Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Tôi thật không còn gặp lại một nét quen thuộc nào của ngày xưa, ngày đó, mỗi “nghệ nhân” đều có một gian hàng, vừa bán, vừa trưng bày, trong đó, trưng bày và gìn giữ luôn cả những tác phẩm chọn dự thi, đến giờ chấm điểm, ban giám khảo đến từng gian hàng, sơ tuyển những tác phẩm được vào vòng trong, rồi thì chủ nhân những tác phẩm đó tập trung tất cả về khu vực phúc khảo và chung kết, trong mấy tiếng đồng hồ, là có kết quả, lãnh thưởng rồi đem về.
Giờ đây, tôi chỉ thấy các tác phẩm nằm im lặng bên trong một hàng rào, có bảo vệ, mà không thấy chủ nhân nó đâu, tôi nhướng mắt đọc tên tác phẩm, tác giả, tôi hỏi thăm một vài người quen cũ, bạn bonsai với ba tôi, cũng chả ai biết là ai.
Mà cái mục đích chính của tôi là đi tìm thăm ông Hai lay-ơn. Có thể cũng sẽ hơi khó tìm, nếu cái tên của ông không gắn thêm vào hai chữ lay-ơn, vì thủa đó, lay-ơn hầu như chỉ được trồng ở Ngọc Lãng, còn Bình Kiến thì đa số mới bỏ cây thuốc lá và sắn nước tập tễnh trồng hoa, bắt đầu bằng hoa cúc Đalat, hoa vạn thọ, tiêng chỉ có cái ông Hai này, chơi “ngẳng” khác người, bỏ mấy sào đất quý hiếm ra… thí nghiệm trồng lay-ơn, và hình như cũng mất nhiều năm không khá nổi, trước khi thành công để được chết danh với tên Hai lay-ơn đó.
Trước thì tôi không biết ba tôi quen với ông Hai từ bao giờ, nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu là phải sau khi ba tôi từ Mỹ về, bởi vì, nhiều năm trước kia, bạn ba tôi, tôi biết không sót ai cả. Sinh tiền, có một lần cùng về thăm Tết, ba tôi, dẫn tôi đi dạo vườn hoa, ba tôi có ghé lại thăm chú Hai Lay-ơn ở khu bán hoa chợ Tết, rồi sau này, nghe ba tôi kể là hằng năm ba có gửi tiền về cho chú, nhờ chú hàng tuần thắp nhang hộ ba cho mộ mẹ tôi, và mỗi lần thắp nhang, cho ba xin một bình lay-ơn, cây nhà lá vườn của chú Hai. Đến sau này, khi ba tôi mất rồi, trong một lần về, tôi cũng có đi thăm chợ hoa cuối năm, cũng tò mò ghé lại thăm chú Hai lay-ơn, nhắc đến ba tôi, chú kể, một lần bán hoa Tết, tháng bấc lạnh phong phanh tấm áo mỏng, co ro ngày đêm giữa trời… Lúc đó gần hết ngày, mà hoa vẫn còn ế, hạ thấp giá mà cũng không có người mua, năm đó, phong trào chơi bonsai mới rộ, nhiều trưởng giả quá, nên người ta chê hoa, ngồi nhìn đống hoa lòng như đốt lửa, cái áo cho con, miếng thịt cúng đầu năm, trăm thứ tiền chuẩn bị cho năm mới, mà, khi kết thúc năm cũ, thì theo tục lệ, ông sẽ không biết xoay xở vào đâu, nghĩ là, nếu muốn vay mượn cũng khó. Đêm đó, gần 1 giờ sáng, ngày cuối ở chợ hoa, chỉ còn một buổi sáng nữa là ai về nhà nấy, thì bất ngờ ba tôi xuất hiện, sau khi mua mấy chậu kiểng ở các gian hàng cạnh đó, trong khi chờ gọi được xe ba gác chở về nhà, ba tôi ngồi hỏi thăm những người bán hoa kiểng ở đó, biết được chú Hai là một thương binh thời trước cũng ở cùng xã trước kia của ba, ba cởi chiếc áo lạnh đang mặc, ép chú mặc vào, rồi gọi luôn cả chục ly cà phê, mấy gói thuốc lá, ở một bàn cà phê cóc cạnh đó, mời hết anh em hoa kiểng kế đó, quây quần lại chuyện vãn cho vui, sau đó, trước khi từ giã, ba đã tặng chú Hai 200 đô la, hẹn 12 giờ trưa hôm sau, gặp chú Hai ỡ nghĩa trang Phật Giáo, ba nhờ chú Hai gì đó…
Chú Hai mơ màng, đó chỉ là chuyện nhỏ… Mà cái tình hai anh em mới là chuyện lớn…
Lần đó tôi về, trước khi gặp chú Hai, tôi đã có đi thăm mộ mẹ tôi, mộ sạch sẽ, tươm tất, những chân nhang đỏ mới và bình hoa lay-ơn chưa kịp héo làm tôi có nghĩ đến chú Hai, đến lời ba tôi kể, nhưng bấy giờ là cuối năm, cuối năm thì ai ai cũng đi tảo mộ, nên chuyện mồ mả nào cũng mới, cũng có hoa đèn nhang khói thì cũng không có gì lạ, vả lại, đã hơn năm năm, từ khi ba tôi mất thì đâu còn có ai gửi tiền về. Mồ mả ông bà tôi đa số đều nằm ở đây, cuối năm cô chú tôi đi tảo mộ, thì sẵn ghé qua mộ mẹ tôi chút cũng là chuyện đạo nghĩa đương nhiên. Tôi đã không hề nghĩ là chú Hai (nhiều năm không còn liên lạc nào của ba tôi) lại còn có lòng đến vậy, cho nên, lần thăm đó, nghe chú kể chuyện, tôi chỉ cảm thấy một chút vui vui, vì được có người còn nhắc đến tính hào sảng của ba tôi, tôi chỉ mua giùm chú một bó hoa lớn, chào chú rồi đi, mãi cho tới lần về này, lại cũng thêm hơn năm năm nữa… sau những năm tháng lay hoay vừa đi làm vừa đi học, gần mười năm mới vừa được tốt nghiệp, làm một chuyến bái tổ vinh quy thăm mẹ.
Ít người biết chú Hai hơn, không phải vì lay-ơn nay Bình Kiến đã có nhiều người trồng, mà vì, gian hàng hoa lay-ơn của chú nay đã không còn chú để trông coi, chú mất đã bốn năm năm rồi, và thừa hưởng mảnh vườn, thừa hưởng kinh nghiệm chăm sóc, phân phối, bán buôn, những công việc thường nhật của chú là cô con gái của chú, hiện cũng đang ngồi bán lay-ơn ở một góc chợ hoa. Tôi tìm đến gian hàng, như một người khách quen mua hoa, không để ai biết mình ở xa về.
Coi bộ cô cũng sắp dọn về. Hôm nay mới chiều 29 tháng Chạp, mà quầy hoa của cô đã trống trơn:
- Xin lỗi, nếu tôi muốn mua một bó hoa của cô thì làm sao? Mai cô có còn đưa hoa ra bán nữa không?
Cô vừa dọn dẹp, vừa trả lời không ngửng đầu lên:
- Dạ, không anh, nhà cũng muốn hết hoa rồi, với lại em còn nhiều việc phải lo quá.
Tôi có chút bất ngờ với cách trả lời cũng như cái giọng nói êm nhẹ của cô gái, thật nhanh, tôi liếc vội nàng, tim tôi chợt rộn ràng trước một nhan sắc:
- Cô… cô tên gì ạ? Tôi muốn có một bó hoa lay-ơn tím, mà lúc chú nhà còn sống, nghe chú nói chỉ đặc biệt vườn chú có, cô… có thể giúp tôi?
- Dạ, em là Hương…
Tôi cười đùa:
- Hương Lay-ơn?
Cô gái mở to mắt nhìn tôi:
- Sao anh biết?
- Tôi đoán thôi, tại vì, xưa chú là chú Hai Lay-ơn.
- Anh có quen ba em à?
Tôi lợi dụng thời cơ:
- Chẳng những quen, mà còn rất quen. Tại tôi học xa nên lâu nay không có dịp về thăm chú.
- Ba em mất rồi.
- Tôi mới nghe, chia buồn muộn với Hương.
- Dạ, cám ơn anh. Thật ra, em còn một ít hoa tím ở nhà, nhưng sợ không đủ cho anh, chiều nay em phải ra mộ…
- Không sao, liệu cơm gắp mắm, miễn Hương vui lòng, đôi ba cành cũng được. Tôi cũng muốn đi thăm mộ mẹ tôi, sẵn Hương cho phép tôi thắp nhang cho chú…
[]
Nhà Hương ở gần cổng nghĩa trang Phật Giáo, nên sau khi chia cho tôi một bó hoa tím, Hương nói, sẵn Hương cũng cần thăm mộ trong đó.
- Ba em cũng được an táng ở đây?
- Dạ không, mấy năm nay người ta buộc tất cả phải đưa lên nghĩa trang mới, trên Thọ Vức, Ba em được chôn trên đó, cách đây chừng 4 cây số. Em nghĩ, em sẽ khấn hộ anh lời thăm viếng của anh với ba, ba bữa này, ai cũng tranh thủ… tối mắt.
- Vậy sao em không tranh thủ lên Ba sớm đi? Xong rồi hẵng lo việc khác?
- Dạ, cũng vậy thôi, nơi này, Hương rung rung bó hoa tím trên tay, cũng là một việc chính của em.
Vừa đi bộ từ cổng nghĩa trang vào, Hương vừa kể:
- Ba em có một người bạn ở xa, vì biết ba sống gần nghĩa trang, nên bác ấy nhờ ba em giúp nhang khói giùm bác ấy ngôi mộ của bác gái. Lúc ba còn sống, em vẫn thường theo ba, hoặc thay ba hàng tuần, có khi vài ba ngày một lần, coi như đi dạo một vòng thành phố người chết, để thấy lòng mình mênh mông hai ba cõi, để thấy, yêu thêm đời sống này, yêu thêm cõi tạm ngắn ngủi này. Riết rồi quen, rồi ghiền, đến nỗi, có khi đêm tối, em còn muốn lang thang.
Ba mất, mộ ba lại ở xa quá, cho nên mộ bác gái đã trở thành công viên lãng mạn của em…
Tôi giựt mình, ngay khi Hương vừa nhắc đến “ba em có một người bạn ở xa…” nhưng vẫn nén lòng nghe Hương kể. Bất giác, tôi mỉm cười một mình, lát nữa đây, Hương sẽ thế nào khi thấy tôi quỳ trước mộ mẹ tôi và gọi mẹ?
Tôi cảm thấy không làm chủ được đôi chân đang bắt đầu loạng choạng của tôi, đôi chân xiêu vẹo khiến cho cả người tôi như muốn nghiêng đổ về phía vai Hương. Tôi đã hiểu tại sao Hương cũng mang bó hoa lay-ơn màu tím nhạt, màu dìu dịu như mùi hương loáng thoáng ngây ngất cả một buổi chiều cuối Chạp bâng khuâng.
Đặng Kim Côn