Bức thư được ký tên Thích Nhật Từ đề nghị chính quyền Sri Lanka ngăn chặn Minh Tuệ thực hành tôn giáo.

Hình hành giả Thích Minh Tuệ được chụp khi còn ở tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan. (RFA)
Ngày 17 tháng 4, hành giả Minh Tuệ và tăng đoàn 37 người đã không thể tiếp tục cuộc bộ hành ở Sri Lanka như dự định, theo thông tin từ tình nguyện viên đi cùng.
Theo tin tức RFA ghi nhận được từ thực địa, vào lúc 9:20 sáng giờ địa phương, khi đoàn các tu sĩ người Việt vừa dùng bữa xong và chuẩn bị bộ hành, thì khoảng 30 cảnh sát đã tới và yêu cầu đoàn ở lại làm việc.
Địa điểm xảy ra sự việc nằm ở thị trấn Narammala, thuộc tỉnh Tây Bắc, Sri Lanka.
“Họ phe phẩy trên tay cái văn bản được gửi từ Việt Nam đưa qua, cho biết đoàn này không phải là đoàn tu, nên đi như vậy là sai luật pháp nước sở tại.” Đạo diễn Nguyễn Minh Chí, người chứng kiến sự việc, tường thuật lại cho RFA.
Văn bản được gửi từ Việt Nam mà cảnh sát Sri Lanka cầm trên tay, theo ông Nguyễn Minh Chí, chính là bức thư được ký tên Thích Nhật Từ, trước đó đã được hé lộ vào ngày 15 tháng 4.
RFA đã tiếp cận được nội dung của bức thư trên.
Theo ông Chí thì phía cảnh sát làm việc với thái độ nhã nhặn, tôn trọng. Họ yêu cầu các tu sĩ phải chuyển đổi thị thực, từ du lịch sang hành hương, để phù hợp với mục đích của chuyến đi.
Sau khi làm việc xong, những người Việt Nam đã được đưa lên hai xe bus khác nhau, một dành cho các tu sĩ, và một dành cho các tình nguyện viên và YouTuber, rồi di chuyển tới một địa điểm khác.
Địa điểm hiện tại của đoàn các tu sĩ người Việt là ở ngôi chùa Wedikanda Aranya Senasanaya, tại làng Variyagoda, thuộc tỉnh Sabaragamuwa.
Đoàn các tu sĩ người Việt sẽ không được bộ hành cho tới khi chuyển đổi thị thực xong.
Bức thư ký tên Thích Nhật Từ nói gì? Bức thư được gửi đi ngày 13 tháng 4 với chữ ký của ông Thích Nhật Từ, và con dấu của Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Địa chỉ nhận là Thibbatuwawe Sri Siddhartha Sumangala Thero, người đứng đầu hệ phái Malwatta, một trong hai hệ phái chính của Phật giáo Sri Lanka.
Trong thư này, hành giả Minh Tuệ phải chịu ba cáo buộc, gồm:
Giả sư: Hành giả Thích Minh Tuệ bị cáo buộc “mặc áo tu sĩ phật giáo trái pháp luật”. Bức thư đưa ra lý do vì ông chưa từng được thọ giới. Và cáo buộc ông vi phạm luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam.
[Âm mưu thành lập giáo phái: Bức thư cáo buộc hành giả Minh Tuệ âm mưu thành lập giáo phái tu khổ hạnh, chống lại ý chí của Giáo hội, và gây chia rẽ. Bằng chứng được đề cập là con số hơn 30 nhà tu hành đang đi theo ông.
Đe dọa trật tự xã hội và thể diện quốc gia: Bức thư này viết rằng “ông Lê Anh Tú đã gây rối trật tự công cộng” ở Việt Nam trong năm 2024, và được ủng hộ bởi những cá nhân “chống đối chính phủ”.
Với những cáo buộc trên, bức thư với chữ ký Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ đã đưa ra một vài đề nghị người đứng đầu hệ phái Phật giáo Malwatta, bao gồm:
Ngăn chặn hoạt động tôn giáo của hành giả Minh Tuệ trên lãnh thổ Sri Lanka trong những tuần tới.
Hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xử lý việc “lợi dụng tôn giáo” cho “mục đích chính trị” nhằm chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và nhà nước Việt Nam.
Hành giả Minh Tuệ nói gì? Trong buổi sáng ngày 17 tháng 4, YouTuber Phước Nghiêm, một trong những người thân cận với hành giả Minh Tuệ đã phát trực tiếp trên kênh YouTube của ông, trong đó có sự xuất hiện của ngài Minh Tuệ.
Vị hành giả được thấy cầm trên tay “lá đơn tố giác” được cho là của ông Thích Nhật Từ, và phản hồi lại những cáo buộc được nêu trong nội dung bức thư.
Đối với cáo buộc “giả mạo sư”, ngài Minh Tuệ khẳng định mình không phải sư, không phải tu sĩ phật giáo, và y phục của mình cũng không phải y phục của tu sĩ. “Con không phải là tu sĩ, không phải là thầy gì thì cần ai công nhận đâu”, ông nói thêm.
“Con chưa xứng đáng, chưa đủ tuổi để khổ hạnh, vì khổ hạnh rất khó. Con chỉ tập học bình thường thôi.” Hành giả Minh Tuệ nói về cáo buộc “âm mưu thành lập giáo phái” trong văn bản. "
Còn với cáo buộc “đe doạ trật tự và thể diện quốc gia”, ông nhắc đến sự kiện ở Huế hồi tháng 6 năm 2024 khi ông và đoàn người bị công an bố ráp, và nói bản thân đã xám hối và sửa chữa, “chỗ nào họ bảo vi phạm thì mình tránh ra, ngày xưa mình vi phạm rồi thì mình xám hối mình không vi phạm chỗ đó nữa, để cho họ yên tĩnh, chẳng hạn như ở Huế.”
“Con không sân hận gì với người vu khống mình làm những điều này.” Vị hành giả kết luận.
Theo RFA