi vợ con nghỉ ngơi tại hotel, Khôi đi dạo biển trong ánh chiều hoàng hôn, một chiếc thuyền con mong manh xa xa tận chân trời đã làm Khôi nhớ lại chuyến vượt biển của mình, con tàu của Khôi cũng cập bến Thailand vào một buổi chiều muộn như thế, và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lại ùa về, tươi sáng sống động như tuổi trẻ ngày đó của anh.
Có đêm Khôi còn nằm mơ thấy mình đang nằm trong bệnh viện của trại tỵ nạn, có những khuôn mặt thân quen đang ngồi xung quanh ân cần thăm hỏi, như Cathy, như Sue, như Mark, như bà Rannie, và có cả giấc mơ rõ ràng ngày cuối năm lạnh lẽo năm ấy, Khôi và các thầy cô giáo Việt Nam ở trường học đãi nhóm thiện nguyện một bữa bánh xèo, họ ăn say mê hết mình khen ngon, Khôi còn giải thích cho Cathy biết, sở dĩ có tên “bánh xèo” vì khi đổ bột vào chảo tạo nên âm thanh “xèo xèo” làm cô ấy cười hồn nhiên như đứa trẻ.
.............................................................................
Mới đây qua facebook Khôi liên lạc được với một người bạn tỵ nạn cũ hiện đang ở bên Úc. Anh bạn này trong chuyến về thăm Thailand đã bắt liên lạc được với vài người trong nhóm thiện nguyện YWAM cũ, trong đó có Cathy. Người bạn cũng cho Khôi biết nhóm YWAM ngày xưa, ngoại trừ mấy người đã quá già, còn tất cả những người còn lại vẫn đi khắp nơi giúp người tỵ nạn. Trời ơi, bao nhiêu năm qua, bao nhiêu người tỵ nạn như Khôi đã thay đổi cuộc đời sau khi rời trại tỵ nạn, vậy mà họ vẫn miệt mài với đời hiến thân, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của họ ư? Khôi bỗng thấy buồn, xấu hổ vì lời hứa của mình cũng chỉ là môi miệng của một giây phút cao hứng bất chợt.
Khôi đã mất hơn một tháng chìm đắm trong ray rứt, băn khoăn, hồi tưởng lại những tháng ngày gian khổ nhưng đầy ý nghĩa xưa kia, rồi email cho Cathy. Thật xúc động khi Cathy vui mừng sung sướng khi nhận được mail của Khôi. Hai người nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm cũ.
Cathy cho biết đã lập gia đình, anh ấy tên John, có cùng lý tưởng với Cathy, hai người không có con và quyết định tiếp tục vui sống đời thiện nguyện đi khắp đó đây. Hiện vợ chồng Cathy đang ở Miến Điện, một đất nước triền miên trong khó khăn và nội chiến dưới chính phủ quân sự độc tài. Gần đây đất nước này đã có chút đổi mới, canh tân trong nội các và quốc hội, mở cửa thân thiện với thế giới phương tây để mưu cầu sự phát triển cho dân tộc. Khi Khôi ngỏ lời muốn đến đó làm thiện nguyện, Cathy mừng rỡ cho biết họ đang rất cần nhiều bác sỹ, nha sỹ đến khám bệnh, chữa răng cho những người dân nghèo ở vùng nông thôn và ngoại ô thủ đô Yangon. Thời gian ít nhất cho thiện nguyện viên là từ sáu tháng cho đến một năm, tiền vé khứ hồi tự lo, cao ủy liên hợp quốc chỉ lo phần ăn ở.
Khôi bàn với vợ, lúc đầu cô ấy phản đối yếu ớt, nhưng khi Khôi kể về những kỷ niệm thời còn ở tỵ nạn Thailand, cô ấy đã thông cảm và ủng hộ cho Khôi đi một năm, vừa thực hiện lời hứa xưa kia, vừa gặp gỡ lại bạn bè cũ, coi như một chuyến du lịch nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm làm việc.
Đã có biết bao nhiêu chuyến đi trong đời, nhưng chưa có chuyến đi nào làm Khôi nao nức bồi hồi như chuyến đi này. Vẫn biết ở xứ này thời gian trôi qua vun vút, nhưng sao Khôi vẫn cứ mong thời gian qua mau hơn nữa, vì như email vừa rồi của Cathy vừa khẳng định lại, mọi việc đã thu xếp xong, tức là một tuần sau ngày lễ New Year năm nay, Khôi sẽ lên đường!
KIM LOAN