Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Syria Bachar al-Assad tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria, ngày 11/12/2017. ©
Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération nhận định sự sụp đổ của Bachar al-Assad đã cho tất cả những người sống dưới sự cai trị của một chế độ độc tài thấy rằng không có tên bạo chúa nào, dù được bảo vệ kỹ càng đến đâu, có thể trường tồn. Thực tế này khiến chính quyền Iran và cả tổng thống Nga Vladimir Putin, một đồng minh khác của Assad, phải lo lắng. Sự kiện "tên đồ tể của Damas" phải chạy sang Matxcơva lánh nạn, đột nhiên khiến mọi chuyện đều có thể xảy ra. Kịch bản này, vốn không ai nghĩ có thể xảy ra cách đây 1 năm, là một trong những hệ lụy của cơn địa chấn tạo ra bởi cuộc tấn công khủng bố do tổ chức Palestine Hamas tiến hành ở Israel hôm 07/10/2023. Cuộc tấn công của Hamas đã kích động Nhà nước Do Thái, khiến Israel trả đũa bằng cách phá hủy dải Gaza và tiêu diệt các lãnh đạo chủ chốt của Hamas cùng với hơn 40.000 người Palestine, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Sau đó, quân đội Israel đã thực hiện những cuộc không kích ác liệt vào Liban nhằm làm suy yếu lực lượng Hezbollah. Như vậy là cả hai lực lượng thân Iran trong khu vực đã bị suy yếu đáng kể.
Nhân cơ hội này, đi kèm với việc Nga buộc phải giảm quân số ở Syria do nhu cầu cấp bách trên chiến trường Ukraina, các phiến quân Syria đã lật đổ thành công Bachar al-Assad với sự hỗ trợ của Ankara. Nhật báo thiên tả nhận định có hai quốc gia hưởng lợi nhờ hiệu ứng domino này. Đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn mơ ước giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi Giáo. Và sau đó là Israel, tận dụng cơ hội này để gặm nhấm thêm lãnh thổ Palestine ở Gaza và Cisjordanie, hoặc thậm chí cả lãnh thổ Syria ở cao nguyên Golan.
Libération cũng nhấn mạnh năm 2025 không chắc sẽ yên bình hơn. Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tận dụng ưu thế để gây áp lực với lực lượng Kurdistan, kẻ thù không đội trời chung của Ankara. Còn Israel, đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì những vụ thảm sát ở Gaza cùng với ý đồ sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine, vẫn tiếp tục để Iran trong tầm ngắm. Liệu chế độ Teheran, đàn áp tàn bạo người dân, có thể trụ vững hay không ? Các nhóm Hồi Giáo cầm quyền ở Syria sẽ chuyển biến như thế nào ? Liệu Liban có tận dụng được sự suy yếu của Hezbollah để xây dựng các thể chế vững chắc hay không ? Liệu Palestine có được các quốc gia Ả Rập và phương Tây quan tâm hay không ? Tờ báo kết luận rằng Donald Trump trở lại Nhà Trắng càng khiến những câu hỏi nêu trên trở nên "rối rắm" và "sôi sục" hơn.
Những thuộc hạ của Bachar al-Assad bị truy lùng ráo riếtNhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc kể từ khi đế chế Bachar al-Assad sụp đổ hôm 08/12, công tác truy lùng những tội phạm có liên quan đến cựu độc tài Syria đang trở nên ráo riết. Trong số đó, Jamil Hassan, cựu lãnh đạo tình báo không quân Syria, hiện đang bị Interpol truy nã. Lệnh truy nã đã được gửi đến chính quyền Liban vào tuần trước. Nếu Hassan có mặt ở Liban, ông sẽ bị bắt và giao cho Hoa Kỳ, nơi Hassan bị cáo buộc đã tra tấn, phạm tội ác chiến tranh với công dân Mỹ.
Jamil Hassan, 72 tuổi, một cố vấn thân cận của Bachar al-Assad, đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đàn áp của Syria. Vào tháng 5 vừa qua, Hassan đã bị Pháp xử vắng mặt và kết án tù chung thân vì tội ác chống nhân loại, bao gồm việc bắt cóc, tra tấn và giết hại Mazen và Patrick Abdelkader Dabbagh, hai bố con người Pháp-Syria, vào năm 2013.
Ngoài Hassan, một số quan chức Syria khác cũng đã bỏ trốn, trong đó có Abdel Salam Mahmoud, từng là lãnh đạo then chốt của Văn phòng An ninh Quốc gia, và Ali Mamlouk, một tướng lĩnh cấp cao và là cố vấn an ninh của Bachar al-Assad. Mamlouk, 78 tuổi, đã chạy trốn sang Irak qua ngả Liban một ngày sau khi chế độ Assad sụp đổ. Ông bị cáo buộc tổ chức ám sát các nhân vật đối lập về chính trị và tôn giáo ở Liban. Theo một nguồn tin của ngành an ninh Liban, chính các thành viên của Hezbollah đã nhận một khoản tiền lớn và hỗ trợ Mamlouk thâm nhập vào nước này. Sau cuộc điều tra, một số sĩ quan an ninh Liban đã bị kỷ luật.
Có tin đồn về sự hiện diện của nhiều quan chức Syria tại thủ đô Beyrouth, khiến bộ máy an ninh Liban luôn phải chịu áp lực. Bộ trưởng Nội Vụ Liban Bassam Maoulaoui, hôm 12/12, khẳng định không có quan chức Syria nào vào Liban một cách hợp pháp, nhưng sau đó đã có thông tin cho biết vợ và con trai của Maher al-Assad, em trai của Bachar, đã rời khỏi Liban từ sân bay Beyrouth.
Về Jamil Hassan, nhà chức trách không tìm thấy bằng chứng nào về việc ông đang "chính thức" có mặt tại Liban, nhưng nhiều khả năng là Hassan đang ẩn náu trong nước với sự hỗ trợ của Hezbollah trong các khu vực mà nhóm này kiểm soát. Sau khi nhận được lệnh truy nã quốc tế, các cơ quan an ninh Liban đang tăng cường công tác truy lùng Jamil Hassan, trong bối cảnh hàng chục cựu quan chức của chế độ Bachar al-Assad, đã quyết định chạy sang Liban để ẩn náu, dường như vẫn đang bình yên vô sự.
Nga "lăm le chuyển hướng" sang Libya sau khi Bachar al-Assad sụp đổTờ Le Figaro cũng dành trang nhất quan tâm đến tình hình hậu Assad. Có tin đồn cho rằng Nga dường như đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Libya để bù đắp lỗ hổng trong khu vực Bắc Phi sau khi rút quân khỏi Syria.
Trong hơn một tuần qua, các quan sát viên đã ghi nhận sự gia tăng bất thường của hoạt động quân sự Nga tại Libya, với những chiếc xe tải chở vật liệu quân sự di chuyển giữa các thành phố như Syrte, Benghazi và Sebha, ở miền Nam Libya. Những hoạt động này được giám sát bởi Africa Corps, một nhóm bán quân sự của Nga, kế thừa tập đoàn Wagner.
Ngày 18/12, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin các máy bay Nga đã chuyển nhiều hệ thống phòng không, bao gồm các hệ thống S-400 và S-300, từ Syria đến Libya. Nga vốn sử dụng căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartous ở Syria để làm điểm tựa cho các hoạt động quân sự ở Châu Phi. Tuy nhiên, tình hình ở Syria ngày càng trở nên bất định đối với Nga, và Vladimir Putin đang xem xét Libya như một lựa chọn thay thế để tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực.
Kể từ năm 2016, Nga đã hỗ trợ lãnh chúa Khalifa Haftar trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Libya. Hiện tại, ước tính có khoảng 2.000 lính Nga hiện diện ở Libya, chủ yếu tại các căn cứ al-Khadim (cách Benghazi 100 km), al-Joufra và Brak as-Shatti. Nga không chỉ hỗ trợ Haftar với các lính đánh thuê mà còn tăng cường sức mạnh không quân của nguyên soái Haftar.
Mặc dù Libya không nằm ở vị trí đắc địa như Syria, nhưng vẫn là một điểm chiến lược đối với Matxcơva. Tuy nhiên, Nga sẽ phải được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ để bay đến Libya. Ngoài ra, nguyên soái Haftar, mang cả quốc tịch Mỹ, có thể sẽ bị Washington gây áp lực. Vào ngày 18/12, một nhà ngoại giao Mỹ đã gặp con trai của ông Haftar để thảo luận về hợp tác quân sự, bao gồm sự hiện diện của Nga ở Libya.
Nhật báo thiên hữu cũng nhấn mạnh Khalifa Haftar luôn bảo vệ chủ quyền của đất nước mình và dường như không "mặn mà" để cho Nga thiết lập một căn cứ hải quân ở Libya. Kể từ năm 1970, nước này không còn căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ sau khi Mouammar Kadhafi trục xuất lực lượng Mỹ khỏi căn cứ không quân Wheelus. Người dân Libya cũng kiên quyết phản đối sự hiện diện quân sự nước ngoài, khiến tình hình trở nên phức tạp đối với lãnh chúa Libya. Tờ báo kết luận mặc dù Khalifa Haftar có thể cho phép Nga sử dụng một số cơ sở dân sự, nhưng khả năng Matxcơva thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở Libya dường như là việc không thể, bởi điều đó có thể tạo ra hỗn loạn cả ở trong nước lẫn quốc tế.
Theo RFI