logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/12/2024 lúc 09:26:39(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Tổng thống Jimmy Carter trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại Cairo ngày 12 tháng Giêng, 2012.

Tổng thống thứ 39 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, Jimmy Carter, qua đời ngày 29 tháng 12, 2024, tại tư gia ở Plains, Georgia, ở tuổi 100, giữa sự hiện diện của người thân trong gia đình, theo Carter Center.
Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên trang mạng xã hội rằng ông vừa được biết tin cựu Tổng thống Carter qua đời, và nói rằng quốc gia này nợ cựu Tổng thống Jimmy Carter “một món nợ của lòng biết ơn,” theo tường thuật của CNN.
Thượng nghị sĩ liên bang của bang Georgia, Raphael Warnock, phát biểu rằng Carter là “một trong những anh hùng của tôi”.
Lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, Chuck Schumer, nói rằng Carter là “một trong những công chức khiêm tốn và tận tuỵ nhất của chúng ta.”
Lãnh đạo khối thiểu số Thượng Viện, Mitch McConnell, nói rằng “Tổng thống Carter phục vụ trong giai đoạn căng thẳng và bất ổn, trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng tinh thần bình tĩnh và niềm tin sâu sắc của ông không hề lay chuyển. Jimmy Carter từng là tổng tư lệnh trong 4 năm, nhưng ông cũng phục vụ trong vai trò một người dạy Giáo lý được yêu mến tại Marnatha Baptist Church, Plains, Georgia, trong 40 năm. Sự tận tâm và khiêm cung của ông khiến chúng ta không nghi ngờ, trong hai vai trò quan trọng này, ông đánh giá vai trò nào cao nhất.”
Thân thế & Sự nghiệp
James Earl Carter, Jr. sinh ngày 1 tháng 10 năm 1924 tại Plains, một thị trấn nông nghiệp ở bang Georgia. Cha của ông, James Earl Carter Sr., là một nông dân và doanh nhân. Mẹ ông, Lillian, một điều dưỡng viên. Mặc dù sinh sống trong căn nhà không điện không nước, gia đình Carter là một trong những gia đình khá giả trong cộng đồng.
Xuất thân từ trường công lập rồi trường cao đẳng Georgia Southwestern và Đại học Kỹ thuật Georgia, Jimmy Carter được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học và không lâu sau khi tốt nghiệp, kết hôn với cô gái cùng quê tên là Rosalynn Smith.
Sau khi phục vụ trên các tàu ngầm ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Carter được tuyển chọn tham gia chương trình tiên phong làm việc trên một tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ. Binh nghiệp của ông bị cắt ngắn bởi cái chết của người cha. Năm 1953, gia đình Carter trở về quê để thay cha điều hành trang trại của gia đình.
Tham chính
Ông Carter thất bại trong cuộc đua đầu tiên giành chức Thống đốc Georgia vào năm 1966. Bốn năm sau, ông lại ra tranh cử và lần này chiếm được chiếc ghế thống đốc. Trong cương vị đó, Carter kiên trì làm việc để hàn gắn những chia rẽ chủng tộc tại tiểu bang miền Nam này. Ngay trong diễn văn nhậm chức, ông tuyên bố “thời kỳ phân biệt đối xử dựa trên màu da và chủng tộc đã chấm dứt.”
Năm 1973, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Toàn Quốc của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 1974. Vì luật pháp Georgia không cho phép một thống đốc đương nhiệm ra dự tranh để tiếp tục nhiệm kỳ thứ nhì, Jimmy Carter quyết định tranh chức Tổng thống.
Công chúng biết đến ông nhiều hơn sau khi quyển hồi ký “Why Not the Best?” được xuất bản năm 1975. Đối với giới cử tri thất vọng về thành phần lãnh đạo nơi cả hai chính đảng ở Washington, ông hứa hẹn “một hệ thống chính quyền tốt đẹp hơn, hoạt động hữu hiệu và có những chính sách nhân ái đối với mọi thành phần dân chúng.”
Với thái độ lạc quan, cung cách khiêm tốn và nụ cười tươi, Carter bắt đầu chinh phục cử tri Mỹ. Ông thành công trong cuộc vận động để được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng.
Tại lễ nhậm chức, tân tổng thống Carter phá vỡ tiền lệ khi ông cùng phu nhân Rosalynn đi bộ trên Đại lộ Pennsylvania thay vì đi xe limousine. Ái nữ của Tổng thống, Amy Carter, theo học tại một trường công lập.
Trong cương vị tổng thống, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam. Trong ngày đầu tiên tại Phòng Bầu Dục, ông ký lệnh ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự để tránh bị đưa sang Việt Nam, lệnh này không bao gồm những quân nhân rời bỏ hàng ngũ.
Thành tựu
Những thành tựu đáng chú ý nhất của chính quyền Carter là trong lĩnh vực ngoại giao. Tổng thống Carter thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc, và thực hiện cam kết mà nước Mỹ đưa ra từ nhiều năm qua là trả lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho người Panama.
Nhưng công lớn của Tổng thống Carter là những đóng góp trong nỗ lực hòa giải Israel với Ai Cập. TT Carter thuyết phục được Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập và Thủ tướng Menachem Begin của Israel kết thúc cuộc chiến kéo dài 31 năm giữa hai nước. Ai Cập trở thành nước láng giềng Ả Rập đầu tiên đạt thỏa thuận hòa bình với Israel. Tel Aviv đồng ý chấm dứt chiếm đóng bán đảo Sinai và trả lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Ai Cập.
Tổng thống Carter còn đàm phán với Liên bang Xô viết để đạt Hiệp ước Hạn chế Vũ khí chiến lược (SALT II), nhưng trước khi Thượng viện có thể bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước, Liên Xô xua quân xâm lược Afghanistan, Tổng thống Carter buộc lòng phải rút ra khỏi hiệp ước. Tuy vậy hai nước đồng ý tuân thủ các điều khoản đã thảo luận, dù không bên nào chính thức phê chuẩn.
Thách thức lớn nhất
Sau cuộc cách mạng Iran năm 1979, một nhóm sinh viên cực đoan đã xông vào đại sứ quán Hoa Kỳ và bắt nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin, họ đòi Hoa Kỳ trục xuất Quốc Vương Iran đã chạy sang Hoa Kỳ (để được điều trị y tế). Nhưng dù Quốc Vương Iran đã ra khỏi Hoa Kỳ và ngay cả sau cái chết của ông ở Cairo, Iran vẫn cầm giữ các con tin Mỹ. Sau kế hoạch giải cứu con tin bất thành, Tổng thống Carter thương lượng với chính quyền Iran để họ phóng thích các con tin, nhưng các con tin chỉ được hồi hương sau khi ông Carter bị ông Ronald Reagan đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ấy.
Ung thư và ‘phép lạ’
Mùa Hè 2015, cựu TT Carter xuất bản cuốn sách thứ 25 của ông, “A Full Life: Reflections at Ninety”, nói về cuộc sống của mình và những cảm nghĩ vào tuổi 90.
Vài tuần sau đó, ông tiết lộ rằng ông sẽ được điều trị bệnh ung thư đã lan tới não. Tại một cuộc họp báo, ông bình thản: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”, và ông nói thêm“ Tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống sắp tới và đang nóng lòng bước vào cuộc phiêu lưu mới.”
Ông được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm, chương trình thành công ngoài dự doán. Bác sĩ không phát hiện ra tế bào ung thư mới trong một thời gian dài, và tuyên bố ông lành bệnh. Là người ngoan đạo, ông Carter cho rằng đây là một ‘phép lạ’.
Trở lại cuộc sống bình dị, tiếp tục đóng góp
Rời Tòa Bạch Ốc ở tuổi 56, Carter trở thành vị cựu tổng thống năng động nhất trong lịch sử các Tổng thống Hoa Kỳ. Jimmy và Rosalynn Carter nằm trong số những người đầu tiên ủng hộ Millard và Linda Fuller, sáng lập viên của tổ chức Habitat for Humanity, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên xây nhà giúp người nghèo ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Tổng thống Carter có chân trong Hội đồng quản trị của tổ chức Habitat và với nghề thợ mộc khéo léo, ông thường xuyên được trông thấy làm việc bên cạnh phu nhân Rosalynn và nhiều người khác, đóng đinh xây nhà giúp những người có thu nhập thấp. Theo tờ Washington Post, cựu tổng thống Carter và phu nhân đã giúp xây, hoặc tân trang 4.300 căn nhà tại 14 quốc gia khác nhau cho Habitat for Humanity.
Cựu Tổng thống Carter còn tiếp tục hỗ trợ nhân quyền, các chương trình y tế toàn cầu và hậu thuẫn các cuộc bầu cử công bằng trên toàn thế giới thông qua Trung tâm Carter, có trụ sở tại Atlanta. Những nỗ lực ngoại giao của cá nhân TT Carter giúp giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế tại các điểm nóng, từ Bắc Hàn cho đến Haiti.
Năm 2002, ông được trao giải Nobel Hòa bình cho những thành tích đã đóng góp. Ủy ban Nobel trao giải cho cựu Tổng thống Carter để vinh danh những nỗ lực không ngừng của ông “trong nhiều thập niên tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và xã hội”.
Sau Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, Jimmy Carter là vị Tổng thống Mỹ thứ ba được vinh danh như vậy.
Jimmy Carter là Tổng thống Mỹ duy nhất thời hiện đại đã trở về sống toàn thời tại căn nhà mà ông từng cư ngụ trước khi tham chính - ngôi nhà nhỏ chỉ một tầng, hai phòng ngủ, được định giá $167.000, thấp hơn trị giá những xe bọc thép được phái tới để bảo vệ cựu lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới, đậu ngay trước nhà.
Vợ chồng Tổng thống Carter không có đầu bếp; và họ tự nấu ăn lấy. Giống như hầu hết những ông chồng thương vợ, ông là người rửa chén sau bữa ăn.
Với cuộc sống bình dị đó, số tiền của người đóng thuế Mỹ chi ra cho Tổng thống Carter là số tiền ít nhất so với bất kỳ cựu tổng thống Mỹ nào khác.
Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter qua đời hồi Tháng Mười Một, năm 2023, ở tuổi 96, sau 77 năm hôn nhân với ông Carter.
Nhìn lại nhiệm kỳ tổng thống của mình với báo The Washington Post vào tháng Tám, 2018, Tổng thống Carter nói ông tự hào nhất về các nỗ lực nhằm "duy trì hòa bình và cổ vũ cho nhân quyền.
Theo VOA
song  
#2 Đã gửi : 29/12/2024 lúc 10:25:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cựu Tổng thống Jimmy Carter là ‘ân nhân’ của người Việt tị nạn

UserPostedImage
Cựu tổng thống Jimmy Carter tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân Chủ năm 2008 tại Denver, Colorado.

Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận...
Cựu tổng thống Jimmy Carter đã giúp hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đến Mỹ và thiết lập nền tảng để Mỹ tiếp đón người tị nạn về sau mà nếu không có ông thì đã có biết bao nhiêu thuyền nhân Việt chết trên biển, những người nắm rõ vấn đề trong cộng đồng Việt Nam cho biết.
Ông Carter là tổng thống Mỹ thứ 39 từ năm 1977 cho đến năm 1980, những năm đầu tiên sau cuộc chiến ở Việt Nam. Sức khoẻ ông trở nên rất yếu ở tuổi 98. Ông được đưa về nhà riêng ở bang Georgia để sống những ngày cuối đời trong an bình bên cạnh người thân.
Cựu tổng thống Carter qua đời ngày 29 tháng 12, 2024, ở tuổi 100.
Đây cũng là lúc cộng đồng Việt ở Mỹ tưởng nhớ đến những công lao của ông trong việc giúp đỡ người Việt tị nạn khi ông còn là tổng thống.
‘Hành động can đảm’
Giáo sư Lê Xuân Khoa ở bang California, người từng đứng đầu một trung tâm tư vấn về chính sách đối với người tị nạn dưới thời Tổng thống Carter, nói với VOA rằng ‘tất cả người Việt tị nạn đều nhớ ông Carter là một ân nhân’.
Ông Khoa nhắc lại lịch sử là vào năm 1979 khi mà làn sóng thuyền nhân Việt Nam ồ ạt đổ đến các nước đông nam Á, ‘đã có nhiều tàu tị nạn bị kéo trở lại ra biển và còn dọa bị bắn khiến cho nhiều người tị nạn đã chết’.
Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận từ 7 ngàn lên 14 ngàn người một tháng, tổng cộng 168 ngàn người một năm, ông Khoa kể lại những con số mà ông ‘nhớ rất rõ’.
“Từ xưa đến nay chưa bao giờ có vị tổng thống nào chấp nhận cho người tị nạn hay di dân vào nước Mỹ nhiều như vậy,” ông nói.
Ngoài ra, ông Carter còn kêu gọi các nước tạm dung người Việt tị nạn tiếp tục tiếp nhận và các nước Âu-Mỹ theo gương Mỹ để nâng con số tiếp nhận lên, cũng theo lời kể của ông Khoa.
Theo nhận định của giáo sư này thì nếu không có hành động đó thì ‘chắc chắn dân tị nạn Việt Nam đã bị đuổi về hết và các trại tị nạn cũng sẽ bị đóng cửa’.
Ông đánh giá hành động này của ông Carter là ‘rất can đảm’ trong bối cảnh tình hình chính trị và thái độ người dân Mỹ lúc đó rất bài xích dân tị nạn Việt Nam.
“Đó là hành động rất can đảm của ông Carter bằng cách giải thích cho dân chúng Mỹ rằng truyền thống nước Mỹ là tiếp nhận tị nạn, là yêu giá trị tự do dân chủ, bằng cách giải thích rằng những người tị nạn là những người đã bỏ nước ra đi, bỏ tất cả sự nghiệp và tài sản để chạy trốn cộng sản.”
“Vì thế mà dân chúng Mỹ, các chính trị gia và Quốc hội đã lắng nghe ông và đồng ý cho ông tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn lên,” ông nói thêm.
‘Tấm lòng lương thiện’
Khi được hỏi lý do tại sao ông Carter lại có hành động như vậy, ông Khoa cho rằng ‘có thể ông Carter không phải là chính trị gia giỏi về chính trị, nhiều thủ đoạn tranh giành với người khác nhưng bản chất ông ấy là người hiền lành, lương thiện’.
“Không ai chối cãi được ông ấy là người tôn trọng tự do, nhân quyền, bảo vệ dân chủ ở Mỹ và các nước khác,” ông cho biết. “Nếu không phải Tổng thống Carter thì tôi cũng không dám nghĩ rằng các tổng thống khác nếu có lòng tốt cũng sẽ không dám làm mạnh đến như vậy.”
Theo phân tích của ông thì các chính trị gia khác sẽ ‘cân nhắc nặng nhẹ về chính trị nhiều hơn chứ không đặt nặng về nhân đạo’ nên ‘cũng có thể sẽ gia tăng con số người tị nạn’ nhưng ‘sẽ không thể nào làm mạnh dạn và một cách tha thiết như ông Carter được’.
Ông chỉ ra Tổng thống Gerald Ford, người tiền nhiệm của ông Jimmy Carter, cũng giúp đỡ người tị nạn Việt Nam rất nhiều ‘nhưng vì lý do chính trị nhiều hơn lý do nhân đạo’ vì, theo lý giải của ông, Đảng Cộng hòa của ông Ford ‘có sự mặc cảm vì nước Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa’.
Sau nhiệm kỳ của ông Carter một thời gian thì nước Mỹ lại có phong trào ‘compassion fatigue’ tức là ‘mệt mỏi tình thương’ đối với người tị nạn trước tình trạng ‘dân tị nạn Việt kéo qua Mỹ quá đông và kinh tế Mỹ cũng khủng hoảng nên họ đòi chấm dứt tiếp nhận tị nạn’, cũng theo lời kể của Giáo Sư Khoa.
Đóng góp lớn thứ hai của ông Carter theo ông Khoa là giúp thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông đánh giá là ‘đạo luật tị nạn đầu tiên của nước Mỹ có giá trị cho đến giờ và là nền tảng để cho nước Mỹ thâu nhận người tị nạn’, trong đó có những chương trình quan trọng đối với người tị nạn Việt Nam như HO và OPD (Ra đi có trật tự).
Ông cũng chỉ ra là bà Rosalynn Carter, phu nhân của ông Carter, là người đã đứng ra vận động gây quỹ viện trợ nhân đạo cho người tị nạn. Ông ca ngợi lòng nhân hậu của ông bà Carter sau khi về hưu vẫn đi vận động khắp thế giới để xây cất nhà cho người nghèo, trong đó có người nghèo ở Việt Nam.
Theo quan sát của ông Khoa ‘chính sách tị nạn của Mỹ ngày eo hẹp lại’. “Lúc trước tiếp nhận mỗi năm từ 100 đến 200 ngàn người giờ chỉ còn có mười mấy ngàn,” ông nói và kêu gọi người tị nạn Việt Nam đã thành công trên đất Mỹ nên đóng góp để giúp đỡ người tị nạn trên khắp thế giới đến Mỹ.
‘Hy sinh lớn’
Cùng nhận định với ông Lê Xuân Khoa, nhạc sỹ Nam Lộc, người có hơn 40 năm làm công việc giúp đỡ người tị nạn và được cơ quan di trú Mỹ (USCIS) phong làm ‘Đại sứ quốc tịch’ hồi năm 2022, cho biết rằng giai đoạn Tổng thống Jimmy Carter nắm quyền cũng là lúc ‘người tị nạn Việt Nam ra đi đông nhất’.
Ông dẫn ra số liệu cho thấy vào năm 1977 khi ông Carter mới bước vào Nhà Trắng chỉ có gần 16 ngàn thuyền nhân, nhưng qua đến hai năm 1978 và 1979 thì con số này đã tăng vọt lên lần lượt là 87 ngàn và 203 ngàn. Đến năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Carter con số thuyền nhân Việt Nam còn 71 ngàn và đến sau đó thì ‘đã giảm đi rất nhiều’.
Theo lời ông Nam Lộc thì khi ông Carter vừa lên cầm quyền, ông ‘đã chứng kiến những hình ảnh thảm khốc của người Việt tị nạn chết trên biển’ nên đã ra lệnh cho hải quân Mỹ ‘cứu vớt người tị nạn Việt Nam’.
“Nếu không có sự can thiệp của ông đối với thế giới, nếu ông không ra lệnh cho các chiến hạm của Mỹ và của hải quân Mỹ cứu vớt người Việt trên Biển Đông thì có lẽ hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên Biển Đông,” ông nói.
Việc ông tăng gấp đôi con số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận khiến ông chịu sự chống đối rất nhiều, cũng theo lời ông Nam Lộc.
“Có thể nói sự hy sinh rất lớn của ông là khiến ông bị thất cử nhiệm kỳ hai,” ông Lộc nhận định. “Nhưng ông không có điều gì ân hận bởi vì tôi nghĩ ông cảm thấy ông đã làm đúng lương tâm là cứu với hàng trăm ngàn người trên Biển Đông.”
Ông nói chính bản thân ông khi đó làm việc trong lĩnh vực tị nạn ‘cũng đã gặp rất nhiều sự chống đối ở các thành phố mà ông làm việc’ và Quốc hội Mỹ lúc đó cũng đã lên tiếng phản đối những chính sách tị nạn của ông Carter vì nó quá tốn kém ngân sách của nước Mỹ.
‘Chính khách khác biệt’
Nhạc sỹ Nam Lộc có cùng nhận định với giáo sư Lê Xuân Khoa là ông Carter là ‘một chính khách khác biệt’. Ông nói: “Ông Carter là một trong những người Hoa Kỳ thuần túy có trái tim rộng lượng, biết thương người, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do nên hy sinh sự nghiệp chính trị của mình.”
Ông chỉ ra bằng chứng là cựu Tổng thống Jimmy Carter đã mang lại hòa bình giữa Israel và các nước Trung Đông và được cộng đồng quốc tế ghi nhận với giải Nobel hòa bình. “Ông được thế giới ngưỡng mộ vì sự nhân bản của mình,” ông Lộc nhận xét về cựu tổng thống.
Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, ông Carter còn có công lớn trong việc giúp người Việt tị nạn khi sang đến Mỹ ổn định cuộc sống và hòa nhập vào nước Mỹ. Vào thời điểm đó, dân tị nạn Việt Nam ở Mỹ chỉ ‘trong tình trạng tạm dung’, tức là không được lãnh trợ cấp gì hết.
“Vào năm 1977 người Việt chúng ta được ra một đạo luật đặc biệt để chuyển từ tạm dung sang thường trú nhân. Nếu không có ông Carter thì chúng ta cũng chỉ ở trong tình trạng tạm dung theo đúng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ,” ông cho biết.
Chính tấm gương ông Carter, người đã dành cả đời phụng sự cho tha nhân dù là khi đã trên 90 tuổi, là người đã truyền cảm hứng cho ông Nam Lộc cống hiến cho người tị nạn trong suốt 40 năm qua và đến giờ mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn ‘muốn dành thời giờ để phục vụ người tị nạn và tranh đấu cho những người kém may mắn’, ông giãi bày.
“Có thể nói không ngoa rằng ông Carter là người đã thay đổi toàn bộ chính sách và sự đối xử của thế giới nói chung và người dân Hoa Kỳ nói riêng đối với người tị nạn Việt Nam.”
Nhạc sỹ này nói rằng bất chấp những khác biệt về quan điểm chính trị hay đảng phái, ông tin rằng ‘trong lòng những thuyền nhân Việt Nam tử tế luôn nhớ ơn đến những người đã giúp đỡ họ’.
Mặc dù cựu tổng thống ‘không bao giờ mong chờ sự tri ân’ nhưng ông Nam Lộc cho rằng cộng đồng Việt Nam ở Mỹ nên ‘gửi lời tri ân đến gia đình cựu tổng thống’ để ‘nhân dân Mỹ biết rằng họ đã có một vị tổng thống vĩ đại’.
‘Mở đường cho tị nạn’
Về phần mình, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, nhắc lại một cuộc biểu tình của người Việt trước tòa Bạch Ốc vào lúc cao điểm cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam khi mà các nước đông nam Á đẩy tàu tị nạn Việt Nam ra biển khơi.
“Chính Tổng thống Jimmy Carter đã bước ra tận hàng rào bắt tay với người biểu tình, điều mà không có tổng thống nào dám làm,” ông Thắng nói với VOA.
“Có người biểu tình Việt Nam đã nói rằng: ‘Ngài Tổng thống ơi, xin hãy cứu đồng bào chúng tôi. Ông Carter đã trả lời rằng ‘Được, hãy để tôi suy nghĩ’,” ông Thắng kể.
Chỉ vài ngày sau đó, ông Carter ra lệnh các tàu bè Mỹ đón hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ định cư. Việc này đã làm giảm áp lực cho các nước tạm dung để họ tiếp tục nhận thuyền nhân Việt Nam vào các trại tị nạn, cũng theo lời vị giám đốc này.
Ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông cho là đã mở đường cho các công việc giúp đỡ người tị nạn của ông đến tận bây giờ.
“Trước đó Hoa Kỳ không có chính sách tị nạn. Sau này Hoa Kỳ mới có chính sách tị nạn rõ rệt. Đó là công lao của Tổng thống Carter và Quốc hội bấy giờ.”
Theo ông thì nếu không có Tổng thống Jimmy Carter thì cộng đồng Việt Nam ở Mỹ ‘chỉ có quy mô rất nhỏ’.
Ông cũng chỉ ra ông Carter đã thay đổi ý thức của chính phủ Mỹ trong việc đối xử với người tị nạn đã đến Mỹ. Lúc người Việt mới di tản sau năm 1975 nước Mỹ ‘không có chương trình của chính phủ để giúp đỡ họ’, tức là không có trợ cấp và những dịch vụ cho người tị nạn mà chỉ có những cơ sở tư nhân đứng ra giúp đỡ.
“Đến thời ông Carter mới có chương trình của chính phủ Mỹ nhận đây là trách nhiệm của chính phủ liên bang,” ông Thắng nói và chỉ ra các trợ giúp như cấp chỗ ở, cho tiền thuê nhà, dạy lái xe, cấp thẻ xanh và nhập tịch sau một thời gian...
Ông kể lại một kỷ niệm là khi chương trình đánh dấu 30 năm người Việt ở Mỹ được tổ chức thì ban tổ chức có gửi thư mời đến vợ chồng ông Carter thông qua tổ chức Carter Foundation.
“Ông Carter có gửi thư trả lời nói rằng ông xin lỗi vì ông rất kẹt nên không tham dự được và gửi lời chào đến cộng đồng người Việt,” ông kể. “Đó là một tổng thống rất khiêm nhường. Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ nhận được thư hồi đáp do chính ông viết, xin lỗi và ký tên.”
Thư mời gửi cho ông Carter đó, ông Thắng cho biết, có nêu lên lòng biết ơn của người Việt tị nạn đối với ông. Ông cho rằng ‘chắc chắn cộng đồng Việt Nam có món nợ ân tình với ông Carter’.
Theo lời ông thì cộng đồng người Việt ‘nên vinh danh một vị tổng thống nhân từ không thể chối cãi kể cả những người thuộc đảng đối lập với ông Carter’.
“Sự khác biệt về chính kiến là rất bình thường ở Hoa Kỳ. Chúng ta có thể không đồng ý với ông Carter ở một số chính sách chẳng hạn nhưng chúng ta không thể phủ nhận những việc làm nghĩa ích, nhân đạo, tấm gương sống nhân từ của Tổng thống Carter và bà Carter,” ông Thắng nói.
Theo VOA
song  
#3 Đã gửi : 29/12/2024 lúc 10:31:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Jimmy Carter cứu thuyền nhân Việt Nam

UserPostedImage
Hình chụp trẻ em tị nạn Việt Nam tại một trại tị nạn ở Hong Kong. Hình minh hoạ.

Ông Jimmy Carter, hồi 98 tuổi, đã rời bệnh viện về nhà sống những ngày cuối cùng. Ông qua đời hôm nay, 29 tháng 12, 2024. Ông là vị tổng thống Mỹ thọ nhất và sống một đời an vui, như Khổng Tử nói, “Người trí sống vui, người nhân sống thọ” (Trí giả lạc, nhân giả thọ, Luận Ngữ, VI, Ung Dã). Ông là người đáng được các thuyền nhân Việt Nam nhớ ơn.
Carter có đức tin rất mạnh, ông thường đến dạy giáo lý ở nhà thờ. Khi ra tranh cử năm 1976, ông nói với các cử tri: “Tôi sẽ không bao giờ lừa dối quý vị.” Có người đùa rằng ông nói như thế là mất hết phiếu của những người nói dối! Nhưng ông đắc cử, sau khi, qua thời Tổng thống Richard Nixon, dân Mỹ đã phải nghe quá nhiều chính trị gia nói dối. Phó tổng thống của ông, Walter Mondale nói rằng đối với Carter việc dùng thủ đoạn chính trị để kiếm phiếu là một điều nhơ bẩn, “Nếu muốn Carter làm một dự án nào mà nói rằng cái này rất lợi về chính trị, thì chắc ông sẽ bác bỏ.”
Làm việc chăm chỉ không phải là đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo quốc gia, nhưng ông Carter làm việc 12 giờ, đọc 200 trang tài liệu mỗi ngày. Và ông đã làm được nhiều việc đáng kể. Ông giúp Israel và Ai Cập giải hòa ký thỏa ước hòa bình Camp David, từ đó hai nước không còn đánh nhau nữa. Ông ký thỏa ước SALT II với Nga kiểm soát vũ khí nguyên tử, một bản thỏa ước mới bị ông Vladimir Putin xóa bỏ. Ông là vị tổng thống đầu tiên, trong bang giao quốc tế, nhấn mạnh đến điều kiện tôn trọng nhân quyền. Ông cũng cải tổ chính sách di dân.
Người Việt Nam tị nạn cộng sản biết ơn Jimmy Carter. Sau 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người Việt chạy trốn chế độ cộng sản. Trong 2 năm cuối của Tổng thống Gerald Ford, Hoa Kỳ đã thâu nhận khoảng 150.000 người tị nạn. Đại tá Vũ Văn Lộc ở San Jose, ký tên Giao Chỉ, từng kể lại, ngày 5 tháng 7 năm 1978, Tổng thống Carter kêu gọi các tàu Mỹ, dân sự cũng như quân sự, đang có mặt tại Thái Bình Dương thì phải vớt thuyền nhân Việt Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Ông đã quyết định cứu người vượt biển mặc dù đa số dư luận dân Mỹ lúc đó không muốn.
Năm 1979, “Báo Time đã ghi nhận có đến 300 ngàn người chết trên đường vượt biển. Đã có 65 quốc gia tiếp nhận nhưng … thuyền nhân còn tràn ngập các trại tỵ nạn.” Các nước Đông Nam Á không muốn chịu gánh nặng này, “443 người đến Hồng Kông, Macao, bị cảnh sát kéo ra biển, gặp trận bão Hope chết không còn người nào.” Giao Chỉ viết, “Dân Việt kéo về Hoa thịnh Đốn thắp nến cầu nguyện trước tòa Bạch Cung. Nước mưa hòa trong nước mắt nhỏ giọt xuống những ngọn nến lung linh. Những linh mục và những thượng tọa đi lại đọc kinh suốt đêm.”
Trước cảnh đó, Tổng thống Jimmy Carter ký “Đạo Luật Người Tị Nạn,” (Refugee Act of 1980) do Nghị sĩ Edward Kennedy đề ra để nước Mỹ nhận người tị nạn dễ hơn trước. Đạo luật thông qua ngày 17 tháng 3, 1980, sửa đổi “Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch,” và các thủ tục trong “Đạo luật Hỗ trợ người Tị nạn và Di dân” năm 1962. Ông tăng ngân khoản giúp người tỵ nạn Việt Nam từ 7 ngàn lên 14 ngàn một tháng. “Họ sẽ được đối đãi tử tế theo từng trường hợp và thủ tục tị nạn dễ dàng để quyết định nơi nào họ muốn đến!” Và, “Sở Di Trú và Nhập Tịch, sẽ hỗ trợ tối đa các chuyến đi của họ, đến các trại tị nạn, giúp họ khi chọn tái định cư tại Mỹ!”
Tin tức về tàu Mỹ vớt thuyền nhân bay về Việt Nam, thêm nhiều người vượt biển trong những năm 1979, 80, dù ai cũng biết những tai nạn, bão tố, hải tặc, dù hàng trăm ngàn người đã chết trên biển. Số lượng “thuyền nhân,” gia tăng mạnh, họ cập bến các nước Thái Lan, Malaysia, Hồng Không, Indonesia, Úc và bị đuổi, nhiều nơi đã kéo các chiếc thuyền mong manh của người tỵ nạn ra ngoài đại dương.
Do lệnh của Tổng thống Carter, thuyền trưởng tất cả các tàu Mỹ, có thể cam kết với chính quyền tại những hải cảng đó rằng, Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ sẽ nhanh chóng sắp xếp cho những người tị nạn nhanh chóng đến nơi định cư. Những con tàu Tình Thương từ nhiều quốc gia, Pháp, Đức, Đan Mạch… ra khơi, tổng cộng đã vớt được trên 3 ngàn thuyền nhân. Nếu không có ông Carter ra lệnh cứu vớt và thâu nhận họ vào Mỹ định cư, thì chắc chắn không có phong trào này!
Khi gặp thủ tướng Israel, Manachem Begin, ở Camp David, ông Carter cũng nhắc đến tình trạng thuyền nhân Việt Nam, so sánh với cảnh những người Do Thái tị nạn trước đây. Giao Chỉ kể, “Tháng 10 năm 1979, một tàu Israel trên đường đi Nhật đã cứu 60 thuyền nhân. Thuyền trưởng nói rằng các bạn phải cảm ơn ông Carter.”
Do lệnh của ông Carter cho bộ quốc phòng, Đệ thất hạm đội dành 5 tuần dương hạm để cứu thuyền nhân. Tháng 6, 1988 chiến hạm Mỹ USS Dubuque gặp một con tàu tị nạn đi từ Bến Tre, sau 19 ngày lênh đênh trên biển, nhưng chỉ tiếp tế nước và thực phẩm, không cứu và không báo cho tàu khác cứu vớt. Ông hạm trưởng tàu USS Dubuque đã bị đưa ra tòa án quân sự. Con thuyền Bến Tre trôi dạt 37 ngày, từ 110 người chỉ còn sống 52 người; sau được tàu đánh cá Philippines cứu đưa về đảo Bolinao.
Theo con số của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR), khoảng gần nửa triệu người đã chết trên thuyền vượt biển. Tổng thống Carter đã gởi Phó Tổng thống Walter Mondale sang Geneva, Thụy Sĩ để họp cùng Cao Ủy Tị Nạn và các nước khác bàn việc giúp đỡ thiết thực người tị nạn Việt Nam. Cao Ủy Tị Nạn đã thay mặt Hoa Kỳ, thương lượng với Hà Nội, để bắt đầu chương trình tái định cư ODP, cùng các chương trình HO, con lai về sau này.
Tháng 8 năm 1979, để thuyết phục dân Mỹ, Tổng thống Carter nói trong một cuộc gặp gỡ hơn 2,000 người: “Cho tôi nhắc với quý vị rằng, Hoa Kỳ là một quốc gia của di dân. Cha ông chúng ta là di dân! Chúng ta là một quốc gia của những người tị nạn. Những người tị nạn Việt Nam từng là đồng minh của chúng ta, trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Họ đang chạy trốn khỏi một xứ đã tước đi tất cả các quyền căn bản của họ. Họ tin vào giá trị, khả năng của mỗi người, cùng sự tự do cá nhân.”
Sinh năm 1924 tại tiểu bang Georgia, Tổng thống Jimmy Carter tốt nghiệp kỹ sư tại Học Viện Hải quân, phục vụ tại các hạm đội Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Năm 1963, ông đắc cử vào Thượng viện Georgia, năm 1971, ông đắc cử thống đốc và từ năm 1977 ông làm tổng thống.
Ông Jimmy Carter gặp rất nhiều điều không may mắn trong hai năm sau cùng. Chiến tranh Iran-Iraq làm giá dầu lửa tăng lên 120%, gây nạn lạm phát khắp thế giới, tại Mỹ lên tới 14.6%. Dân Iran biểu tình chiếm tòa đại sứ Mỹ, bắt con tin. Liên Xô tấn công chiếm đóng Afghanistan. Năm 1980 ông thất cử. Nhưng nhờ các chính sách của ông Paul Volcker, do ông Carter bổ nhiệm làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương (Federal Reserve), lạm phát đã chấm dứt khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức và kinh tế bắt đầu hồi phục từ năm 1982.
Sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Carter trở về thị trấn Plains, nơi ông làm chủ một trang trại trồng đậu phộng. Ông sống giản dị trong một ngôi nhà hai phòng ngủ trị giá $167.000 đô la, sau mỗi bữa ăn vẫn tự rửa chén, mỗi Chủ Nhật lại đi dạy giáo lý ở nhà thờ.
Ngày 15 tháng Bảy năm 1979, ông Carter đọc một bài diễn văn vẫn còn đáng đọc lại. Ông than rằng, “Trong một quốc gia xưa nay vẫn tự hào là chăm chỉ làm việc, gia đình vững chắc, xóm làng đoàn kết, và lòng tin vào Thượng Đế, bây giờ nhiều người trong chúng ta chỉ lo thỏa mãn cho mình và tôn thờ việc tiêu thụ. Con người không còn được thẩm định qua các việc mình đã làm mà qua những gì mình sở hữu.” Ngày nay, có thể thấy đó cũng là một lời tiên tri.

Ngô Nhân Dụng
Theo VOA


Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.185 giây.