Thông thường đến ngày Thứ Bảy, bạn bè chúng tôi mới gọi nhau nói chuyện trên trời dưới đất, hôm nay
chưa đến ngày thứ Bảy, bạn tôi đã gọi nói chuyện, rồi đột nhiên hỏi:
- Thu Cúc còn nhớ câu chuyện người con hiếu thảo với đôi bạn tri kỷ trong điển tích của Tàu không?
Tôi nghe đến điển tích Tàu thì hơi dị ứng. Nước Việt Nam chúng ta tuy cùng chung nguồn gốc từ
phương Bắc nhưng chúng ta vẫn có bản sắc dân tộc riêng. Sau đó, bị Tàu đô hộ, rồi chịu ảnh hưởng
sâu nặng của Tàu, cho nên chuyện gì cũng học theo Tàu. Từ lời nói đến văn chương sách vở, từ tư
tưởng đến triết lý, cách sống cách suy nghĩ... Cầm bút mà trích dẫn Tàu càng nhiều càng chứng tỏ mình
thông thái hiểu biết. Câu chuyện con có hiếu mà bạn tôi hỏi, là chuyện một anh chàng có mẹ già khi làm
lính ra chiến trường, cứ ru rú núp sau lưng một người bạn để giữ mạng sống của mình lấy cớ là có mẹ
già phải lo. Mọi người cười anh chàng hèn nhát, bạn của anh ta binh vực nói:
- Không phải y hèn nhát, chỉ vì y còn có mẹ già nên mới làm như vậy, mong còn sống sót mà về nuôi mẹ
già.
Người bạn của y vì cứ xung phong đi đầu để che chở cho thằng bạn hiếu thảo cho nên dễ bị ăn đạn. Khi
bạn chết, anh chàng khóc lóc thảm thiết và kêu:
- Sinh ta ra là mẹ ta, hiểu ta chính là người bạn này của ta.
Những chuyện hiếu của Tàu như vậy đầy rẫy trong Nhị Thập Tứ Hiếu của Quách Cự Nghiệp, Lý Văn
Phức đã dịch và diễn thành thơ song thất lục bát. Một người con có hiếu theo quan niệm của Tàu có hai
trách nhiệm mà họ gọi là tiểu hiếu và đại hiếu. Tiểu hiếu dùng để chỉ những công việc chăm sóc cha mẹ
hằng ngày, còn người biết thực hiện những ước mơ hoài bão lớn lao của cha mẹ thì gọi là đại hiếu.
Nhưng sách vở của Tàu thường ca ngợi những người con biết chăm lo chu đáo cho cha mẹ từ miếng
ăn cho đến giấc ngủ để bảo toàn sự sống cho cha mẹ hơn.
Quan niệm chữ hiếu của Việt Nam
Quan niệm chữ hiếu của Việt Nam cũng tương tự, nhưng Việt Nam coi trọng vấn đề đại hiếu hơn, gắn
liền chữ hiếu với chữ trung. Thơ văn của ta từng viết:
Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau gánh vác sơn hà,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thiền sư Lê Mạnh Thát, phát hiện từ Lục Độ Tập Kinh, cũng cho rằng chữ hiếu của dân tộc Việt Nam có
khác với quan niệm của người Tàu. Người con hiếu của Việt Nam là người con biết thực hiện ước mơ
hoài bão của cha ông hơn là chú trọng đến việc chăm sóc hầu hạ cha mẹ hằng ngày.
Một người con nêu gương hiếu thảo đáng ca ngợi và đã được lịch sử ghi danh tôi muốn giới thiệu ở đây
là một vị anh hùng dân tộc, một con người mà vẫn còn làm cho kẻ thù phương bắc khiếp sợ khi cuốn cờ
tháo chạy: đó là Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần của triều Lê, người đã có công đánh tan giặc Minh
năm 1427.
Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, một nhà quân sự lỗi lạc, là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất
của Việt Nam; ông cũng là một danh nhân Văn Hóa Thế Giới, nhưng ở đây tôi chỉ xin nói đến một khía
cạnh nhỏ trong tính cách của Nguyễn Trãi, đó là chữ hiếu.
Nguyễn Trãi cùng cha là Nguyễn Phi Khanh làm quan cùng triều nhà Hồ. Năm 1407, quân Minh sang
xâm chiếm nước ta, triều thần Hồ Quý Ly không địch nổi phải thua chạy, bị quân Minh bắt đem về Tàu,
trong số đó có Nguyễn Phi Khanh. Là con hiếu thảo, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng đi theo
hầu hạ cha.
Đến Ải Nam Quan, khi sắp bước qua vùng rừng núi trùng điệp chia cắt giữa hai nước, ra đi là không có
ngày trở về, Nguyễn Phi Khanh đã khuyên Nguyễn Trãi nên quay về Thăng Long, không cần theo cha
hầu hạ. Nguyễn Trãi phải quay về, đem tài trí để đánh đuổi kẻ thù, phục hưng đất nước, trả thù cho cha,
đó mới là đứa con có hiếu.
Lời cha dạy, người con hiếu sao dám trái lời? Nguyễn Trãi đành gạt nước mắt quay về Nam, để em
mình là Nguyễn Phi Hùng theo chăm sóc cha. Bỏ tình cha về lo việc nước, giây phút chia ly sinh tử này
đã trở thành đề tài cho vở kịch thơ Hận Nam Quan của Hoàng Cầm:
Nghe cha nói tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê.
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm,
Rời Nam Quan con theo gió bay về.
- Ôi sung sường trời cao chưa nỡ tắt,
Về ngay đi ghi nhớ hận Nam Quan.
Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt.
Cha nguyện cầu con lấy lại giang sơn...
Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh, dựng lên triều đình nhà Lê hùng mạnh, đã thực hiện
được mộng ước của cha: Người con hiếu không phải chỉ biết ở bên cạnh cha mẹ, chăm lo những việc
ăn uống hằng ngày mà chính là phải có một chí hướng lớn, phải biết đem tài trí xây dựng đất nước, làm
vẻ vang đất nước cũng là làm rạng danh dòng tộc của mình. Nguyễn Trãi đúng là một người con hiếu lý
tưởng đáng cho dân tộc Việt Nam noi gương, và Nguyễn Phi Khanh đúng là một người cha có tâm hồn
quảng đại đã sinh ra một vị anh hùng sáng chói trong lịch sử Việt Nam.
Những vị quan có hiếu
Lịch sử việt Nam không phải có ít gương hiếu thảo. Sử sách còn ghi lại và tôi xin giới thiệu ở đây một
gương hiếu thảo khác, đó là Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một vị quan dưới triều đại Nhà
Nguyễn.
Nguyễn Khuyến đậu Hoàng Giáp và làm quan dưới triều vua Tự Đức, nổi tiếng là một vị quan thanh liêm
chính trực. Ông cũng nổi tiếng là người con có hiếu. Khi ông đi làm quan, người mẹ hiền của ông căn
dặn ông không được nhận hối lộ, ăn của đút lót của dân. Nhớ lời mẹ, ông nổi tiếng là vị quan thương
dân. Mỗi lần bà đến thăm ông, nếu thấy có vật gì khác thường, bà hỏi rõ căn do, nếu là của một người
dân nào đó để lại mà Nguyễn Khuyến không hay biết, bà bắt ông cho người đem trả ngay.
Một gương hiếu thứ hai cũng làm cho tôi rất cảm động, đó là Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San. Quê
ở làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định, ông với Nguyễn Khuyến cùng theo học thầy Hoàng Giáp Phạm Văn
Nghị, cùng đậu Hoàng Giáp, làm quan cùng triều vua Tự Đức. Trần Bích San là người có chí lớn, muốn
đem tài năng giúp nước giúp dân. Ông từng dâng sớ vạch rõ thói quan lại tham nhũng lúc bấy giờ.
Ông cũng đề xuất nhiều kiến nghị cải tổ giáo dục, tuyển chọn nhân tài, phòng thủ đất nước, nhưng tiếc
thay, triều đình Tự Đức và phe thủ cựu đã không nghe ý kiến của ông cũng như của nhiều nhà yêu nước
tiến bộ khác lúc bấy giờ nên đã để đất nước lụn bại, rơi vào ách đô hộ của kẻ thù. Trần Bích San cũng
nổi tiếng là người con chí hiếu.
Theo Lê Ngọc Trác (tài liệu chưa xuất bản của Hoàng Đạo Thúy), khi làm tri phủ ở An Nhơn, thấy địa
phương có lụa đẹp, ông mua một tấm lụa rồi sai người đem về quê biếu mẹ. Mẹ ông chiêu đãi người
mang lụa rất chu đáo rồi gởi lại cho ông một gói đồ. Khi mở gói ra, vị quan tri phủ An Nhơn thấy tấm lụa
đẹp còn nguyên nhưng kèm theo là một cây roi mây! Hiểu ý mẹ hiền, ông tự nằm xuống đánh mình ba
roi và hướng về quê lạy tạ mẹ, người mẹ đã dạy cho ông một bài học cao quý: không được lợi dụng
quan sai để lo việc cho riêng mình.
Ôi! Những bà mẹ hiền và những người con hiếu, những vị quan cao thượng!
Đây là những bài học vô giá đáng được nêu gương ở nơi cửa quyền của mọi thời đại. Thanh liêm chính
trực là yêu nước yêu dân, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh. Những bài học hay của lịch sử nên
được phổ biến rộng rãi ở nơi mà nạn hối lộ đã tràn lan như một bịnh dịch nguy hiểm có thể đưa đất
nước đến chỗ suy vong
Giữ chữ hiếu mà vẫn không quên bổn phận đối với quốc gia dân tộc, nước mất thì lo cứu nước, xông
pha chiến trường, tiếc chi mạng sống của mình. Nguyễn Trãi đã bao lần cầm quân tấn công kẻ thù, câu
chuyện của một sĩ phu yêu nước sau đây càng cho ta thấy tinh thần cao đẹp của người con hiếu Việt
Nam.
Một người con hiếu, một vị anh hùng
Hồ Huân Nghiệp là người nổi tiếng về tài thơ văn được các bậc sĩ phu miền Nam kính trọng. Khi cha ông
qua đời, ông làm nhà bên cạnh mộ để chăm lo mộ cha, không màng danh lợi, ông chỉ lo dạy học và
chăm sóc mẹ già. Khi Pháp chiếm ba tỉnh Miền Nam năm 1862, ông theo Trương Định khởi nghĩa
chống Pháp. Chẳng bao lâu ông bị Pháp bắt, bị tra khảo nhưng ông quyết không khai tên người thủ lãnh.
Ông bị Pháp hành hình ngày 17 tháng 4 năm 1864. Trước khi bị đưa đi hành hình, ông ung dung sửa lại
y phục chỉnh tề và làm một bài thơ cảm tác:
Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ,
Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ.
Thân này sống chết khôn màng nhắc,
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ.
(Bản dịch của Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang)
Một người con có hiếu sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, có đâu như anh chàng có hiếu trong điển tích của
Tàu trên kia? Lòng hiếu của Hồ Huân Ngiệp làm cho ta cảm động, lòng yêu nước mãnh liệt làm cho ta
cảm phục, cái chết của ông thật khẳng khái hiên ngang, đọc chuyện của ông có ai không trào nước mắt?
Những giọt nước mắt cảm phục và đầy tự hào. Một người con hiếu, một người yêu nước, một vị anh
hùng của dân tộc Việt Nam, vậy mà thực dân Pháp dám đem ra hành hình, chúng có quyền gì? Chúng
là những kẻ không có tính người, không biết đạo lý, chúng là những kẻ cướp tàn bạo dã man.
Chữ hiếu trong thời đại ngày nay
Thời đại đã thay đổi, quan niệm sống cũng thay đổi theo nhưng quan niệm về chữ hiếu vẫn giữ lại hai
điều căn bản như xưa. Con cái phải lo học hành thành đạt và không quên bổn phận phải lo cho cha mẹ
khi họ về già. Ở nước Việt Nam, một nước nghèo nàn lạc hậu, khi lập gia đình sinh con, cha mẹ đã bỏ
hết công sức làm việc lo xây dựng cho con cái một cuộc sống đầy đủ, một tương lai vững vàng, vì vậy
khi cha mẹ già yếu con cái có bổn phận chăm sóc cha mẹ, đó là đạo lý tự nhiên. Xã hội Việt Nam chưa
có những chế độ phúc lợi xã hội dành cho người già, nên việc con cái chăm sóc cha mẹ càng cần thiết
hơn nữa. Đó là đạo lý đầu tiên để đánh giá một con người. Một người con không có hiếu, làm sao trở
thành một công dân tốt? Một nhà lãnh đạo tốt? Cho nên chữ hiếu vẫn là một điểm căn bản thiết yếu
trong vấn đề giáo dục con người.
Cuộc sống ngày nay quay theo những nhịp điệu hối hả, con cái phải đuổi bắt công việc suốt ngày, không
có thì giờ lo cho cha mẹ già, xã hội Việt Nam ngày nay cũng đã kịp thời mở ra những phương tiện hổ trợ
cho người con hiếu. Nhà dưỡng lão đã có từ trước nhưng rất ít, phần lớn do các hội từ thiện như nhà
thờ hoặc chùa tổ chức. Hiện nay cũng có vài nhà dưỡng lão đặc biệt như Viện Dưỡng Lão Thị Nghè
dành cho công nhân viên nhà nước, Viện Dưỡng Lão Văn Nghệ Sĩ ở đường Âu Dương Lân dành cho
giới văn nghệ sĩ. Để đáp ứng nhu cầu con hiếu ngày càng cao, Hà Nội mở ra nhà Báo Hiếu kịp thời giúp
cho các gia đình có tiền nhưng không có thì giờ chăm sóc cha mẹ già. Ở Sài Gòn có Làng Ba Thương,
khu Dưỡng Lão Bình Mỹ ở Củ Chi là nơi lý tưởng dành cho người già có tiền, cán bộ cao cấp... Những
ngôi nhà ngói đỏ nằm giữa vùng cây lá xanh tươi hoa cỏ rực rỡ đã thu hút nhiều người bạn của tôi ở Mỹ,
họ nói họ sẽ về ở đó khi họ già yếu, họ nói khi họ già yếu, họ muốn được chăm sóc bởi những người
cùng quê hương nguồn cội thân thương.
Những người con hiếu ở Mỹ
Tôi không nói là tôi đã hiểu hết cuộc sống của người Việt Nam trên đất Mỹ, nhưng những người tôi đã
liên lạc hay gặp gỡ tôi thấy họ sống rất hạnh phúc đầm ấm với con và cháu của họ. Con họ là những
người con biết gắn bó với gia đình, biết chăm lo cho cha mẹ. Khi tôi mới qua Mỹ, bạn tôi, Châu ở
Connecticut, gọi tôi nói:
- Cúc qua đây ở chơi với mình vài tháng. Nhà mình rộng lắm, ở chi bên San Jose thuê nhà tốn tiền.
Thấy tôi không đi được, Châu nhờ Bích Liên, một người bạn khác, đi cùng tôi. Bích Liên nói:
- Mình đi thì ông xã mình cũng đi cùng. Qua nhà Châu, ba bà già ôm nhau kể chuyện đời xưa thì ông xã
mình biết nói chuyện với ai?
-Liên ơi Liên, con trai mình nói nó sẵn sàng đóng cửa phòng Nha một tuần để ở nhà tiếp chú Lộc.
Chồng Châu vừa mới mất, con gái dọn về ở cùng với mẹ giúp mẹ vơi bớt đau buồn. Con trai muốn mẹ
giải khuây cũng sẳn sàng nghỉ việc để tiếp khách của mẹ. Châu thật là hạnh phúc, nhiều người trong bạn
bè cũng phải ganh tị.
Tôi vừa tiếp một người bạn từ Indiana qua chơi. Hoa nói:
-Nhà Hoa ở Indiana, Hoa có ba người con. Suốt chín tháng, vợ chồng Hoa thay phiên nhau ở nhà mỗi
đứa con ba tháng, ba tháng còn lại vào dịp hè thì hai vợ chồng đi du lịch. Hoa nói, con trai lớn ở
Connecticut đã mua vé cho vợ chồng Hoa tháng sau qua đó rồi, con gái ở Texas nghe vậy kêu lên: “ Em
đã mua vé cho ba mẹ rồi, sao anh lại dành ba mẹ của em?” Tiếng Hoa vừa kể vừa cuời nghe lao xao
như cơn gió hạnh phúc, trong khi chồng Hoa ngồi gật gù ra vẻ sung sướng chẳng kém gì vợ. Một người
anh họ của tôi ở Maryland, vợ chết cách đây ba năm nhưng anh nói anh chưa bao giờ biết nấu cơm. Tôi
kêu lên:
- Anh qua Mỹ mấy chục năm rồi mà anh chưa biết nấu cơm! Anh có phải đang ở Mỹ không vậy? Có phải
anh đang sống trong giấc mơ không vậy?
Anh cười hề hề nói:
- Anh chưa bao giờ biết nấu cơm chứ đừng nói tới nấu canh, khi chị còn sống cũng vậy mà bây giờ cũng
vậy. Mấy đứa con của anh ở gần đây lo cho anh hằng ngày. Con dâu trưởng của anh giỏi lắm, nó lo cho
anh nhiều nhất.
- Anh đúng là số sinh bọc điều. Em chưa thấy ai ở Mỹ mà sướng như anh. Rể của em người Mỹ, buổi
chiều đi làm về, vợ của nó nấu canh thì nó nấu cơm...
Câu chuyện hay về một người con hiếu Việt Nam: Cô gái có chồng là người Mỹ, từ ngày cô đưa cha mẹ
già qua Mỹ, cô cùng với anh, chị và em chăm sóc cha mẹ rất chu đáo. Tình gia đình thắm thiết của
người vợ Việt Nam đã thổi một làn hơi ấm nồng nàn vào trái tim của anh chồng người Mỹ đẹp trai. Anh ta
một hôm bỗng nói với vợ: “Từ nay anh sẽ gọi điện thoại về thăm mẹ mỗi tuần một lần”. Thật là một tin tốt
lành. Ít lâu sau anh ta lại nói: “Từ nay anh sẽ gởi tiền về biếu cha mẹ mỗi tháng một lần.” Tôi có thể
tưởng tượng được nỗi hân hoan vui sướng của cặp cha mẹ già này vào mỗi chiều Thứ Bảy khi họ nhận
được điện thoại của con trai, điều mà it khi xảy ra trong quá khứ, và mỗi tháng nhận thêm một niềm vui
mới nữa. Ai dám bảo ngọn đèn của gia đình Việt Nam không sáng bằng ngọn đèn của gia đình người
Mỹ? Truyền thống hiếu thảo tốt đẹp của người Việt chúng ta thật đáng tự hào.
Những gia đình bạn bè của tôi quanh đây đều có cuộc sống êm đẹp như thế. Người Việt Nam dù sống
lưu vong vẫn không quên nền tảng gia đình theo truyền thống quê hương. Họ nuôi con và dạy con rất tốt
và con cái họ đều thành đạt trên đất Mỹ, hội nhập vào xã hôi Mỹ mà vẫn giữ được nếp sống đạo đức
theo luân lý Việt Nam. Chuyện con hiếu vẫn còn nhiều quanh đây nhưng chuyện con không có hiếu
không phải là không có. Ở Việt Nam cũng có mà ở Mỹ cũng có. Một đứa trẻ đi đến trường bao giờ cũng
nhận được những điều hay tốt đẹp, nhưng khi ra đời trở nên tốt hoặc không tốt, hậu quả đó còn do sự
giáo dục của gia đình và môi trường sống của xã hội. Muốn con cái có hiếu, trước hết cha mẹ phải là
những người con hiếu để con cái noi theo. Những người mẹ Việt Nam nên học theo gương Mẹ của
Nguyễn Khuyến, Mẹ của Trần Bích San để sinh ra những đứa con đầy nhiệt huyết, thanh liêm, chính
trực và hiếu thảo thì có lợi cho đất nước biết bao!
Cao Thu Cúc