Những người được làm môn đệ, đồng thời cũng là những người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của
Thiên Chúa. Người quản lý của Thiên Chúa phải là người như thế nào?
Chúa Giêsu không trực tiếp đưa ra những điều kiện, đức tính của ngươi quản lý phải có, nhưng Ngài đã
đưa ra một ví dụ về người quản lý của một nhà phú hộ kia như sau: Anh quản gia bị tố cáo phung phí
của cải, ông phú hộ yêu cầu anh tính sổ trước khi cho anh nghỉ việc. Anh quản gia nghĩ bụng: mình sẽ
làm gì đây! Quốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Anh liền cho gọi các con nợ đến. Người nợ
một trăm thùng dầu ôliu, thì anh bảo cầm biên lai ghi năm mươi thùng thôi, người nợ một ngàn thùng lúa,
thì ghi tám trăm thôi.
Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Chúa cũng xác nhận: Con cái đời này
khôn khéo hơn con cái ánh sáng.
Áp dụng vào ví dụ trên, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Phần Thầy, Thầy bảo các con: “Hãy dùng
tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an
nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ, thì
cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì
ai sẽ tín nhiệm mà giao của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử
dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân
nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh
dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” ( Xem Lc. 16: 1-13).
Chúa Giêsu chỉ nêu lên hai ông chủ: ông Chủ Thiên Chúa và ông chủ tiền tài. Anh quản lý của nhà phú
hộ kia bị đuổi việc vì phung phí tài sản của chủ và bị coi là người bất lương. Là người được giao nhiệm
vụ quản lý, chúng ta phải có những điều kiện nào trong việc phục vụ ông chủ và trong việc sử dụng của
cải ông chủ giao phó cho chúng ta quản lý?
Điều kiện và đức tính của người quản lý phải có là lòng trung tín như Chúa Giêsu đã xác định: “Ai trung
tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong
việc lớn.”
Trước tiên, đối với ông chủ, người quản lý phải trung tín, tin tưởng, mến yêu và chỉ phục vụ một mình
ông chủ ấy thôi, không thể làm tôi hai chủ, không nhập nhằng nước đôi, không bắt cá hai tay: “Không gia
nhân nào có thể làm tôi hai chủ... Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được,”
nếu không thì “sẽ hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia.”
Tiếp đến là sự trung tín trong việc sử dụng của cải. Người quản lý của nhà phú hộ kia bị coi là bất lương,
không trung tín vì anh phung phí tiền của bất chính của chủ, không trung tín trong việc sử dụng của cải
của người khác.
Người quản lý của Thiên Chúa cần phân biệt hai thứ của cải: của cải bất chính, của cải của người khác
và của cải chân thật, của cải được ban riêng: “Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền
của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín
trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
Của cải bất chính, của cải của người khác
Chúa Giêsu không chê trách người có tiền của, nhưng chê trách thứ tiền của bất chính bằng bất công
gian lận, bằng tham ô móc ngoặc, bằng quyền lực bóc lột, những của cải mà tiên tri Amốt đã lên án:
“Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả
nước. Các ngươi bảo: Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để
chúng tôi bán lúa mạch? Chúng tôi sẽ giảm lượng đong, tăng giá và làm cân gỉaàChúng tôi sẽ lấy tiền
mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát.” ( Am. 8: 4-7)
Của cải chân thật, của cải được ban riêng
Của cải chân thật đó là giáo lý Nước Trời, là Tin Mừng cứu rỗi, là vũ trụ bao laàCủa cải được ban riêng
cho mỗi người là thời gian, tài năng, sức khỏe, là ân sủng đức tin, là ân huệ củaThiên Chúa...
Như dụ ngôn mười yến bạc, người thứ nhất nhận được một yến, đã sinh lợi được mười yến; người thứ
hai, được năm yến; còn người thứ ba, anh đã bọc khăn giữ kỹ yến bạc, trả lại cho chủ và nói: “Tôi sợ
ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” (Lc. 19:21)
Anh quản lý của nhà phú hộ kia bị đuổi việc vì phung phí của cải của chủ, không trung tín với chủ, chúng
ta cũng sẽ là những người quản lý bất trung khi chúng ta không trung tín với Thiên Chúa, không biết sử
dụng những của cải bất chính để “mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con
vào chốn an nghỉ đời đời”, để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó; khi không biết sử dụng những của cải
chân thật, của cải được ban riêng để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người như lời của thánh Phaolô trong
thư thứ nhất gửi Timôthê: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi
người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta đước an cư lạc nghiệp mà sống
thật đạo đức và nghiêm chính. Đó là điều tốt đẹp và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng
muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”( 1 Tm. 1: 1-3)
Anh quản lý đã bất trung với chủ lại bất lương trong việc sử dụng của cải của người khác, nhưng lại
được khen là đã hành động khôn khéo trong việc sử dụng của cải bất chính để mua lấy bạn bè, để “sau
khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ;” đó là sự khôn khéo của con cái thế gian,
nhưng với con cái sự sáng thì “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết
bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu.” Tạo lấy bạn bè là tạo lấy nhân đức.
Trung tín trong việc quản lý của cải chân thật và của cải được ban riêng cho mỗi người là nhiệm vụ của
người Kitô hữu hôm nay và ngày mai.
Lời Chúa dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” Chân lý ấy ngàn
đời vẫn đúng; nhưng khốn nỗi: tiền của là khát vọng của con người, đồng tiền liền với khúc ruột. Dứt
khoát theo ông chủ Thiên Chúa hay ông chủ thần tài thật là khó!
LM Trịnh Ngọc Danh