Ngày hôm sau, tất cả sĩ quan, được lệnh chuyển trại, mỗi người được phát hai chén cơm đầy với một ít muối ăn sáng trước khi di chuyển. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị bắt đến nay, chúng tôi được cho ăn no. Chuẩn bị cho cuộc di hành, mấy người nước ngoài trong đó có đứa gái nhỏ cùng đồ đạc được đưa đi bằng xe Dodge, vì không đủ chỗ nên hai người nước ngoài trẻ nhất là Peter (người Úc) và Jay (người Mỹ) phải đi bộ. Đám bộ đội rất đông, lưng đeo ba lô, ruột tượng gạo trên vai, một bộ phận bộ đội khiêng vác quân dụng hậu cần nặng, bằng cách cột đồ đạc vào đòn gánh bằng tre hai người khiêng. Đám bộ đội này được xếp đi đầu, kế đến là đoàn tù khoảng gần hai trăm người vai quàng túi gạo, một ít người có túi sách tay. Riêng hai người nước ngoài không phải mang gạo, đồ đạc có 4 túi sách to, đồ cá nhân mang theo từ khi bị bắt. Họ đeo túi vào một thân tre, mỗi người một đầu khiêng đi. Tôi quan sát biết là không ổn, họ bắt chước kiểu khiêng hai người của bộ đội, nhưng cái đòn khiêng mới là mấu chốt giúp người khiêng chịu được lực nặng đè lên vai cho quãng đường dài. Đòn khiêng của bộ đội hình thù là cái đòn gánh bằng tre già, dẹp ở hai đầu để tản lực tiếp xúc và giữ cho đòn khiêng không bị quay nghiến vào vai, còn hai anh chàng nước ngoài, không có kinh nghiệm khiêng vác, có lẽ cả đời họ chưa bao giờ phải làm việc này. Họ khiêng bằng thân tre tròn dài, khi đi, mấy cái giỏ lắc lư làm đầu tre soắn qua soắn lại trên vai, da vai dộp lên là không chịu nổi.
Chúng tôi xếp đi hàng hai, hai bên bộ đội trang bị súng AK hộ tống. Đoàn tù ốm đói trông thật thảm não, kẻ trước người sau, nhếch nhác lê bước thành hàng dài, lẩn khuất đưới đám rừng thưa trong buổi sáng còn mờ sương. Cả đoàn người lặng lẽ bước bên nhau, có lẽ mỗi người một nỗi ưu tư, lo cho số phận của mình, về gia đình, vợ con hay mải mê nghĩ về cuộc chiến mà Miền Nam đang đứng bên bờ thảm bại. Thỉnh thoàng chỉ nghe tiếng nhắc nhở "Giữ cự ly” của đám bộ đội hộ tống. Hai anh người nước ngoài, khởi đầu đi ở phía trên, dần dà tụt dần đến gần chỗ tôi, khoảng giữa đoàn, trông họ rất thảm, mặt nhăn nhó vì đau bởi lực nặng của đòn khiêng đè lên vai, mặc dù hai đầu đòn khiêng đã được quấn lớp vải. Bộ đội luôn đi kè hai người này, không màng đến cái vai đau của họ, cứ mặc kệ, chỉ luôn miệng thúc dục hai người đi nhanh. Rõ ràng là đám bộ đội ghét hai người này hơn chúng tôi, có thể vì tuyên truyền của Cộng Sản là Mỹ độc ác hút máu dân miền nam, cũng vì Mỹ ném bom trên quê hương Miền Bắc của họ. Còn chúng tôi, dù sao cũng là đồng bào của họ. Chúng tôi cũng không chống trả quyết liệt gây tổn thất cho họ khi tiến đánh Ban Mê Thuột.
Hai người nước ngoài tụt dần đến chỗ tôi, tôi định khiêng giúp họ một khúc đường nhưng bị thằng bộ đội đi theo quát không cho, bảo là tôi làm mất trật tự, không giữ cự ly hành quân. Tôi cố bám sát Ray, bảo anh ta khi nào đến chỗ nghỉ, vất cái đòn khiêng đi, cố bỏ bớt những gì không cần thiết cho nhẹ, dồn hai túi thành một, bỏ vào cái võng họ phát, buộc chéo vai theo kiểu đeo ba lô, như chúng tôi. Ray cám ơn, rồi nói sẽ thực hiện khi đến chỗ nghỉ. Hai người nước ngoài lại tụt dần ra phía sau. Tôi tiếp tục bước theo đoàn quân, đưa mắt quan sát khu rừng đi qua và nhìn hướng mặt trời để đoán xem chuyển trại đi đâu. Cứ khoảng hai tiếng họ cho dừng nghỉ. Đến xế chiều, có lệnh nghỉ tại một bãi trống dưới những tán cây lớn bên bờ con suối, họ lùa chúng tôi thành một vòng tròn để tiện việc kiểm soát, gom mỗi người một bát gạo cho nhà bếp nấu cơm. Chỉ có cơm với muối, chúng tôi ăn no để có đủ sức đi, tối ngủ tại đây vì cạnh con suối ẩm thấp nên muỗi rất nhiều, tôi phải lấy miếng vải võng trùm kín từ đầu đến chân, trông như xác chết chờ tẩm liệm.
Ngày hôm sau, ngày thứ hai, chúng tôi được lệnh lấy nước dưới suối đổ đầy ống tre, di chuyển sớm, tôi để ý thấy hai người nước ngoài đeo túi sách sau lưng như balo bằng miếng vải võng y như lời tôi chỉ dẫn. Hôm nay, chúng tôi có vẻ quen, lo âu cũng chẳng giải quyết được gì, thôi, cứ đế nó trôi theo định mệnh, cứ lầm lũi đi, thỉnh thoảng cũng bàn chuyện này nọ với nhau cho quên đi mệt nhọc. Đến khoảng trưa, đoàn người đi vào một đường mòn, con đường len lỏi dưới những tàn cây to, chếch về hướng tây, đất nhẵn thín, chứng tỏ họ thường xuyên qua lại. Nhờ đi trên đường mòn đất bằng phằng, rừng già che khuất ánh nắng nên di chuyển có dễ chịu và tốc độ nhanh hơn. Đến chiều dừng chân bên bìa làng thượng, làng chỉ khoảng 10 nóc nhà sàn, không đông dân lắm, sống như thời bán khai, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy ở trần. Vì bộ đội không cho dân trong làng tiếp xúc với chúng tôi, nên không biết đám thượng này thuộc sắc dân nào để có thể đoán là chúng tôi đi đến đâu.
Ngày thứ ba, chúng tôi tiếp tục theo lối mòn, đi xuyên qua rừng già, bắt đầu xuất hiện nhiều lối mòn ngang dọc, đây có thể nói là “hệ thống” lối mòn mới đúng, vì có những dấu như mã số hoặc giắt một cái que chỉ hướng trên thân cây cạnh mỗi đường mòn, nếu không phải là họ thì khó có thể biết đường mòn này đi đâu. Có thể là hệ thống đường mòn, giao liên dùng để liên lạc với các đơn vị bộ đội đóng trong rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chòi nhà sàn nằm khuất dưới những tàn cây rậm, đó là những kho gạo phân tán, cất dấu trong rừng sâu, họ không tập trung lương thực vào một kho lớn vì nếu bị phát hiện là mất hết. Đến chiều, xuyên qua đám rừng già rậm rạp hơn, chúng tôi dừng chân tại một khu doanh trại bộ đội, trại bỏ hoang, chắc chỉ mới bỏ đây thôi vì nhà cửa còn nguyên vẹn. Chắc là doanh trại cấp trung đoàn, doanh trại không có hàng rào nhưng có hệ thống phòng thủ hầm hố chiến đấu, giao thông hào chạy quanh, bên trong rất nhiều lán trại, hội trường, nhà chăn nuôi lợn gà, tất cả nhà đều nằm chìm hơn một mét dưới đất, để tránh bom và là công sự phòng vệ. Đây là một mật khu của họ, nằm khuất dưới rừng già, máy bay khó phát hiện. Chúng tôi ăn cơm trong những căn nhà lớn, và ngủ qua đêm tại đây.
Ngày thứ tư, tiếp tục theo đường mòn xuyên rừng, cây to nhiều tầng đua nhau vươn cao tìm ánh sáng, che kín cả bầu trời làm lối mòn tối hẳn đi, rừng âm u ẩm thấp là nơi trú ẩn lý tưởng của đám côn trùng có cánh, muỗi đói bắt hơi người, vo ve bay lượn tấn công, chích nhát nào nhát ấy như kim đâm vào da thịt. Không còn cách nào khác hơn là dùng cành lá vừa đi vừa xua đuổi muỗi, đám bộ đội hai tay phải giữ súng nên khó khăn hơn trong việc xua đuổi đàn muỗi đói, họ chùm khăn mặt lên đầu, phủ khăn phía sau gáy thả đến vai, trên đội nón cối, áo dài tay che kín đến cổ tay, phần lớn mang dép râu (dép bằng lốp xe) có một số người đi giầy vải không vớ. Bình thường họ chỉ đi dép, nhưng nơi âm u này, có vài người mang vớ để chống muỗi. Đi qua nhiều chòi cất dấu gạo, chòi như cái nhà sàn nhỏ, có bốn chân, mỗi chân quấn vài cái hom sắt như hom nơm cá, mũi nhọn tua tủa chỉa hướng xuống đất để chống thú rừng, gạo chứa trong bao bố, chất chồng lên nhau, chòi lợp mái, quây kín bằng tre đan. Những kho gạo này, giao liên dùng để tiếp tế cho đám quân bắc việt xâm nhập vào nam.
Đến chiều, đoàn quân đến một khu hậu cần chăn nuôi nằm khuất dưới cánh rừng, chung quanh có mấy khoảng đất trống vây hàng rào bằng tre để tránh thú rừng vào phá phách, trồng khoai mì, rau và cây thuốc lá. Có vài nóc nhà, một nhà ở của bộ đội trông coi trại. Họ đưa chúng tôi vào một nhà to dài không có vách, nghỉ dưỡng sức một ngày hai đêm tại đây. Khu hậu cần này chỉ có ba bộ đội đã lớn tuổi và một con chó đặt tên là “Thiệu” trông coi. Không hàng rào hoặc công sự phòng thủ gì cả, heo gà nuôi thả, nghĩa là sáng thả vào rừng kiếm ăn, chiều đánh kẻng bằng mảnh bom, vật nuôi nghe tiếng kẻng chạy về, tối tự động vào chuồng, chúng ăn một ngày một bữa chỉ toàn khoai mì tươi băm nhỏ, có lẽ chúng được rừng hóa nên trông vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn. Một ngày ở đây, chúng tôi được cho ăn hai bữa có canh, canh chỉ là đọt khoai mì non (không biết họ lấy ở đâu) nấu với muối. Lần đầu tiên tôi biết lá mì ăn được, sao nó ngon chi lạ, nhờ có chất “rau” mà đỡ được phần sót ruột sau bao ngày chỉ toàn ăn cơm với muối.
Ngày thứ sáu, chúng tôi tiếp tục đi trên con đường mòn xuyên rừng chếch về hướng tây, đi khoảng ba tiếng gặp con đường đất khá lớn, mặt đường in dấu vết xe hơi hai hàng nhẵn thín, chạy hướng bắc nam. Con đường lúc ẩn lúc hiện dưới rừng già. Ôm lề đường phía tây có hai ống sắt dẫn dầu đặt sát bên nhau, đường kính khoảng 20 cm, trông như hai con trăn khổng lồ, uốn éo chạy dài bám theo con đường (sau này tôi được biết đường này là đường Đông Trường Sơn, nối tiếp với đường mòn Hồ Chí Minh, trước năm 73 chỉ là đường mòn cho người đi bộ, sau đó mới được san ủi thành đường lớn cho xe tải chạy. Đường này hướng bắc nam, trên đường gặp vài kho chứa xăng dầu nằm dấu dưới tàn cây to, có trạm chỉ dẫn xe cộ, biển báo chỗ ẩn núp cho đoàn xe khi bị máy bay phát hiện, trên đường thỉnh thoảng gặp những hố bom lớn do máy bay đánh phá, chỉ việc lách sang một bên, không trở ngại gì cả, mình có ném phá con đường chỉ tổ tốn bom. Nhân lúc gặp con đường với ống dẫn dầu, tôi có hỏi thằng Hùng đi bên cạnh:
- Ê này Hùng, mày lái máy bay quan sát, không thấy con đường với ống dẫn dầu to tổ bố thế này hay sao?
- Mày biết đấy, đường mòn Hồ Chí Minh, chạy từ bắc qua đất lào tới vùng KonTum đi vào Việt Nam, sau này nó làm thêm con đường song song nhưng bên bờ đông dãy trường sơn, đặt ống dẫn dầu cặp theo vào tới đất Miền Nam, tụi tao vẫn biết. Trước hiệp định Paris, quân mình cũng có thả bom bắn phá, nhưng như gãi ghẻ, thả các toán biệt kích xâm nhập dặt chất nổ phá ống dẫn dầu, nhưng chẳng làm được bao nhiêu, đâu phải lúc nào cũng có dầu chảy qua ống, dầu được bơm vào các bồn chứa nằm khuất trong rừng, rồi ngưng, mình phá, nó nối lại, cứ như vậy. Sau năm 73, Mỹ giảm viện trợ, thiếu xăng dầu, hầu hết các chuyến bay quan sát bị hủy bỏ.
- Còn xe cộ chạy trên đường, mày không thấy à?
- Thỉnh thoảng có thấy chứ, nhiều khi cả đoàn, gọi máy bay bắn phá, tới nơi thì nó tản vào rừng mất dạng. Mày thấy đấy, hai bên đường là rừng già, cây to gốc cả ôm che phủ, nghe tiếng máy bay là nó quẹo vào rừng ngay.
Sang ngày thứ 7, chúng tôi vẫn đi trên con đường này, nhiều người yếu sức trong đó có tôi, đã quá mệt mỏi, lê lết, rồi tụt dần về phía sau. Riêng tôi, bắt đầu gai gai sốt, toàn thân ê ẩm, cổ họng khô đắng, ăn không hết bữa cơm, tôi lo là không biết có lết được đến nơi không. Trên đường thỉnh thoảng gặp đoàn xe chở bộ đội, xe chở đầy đồ đạc, xe kéo súng phòng không, xe tăng kiểu lội nươc kéo theo đại bác cuốn bụi đỏ mịt mù, đi ngược chiều về phía nam. Có quãng đường phải qua con suối lớn nước sâu, không thấy cầu, tới gần mới biết có cái cầu chất bằng đá ngầm dưới mặt nước khoảng 4 tấc, bề ngang đủ để xe tải đi, hai bên có cắm những cây tre để làm dấu giới hạn dẫn lối cho xe cộ đi qua, nếu như nhìn từ máy bay khó biết có cây cầu ngầm dưới nước sắp bằng đá. Chúng tôi lội qua, nước gần đến đầu gối, đi loạng choạng vì nước chảy mà đá dưới chân lồi lõm, cố nắm tay nhau kéo thành dây dài cho khỏi té. Đến chiều, đoàn người tách khỏi đường lớn rẽ vào con đường nhỏ hơn về hướng tây, con đường này tuy nhỏ vẫn in dấu bánh xe tải Molotova. Vùng này có nhiều lối mòn ngang dọc, chứng tỏ là mật khu của Việt Cộng. Chiều gần tối, đến một lạch nước nhỏ, dừng chân cơm nước, ngủ qua đêm tại đây. Bọn tù nằm quây tròn, im lìm cuộn mình trong miếng vải võng, không một tiếng thì thầm vì ai cũng mệt. Toàn thân tôi ê ẩm, lại lên cơn sốt nhẹ, nằm mơ màng, tiếng ếch nhái từ con lạch nước vang lên, nghe như tiếng rên rỉ từ trong đáy lòng tôi, than thở cho cái phận hẩm hiu của mình. Rồi chìm dần vào giấc mơ, mơ có bàn tay dịu dàng của mẹ tôi chăm sóc trên giường bệnh, đút cho tôi từng thìa cháo nóng, an ủi dỗ dành vang vọng tiếng hát ru…
Ngày thứ 8. Tôi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng báo thức của đám bộ đội canh gác. Thấy tinh thần, thể xác có khá hơn một chút hay chỉ là cảm giác đến từ giấc mơ? Đoàn người vẫn tiếp tục đi. Con đường bắt đầu hơi chếch về phía tây bắc, đi được vài tiếng, thân thể thấy ê ẩm, đầu choáng váng, lại lên cơn sốt. Tôi đi tụt dần, tụt dần mãi về phía sau. Thằng bộ đội áp tải đã chú ý đến tôi, nó nhắc tôi là phải cố đi lên trên. Tôi cũng đang cố đấy chứ nhưng lực bất tòng tâm, hai chân nặng như đeo chì rồi tụt đến cuối cùng, gặp một tù binh nữa cũng bê bết như tôi, hắn trông đã luống tuổi. Hỏi ra mới biết là thiều úy thuộc Trung Tâm Tiếp Vận, gồm nhiều kho chứa nhiên liệu, đạn dược, là một trong những nơi bị địch tấn công đầu tiên. Hai thằng tôi cố bước bên nhau dưới sự hối thúc của hai tên bộ đội áp tải. Đi được khoảng nửa tiếng, hai anh chàng nước ngoài cũng bị tụt đến cuối hàng, trông họ bơ phờ rất thểu não lại luôn có bộ đội đi kèm thúc dục, lớn tiếng. Chúng tôi kết thành bốn người với hai anh bộ đội đi sau chót, dần dà đứt quãng với đoàn quân. Đến lúc quá mệt mỏi không còn lết nổi nữa, hai tên áp tải la mắng cũng mỏi miệng, đành cho chúng tôi ngồi nghỉ, bốn thằng nhìn nhau, không buồn mở miệng, phờ người nằm lăn ra bên vệ đường. Tôi quá mêt thiếp đi một lúc, hai tên áp tải hối thúc đứng dậy đi tiếp vì đoàn quân đã mất dạng. Hai người nước ngoài sau khi nghỉ có vẻ khá hơn, phần bị thằng bộ đội quát tháo nên đi nhanh về phía trước, chỉ còn lại hai đứa tôi. Cố lết, lúc đi lúc nghỉ đưới sự hối thúc của bộ đội cho đến chiều, chúng tôi đã cách quá xa đoàn tù binh, tôi thấy người mệt mỏi quá sức, đầu choáng váng, mắt hoa lên không thể lết nổi nữa nên ngồi qụy xuống và nằm lăn ra đất, anh bạn tù còn lại thấy tôi lăn ra đất cũng ngồi xuống làm theo, cả hai bị tên bộ đội quát mắng lấy báng súng thúc vào vai bắt đứng dậy đi, tôi cứ mặc kệ nằm lì, thấy không hiệu quả nó lấy chân đá vào mông tôi rồi quát,” Này, có dậy đi không thì bảo.” Tôi nghĩ, thì bảo cái gì, chắc là sẽ cho ăn đạn chăng? Đến lúc này, vì quá khốn khổ tôi không còn biết sợ là gì, ngồi dậy đâm liều bảo hắn,” Anh thử sờ vào trán tôi, không phải tôi không muốn đi mà tôi đi không nổi nữa, khổ quá rồi, tôi chỉ muốn xin anh viên đạn, chết quách cho yên thân.” Hắn thấy tôi phản ứng mạnh, ngần ngừ một lát rồi quát lại,” Tôi chỉ tiếc mất viên đạn, chứ cái mạng của anh chẳng đáng gì, thôi, hai anh ngồi đây đi đến khi nào khỏe cứ theo vết mòn mà đi.” Hắn lấy hai túi gạo còn một ít của chúng tôi rồi bỏ đi. Tôi nghĩ là nó nói đúng, bắn chi cho tốn đạn, nó biết hai thằng tôi lết còn không nổi, rừng núi mênh mông biết đường nào để trốn, vả lại tụi nó đang trên đà thắng lớn, bắt được quá nhiều tù bình, thì hai thằng tôi có đáng gì. Hai đứa nằm lại giữa rừng, trong chiều tàn vắng lặng, chẳng còn sức để nói với nhau điều gì. Đầu óc bừng bừng lên cơn sốt, tôi chẳng còn khái niệm gì về chết sống, nằm thiếp đi lúc nào không hay cho đến nửa đêm chập chờn thức dậy, thấy mình cuộn kín trong mảnh vải võng. Có lẽ trong đêm vì lạnh tôi vô thức đã trùm kín người từ đầu đến chân, hé miếng vải nhìn sang người bạn tù có còn đó hay không, trong bóng tối lờ mờ tôi thấy một thân cũng cuộn tròn trong vải như xác chết, không thấy đụng đậy, tôi sợ quá thò tay lay xem còn sống hay chết, như một phản xạ, anh ta ngồi chổm dậy, ú ớ vài tiếng mới tỉnh hẳn. Tôi chấn an anh ta, “Tôi đây, anh có khá hơn không?” Anh trả lời, hỏi lại tôi, “Đỡ hơn, còn anh, ra sao?” “Cũng có đỡ hơn chiều hôm qua, anh có biết lúc này khoảng mấy giờ không?” tôi hỏi lại. Anh ta im lặng, chắc cũng không biết, hay còn đang mải mê nhớ đến vợ con mà quên trả lời tôi chăng? Tôi lại nằm xuống cuộn tròn trong tấm vải võng, cố xua đi suy nghĩ trong đầu, mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Tôi tỉnh dậy lúc trời mờ sáng, qua một đêm tuy cổ họng hãy còn đắng chát nhưng thấy người đỡ hơn nhiều, đúng là ‘trời nuôi trời dưỡng’, chẳng thuốc men cơm cháo gì cả. Anh bạn bên cạnh đã ngồi dậy tự lúc nào, đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó, hay đang thả hồn theo tiếng gió, tiếng chim chào bình minh trên tít các ngọn cây cao? Tôi đánh động đưa anh ta về thực tại, bảo anh ta chuẩn bị đi. Anh hỏi lại, “Giờ mình đi đâu, khi không còn tụi nó dẫn đường?” Tôi nói ” Mình chẳng còn lựa chọn nào khác là đi theo vết lối mòn của đoàn quân như thằng bộ đội chỉ dẫn mình hôm qua.” Thế là chúng tôi cố bước, đi theo lối mòn được khoảng nửa tiếng thì gặp thằng bộ đội hôm qua đi ngược lại tìm chúng tôi. Hôm nay hắn có vẻ hòa nhã hơn, nói với chúng tôi,” Sáng nay, đoàn quân phải ngồi lại chờ các anh, giờ khỏe hơn rồi chứ? Cố gắng đi nhanh lên cho kịp.” Chúng tôi cùng cám ơn hằn về sự hỏi thăm, và hòa nhã của hắn. Tưởng hắn sẽ vui vẻ, nhưng trái lại, hắn nghiêm sắc mặt tỏ vẻ không hài lòng (sau này tôi biết tụi Cộng Sản miền bắc, họ rất dị ứng với 2 chữ “cám ơn”, hình như ngoài Bắc không quen với từ này, họ cho là chúng tối mỉa mai họ). Hắn đanh giọng trả lời câu cám ơn, “Chúng tôi đánh để giải phóng các anh, chúng tôi không chủ trương giết các anh chứ không phải tiếc viên đạn đâu.” Tôi yên lặng bước đi, nghĩ thầm, “Mẹ mày, chúng tao đâu cần mày giải phóng, chắc tối qua mày lại được mớm cái giọng điệu này của thằng chính trị viên.” Đi khoảng hơn nửa tiếng nữa, gặp lại đoàn quân đang ngồi chờ, họ phát cho chúng tôi mỗi người một nắm cơm bọc trong lá chuối rừng với chút muối. Mặc dù không ăn gì chỉ uống nước từ chiều ngày hôm qua đến giờ, tôi vẫn không thấy đói, cố nuốt vài miếng cơm để có sức đi. Hai đứa tôi lại cố lết theo đoàn quân, băng rừng lội suối ở cuối hàng, lúc đi lúc nghỉ rồi cũng bám được họ cho đến chỗ nghỉ vào buổi chiều.
Ngày thứ mười, sau một đêm ngủ chậm chờn vì vẫn còn sốt. Đến sáng, tôi thấy trong người có khỏe hơn trước một chút, bụng mừng thầm cám ơn Trời Phật là ngày hôm qua mình đã bám được đoàn quân, hôm nay khá hơn chắc không đến nỗi phải nằm lại giữa rừng. Sau khi được phát cơm ăn sáng và nắm cơm dùng cho buổi trưa, đoàn quân lại tiếp tục lên đường, băng qua một con suối lớn nước lội chỉ đến đầu gối, đi sâu vào đám rừng già âm u hơn, có nhiều đường mòn cắt ngang, thỉnh thoảng gặp một vài toán bộ đội, họ dừng lại nhìn chúng tôi sầm sì gì đó. Tôi đoán, đây là một mật khu lớn của họ nên có nhiều đường mòn và gặp cả bộ đội, tôi nói nhỏ với anh bạn đi bên cạnh, chắc là sắp tới nơi rồi. Quả thật như vậy, đến quá trưa, qua nhiều rãy trồng mì bạt ngàn, xa xa nhiều mái nhà lớn ẩn khuất trong một khu rừng rất rộng. Nhìn đám mì bạt ngàn này, tôi mới hiểu đây là cây lương thực mang tính chiến lược, có thể nuôi cả sư đoàn trường kỳ kháng chiến. Chúng tôi được dẫn vào khu có hàng rào bằng cây rừng tương đối là chắc chắn, trong đó có nhiều lán lớn đã cũ, mái lợp bằng lá cọ, hoặc bằng mảnh gỗ để chồng lên nhau như lợp ngói, không vách, bên trong chỉ có sạp nằm cao khoảng nửa mét chạy dài hai bên theo hông nhà. Có lẽ là nhà tù, giữ tù binh trước đây, nay trống vì những tù binh đã được trao trả sau hiệp định Paris,1973. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng mười mấy tù binh chắc là mới bị bắt sau này, và mấy người nước ngoài bị bắt ở Ban Mê Thuột được chở bằng xe vào trước. Đoàn tù tập họp điểm danh phân chia chỗ ở, riêng hai thằng bệnh hoạn chúng tôi bị giữ lại. Tên bộ đội áp tải, bảo hai đứa chúng tôi đứng chờ, hắn đi một lúc trở lại đẫn chúng tôi ra ngoài, nơi có nhiều nhà của tụi bộ đội, đưa chúng tôi vào một căn nhà có mấy cái giường, giường bằng tre chân được chôn chắc chắn xuống đât, trên trải chiếu cói, đầu giường chiếc chăn mỏng xếp gọn ghẽ, cái bàn giữa nhà có đặt mấy chai thuốc, vậy là nó đưa chúng tôi vào trạm xá. Cái đập vào mắt ngay khi tôi bước vào là hai biểu ngữ bằng tre đan viết mực đen treo trên vách: “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. “Lương y như từ mẫu”. Tên bộ đội bảo hai đứa chúng tôi, ngồi vào mép cuối giường, hắn kéo sợi dây xích dấu dưới chiếu cuối giường, dài khoảng 80 Centi mét, một đầu xích khóa vào phần trên chân giường, đầu kia có cái vòng sắt dẹp, nó mở vòng, ôm vào cổ chân tôi, khóa lại bằng ổ khóa, rút chìa, rồi cũng làm như vậy với anh bạn tù ở cái giường khác. Chúng tôi còn đang ngỡ ngàng, đoán là bị phạt vì hôm trước nằm lại giữa rừng không chịu theo? Tên cảnh vệ lại gần nói,” Hai anh nằm nghỉ đây, tí nữa có đồng chí y tá đến khám, cho thuốc, chiều tôi sẽ dẫn vào trại.” Khoảng năm mười phút gì đó, “đồng chí y tá” bước vào, tay cầm quyển vở, cổ đeo ống nghe. Hắn nhỏ nhẹ hỏi thăm chúng tôi, khai tên, tuổi, cấp bậc và bị bắt ở đâu ghi vào sổ, tôi được khám trước, hắn lấy mu bàn tay để lên trán, đặt ống nghe lên cổ tay, lên ngực nghe nhịp tim hỏi tôi, “Anh bị sốt bao lâu rồi?” “Khoảng ba ngày,” tôi trả lời. Hắn phán là tôi mới bị nhiễm sốt rét do muỗi đốt. Bước qua giường kế cận cũng khám như thế. Tôi nghĩ bụng, không biết thằng này thực tâm đối xử với chúng tôi ôn tồn, nhỏ nhẹ hay là vì cái khẩu hiệu treo trên vách? Tôi nhớ lại, đã nhiều lần bị thương nằm bệnh viện, bác sĩ mình cũng khám chữa tận tâm nhưng cách đối xử với thương bệnh binh như là một người bề trên ban ơn hơn là một thầy thuốc chữa bệnh, không phải tất cả đều như vậy, nhưng là phần đông như thế. Tên bộ đội y tá lấy nồi nấu nước, bỏ kim tiêm, ống chích vào nấu sôi. Lâu lắm tôi mới thấy cái ống chích bằng thủy tinh, thời này nình dùng ống chích, kim tiêm bằng nhựa dùng một lần rồi vất. Hắn chích vào mông hai đứa chúng tôi chất nước mầu vàng, rút trong cái chai to như chai dịch truyền, đó là thuốc ký ninh (quinine) cổ đại trừ bịnh sốt rét, và cho uống hai viên “xuyên tâm liên”. Đến chiều, hắn bưng cho bát cháo nóng xông mùi lá bạc hà, có bỏ bột trứng của Trung Cộng mầu vàng.” Đó là tiêu chuẩn bồi dưỡng cho người bệnh,” hắn nói với chúng tôi như thế. Ăn xong bát cháo nóng, mồ hôi chảy ướt đẵm, tôi thấy người có vẻ khỏe ra. Đây là cách chữa cảm sốt cổ truyền ông bà mình để lại, vẫn hiệu quả. Tôi nằm nghỉ trên giường, vắt tay lên trán suy nghĩ về nơi giam giữ mới này. Tôi cố nhớ lại quãng đường, thời gian đi, và hướng di chuyển. Vận dụng hết kinh nghiệm bao năm đi hành quân, tôi đoán, có lẽ trại tù nằm nằm sát biên giới bên đất Miên, giáp với Pleiku, phía nam KonTum (sau này mới biết, tôi đoán gần đúng). Đến chiều tối, hai chúng tôi được tháo xích, dẫn trở vào trại, họ chỉ định vào chỗ sạp trống, phía cuối lán nơi gần mấy người nước ngoài nằm, được ngăn cách bằng hai sợi giây thừng. Dưới ánh lờ mờ của ngọn đèn dầu treo trên xà nhà, Jay nhận ra tôi, giơ tay chào. Ngày hôm sau, tù binh được phát một cục xà bông hình vuông to bằng lòng bàn tay, và một hộp kem đánh răng, hình thù giống như hộp kem đánh giầy, không có bàn chải đánh răng. Xà bông cứng như đá, kem đánh răng lâu ngày nằm trong kho nên khô cứng có mùi vôi. Chúng tôi được đưa đến bên bờ con suối lớn nằm sát phía ngoài trại để đánh răng rửa mặt, không có khăn, lấy hai tay vốc nước rửa mặt, không có bàn chải, lấy ngón chỏ quẹt kem cho vào miệng chà răng, thế cũng xong. Sáng nay sức khỏe có khá hơn nhiều, đêm hôm qua đã bớt sốt, sau khi vệ sinh sáng, hai bệnh nhân chúng tôi lại được dẫn lên bệnh xá, lại bị xích vào giường và ý tá bộ đội hôm qua cũng khám, cũng chữa cho ăn hai lần như hôm qua, hết ngày lại dẫn vào trại nằm gần mấy người nước ngoài. Qua hai ngày điều trị, chúng tôi đã khỏe và không cần lên trạm xá nữa.
Ngày hôm sau, tất cả tù binh được dẫn ra ngoài, qua nhiều láng trại hầu như bỏ trống, có lẽ quân lính ở đây được điều vào chiến dịch tấn công đánh chiếm Miền Nam, đến một hội trường lớn có thể chứa được 200 người. Tôi đưa mắt quan sát, đây là căn nhà rất lớn không vách, phía trên có sân khấu, màn chiếu phim, nhiều băng ghế dài bằng tre xếp thành ba hàng, tất cả từ sân khấu, bàn ghế đến mái, vách, cột kèo đều làm bằng cây lá trong rừng, không có một cái đinh hay cọng kẽm của cái thời hiện đại này mà vẫn chắc chắn. Nếu như quân mình phải làm một doanh trại cho cả sư đoàn như thế này chắc phải tốn tiền triệu. Tụi bộ đội đưa tù nhân vào, gọi là “lên lớp”. Chính ủy trung đoàn là Trung Tá Nguyễn Tất Nhiên (cái tên rất dễ nhớ, tôi không thể quên dù đến 50 năm) đứng trên sân khấu hội trường, tay cầm micro gắn liền với cái loa cầm tay chạy pin, trên bàn để cái radio, hắn mở đầu bằng lời chào hỏi sặc mùi chính trị:
“Chào mừng các anh, chúng tôi giữ các anh ở đây là các anh được sống không phải làm bia đỡ đạn cho Mỹ Ngụy, chúng tôi đánh kẻ chạy đi không chủ trương đánh kẻ chạy lại (có tiếng vỗ tay cò mồi của mấy tên bộ đội áp tải, làm chúng tôi phải vỗ tay theo), về với chúng tôi là các anh tuyệt đối chấp hành nội quy, tuân thủ mệnh lệnh của trại, và bộ đội trông coi hướng dẫn, các anh phải ra sức học tập để thấu hiểu chủ trương, chính sách và sự khoan hồng của đảng và chính phủ đối với tù binh vân vân ...” Sau đó, hắn tự đắc phô trương chiến thắng như thế chẻ tre của phe hắn, giải phóng được Phan Rang bắt được hai tướng Việt Nam Cộng Hòa và đang trên đường tiến quân về Saigon, hắn đề nghị chúng tôi vỗ tay rồi mở lớn âm thanh đài “ Giải Phóng”, phát ra từ chiếc radio với giọng đọc hùng hổ, chát chúa của nữ xướng ngôn viên, đang huyênh hoang về việc tiến quân vũ bão của họ, để chứng minh. Sau 15 phút giải lao, một giảng viên chính trị khác nói về đề tài: “Dân tộc ta là môt, đất nước ta là một, sông có thể cạn núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (tôi nghĩ, hắn nói về đề tài này là ngầm giải thích lý do họ đánh chiếm Miền Nam). Buổi chiều, đám tù được chia ra từng tổ 20 người để thảo luận đề tài này dưới sự giám sát của cán bộ chính trị cho đến hết ngày. Đây là ngày học tập có quy củ đầu tiên kể từ khi bị bắt, và chúng tôi cũng hiểu rõ thế nào là “lên lớp”.
Những ngày ở trại tù mới này, chưa phải học tập hoặc lao động gì nhiều, phần lớn là lo ổn định chỗ ở tập làm quen với nếp sống nhà tù mới. Hàng ngày được chia toán, đi chặt phá dọn dẹp khu đất gần suối để tăng gia (trồng rau), họ có nhiều loại hạt giống rau mang từ bắc vào, có toán đi vào rừng sâu rất xa chỗ ở, nơi có nhiều kho gạo rải rác, có lẽ bây giờ họ không cần nữa nên “giải phóng” những kho này. Gạo để lâu đổ mầu vàng, phần trên bị ẩm đã mốc đen, một toán khác vác bao tải vào khu trồng khoai mì (bộ đội gọi là sắn) bạt ngàn cách xa cả chục cây số, mà lúc hành quân chúng tôi đã đi qua. Nhổ một cây là phải chặt khúc thân cây mới nhổ thành cái hom khoảng 3 tấc cắm xuống đất, như thế là một đền một. Nhờ đất rừng và cây mì có sức sống mãnh liệt, dựa bám vào nhau, vươn mình ngoi lên lấy ánh sáng, trông thật xanh tốt. Đây là loại lương thực chiến lược cho trường kỳ kháng chiến đánh chiếm Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt. Hằng ngày tiêu chuẩn một người 3 lạng (300 gram) gạo mốc độn với khoai mì, ăn với canh nấu bằng đủ loại rau rừng, lá sắn, quả sung, hộp thịt nửa Kg nấu với muối hột cho khoảng 200 tù binh, như thế cũng tạm ổn cho cái bao tử.
Người nước ngoài tiêu chuẩn có khác chúng tôi, một ngày mỗi người một lạng thịt hộp, bốn lạng gạo không độn khoai mì, canh thì dùng canh của chúng tôi và một Kilo đường cho mỗi tháng. Ăn uống như thế nên họ đổ bệnh sụt cân trông gầy gò rất thảm hại, nhất là đứa cháu gái 6 tuổi. Hàng ngày vào buổi sáng, có Bác Sĩ Liên (anh này là Trung Úy, bác sĩ làm ở bệnh viện Ban Mê Thuột) đeo ống nghe, khám bệnh cho người nước ngoài rồi báo cáo cho y tá bộ đội, chỉ là làm cho có hình thức. Có lần anh nói với tôi, “Nó bắt tôi khám mỗi ngày rồi báo cáo, tôi như tiều phu không rìu, chữa trị gì được.” Chỉ trừ anh chàng Jay có lẽ còn trẻ, và đã từng sống ”bụi ” trong công việc nghiên cứu về văn hóa Chàm nên có vẻ dễ thích nghi, không bệnh hoạn gì cả.
Anh này có nhiều kỷ niệm với tôi, thấy anh chỉ quanh quẩn trong trại, tôi đề nghị anh ta, xin cán bộ trại cho theo toán nhổ mì với tôi, ra ngoài đi lao động cho bớt tù túng. Nghe lời, anh xin và trại đồng ý. Có lần đi nhổ mì, trong lúc nghỉ giải lao dưới một gốc cây to, tôi hỏi Jay, có tin cây mì có thể cao hơn 30 mét không? Hắn đưa mắt nhìn vào đám mì bạt ngàn, cây nào cao nhất chỉ khoảng 3 mét nên lắc đầu. Tôi chỉ cho hắn một cây mì, mọc cạnh một gốc cây to, thân lớn khoảng hơn một người ôm xum xuê cao cỡ 30 mét. Cây mì dựa vào thân cây to này, len lỏi qua các cành, ngoi lên cao khỏi ngọn cây để lấy ánh sáng. Thật là quá khâm phục với sức sống bon chen mãnh liệt của cái cây mì “chiến lược” này. Nó khẳng khiu mang cái “triết lý” của sự sống. Vươn lên từ nghèo khó, không tay nắm như thằng bầu cái bí, không thân mềm uốn dẻo đeo bám như bọn giây leo, nó không chịu khuất phục bởi thằng khổng lồ to lớn với cái cây gốc to cả người ôm, nó dựa thân, luồn lách để ngoi lên lấy ánh sáng cho sự sống còn. Nó (cây mì) là thằng bon chen hay kẻ không chịu khuất phục để ngạo nghễ với trời cao?!
Và đây là những mẩu đối thoại với Jay trong lần đi nhổ mì với tôi, hắn nói:
- Sao tôi thấy Việt Cộng, mặt thằng nào cũng lì lì như chó, còn các anh thì vui vẻ, cười nói như là đi picnic?
- Anh biết chữ “lì lì như chó” là nói tiếng Việt quá giỏi rồi, tụi nó được trang bị cái tư tưởng hận thù, còn chúng tôi chiến đấu với tinh thần tự vệ nên khác nhau (lúc đó tôi giải thích thế chẳng biết có đúng không nữa). Như tôi, giờ nằm trong tay chúng nó, biết làm gì hơn là cứ vô tư chịu đựng, xem như “Xưa nay chinh chiến mấy ai về!”. Anh học tiếng Việt bao lâu mà nói giỏi thế?
- Hơn hai năm, tôi nghiên cứu về văn hóa Chàm, phải tiếp xúc thường xuyên với người Việt nên thông thạo thôi. Vì tôi thông thạo tiếng Việt, nên tụi Việt Cộng nói tôi là CIA.
- Việt Cộng nó sợ CIA các anh lắm, cho rằng CIA đã luồn lách vào từng ngõ ngách của chính quyền Saigon, mọi tầng lớp dân chúng, thu thập tin tức để chỉ huy, kiểm soát Miền Nam, họ gặp bất cứ ai cứ nói phủ đầu là CIA, ngay cả chúng tôi họ cũng nói làm việc cho CIA. Người Chàm đâu có ở cao nguyên này mà anh lên nghiên cứu, rồi để bị bắt?
- Tôi quen gia đình nhà truyền giáo Miller, lên Ban Mê Thuột thăm họ mấy ngày trước, bị kẹt lại.
Ngày tháng trôi qua, đến ngày 30 tháng 4, tụi bộ đội từ trưởng trại, chính ủy đến các cảnh vệ đều” hồ hở, phấn Khởi” tập trung chúng tôi lên hội trường, dõng dạc tuyên bố Dương Văn Minh đã đầu hàng, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đề nghị chúng tôi vỗ tay hoan hô thật to. Chúng tôi cố gắng vỗ tay cho cái thất bại của mình, lẹt đẹt miễn cưỡng làm sao ấy! Chắc không ai trong chúng tôi không rơi vào tâm trạng, buồn mất “nước”. Tại ai hay tại mình mà nên nỗi này?!... Trưởng trại tuyên bố tiếp,” Ngày mai các anh được nghỉ ngơi, ăn liên hoan mừng chiến thắng.” Chỉ có tiếng vỗ tay của phe hắn, chúng tôi lặng lẽ rời chỗ.
Thế là, chẳng biết trách ai! Mượn lời Nguyễn Du mà than cho cái “nghiệp” Miền Nam.
Đã mang cái nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!
Nguyễn Trường Sỹ
____________
Phụ chú:
Khoảng hơn một tháng Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi lại được dẫn bộ qua lối biên giới Đức Cơ, theo Quốc Lộ 19 đến quận Thanh Bình, cách Pleiku khoảng 30 cây số về hướng tây nam, nhập vào trại tù binh ở đây. Trại này giam giữ tù binh bị bắt trong cuộc rút bỏ cao nguyên của Quân Đoàn 2. Chúng tôi không được gọi là tù binh nữa, chuyển thành Học Tập Cải Tạo. Cải Tạo ở đây, tôi, với cái bản chất cố hữu bạt mạng, lại vi phạm kỷ luật, nội quy nhà tù như hồi ở quân trường, cũng chui rào ra ngoài để đổi chác, đánh lộn với bọn ăng ten, chôm chỉa rau củ của đội rau xanh, tìm mọi cách trốn học, lao động, rồi cũng bị cùm, vào nhà kỷ luật, nhưng nhờ có “khiếu” móc ngoặc kiểu đồng hương. Với châm ngôn, “khi nào chó chê cứt, thì tụi cộng sản mới chê tiền”, tôi đút lót, biếu xén cán bộ, bộ đội (tiền và đồ vật do bạn tù đưa để hối lộ) nên mọi sự vẫn êm xuôi.
Ngày 20 tháng 7 năm 1976, trại cải tạo giải tán, tất cả tù trong đó có tôi được thả, không kể cấp bậc, chức vụ, học tập cải tạo tốt hay không. Ngoại trừ những người làm trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, Phòng ban Hai, An Ninh Quân Đội, Cảnh