Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải).Một blogger Việt Nam được thế giới biết tiếng vừa đoạt Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 do Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ trao tặng.
Giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những ngòi bút bất chấp sự đàn áp, can đảm tranh đấu và hy sinh vì một nền báo chí tự do được trao cho blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam cầm với bản án 12 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Điếu Cày là một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, một mạng báo ‘công dân’ độc lập tại quốc gia mà tất cả báo chí truyền thông đều của nhà nước và bị kiểm duyệt gắt gao.
Cùng được vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm nay, ngoài Điếu Cày còn có 3 ký giả người Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ai Cập.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả nói trong thời đại thông tin toàn cầu hiện nay, 4 nhà báo được vinh danh đã vượt qua sự kiểm duyệt và đàn áp để mang đến tin tức trung thực cho người dân.
Ông Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJxÔng Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJ
Giám đốc điều hành CPJ, ông Joel Simon, nhấn mạnh quốc tế ghi nhận công lao của các ngòi bút này vì sự can đảm, dấn thân, và không cam chịu bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
Điều phối viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký giả, Bob Dietz, nói với VOA Việt ngữ:
“Trường hợp của Nguyễn Văn Hải là một ví dụ cho thấy vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam, nơi mà nhà nước không chỉ kiểm duyệt báo chí gắt gao mà còn đàn áp cả truyền thông xã hội, những tiếng nói độc lập trên mạng. Ông Hải là một nạn nhân điển hình trong số những người bị nhà nước nhắm mục tiêu hòng bóp nghẹt những tiếng nói không theo lề đảng.”
Vợ blogger Điếu Cày, bà Dương Thị Tân, nói Giải thưởng này không chỉ dành riêng cho chồng bà mà cho tất cả các blogger chống lại áp bức tại Việt Nam:
“Dù bất cứ sự vinh danh nào hoặc một sự chú ý, hỗ trợ nào từ cộng đồng quốc tế cũng như của cộng đồng người Việt khắp nơi, gia đình chúng tôi cũng rất lấy làm vinh hạnh vì mọi người đã biết đến những sự cống hiến, hy sinh của ông Hải nói riêng cũng như của cộng đồng blogger ở Việt Nam nói chung đang chịu sự đàn áp rất hà khắc của chính quyền cộng sản Việt Nam.”
Tải để nghe để nghe bài tường thuậtBà Tân cho rằng Giải Tự do Báo chí Quốc tế của blogger Điếu Cày là một ví dụ nữa cho thế giới thấy rõ hiện trạng tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Bà Tân tiếp lời:
“Tất cả mọi giải thưởng dành cho những người làm báo ở Việt Nam đều là tôn vinh sự can đảm, sự hy sinh của những người dám cầm bút nói lên chính kiến của mình, tố cáo sự bất công và những việc làm sai trái của nhà cầm quyền.”
Blogger Điếu Cày viết về các vấn đề chính trị nhạy cảm, phê phán nạn tham nhũng, và phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa-Trường Sa. Ông cũng kêu gọi các cuộc tuần hành chống rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Sài Gòn hồi cuối năm 2007.
Bắt đầu từ năm 2008, ông bị giam 5 tháng sau khi sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do không được nhà nước công nhận. Tháng 9 năm đó, ông bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’ mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế xem là cái cớ của Hà Nội để ngăn chặn các bài viết chỉ trích nhà nước.
Sau khi mãn án, Điếu Cày vẫn tiếp tục bị giam trong lúc nhà chức trách điều tra các bài blog của ông bị cho là ‘tuyên truyền chống nhà. Các cáo buộc này dẫn tới bản án 12 năm tù tiếp theo của Điếu Cày, khiến quốc tế phẫn nộ và mạnh mẽ lên án thành tích nhân quyền xuống dốc của Việt Nam Blogger Điếu Cày từng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trao Giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các nhà báo bênh vực nhân quyền, cổ súy dân chủ trên thế giới.
Trong Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm rồi, ông đã được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh khi nhắc tới các ngòi bút bị đàn áp chính trị.
Giải Tự do Báo chí Quốc tế thường niên đã xuất hiện trên 20 năm nay. Lễ trao giải 2013 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ sẽ được tổ chức tại thành phố New York, Hoa Kỳ, vào ngày 26/11 tới đây.
Việt Nam là nhà tù lớn thứ nhì tại Châu Á giam cầm các nhà báo, với ít nhất 14 ký giả đang bị giam cầm, theo khảo sát của CPJ.
Nhiều người trong số này bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về tội ‘chống nhà nước’ liên quan đến các bài blog thể hiện quan điểm cá nhân của họ.
Vẫn theo CPJ, nhà cầm quyền Việt Nam đang gia tăng kiểm soát internet trong lúc tăng cường đàn áp quyền tự do báo chí.
CPJ tố cáo chiến dịch trấn áp các blogger độc lập tại Việt Nam leo thang trong năm nay với các án tù nặng nề, các vụ bắt bớ mới, cùng nhiều hình thức sách nhiễu khác nhau.
Theo VOA