Thách thức kép, giữa một bên là sự bất định của chính quyền mới ở Mỹ và bên kia là một Trung Quốc ngày một xác quyết, đang đặt Đài Loan trước một thực tế đáng sợ : Rủi ro chính quyền Mỹ hiện tại hoặc tương lai có thể coi những thách thức của Đài Loan là một mối quan tâm xa vời.

Ảnh minh họa: Đài Loan dưới hai sức ép Mỹ và Trung Quốc © Ảnh do AI Poe Assistant tạo.
Chưa có lúc nào Đài Loan phải đương đầu với một thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược nghiêm trọng như lúc này.
Một mặt, Trung Quốc gia tăng sức ép trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, ngoại giao và nhất là quân sự. Bắc Kinh luôn xem hòn đảo này như là một phần lãnh thổ không thể tách rời và một ngày nào đó phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực.
Đài Loan trước sức ép quân sự từ Trung Quốc Giới quan sát dự đoán từ đây đến năm 2027, Trung Quốc có thể đánh chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, việc chiếm đảo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, do địa hình phức tạp và nhất là Bắc Kinh vẫn còn e ngại phản ứng từ Washington : Liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc mở chiến dịch tấn công?
Nhưng từ đây đến ngày « giấc mơ Trung Hoa » được thành hiện thực, Trung Quốc không ngừng thao dượt quân sự phối hợp hải lục không quân với quy mô mỗi lúc một lớn hơn. Cuộc tập trận mới nhất trong hai ngày 01 và 02/04/2025 là một ví dụ điển hình : Bắc Kinh huy động không chỉ hải quân, không quân, mà cả đơn vị tên lửa và bộ binh.
Theo quan sát từ nhà nghiên cứu Marc Julienne, giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, mục tiêu là nhằm củng cố các năng lực liên tác chiến giữa các lực lượng quân đội Trung Quốc, nhưng cũng nhằm mô phỏng phong tỏa các cảng biển chính, ngắt đường cung cấp năng lượng và nhất là chặn đường chính phủ cũng như người dân Đài Loan đào thoát.
Trên đài truyền hình ARTE, nhà nghiên cứu về Trung Quốc nhận định tiếp :
« Đây thực sự là một đợt huấn luyện. Nếu Trung Quốc muốn mở một chiến dịch xâm chiếm hay phong tỏa trong ngắn, trung, hay dài hạn, họ phải được chuẩn bị cho chiến dịch này. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đánh giá thấp công tác chuẩn bị cho chiến đấu. Và điều này được nói rõ trong các phát biểu chính trị hay quân sự chính thức. Việc chuẩn bị cho chiến đấu là một trong những ưu tiên của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Vào thời điểm nào chiến sự sẽ diễn ra, thật khó mà nói. Nhưng người ta thường nói đến năm 2027, bởi vì đó sẽ là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập quân đội và bởi vì ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội phải sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm đó. Chúng ta cũng nên biết là Trung Quốc hiện đang có chút cơ may bởi vì càng chờ đợi, Trung Quốc sẽ càng hùng mạnh, nhưng ở phía bên kia, các đối thủ cũng sẽ củng cố mạnh hơn và sự phối hợp của họ cũng sẽ được chặt chẽ hơn ».
Sức ép này từ Trung Quốc đặt hòn đảo này trước một thách thức to lớn : Đài Loan phải ứng phó với các rủi ro cấp bách như thế nào ? Chẳng hạn như sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, tính dễ bị tổn thương của các tuyến cáp ngầm viễn thông nối Đài Loan với thế giới, nguồn dự trữ lương thực và tài nguyên, cũng như khả năng phòng thủ mạng trước các cuộc tấn công từ tin tặc Trung Quốc v.v…
« Thách thức Donald Trump »Mặt khác, cùng lúc này, chính quyền tổng thống Lại Thanh Đức phải đối mặt với điều mà hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Jude Blanchette và Gerard DiPippo, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc tổ chức tư vấn RAND Corporation, gọi là « Thách thức Donald Trump ». Chính sách thương mại và quốc phòng của Đài Loan đã chuyển sang một hướng mới kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 01/2025.
Đài Loan có nguy cơ bị áp thuế đến 32% theo như thông báo đầu tiên của ông Donald Trump ngày 02/04, nếu đàm phán thất bại. Giống như nhiều nước khác trong khu vực, Đài Loan có thặng dư mậu dịch đến 76 tỷ đô la trong năm 2024, đứng thứ năm trong số các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đạt mức 119 tỷ đô la, chủ yếu là chất bán dẫn và đồ điện tử, nhưng chỉ nhập khẩu 42 tỷ đô la hàng Mỹ.
Điều này có nghĩa là Đài Bắc phải tăng gấp đôi lượng hàng nhập khẩu để thu hẹp khoảng cách, đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Chính phủ tổng thống Lại Thanh Đức hiện đang xem xét những thỏa thuận nào có thể đề nghị với chính quyền Trump. Tuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu người Mỹ trên trang RAND, rủi ro đối với Đài Loan cao hơn so với các nước khác do tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Do vậy, ngoài việc Đài Loan có thể mua thêm một số mặt hàng chính như dầu hỏa, khí hóa lỏng, than đá, máy phát điện hay nông sản, Đài Bắc cũng có thể tăng mua vũ khí. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Đài Loan chỉ chiếm khoảng 2,45% GDP. Tổng thống Lại Thanh Đức gần đây cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3%.
Đây là một mức chi mà nhiều quan chức chính quyền Trump đánh giá là chưa đủ nếu xét đến quy mô của mối đe dọa mà hòn đảo này phải đối mặt. Ông Elbridge Colby, trong phiên điều trần trước Nghị Viện để được bổ nhiệm là thứ trưởng Quốc Phòng, phụ trách Chính sách, đã tuyên bố « Đài Loan nên chi đến khoảng 10% hoặc ít nhất một con số nào đó trong phạm vi này. »
Chất bán dẫn : « Lá chắn silicon » của Đài LoanTuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu người Mỹ, cốt lõi vấn đề ở đây có thể là chất bán dẫn. Những con chip chiến lược này, cùng với linh kiện máy tính có chứa các con chip tiên tiến, chiếm gần 60% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Đài Loan trong năm 2024. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử cáo buộc Đài Loan đánh cắp hoạt động kinh doanh chip của Hoa Kỳ và đe dọa áp thuế đến 100% đối với linh kiện bán dẫn.
Những phát biểu này của nguyên thủ Mỹ đã làm dấy lên nỗi hoài nghi tại Đài Loan và các nước đồng minh trong khu vực : Cuối cùng, đối với Mỹ, Đài Loan là đồng minh hay là kẻ thù của Mỹ ? Ông Frédéric Encel, nhà địa chính trị học, giáo sư trường Paris School of Business, đánh giá việc bỏ rơi Đài Loan có thể gây tổn hại cho uy tín của Mỹ trong khu vực, khiến Donald Trump phải trả giá đắt.
Cũng theo ông Frédéric Encel, « kim chỉ nam » của Donald Trump là « chủ nghĩa trọng thương tuyệt đối », nghĩa là « trả một đồng phải thu lại hai đồng ». Trên đài truyền hình ARTE, ông giải thích tiếp :
« Tôi tin rằng Đài Loan không phải là một đồng minh, mà cũng không là một kẻ thù. Đây là một khách hàng tuyệt vời. Xin lưu ý, đó là một khách hàng mà Mỹ muốn tiếp tục bảo vệ bằng mọi giá. Quý vị hãy ước tính chi phí quốc phòng của chúng tôi để bảo đảm an ninh cho quý vị tốn kém bao nhiêu ? Về cơ bản, đây chính xác là lý do tại sao tôi nói đến « kim chỉ nam », mục tiêu của Trump. Đó chính là những gì Trump đề nghị với rất nhiều nước, hiện cảm thấy bị tổn thương vì chính sách mới của ông. Dù đúng hay sai, Trump tin rằng các nước châu Âu gây tốn kém cho Mỹ, đã quan tâm không đầy đủ, hay không đủ khả năng thanh khoản trong những thập niên sắp tới. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ rất khác biệt tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. »
Đầu tháng 3/2025, chính quyền Lại Thanh Đức, trong một cử chỉ được nhiều nhà quan sát đánh giá là khôn khéo, đã thông báo TSMC sẽ đầu tư 100 tỷ đô la, xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ, cùng với một trung tâm nghiên cứu và phát triển, nâng tổng số cam kết đầu tư vào Mỹ là 165 tỷ đô la. Dù vậy, Trump vẫn muốn sản xuất nhiều chip tiên tiến hơn tại Mỹ.
Một đòi hỏi khiến công luận Đài Loan lo lắng. Liệu rằng điều này có làm suy yếu « lá chắn silicon », hình tượng mà người dân hòn đảo gán cho TSMC, tập đoàn sản xuất đến gần 90% chip bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới tại Đài Loan ?
Theo nhà nghiên cứu Marc Julienne, « đúng là nhu cầu về linh kiện bán dẫn đang tăng lên và tăng rất mạnh trên toàn cầu. Trên thực tế, việc mở nhà xưởng tại Mỹ không có nghĩa là đóng cửa nhà máy tại Đài Loan mà hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa, nghiên cứu và phát triển vẫn được thực hiện ở Đài Loan. Điều quan trọng nhất là chất bán dẫn có hiệu năng cao nhất vẫn được sản xuất tại Đài Loan. Và do vậy, Đài Loan vẫn giữ được giá trị, tầm quan trọng của mình ».
« Vận mệnh trong tay chúng ta ! »Dù vậy, hai nhà nghiên cứu người Mỹ Jude Blanchette và Gerard DiPippo, trên trang RAND, lưu ý rằng, để cho những bước đi chiến thuật trên được thành công, Đài Bắc phải vượt qua ba trở ngại lớn : Thứ nhất, Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ. Điều này hạn chế nghiêm trọng phạm vi hành động của chính phủ Đài Loan trong việc tương tác trực tiếp với chính quyền Trump và bản thân tổng thống Trump.
Thứ hai, Đài Loan biết rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Đài Loan đều có thể bị Trung Quốc trả đũa. Và cuối cùng, Đài Bắc tin rằng bất kỳ cuộc đàm phán kinh tế nào với chính quyền Trump có nguy cơ bị lệ thuộc và có thể phụ thuộc vào các cuộc đàm phán của Washington với Bắc Kinh.
Những tính toán của Đài Loan còn thêm phần phức tạp với những thay đổi nhanh chóng trong quan hệ của Mỹ với Nga và Ukraina. Mối quan hệ có thể được sưởi ấm trở lại của chính quyền Trump với điện Kremlin, quyết định thay Kiev đàm phán với Matxcơva về số phận của Ukraina và các đòn tấn công của Trump nhắm vào Zelensky khiến công luận Đài Loan lo lắng khi nhìn thấy có sự tương đồng với tình hình bấp bênh của chính họ.
Việc ngày 13/02/2025, bộ Ngoại Giao Mỹ rút lại câu « chúng tôi không hậu thuẫn độc lập Đài Loan » trong bản tin thông lệ chưa hẳn đồng nghĩa với việc Washington ủng hộ Đài Bắc độc lập. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc, Chee Meng Tan, trường đại học Nottingham Malaysia, sự thay đổi kín đáo của chính quyền Trump liên quan đến lập trường của Mỹ đối với Đài Loan hoàn toàn nhằm dụng ý kinh tế, có thể giúp Donald Trump có thêm trọng lượng trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Thế nên, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng như hiện nay, Đài Loan không thể giữ nguyên chiến thuật mà họ đã dùng trong thập kỷ qua. Quân đội Trung Quốc đã phát triển quá mạnh trong khi Hoa Kỳ đang trong quá trình xem xét lại lịch sử các cam kết an ninh ở bên ngoài. Tất cả những điều này dẫn đến một kết luận không thể tránh khỏi : Đài Loan phải làm nhiều hơn nữa cho khả năng phòng thủ và phục hồi của chính mình.
Tổng thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Đài Loan gần đây đã tuyên bố : « Số phận của chúng ta giờ nằm trong tay chúng ta » !
Theo RFI