logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 31/01/2025 lúc 09:10:11(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,362

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Hồi năm sáu tuổi tôi vẫn hay theo chúng bạn ra chơi trước đình làng Thanh Thủy. Nơi đó có mấy cây sanh cổ thụ rất lớn luôn tỏa bóng râm mát mẻ cả đoạn đường bến chạy qua làng. Bên kia con đường bến là hồ Vọng Nguyệt, một cái hồ trông như vuông vức, rộng chừng nửa mẫu tây, dân địa phương vẫn quen gọi là hồ làng. Chung quanh hồ cũng được trồng nhiều cây bóng mát, phần nhiều là dừa. Bọn nhỏ chúng tôi vẫn hay tụ tập chơi “ù mọi” hay đánh đáo ngay trên đoạn đường mát mẻ đó. Đứa nào hết hứng chơi cứ việc tách đàn chạy theo xem mấy người lớn câu cá quanh hồ. Chơi bưa lại cởi áo quần nhảy xuống ven hồ để lặn hụp, té nước vào mặt nhau... Phần bờ hồ cao nhất chính là con đường bến. Ba mặt bờ còn lại đều thấp hơn, tiếp giáp với mấy con hói nhỏ dành cho ghe thuyền lưu thông trên cánh đồng lúa của làng. Vào mùa mưa lụt các bờ này thường bị ngập nước nên các giống thủy tộc từ cánh đồng vẫn ra vào hồ dễ dàng. Vì vậy, làng không nuôi cá trong hồ mà chỉ trồng sen. Việc thu hoạch hoa sen trong hồ, làng vẫn cho đấu giá 3 năm một lần lấy tiền góp vào phần chi phí tế tự hàng năm. Một số dân làng vẫn hay tới hồ câu cá.
Hôm đó, khi chúng tôi đang “ù mọi” vui vẻ thì hai thằng bạn Đá và Sửu bỗng tách khỏi nhóm vừa chạy vừa nói lớn:
– Anh Bê ra câu đó tề. Đi coi anh Bê câu để nghe chuyện cổ tích.
Cả hai thằng tuôn chạy về phía một người cầm cần câu mới đến hồ. Vốn thích nghe chuyện cổ tích nên tôi cũng vội tách nhóm chạy theo chúng. Tôi tới nơi cũng vừa lúc người câu cá mới đến ấy giựt lên được một con cá rô rất to. Đá và Sửu đồng loạt reo lên:
– Anh Bê hên thiệt. Vừa thả câu xuống đã được một chú cá rô quá to!
Thì ra anh Bê là một thiếu niên cỡ mười lăm tuổi vẫn hay câu ở đó tôi đã thấy nhiều lần. Anh tươi cười gỡ con cá khỏi lưỡi câu, giơ lên ngắm nghía:
– Trời đất ơi. Từ khi đi câu tới chừ mới câu được một chú cá rô to như ri. Đặc sản cao cấp thứ thiệt đây, xưa chỉ dành để tiến dâng cho vua dùng chứ hạng mình làm răng rớ tới được?
Một anh đứng câu gần đó cũng cỡ tuổi anh Bê hỏi:
– Đặc sản cao cấp thiệt không “Bê ghẻ ruồi”?
– Răng không thiệt? Mi không nghe câu “gạo gie An Cựu cá rô Bàu Choàng” hả Tích? Cá rô ở Bàu Choàng làng mình thịt thơm béo lắm, còn giống lúa gie vàng trồng ở đồng An Cựu thì cơm vừa mềm vừa dẻo ai cũng thích. Vì rứa mà hồi xưa triều đình Huế đã lệnh cho lý trưởng hai làng An Cựu và Thanh Thủy chuyên cung cấp hai thứ đặc sản nớ cho vua dùng đó.
Tiếp đó anh Bê quay lại nhìn tôi cười thân thiện:
– Chú nhỏ ni ở mô tới đây?
Hai thằng bạn tôi đồng loạt trả lời:
– Hắn cũng ở ấp ba. Thích nghe chuyện cổ tích lắm. Anh kể chuyện cho tụi em nghe đi.
Anh Bê lắc đầu cười:
– Như ri thì anh còn câu kéo chi được nữa?
Thằng Đá nói:
– Anh Bê khỏi lo. Tụi em canh chừng cần câu cho anh mà.
Thế rồi anh Bê vừa câu vừa kể chuyện Cây Tre Trăm Mắt... Mới kể nửa chừng thấy cô con gái ông chủ đấu hồ chèo chiếc ghe nhỏ lướt giữa hồ để hái sen, anh Bê cao hứng ngâm lên:
“Người xinh bơi chiếc thuyền xinh/ Bông sen trắng nõn trắng tinh thó về/ Hớ hênh dấu vết không che/ Trên ao để một luồng chia mặt bèo”.
Anh tên Tích nghe ngâm vỗ tay khen:
– Hay quá! Thơ mi mới kiến ra đó hả Bê ghẻ ruồi?
– Mô phải. Thơ Bạch Cư Dị đời Đường của Tản Đà dịch!
Một ông trung niên cũng đứng câu gần đó nói vói sang:
– Hèn chi! Tui vẫn nghe đồn có cậu Bê ghẻ ruồi còn nhỏ mà biết nhiều bài thơ cổ rất hay lại nhớ hết gốc ngọn của từng bài mà chưa tin. Chừ được gặp cậu đây mới biết là thiệt. Cậu ngâm cũng hay lắm. Tại răng mà cậu giỏi dữ rứa?
– Giỏi chi mô chú. Ôn nội cháu hay đọc mấy cuốn thơ cổ, lại thích ngâm nga, cháu đã được nghe từ khi ba bốn tuổi. Nghe riết cũng thuộc thôi! Chú hay ra đây câu không?
– Chú làm nghề kéo xe ít rảnh lắm. Lâu lâu mới ra đây để đổi gió một lần thôi. Khu hồ làng ni mát mẻ dễ chịu quá, ngồi câu mà cứ muốn dựa gốc dừa để ngủ cho đã. Cậu thấy răng?
– Dạ, cháu cũng thấy như rứa. Làng mình không chỗ mô mát mẻ dễ chịu bằng ở đây cả. Phải cám ơn tổ tiên mình đã khéo tạo được cái khu hồ làng tuyệt diệu như ri. Cháu nghĩ sau ni dù đi mô đi nữa cháu cũng khó quên khu hồ làng ni được.
Anh Bê vừa nói vừa chỉ tay về phía một đám nhỏ đang chơi ù mọi:
– Giữa trưa hè oi bức mà trẻ con ở đây vẫn chơi đùa thoải mái rứa đó, sướng chưa? Ba cậu nhỏ ni cũng đang chờ cháu kể tiếp chuyện Cây Tre Trăm Mắt đây.
Sau khi kể chuyện xong anh Bê nâng cằm tôi lên mà hỏi:
– Nghe có hay không? Thôi, anh sắp về. Lần khác gặp anh kể cho nghe tiếp.
Thấy anh Bê đứng dậy anh Tích liền hỏi:
– Về chi sớm rứa?
– Chiều ni tao có chút việc. Mi ở lại câu đi nghe.
Anh Bê vẫy tay chào mọi người rồi vừa thong thả đi vừa ngâm nga:
“Câu chi câu bọt câu bèo/ Câu ba con cá mại cho mèo ăn cơm”...
Thằng Đá quay sang dặn tôi:
– Mi thích chuyện cổ tích nhớ cứ thấy anh Bê ra câu là chạy tới liền. Tao với thằng Sửu đã nghe nhiều lắm rồi. Hoàng tử cóc nì, Tấm Cám nì, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn nì, Thạch Sanh Lý Thông nì...
Ông kéo xe nói với anh Tích:
– Thằng Bê thấy có vẻ khù khờ mà giỏi đó chứ!
– Khù khờ răng được chú? Rứa chứ chuyện chi hắn cũng biết hết. Chuyện vua chúa, chuyện cổ tích đời mô hắn cũng rành. Hắn còn thuộc cả mấy chục bài thơ hay lắm. Tánh tình hắn ngay thẳng, không ăn gian nói dối, không tham lam của ai nên ai cũng thương. Cháu chơi với hắn hồi đi giữ trâu, bọn cháu vẫn hay nhổ trộm sắn khoai, bẻ trộm bắp của người ta để nướng ăn riêng hắn nhất định không rớ tới, có mời cũng không ăn.
– Hắn có đi học ở mô không?
– Cháu không rõ. Chỉ biết là ôn nội hắn có dạy hắn chữ nho...
Tôi nghe mà cứ tiếc hùi hụi vì biết anh Bê quá muộn. Hóa ra lâu nay anh Bê đã kể nhiều chuyện cổ tích cho tụi nhỏ nghe rồi. Mới gặp anh lần đầu mà tôi đã thật sự bị anh thu hút. Gương mặt hiền lành, cử chỉ khoan thai, lối kể chuyện, giọng ngâm thơ của anh đều đặc biệt. Thế là tôi định bụng từ đây hễ ra hồ là sẽ tìm ngay anh để nghe anh kể chuyện.
Chiều đó về nhà việc đầu tiên của tôi là ra một gốc cây sau nhà ngồi lẩm nhẩm bắt chước giọng anh Bê ngâm hai câu “Câu chi câu bọt câu bèo/ Câu ba con cá mại cho mèo ăn cơm”.
Mấy hôm sau sáng nào tôi cũng ra hồ sớm nhưng đều chẳng thấy anh Bê đâu cả.
Hồi đó làng tôi chưa có trường học nên sau đó tôi được gia đình gởi lên ở nhà bà dì tại An Cựu để xin vô trường tiểu học. Khi từ giã bạn bè tôi cũng bắt chước câu nói của anh Bê nói như con vẹt: “Sau ni dù đi mô đi nữa tao cũng khó quên được khu hồ làng của mình”. Nói vậy nhưng chỉ qua một thời gian ngắn tiếp xúc với nếp sinh hoạt mới, với thầy cô bài vở, với bạn bè mới cùng những thúc đẩy của sự ganh đua học hành, tôi đã quên hình bóng anh Bê tài hoa dễ mến cùng lũ bạn nhỏ lẫn khu hồ làng lúc nào không hay.

*

Mấy năm sau, khi bà dì tôi không còn ở An Cựu nữa, tôi lại về làng. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục lên học ở Huế. Thời gian học trung học, tôi ngồi chung lớp với một thằng bạn cùng làng tên Hạc. Nhà Hạc khá giả, có sắm một tủ sách gia đình. Tôi vẫn hay đến nhà Hạc để đọc ké. Một hôm tôi ghé nhà Hạc gặp lúc bác Thoại cha của Hạc đang ngồi nói chuyện với hai người khách: một người cũng cỡ tuổi bác và một thanh niên. Thấy tôi đến, bác Thoại vừa chỉ tay về phía tủ sách vừa nói:
– Hạc nó vừa đi khỏi. Cháu cứ lại tủ lựa sách đọc tự nhiên.
Tôi dạ nhỏ rồi tới tủ sách lựa một cuốn đem lại bàn học của Hạc ngồi đọc. Đang đọc, tôi chợt giật mình thoáng nghe ai đó nói đến mấy tiếng “Bê ghẻ ruồi”. Một ký ức thuở nhỏ bỗng gợn lên trong đầu tôi. Tôi thử lắng tai để ý... Bất ngờ tôi nghe bác Thoại nói:
– Rứa thì vinh hạnh thật. Ai ngờ Thanh Thủy mình lại có được một nhà văn nổi tiếng! Tên cuốn sách là “Vượt Côn Đảo” hả? Chắc là hay lắm? Nhưng ở đây cũng khó mà đọc được.
Ông khách lớn tuổi lên tiếng:
– Một cuốn sách đã được nhà nước tặng giải lại được nhiều nước khác chọn dịch ra cho dân họ đọc tất nhiên phải tuyệt rồi. Không ngờ thằng “Bê ghẻ ruồi” nớ lại giỏi tới rứa! Nó lấy bút hiệu chi?
Anh thanh niên đáp:
– Dạ, bút hiệu Phùng Quán! Bê chỉ là tên gọi khi anh còn nhỏ thôi. Tên hiện nay của anh ấy là Quán. Còn cái tên “Bê ghẻ ruồi” là do mấy người nghịch ngợm gọi đùa cho vui thôi chú nhớ chi lâu rứa? Hiện giờ anh Quán chững chạc lắm rồi. Anh ấy không háo danh háo lợi, không chịu luồn cúi ai. Làm việc chi cũng hết lòng hết sức. Vì thế anh ấy rất được mọi người nể trọng.
Bác Thoại lại hỏi:
– Biết được chuyện thằng Bê như rứa chú cũng mừng. Rứa cháu gặp hắn ở mô? Nghe nói cháu tập kết ra Bắc hai năm lận răng lại về sớm rứa?
– Dạ, cháu không có đi tập kết! Chỉ lên núi chơi một thời gian thôi. Cháu cũng không gặp được anh Quán mà chỉ nghe người khác nói lại. Sau khi suy nghĩ lại thấy cha mẹ cháu cũng đã già yếu nên cháu trở về lo việc làm ăn giúp hai ông bà chứ. Hôm nay cháu ghé để thăm chú và anh em thằng Hùng không ngờ tụi nó lại đi vắng. Thôi, chú cho cháu gởi lời thăm Hùng và Hạc. Chú Hoặc ở lại chơi nghe, cháu xin phép về.
Anh thanh niên vừa ra khỏi nhà thì ông khách hỏi bác Thoại:
– Thằng Hậu ni nghe đã đi tập kết rồi tại răng còn ở đây? Hắn là bạn học của thằng Hùng hả? Anh phải coi chừng, để chúng thân thiết với nhau lắm đôi khi sinh phiền ra đó...
Bác Thoại lắc đầu:
– Coi chừng chi được cậu? Cậu cũng biết rõ tình hình làng mình mà! Phó cho trời thôi.
Thế rồi hai ông già thấp giọng rù rì với nhau chuyện gì tôi không nghe được nữa. Một lát sau tôi cũng xin phép ra về.
Từ đó trong đầu óc tôi cứ lởn vởn những câu hỏi về anh Bê. Anh đã theo kháng chiến từ bao giờ? Làm sao chỉ mới ngoài hai mươi anh đã trở thành một nhà văn nổi tiếng? Cuốn sách Vượt Côn Đảo viết thế nào? Làm sao tìm được cuốn sách này để đọc?
Mới mười bốn mười lăm tôi đã là một con mọt sách. Tôi vẫn hay tới các thư viện hoặc nhà cho thuê truyện để tìm sách mới, sách lạ. Một hôm vào Thư Viện Hoa Kỳ ở Huế, tình cờ thấy cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” (THĐNTĐB) do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản (Saigon 1959), lật xem phần Mục lục thấy có một chương dành cho Phùng Quán (Phùng Quán), tôi mừng hết sức. Thế là tôi mượn ngay cuốn sách đó đem về nhà.
Cuốn THĐNTĐB đã giới thiệu Phùng Quán rất gỉản lược:
“Phùng Quán năm nay 25 tuổi, là một thanh niên nghèo. Trước đi bộ đội, sau được giới thiệu về trường Dự bị Đại học để học thêm. Về Hà Nội anh lại tiếp tục công tác văn nghệ trong quân đội.
Anh viết văn theo lối hiện thực xã hội và được coi như là Triệu Tử Long trong nhóm đối lập. Những bài thơ của anh được dư luận gọi là những “bom nguyên tử”.
Chúng tôi trích đăng bài “Chống tham ô lãng phí” đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu, tháng 10, 1956 và bài “Lời Mẹ Dặn”, đăng trong tờ Văn, tháng 9, 1957.
Anh không đòi hỏi gì hơn là quét sạch những rác rưởi trong xã hội và yêu cầu các nhà văn phải trung thành với tâm hồn của mình “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Anh bị khủng bố chỉ vì dám nói như vậy.
Phùng Quán bị lôi đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản này nhà thơ trẻ tuổi thú nhận rằng sau khi nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm bị giải tán thì suốt ngày chỉ chơi với một con bú dù (con khỉ). Các bạn hỏi tại sao thích nuôi bú dù Phùng Quán trả lời “Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù”.
Một chế độ đã đào luyện cho thanh niên một tâm trạng như vậy đủ làm cho chúng ta suy nghĩ về chân giá trị của chế độ đó vậy”.
Mới đọc qua phần giới thiệu ấy lập tức trong tôi dậy lên một niềm hãnh diện của một kẻ đã được sinh cùng làng với một “nhà văn” tên tuổi. Suốt mấy ngày liền, ngoài những lúc học hành, tôi tập trung hết tâm trí để nghiền ngẫm cuốn THĐNTĐB. Dù trình độ suy nghĩ của tôi còn thô thiển lắm nhưng nhờ lời hướng dẫn của soạn giả ở phần giới thiệu từng tác giả nên tôi cũng hiểu được ít nhiều ý chính trong mỗi bài viết. Điều đó đã khiến tôi càng tò mò, thích thú để đọc hết cuốn sách. Riêng chương viết về Phùng Quán tôi đọc đi đọc lại nhiều lần khiến chẳng bao lâu tôi đã thuộc lòng hai bài thơ Chống Tham Ô Lãng Phí và Lời Mẹ Dặn. Chỉ vì niềm hãnh diện ké với tên tuổi của Phùng Quán, tôi đã vô tình biến thành cái loa quảng cáo không lương cho cuốn sách THĐNTĐB, nghĩ lại cũng vui vui.
Đoạn mở đầu của bài thơ Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán viết “Tôi mồ côi cha năm hai tuổi/ Mẹ tôi thương con không lấy chồng/ Trồng dâu nuôi tằm dệt vải/ Nuôi tôi đến ngày lớn khôn”. Khi nghe đoạn thơ này trong làng có vài người cười mà nói “Thiệt không đó? Bà mẹ của Phùng Quán buôn bán đồ vặt chứ trồng dâu nuôi tằm dệt vải khi mô?”. Thật tình khi tôi đọc được bài thơ này thì bà mẹ Phùng Quán đã khuất núi và ở làng Thanh Thủy cũng không thấy nơi nào còn lưu lại dấu vết đã trồng dâu cả. Nhưng đúng hay sai đâu có gì quan trọng? Các văn nghệ sĩ sáng tác vẫn thường thay đổi ít nhiều chi tiết của bối cảnh để cho thuận với mạch diễn tả của họ mấy ai bắt bẻ bao giờ?
Một thời gian sau lại thấy các đài phát thanh và báo chí miền Nam phổ biến rộng rãi những tin tức về số phận các văn nghệ sĩ đòi hỏi tự do sáng tác, muốn thoát ra khỏi sự chỉ đạo tư tưởng của nhà nước miền Bắc đã bị trừng phạt rất nặng nề. Họ bị tước bỏ công việc đang làm, tước bỏ các quyền lợi đang được hưởng, bị cô lập, bị cấm viết lách, bị đưa đi chỉnh huấn v.v... Cuộc sống của những người này trở nên vô cùng khốn khổ. Dĩ nhiên Phùng Quán cũng nằm trong số đó.

*

Đến năm 1975 chính quyền VNCH sụp đổ, tôi bị đi tù một thời gian. Khi mãn tù tôi lại bị đẩy đi vùng kinh tế mới ở chốn rừng núi miền Nam. Trong thời gian ấy tôi nghe tin anh có về thăm làng cũ mấy lần và tiếp xúc nhiều với lớp trẻ ái mộ anh. Rất tiếc tôi đã không có một cơ hội nào để gặp lại anh. Sau đó không lâu tôi lại nghe tin anh đã được phục hồi tư cách, được sáng tác trở lại rồi được tặng thêm một số giải thưởng nữa. Ở vùng kinh tế mới xa xôi, tôi cũng chỉ nghe mơ hồ được bấy nhiêu.
Mãi tới khi được tái định cư tại Hoa Kỳ tôi mới có dịp tìm đọc được một số tác phẩm của Phùng Quán trên net điện tử. Thật tuyệt vời, bài viết nào của anh cũng hay, cũng mang theo một thông điệp đặc biệt cả. Trong đó có lẽ truyện ký “Đầu Năm Xông Đất Nhà Thơ Tố Hữu” đã bộc lộ bản chất ngay thẳng nhất của Phùng Quán. Xin lược chia sẻ đoạn ký này cùng quí bạn cho vui:
“Mẹ Phùng Quán là em cô cậu ruột của Tố Hữu nên Phùng Quán gọi Tố Hữu bằng cậu. Mỗi Tết âm lịch Phùng Quán vẫn đạp xe đạp đến biệt thự Tố Hữu ở để chúc tết cậu mợ mình. Nhưng lần kia, khi đạp xe tiến về cái biệt thự quen thuộc ấy Phùng Quán ngạc nhiên thấy “Cảnh tượng tưng bừng, tấp nập trước cổng biệt thự tôi không tả nổi, chỉ đoán chắc cả Hà Nội cũng chỉ có năm bảy nhà sánh kịp mà thôi. Ô tô con đủ hình dáng, màu sắc, nhãn hiệu, choáng lộn như vừa xuất xưởng, đỗ một hàng dài san sát. Những bó hoa tươi thật lớn, thật rực rỡ, được đưa từ trên xe xuống... Công an mặc lễ phục đi lại dọc vỉa hè. Lính cảnh vệ oai nghiêm bồng súng đứng gác bên cổng sắt đồ sộ. Người ra người vào nườm nượp, mặc toàn đồ lớn, nét mặt hồng hào rạng rỡ, đầy vẻ trịnh trọng có pha chút khúm núm. Ngang qua đó, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác sờ sợ, đầu không khiến mà chân cứ tự động đạp xe dạt qua bên kia đường...” (Trích nguyên văn của Phùng Quán).
Mãi tới 32 năm sau, khi Tố Hữu đã hưu trí, Phùng Quán mới cỡi xe đạp đèo vợ đến chúc Tết “cậu mợ” trở lại. Khi vợ chồng Phùng Quán vào phòng khách thì thấy Tố Hữu đang tiếp mấy người khách có vẻ bình dân. Tố Hữu hỏi Phùng Quán: “Sao lâu nay cháu không đến cậu?” Phùng Quán chắp tay cung kính nói: “Thưa cậu, cháu biết như vậy là rất có lỗi với cậu, nhưng mong cậu hiểu cho. Trước đây, khi cậu còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thứ nhất, cháu chỉ đến với mục đích duy nhất để thăm và chúc Tết cậu mợ, nhưng bạn hữu và những người quen biết cháu sẽ đinh ninh Phùng Quán đến để cầu cạnh, xin xỏ Tố Hữu điều gì, và Tố Hữu gọi Phùng Quán đến để sai bảo điều gì. Tấm lòng thật của cháu dù biện minh đến ngàn lần cũng chẳng ai tin. Miệng lưỡi thế gian dữ dằn lắm cậu ạ. “Ai biết đâu ma ăn cỗ!”. Bây giờ mọi việc đã xong rồi, vợ chồng cháu lại được đến chúc Tết cậu mợ”. (Trích nguyên văn).
Có một ông cậu nắm quyền sinh sát đối với giới văn nghệ sĩ miền Bắc trong tay, thế mà suốt bao năm bị chính tay chân của ông cậu này đày đọa tàn nhẫn, thiếu thốn cực khổ mọi bề Phùng Quán vẫn dứt khoát không chịu đến cầu cạnh ông. Cái tinh thần trung trinh tiết tháo của Phùng Quán như thế đó!
Rõ ràng Phùng Quán là một nhân vật đủ cả tài đức. Mới ngoài hai mươi tuổi Phùng Quán đã viết được một tác phẩm tên tuổi Vượt Côn Đảo. Tiếp đó là những bài thơ sắc bén đã gây chấn động xã hội đương thời khiến nhiều người đã ví von đó là những trái bom nguyên tử, đã coi anh như Triệu Tử Long, một danh tướng trí dũng trung liệt thời Tam Quốc. Với đầu óc nhạy bén, sắc sảo thiên phú, anh có thể theo kịp các bậc tiền bối như Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ về mặt văn chương chứ chẳng chơi đâu! Chỉ tiếc anh đã sinh ra không gặp thời!!!
Trong truyện “Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán” của Nguyễn Quang Lập, tác gỉả cho biết khi ra Hà Nội anh vẫn hay trọ tại nhà Phùng Quán. Một hôm nhân vui chuyện, Phùng Quán đã tiết lộ vài điều liên can đến sự viết lách của mình cho NQ Lập nghe. Đều chỉ là chuyện tức cười thôi. Như khi viết cuốn Vượt Côn Đảo, Phùng Quán đã bịa ra “đoạn đường từ nhà tù ra bãi dương (trường bắn) được lót xương của các tù nhân bị án tử hình”. Mục đích bịa của anh là để nâng cao lòng căm thù thực dân thôi. “Chẳng ngờ trong hồi ký của một ông ở tù Côn Đảo về (ông này nổi tiếng lắm, không dám nêu tên, hi hi) khi viết về con đường này cũng tả y chang như anh tả...”. Một chuyện khác cũng viết về tù Côn Đảo, bài thơ Trường Ca Võ Thị Sáu. Hồi đó Phùng Quán chưa hề biết cây Lêkima là cây gì, chỉ nghe tên lạ lạ thì tưởng chắc hoa Lêkima cũng đẹp lắm. Anh viết “...Buổi sáng ngày bị hành hình, chị đã ngắt một nhành hoa Lêkima cài lên mái tóc, trên đường ra pháp trường chị vừa đi vừa hát”. Thật tình cây Lêkima chỉ là cây trứng gà hoa vừa xấu vừa đầy nhựa. Thế mà sau này ông đại tá nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (tác giả bản nhạc Quê Em Miền Trung Du) cũng dựa vào chi tiết đó để viết bài Biết Ơn Võ Thị Sáu “Mùa hoa Lêkima nở ở quê ta miền đất đỏ, Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, Đã chết cho mùa hoa Lêkima nở...”. Tác giả NQ Lập cũng cho biết tới năm 85-86 Phùng Quán cũng chưa hề biết Côn Đảo tròn hay méo ra sao.
Lúc này tôi mới biết được tác phẩm Vượt Côn Đảo không phải là hồi ký của Phùng Quán mà chỉ là cuốn tiểu thuyết anh viết theo lời kể lại của những tù nhân đã bị giam giữ ở Côn Đảo. Như vậy chẳng cần đọc Vượt Côn Đảo ta cũng tin được đó là một thiên “anh hùng ca” chính hiệu như một số người đã tán tụng rồi! Có gì khó hiểu đâu? Thói thường người ta vẫn quen “đi xa về nhà nói khoác”. Khi đem chuyện mình kể cho kẻ khác nghe người ta vẫn quen thêm thắt điều hay, điều lạ vào thành tích của mình để tự nâng uy tín chứ mấy ai đem cái vụng dại, cái hèn nhát của mình ra khoe bao giờ? Với một người giàu lòng yêu nước, có đầu óc sáng tạo sắc bén, Phùng Quán dùng mớ chất liệu đã được gạn lọc gọt đẽo sẵn ấy làm cái sườn để nắn nên một thiên anh hùng ca cổ võ, khích động ý chí đấu tranh của quốc dân rất cần thiết lúc bấy giờ cũng hợp lý thôi!

*

Tôi rời khỏi VN được vài năm thì nghe được tin anh mất. Năm 2010 tôi lại nghe tin, theo nguyện vọng của anh lúc còn sống, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt vợ chồng anh về an táng ở Thanh Thủy! Thế là ngót nửa thế kỷ sống xa xứ với bao phen chìm nổi ngửa nghiêng, anh vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn! Đó là cái làng mà chính vị tổ họ Phùng của anh đã cùng 12 vị tổ họ khác đã khai canh ra từ năm 1558 dưới thời vua Lê Anh Tông. Đó là cái làng có cái hồ Vọng Nguyệt xinh đẹp, mát mẻ dưới bóng của những cây sanh cổ thụ cùng những cây dừa là nơi thuở trẻ anh hay ra câu cá và kể chuyện cổ tích cho lớp nhỏ sau nghe.
Tên tuổi của anh đã đi vào lịch sử văn học một cách xứng đáng, không gợn một tì vết nào.
Khi làng Thanh Thủy đã được nâng cấp thành phường Thủy Dương của thị xã Hương Thủy, chính quyền đã lấy tên Phùng Quán của anh để đặt tên cho một con đường mới khởi đầu từ Quốc lộ 1A (tên mới đổi, tức là QL1 cũ) xuyên qua khu nghĩa địa nơi “vợ chồng anh yên nghỉ”, kéo dài vượt ranh giới phường Thủy Dương để gặp QL1 (tức QL Tránh Huế, con đường mới dành cho những xe cộ lưu thông nam bắc băng qua Thừa Thiên nhưng khỏi đi vào thành phố Huế).
Lấy tên anh để đặt tên cho một con đường cũng là một hình thức vinh danh anh. Con đường đó lại ở ngay trên làng cũ của anh và còn nằm gần phần mộ của anh nữa. Đó là một trường hợp ít khi thấy! Nhà nước đãi ngộ anh như vậy cũng đặc biệt lắm. Coi như anh cũng đã được mặc áo gấm về làng rồi!

*

Con người khi về già phần nhiều bị mắc chứng khó ngủ. Tôi xa rời cố quốc đã hơn 30 năm chưa một lần trở về thăm viếng. Vì thế, bản thân tôi luôn bị hai câu thơ của cụ Nguyễn Du “Mối tình đòi đoạn vò tơ/ Giấc hương quan luống ngẩn ngơ canh dài” dằn vặt, hành hạ miết. Ôi, cái “giấc mơ hương quan”, nó tha thiết, nó xa xôi làm sao! Từng ngôi chùa, từng bến nước, từng bãi cỏ trâu ăn, từng cây xoài cây ổi, cả những nải chuối trên bàn thờ ở các am miếu, cả tổ ong vò vẽ bên lề đường đã làm bao nhiêu người sưng mặt, ... cũng đều trở thành kỷ niệm thân yêu hết. Chúng cứ diễn qua diễn lại quấy rối đầu óc tôi hằng đêm. Tôi phải loay hoay tìm cách để tự dỗ giấc ngủ cho mình. Khi hát thầm những bài hát cũ mình còn nhớ, khi nhẩm đọc những bài thơ mình từng thuộc. Rồi lại cứ nghĩ xuôi nghĩ ngược triền miên... Một hôm, khi nhẩm lại bài thơ Chống Tham Ô Lãng Phí của anh tới đoạn “... Như công nhân/ Tôi muốn đúc thơ thành đạn/ Bắn vào tim những kẻ làm càn/ Những con người tiêu máu của dân/ Như tiêu giấy bạc giả!/ Các đồng chí ơi!/ Tôi không nói quá/ Về Nam Định mà xem/ “Đài Xem Lễ” họ cao hứng dựng lên/ Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở/ Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió/ Mồ hôi máu đỏ mốc rêu/ Những con chó sói quan liêu/ Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!/ Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng/ Nhớ “Đài Xem Lễ” tôi xót bao nhiêu...” tôi chợt giật mình! Đoạn thơ trên cho ta thấy Phùng Quán rất căm ghét những viên chức có quyền háo thắng, chỉ biết phung phí sức dân mà không hề biết trù liệu khiến cho kết quả công việc phải thất bại! Thế mà bên cạnh con đường mang tên Phùng Quán lại lồ lộ một “cái hồ thủy lợi của nợ” cũng biểu hiện cho sự tận dụng sức dân không trù liệu kỹ nên đã đem lại một kết quả còn có phần bi đát hơn! Đúng là “ghét của nào trời trao của nấy!”
Xin trở lại quá khứ một chút: Hồi phường Thủy Dương còn là xã Thủy Dương, dân trong xã còn làm ăn tập thể dưới chế độ hợp tác xã nông nghiệp, lúc chương trình phát triển ngành thủy lợi của nhà nước đang khởi sắc. Những thành tích rực rỡ về nông nghiệp nhờ áp dụng kế hoạch thủy lợi một cách hoàn hảo được loan đi khắp nơi đã gây cảm hứng cho những ai có cơ hội, có phương tiện nẩy sinh ý muốn thử nghiệm. Ban lãnh đạo chính quyền xã Thủy Dương đương thời thấy nhân lực của xã cũng khá dồi dào nên cũng muốn thực hiện một cái hồ thủy lợi thật lớn với mục đích trữ nước cho dân dùng vào mùa khô.
Khu đất xã chọn để đào hồ lại là một khu mồ mả lớn đã chôn cất lâu đời. Ít nhất cũng đã trải qua hơn 400 năm chưa kể đến những ngôi mộ cũ của người Chiêm hay người Thượng. Khu đất đó nằm cạnh một con đường mòn vô danh mà dân địa phương vẫn qua lại làm rẫy hay lên rừng đốt than, đốn củi. Muốn đào hồ tất phải bốc dời số mồ mả ở đó trước. Đã quyết tâm thực hiện ý định, xã bèn yết thông cáo ra kỳ hạn cho dân chúng phải bốc dời mồ mả của người thân ở đó đến một nơi khác. Hết kỳ hạn ấy, số mồ mả chưa bốc dời sẽ bị coi là mồ mả vô chủ, xã sẽ cho người dời đến chôn ở một khu vực khác. Nhằm lúc chiến tranh mới chấm dứt, khó khăn còn chồng chất, nhất là với số dân còn ly tán chưa trở về, việc bốc dời không thể tiến hành nhanh được. Vì vậy khi kỳ hạn bốc dời đã hết, số mồ mả chưa bốc dời vẫn còn quá nhiều. Quá nôn nóng việc thực hiện cái công trình vĩ đại đã định sẵn, xã bèn giao khoán số mồ mả trên cho một người nhận thầu công việc bốc dời giải quyết. Người nhận thầu này đã tập trung được một lực lượng lao động rồi nhanh chóng lao vào công việc để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã.
Một thời gian sau vụ bốc dời, người dân mới dần phát hiện ra người chủ thầu công việc này đã làm việc quá dối trá. Dư luận đã không ngớt lên án sự tắc trách của y. Nhóm bốc dời của y đã bỏ sót lại khá nhiều xương cốt. Ở khu cải táng lại có nhiều nấm mồ trống rỗng, bên dưới không có xương cốt gì cả. Ngược lại, người ta phát giác ra ở một hốc đá lớn của một con suối lại chứa một đống xương người... Những dư luận ấy đã khiến các gia đình có mồ mả người thân không dời kịp hết sức ân hận, đau lòng vì họ cảm thấy mình đã có lỗi lớn với người cõi âm! Có người quá giận, muốn tìm tên chủ thầu bất lương để hỏi tội mới biết y đã đưa gia đình đến một vùng kinh tế mới tận đâu xa xôi tít mù.
Việc thực hiện cái công trình đào hồ thủy lợi này vốn nẩy sinh từ cảm hứng và lòng hăng say lập thành tích của các cán bộ lãnh đạo xã mà không được nghiên cứu kỹ về địa hình, về chất đất. Cũng không ai đặt vấn đề về ảnh hưởng của phong trào phá rừng làm rẫy đang lên có gây trở ngại chi không? Họ vẫn một mực tin cậy vào sức dân “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Với sức người sỏi đá cũng thành cơm” (thơ Hoàng Trung Thông) hoặc “Dân ta ơi/ Những tiếng ta hò/ Có sức đâm trời chảy máu/ Không địch nào cưỡng nổi ý ta” (thơ Trần Dần) mà tiến bước.
Nhờ khéo léo huy động được sức dân trải bao nhiêu năm tháng, cuối cùng xã Thủy Dương cũng hoàn thành được một cái hồ “vĩ đại” thật! Đáng tiếc cái hồ này chỉ được đầy nước vào mùa mưa. Có lẽ do sự biến đổi khí hậu, do sự khai thác rừng để làm rẫy quá nhiều nên các mạch nước dưới mặt đất đã bị điếc dần hoặc bị khô hẳn. Vì vậy, vào giữa mùa khô nước trong hồ chỉ còn vỏn vẹn một vũng nhỏ đủ cho vài mươi con vịt tắm! Nó đã ngốn không biết bao nhiêu công sức của dân mà chẳng đem lại chút lợi ích nào cả. Bởi thế, người dân đã cay đắng ví von nó là cái “hồ thủy lợi của nợ”.
Chính con đường mòn vô danh nhỏ hẹp mà dân địa phương từng đi rừng đi rẫy nằm cạnh cái hồ mới đào ấy sau này đã được nhà nước cho mở rộng gấp bội, tráng nhựa, nâng cấp thành một con đường lớn để xe cộ có thể lưu thông dễ dàng. Đó chính là con đường mà nhà nước đã trân trọng đặt tên là “đường Phùng Quán” vậy!
Thiết nghĩ, khi nhà nước đã lấy hai chữ Phùng Quán của anh để đặt tên cho một con đường, coi như nhà nước đã ban con đường ấy cho anh làm chủ rồi! Con đường này cũng được ví như là “đất phong”, một lãnh địa mà anh sẽ cai quản vậy, mặc dù chỉ cai quản về mặt cõi âm! Oái oăm thay cái lãnh địa của Phùng Quán lại nằm cạnh cái “hồ thủy lợi của nợ!”.
Ngày xưa, nhìn cái “Đài Xem Lễ” xây dựng “nửa chừng thiếu tiền bỏ dở” ở Nam Định, Phùng Quán đã vô cùng đau xót! Ngày nay, trước cái “hồ thủy lợi của nợ” này, người dân địa phương không những chỉ bị phí sức phí của vô ích mà còn phải gánh thêm một nỗi đau khác to lớn hơn nhiều! Đó là vụ không biết bao nhiêu xương cốt của tổ tiên, của bà con thân thuộc của họ trải qua bao nhiêu đời đã bị xúc phạm, đã bị vứt bỏ bừa bãi hết sức tồi tàn!
Trước cảnh đó, trái tim nhạy cảm của Phùng Quán làm sao chịu đựng nổi?
Như vậy thì biết đâu sự đãi ngộ của nhà nước đối với Phùng Quán lại chẳng vô tình trở thành “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau (Kiều)”?
Nghĩ đến Phùng Quán, tôi chỉ còn biết mong ước sao chính quyền hiện hữu hay có vị mạnh thường quân nào đó “chợt ngộ” được nỗi đau lòng của nhà thơ tài hoa yêu nước này, tìm cách lấp bằng cái hồ thủy lợi vô ích kia đi cho khuất mắt! Nếu xây dựng được một biểu tượng tốt đẹp nào thay vào đó lại càng hay! Như vậy may ra linh hồn anh Phùng Quán sẽ được nguôi ngoai dần và hi vọng có ngày siêu thoát.
Mong thay!

– Ngô Viết Trọng
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.443 giây.