logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/07/2025 lúc 10:40:28(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,568

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tôi là người viết báo nghiệp dư. Từ khi khởi viết vào năm 1959, tay cầm viết luôn là nghề tay trái. Tôi sống bằng nghề tay phải khác. Cho tới nay, nghề chính của tôi là…hưu trí, viết vẫn là nghề tay trái. Tôi phân biệt viết báo và làm báo. Làm báo là lăn lộn nơi tòa soạn toàn thời gian hoặc bán thời gian để góp công góp sức hoàn thành một tờ báo. Họ có thể là chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký, thư ký tòa soạn hay chỉ là ký giả, phóng viên. Nhưng tôi nghĩ người quan trọng nhất trong tòa soạn một tờ báo là ông “thầy cò”. Thầy cò ở đây không có súng ống hay cò bóp chi mà là biến thể của danh từ tiếng Pháp corrector, người sửa morasse. Morasse là bản vỗ một bài báo cần sửa trước khi in.


UserPostedImage
Máy in typo


Đầu tiên bài báo được thảy cho thợ xếp chữ. Ngày tôi bắt đầu viết báo ở Sài Gòn tất cả các báo vẫn còn in theo lối typo. Thợ sắp chữ lựa từng con chữ bằng hợp kim, dùng một chiếc kẹp xếp vào một cái khuôn đúng kích thước một cột báo. Cái khó là họ phải sắp ngược chữ. Muốn biết ngược ra sao, chúng ta có thể để một trang báo trước gương rồi nhìn vào gương. Không quen không đọc được. Có đọc được thì cái đầu sẽ nhức như búa bổ. Thợ sắp chữ phải học để có thể đọc ngược một cách thành thạo. Xếp xong phần bài báo được giao phó, giao cho ông sếp thợ chữ, gọi là sếp typo. Ông này dùng mực quét lên bề mặt và ịn vào một tờ giấy thấm mực. Bài báo trở lại chữ xuôi như thường. Bản in này được đưa lên ông thầy cò để sửa. Ông thầy cò nhìn vào bản viết tay của bài báo so với bản vỗ để sửa từng chữ từng câu, từng cái dấu chấm dấu phẩy. Cái khó của ông thầy cò là đọc cho ra bản viết của tác giả. Ngày đó người viết đa số viết bằng tay. Mỗi người một kiểu chữ, rồng bay phượng múa hay chân chỉ hạt bột, mỗi ông một trường phái, điểm chung là chữ viết thường rất khó đọc. Gặp bài của mấy ông bác sĩ chỉ có nước khóc ròng. Chẳng lẽ mang ra tiệm thuốc tây nhờ các ông dược sĩ đọc giùm! Đọc không thông thì đoán, may ra thì trúng, không may thì trật, trúng là hồng phúc, trật thì bị nghe cằn nhằn khi báo phát hành. Tôi khởi viết trên bán nguyệt san Thời Nay từ thời còn là sinh viên. Cuối tuần tôi hay la cà tới tòa báo để nhậu nhẹt. Chẳng có chầu nhậu nào mà không bị ông Hoài Thương, thầy cò ngày đó, nắm áo hỏi chữ này chữ kia. Lúc đó tôi cun cút đọc lại bản thảo của mình, chỉ chữ sửa đúng mà không dám cằn nhằn vì bị phá quấy trong lúc nhậu. Bởi vì ông Hoài Thương còn ấm ức hơn, chưa rảnh để cụng ly với anh em. Đụng vào ông ấy không đúng thời điểm dễ bị xỉ vả lắm.


UserPostedImage
Bảng sắp chữ ngược.


Bản sửa của ông thầy cò được ông sếp typo mang xuống nhà chữ, giao cho thợ sửa lại. Xong ông sếp typo dùng máy ép, ép bát chữ vào một khuôn bằng giấy bồi, nổi lửa nấu chì thành chất lỏng, đổ vào khuôn để tạo ra một khuôn in bằng chì. Thợ in sẽ dùng đinh đóng bản chì này vào tấm gỗ của máy in. Thường thì tại bốn góc bản chì có bốn cái lỗ để khi đóng đinh, đầu đinh không bị lồi lên. Nhưng có nhiều ông thợ in làm ẩu, để đầu đinh thòi lên, khi báo in ra có bonus hình mấy cái đầu đinh lạc lõng này. Tùy theo loại máy lớn nhỏ, mỗi bản in sẽ có kích thước khác nhau. Máy in báo Thời Nay ngày đó thuộc loại in ra được 16 trang báo khổ Thời Nay. In một mặt, lật lại in mặt thứ hai. In xong, thợ gấp báo sẽ ngồi gấp lại theo thứ tự nhất định để khi in ra trang trước tiếp nối trang sau đúng số trang. Bản gấp sẽ được đưa vào máy đóng và cắt báo, vô bìa thành tờ báo tới tay độc giả. Sau này báo chí Sài Gòn có cải tiến bằng lối in offset.


UserPostedImage
Máy in offset.


Báo Thời Nay hồi đó không có máy in offset nên tôi không rành lối in này. Đại khái đây là một kỹ thuật in trong đó hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) trước đó rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy. Lối in này cho ra chất lượng hình ảnh rõ ràng hơn lối in typo. Mực in không dính đen tay khi đọc báo. Cách in offset không mới mẻ chi. Từ năm 1875 lối in này đã ra đời tại Anh nhưng kỹ thuật còn thô sơ nên không thực tế. Sau nhiều cải tiến, tới thập niên 1950, kỹ thuật in offset mới thông dụng. Ký giả Nguyễn Việt trong bài hồi ký “Nghề Làm Báo Trước Năm 1975”, cho biết chi tiết về việc báo chí Sài Gòn in offset: “Phải nói tờ Trắng Đen  trước 1975, là tờ báo được in offset đầu tiên tại miền Nam bấy giờ, vào năm 1971 (kể cả tuần báo, tuần san và tạp chí đang phải in typo với bản chì – mỗi bản chì nếu có nhiều antimoine cũng chỉ in khoảng 5.000 bản, là chữ đã mòn nhoè không đọc được nữa, còn mỗi bản kẽm in trên máy offset có số lượng không dưới 20.000 bản, hình ảnh chữ nghĩa rất rõ ràng dễ đọc…Thời gian này chưa ai nhập máy in offset rotative (máy in offset tự động), nên in một tờ báo có số lượng ấn hành hàng ngày trên 100.000 bản, phải sử dụng ít nhất là 10 máy in Offset bán tự động (bình quân mỗi giờ chỉ in được từ 4.000 đến 6.000 bản/mặt)…Khu nhà in ngày trước thường tập trung tại đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai và Võ Tánh, đa số là máy in typo hoặc được trang bị thêm máy offset đặt tay in bìa tập san, tuần san, (sau này ngành in offset chiếm hẳn thị phần, nên các khu vực trên chỉ cho thuê làm tòa soạn báo). Nhà in lớn và hiện đại lúc đó chỉ có Indeo và Nguyễn Bá Tòng còn lại chỉ thuộc loại vừa và nhỏ đều do tư nhân kinh doanh, còn khu vực in nhà nước không nhận in gia công cho tư nhân. Khi ngành in offset được tuyệt đại đa số báo chí ra ngày, tuần hay tháng đặt in, bấy giờ các chủ nhà in lại thi nhau nhập máy, như nhà in Nguyễn Tấn Đời (một nghiệp chủ ngân hàng trước khi ngồi tù vì vỡ nợ, cũng ra làm báo – tờ Việt Nam – và lập nhà in), mua về máy in offset rotative in 4 màu 8 trang đặt tại cao ốc Trần Hưng Đạo (gần khu Chợ Quán, Trần Bình Trọng), nhưng máy khai thác không hết công suất, vì tờ Việt Nam in ra không bán được. Đến một nghiệp chủ ngân hàng khác – ông Phạm Sanh – mua máy rotative về in báo mướn, đặt tại đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, sau này Phạm Sanh cũng đỗ nợ, vì buôn gạo cho Tổng Cục Tiếp Tế, nhà in bị trưng thu), nên khi nói về ngành in, thì từ năm 1972 trở đi miền Nam mới có những thiết bị tiên tiến hiện đại”.


Ngày đó tôi dùng bút bi viết trên giấy in báo. Mỗi khi tới tòa soạn, tôi thường lượm những giấy in lỗi, một mặt còn trắng, để viết. Không phải vì tiện tặn nhưng viết bằng bút “nguyên tử” trên giấy báo rất ăn mực. Ông Khánh Giang khi đó là Thư Ký Tòa Soạn, ngồi làm việc tại tòa báo, có sẵn chiếc máy chữ loại xách tay Olympia nên viết bằng máy chữ oai hơn. Chữ đánh máy rõ ràng hơn, rất vừa ý ông Hoài Thương, miễn là ông Khánh Giang không lười biếng thay băng mực. Có những khi băng mực gần cạn, chữ hiện lên khi trồi khi sụt, hai ông lại có dịp vặc nhau cho vui cửa vui nhà. Máy chữ hồi đó là máy chữ tây nên không thèm có dấu chữ Việt. Đánh máy xong phải ngồi dùng bút vẽ thêm dấu vào rất mất thời giờ. Thời giờ của ông Khánh Giang là…rượu nên nhiều khi, sẵn có tôi ngồi chờ nhậu, ông thảy cho tôi bỏ dấu. Một thằng viết, một thằng bỏ dấu, có khi bỏ dấu sai. Báo in ra hai ông cãi cọ, khi đó tôi không có mặt tại tòa soạn nên vô tội vì thủ phạm đang tại đào. Sau này tôi nghe nói có loại máy chữ có thể đánh dấu tiếng Việt được nhưng tôi chưa bao giờ có dịp sử dụng.




Ba thập niên sau, khi tôi viết trên đất người, có computer nên máy đánh chữ dù có thể đánh dấu hay không đều đi vào dĩ vãng. Tôi lên đời từ viết bằng bút “nguyên tử” (nghe hiện đại phát ớn!) qua thẳng computer, không thèm biết tới máy đánh chữ. Chuyện này khiến tôi loạng quạng. Năm 1990, sau thời gian 5 năm ổn định cuộc sống nơi đất mới, tôi cầm bút trở lại. Thoạt đầu, tôi viết truyện ngắn cho các báo Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 ở Califronia và tờ Làng Văn ở Toronto, Canada. Có computer nhưng sau bao nhiêu năm cầm bút đúng nghĩa, chỉ viết bằng bút, tôi không quen viết trên máy. Tôi gọi cái màn hình computer là “anh mặt vuông”. Nhìn cái mặt không giống ai này không ra chữ. Đành lại viết tay rồi đánh computer lại. Nhờ thế mà tới giờ tôi vẫn còn thủ bút các truyện ngắn của tôi. Nhưng từ năm 2004, khi bắt đầu viết phiếm, tôi viết thẳng vào cái anh mặt vuông. Chữ vẫn ra ào ào. Hóa ra chỉ là thói quen. Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. Cứ bén hơi là mọi chuyện suông sẻ.


Gõ computer có nhiều cái tiện lợi so với máy đánh chữ. Thứ nhất là gõ thiếu, gõ sai, có thể xóa đi gõ lại một cách dễ dàng. Dùng máy đánh chữ, khi sai phải dùng dung dịch xóa đi vừa mất mỹ thuật vừa lích kích. Sai nhiều hoặc muốn bỏ một đoạn dài phải bỏ đi đánh lại vào một tờ giấy khác. Máy đánh chữ chỉ đánh được một bản, muốn có nhiều bản phải dùng giấy carbon và đánh mạnh tay. Cũng chỉ thêm được tối đa 5 hoặc 6 bản. Những bản sau mờ tịt không thấy rõ. Bản đánh bằng computer muốn in ra bao nhiêu bản cũng đặng. Tôi ở Montreal viết cho nhiều báo ở bên Cali. Đánh bài bằng computer, lưu lại, gửi e-mail bài đi. Báo bên Mỹ chỉ việc dàn trang in, không phải đánh máy lại lôi thôi chi.


Dùng computer có bộ gõ đánh tiếng Việt rất tiện lợi, dấu chi cũng đánh được. Các kỹ sư điện toán Việt Nam đã bỏ nhiều công sức sáng chế ra nhiều bộ gõ tiếng Việt. Bộ gõ WinVNKey, OpenKey, TocKyVNKey, GoTiengViet, VietKey, EVKey. Tôi chỉ dùng VNI trước đây và Unikey bây giờ nên chỉ biết hai bộ gõ này.


UserPostedImage
Ông Hồ Thanh Việt - cha đẻ của font chữ VNI


Kiểu gõ và bộ chữ VNI do kỹ sư Hồ Thành Việt sáng tạo vào năm 1987. Ông là người đầu tiên sáng tạo ra các font chữ quốc ngữ có dấu để dùng trên computer. Khi tôi bắt đầu đánh chữ Việt trên computer, giá của bộ VNI khá đắt. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu nhưng tôi phải xin một anh bạn bên Mỹ về download xuống. Mỗi bộ VNI bán trên thị trường có thể download xuống dược một số lần nhất định. Anh bạn mới download một lần để dùng nên bằng lòng cho tôi download tiếp không tốn xu nào. Ngặt cái anh ở bên Mỹ, tôi ở Canada, anh phải gửi qua bưu điện cho tôi download xong phải gửi bưu diện trả lại anh. Lích kích nhưng không có cách nào khác. Có một chuyện vui vui khi gửi qua gửi lại như vậy. Gói hộp VNI anh bạn gửi qua phải khai nội dung có gì, giá bao nhiêu. Anh bạn tôi khai “VNI font”, ông quan thuế Canada không biết bữa đó có bị vợ la rầy hay không mà chữ tác nhìn ra chữ tộ, đọc ra là “vitamine”, thuốc bổ. Ông nã thuế mấy chục đồng tôi không nhớ rõ. Tôi phải nộp tiền khi nhận. Nhưng tôi khiếu nại đòi lại. Thư đi thư lại không biết bao nhiêu lần, quan thuế Canada đành trả lại tiền cho tôi.


Ông Hồ Thành Việt, một cựu sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã mất sớm. Ông qua đời vào năm 2003 vì ung thư phổi khi chỉ mới 49 tuổi.
Tới chừ tôi không dùng VNI nữa. Chắc nhiều người khác cũng vậy. Bởi vì Unikey ra đời, tiện lợi hơn, dễ dùng hơn. Hầu như bây giờ Unikey ăn trùm. Tác giả bộ gõ này là Phạm Kim Long, theo học trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội niên khóa 1991-1996, tốt nghiệp loại giỏi. Từ năm 1997 làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ Thuật Praha, Cộng hòa Séc. Bộ gõ tiếng Việt Unikey được anh Long bắt đầu thực hiện từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường vào năm 1994 dành cho hệ điều hành MS-DOS. Chuyện thực hiện Unikey có một chút vui vui. Khi đó đang học năm cuối trường Bách Khoa, anh Long cùng ba người bạn cùng lớp thách dố nhau xem ai tạo ra bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn nhất dành cho hệ điều hành DOS. Kết quả anh Long dành chiến thắng với bộ gõ chỉ 2Kb siêu nhỏ gọn, một sản phẩm có thể coi là phiên bản đầu tiên của Unikey sau này. Tới năm 1988, anh mới thực hiện phiên bản dành cho Windows với tên gọi LittleVnKey để dùng và tặng cho bạn bè. Mãi tới năm 2000, anh đang bí đề tài làm luận án tốt nghiệp, anh lân la trên một diễn đàn tin học nổi tiếng thì thấy nhiều người bàn luận chuyện gõ tiếng Việt trên máy tính Windows với tiêu chuẩn Unicode, anh mới hoàn thiện Unikey.


UserPostedImage
Cha đẻ bộ gõ Unikey Phạm Kim Long.


Máu sáng tạo nổi lên, anh quyết định tạo một bộ gõ miễn phí để giúp mọi người dùng computer đánh tiếng Việt. Anh bỏ ra một đêm để thiết kế, hai đêm mã hóa mới cho ra phiên bản hoàn chỉnh mang tên Unikey. Năm 2001, anh quyết định công bố mã nguồn mở Unikey để mọi người download thoải mái không mất xu teng nào. Hành động đáng quý của anh bị các người làm thương mại với các bộ gõ họ đang bán chỉ trích. Họ tung tin đồn Unikey của anh có virus kèm bên trong. Dân dùng computer để viết tiếng Việt không care. Sự đơn giản, tính tiện lợi và nhất là chuyện không phải móc tiền ra để có được Unikey khiến cho bộ gõ của anh Long phổ biến nhanh chóng. Năm 2006, Apple đã liên lạc với anh Phạm Kim Long để dùng Unikey trên các phôn, máy tính bảng hệ điều hành macOS và iOS của họ. Nếu muốn thu lợi, đây là cơ hội bằng vàng cho anh bỏ túi một núi tiền nhưng anh đã bất ngờ tặng luôn Unikey cho Apple hoàn toàn miễn phí. Anh giải tích hành động…quân tử Tầu của anh : "Việc Unikey trở thành phần mềm miễn phí là rất tự nhiên, vì nó ra đời từ chính nhu cầu của người dùng cần một chương trình bàn phím miễn phí. Hơn nữa, khi làm được gì hay thì lẽ rất tự nhiên là muốn chia sẻ với người khác. Mình không có ý đối lập với những người viết chương trình thương mại, họ làm ra chương trình để kiếm sống bằng lao động của họ là điều hoàn toàn chính đáng. Mình cũng sống bằng viết phần mềm nhưng Unikey thì không phải phần mềm kiếm sống. Unikey là một thú giải trí của mình, như vậy viết Unikey cũng chính là phục vụ cho mình vậy. Mình sẽ luôn duy trì Unikey là phần mềm miễn phí. Mà hơn nữa Unikey là open source (mã nguồn mở), ai cũng có thể lấy nó về phát triển thêm".


Năm 2025 này, Unikey tròn 31 tuổi, tuy già nhưng vẫn ăn trùm, được mọi người đánh tiếng Việt trên computer ưa dùng. Họ không trực tiếp được gặp con người có lòng này nhưng trong thâm tâm, mỗi khi ngồi vào bàn làm việc, họ vẫn thầm cám ơn người đã sáng tạo ra Unikey. Trong số đó, có tôi!

05/2025
Song Thao/Viết Báo

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.102 giây.