Khi iPhone 5s khai màu lên sóng tin tức, các tín đồ công nghệ Việt Nam cũng lên cơn sốt.
Tuy Việt Nam không phải là quốc gia được đại công ty Apple chọn mở hàng sản phẩm mới, nhưng không vì thế mà những "tín đồ" của cố "giáo chủ" Steve Jobs không hướng về "thánh đường" công nghệ di động thông minh để ngóng chờ hàng xách tay.
Trong một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 Sài Gòn, điện thoại di đông reo liên tục. Những cú điện thoại miễn phí thông qua Viber, Tango... vẫn luôn nôn nóng tìm kiếm iPhone đời cũ rớt giá, cũng như tìm kiếm cả những ai đầu tiên chơi trái táo cắn dở 5s để nghe tường thuật cảm giác về "cục sắt" thông minh mới ra lò.
Hiện nay, trên tay người Việt gần như đủ cả mọi thương hiệu điện thoại di động và máy tính bảng. Có vẻ thị trường này không hề bị ảnh hưởng bởi kinh tế nội địa suy thoái hay toàn cầu bất thường. Thị trường hàng xách tay smartphone, thực chất là buôn lậu, còn cho thấy miếng bánh lợi nhuận khổng lồ thuộc hệ thống đặc quyền đang ở trên mọi sự kiểm soát
Có thể dễ hiểu khi người nông dân vùng sâu đến người mua bán ve chai ở phố đều sẵn sàng móc túi chi trả cho nhu cầu a lô di động. Nhưng vẫn luôn là chuyện bí hiểm khi nhìn thấy giới trẻ, có người còn sống nhờ gia đình, vẫn sẵn sàng chi từng xấp ngoại tệ mạnh để đua theo các dòng công nghệ smart phone.
Bước vào quán cà phê sang trọng, các tụ điểm giải trí, hình ảnh dễ thấy nhất là giới trẻ "nói, rờ, quẹt, bấm" với cục sắt thông minh nhiều hơn là tán chuyện với người cùng bàn, cũng như quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính trị...
Hiện tượng "yêu" điện thoại thông minh và không tiếc thời gian mơ màng giải trí với thế giới ảo là hiện tượng có tính toàn cầu. Giới yêu công nghệ di động cá nhân thông minh ở Việt Nam cũng tự hào cập nhật đủ vẻ đẹp trí tuệ để xứng đáng yêu các "nàng smart phone".
Một sinh viên năm 3 ngành sinh học nói. "Tôi chắng mấy khi coi tivi cùng gia đình, mấy ông lớn quán triệt hay định hướng gì là việc của mấy ổng."
"Nhưng chuyện bà Tập Cận Bình cầm điện thoại iPhone đi công du làm ồn ào dân mạng Trung Quốc thì tôi biết. Nếu một ngày nào đó nước mình có thương hiệu điện thoại thông minh riêng, tôi cũng mong có ngày đó để được mắng các ông to, khi các ông ấy không xài dế thông minh made in Việt Nam."
Không có thăm dò dư luận nào làm rõ giá trị yêu nước của giới yêu công nghệ Việt Nam thông qua việc khao khát đươc sử dụng các dòng smart phone có chất lượng mang thương hiệu nội địa. Nhưng giới trẻ Việt Nam đã cảm nhận được rất rõ "quyền công dân" với iPhone, tablet.
Trung tuần tháng 9/2013, qua sự kiện công ty Apple nâng cấp hệ điều hành lên iOS7, cho thấy "quyền công dân Apple" được tôn trọng.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể. "Một giờ khuya đêm qua, nhà nhiếp ảnh Trần Việt Đức gọi cho Khanh nói rằng sau khi cài iOS7, cái iPhone 4s của anh sạc điện không vô. Khanh vào diễn đàn của Apple để thăm hỏi, và lập tức được hướng dẫn".
Thật không dễ mà có mà có được sự minh bạch và nhanh chóng đáp ứng như vậy, nếu như bạn thắc mắc một điều gì đó ở Việt Nam, với tư thế là một công dân.
Có thể sự kiện điệp viên Mỹ Edward Snowden tố cáo chương trình nghe lén điện thoại của Mỹ làm giá trị quyền tự do cá nhân bị lem luốt. Nhưng thông qua chuyện bảo mật cá nhân bằng dấu vân tay và từ chối quyền sử dụng nếu gõ sai vài lần password lại được giới yêu công nghệ cá nhân thông minh Việt Nam đắc ý, yên tâm.
Nếu nói để chống ăn cắp, ăn cướp thì ai cũng biết là không thể trước tay nghề bẻ khoá của thị trường hàng gian, hàng giả; và cũng là vô phương để thoát sự kiểm tra kiểm duyệt rất rát của hê thống an ninh mạng.
Đẳng cấp?
Vậy thì giới giàu có và cả giới mê công nghệ thông minh cá nhân đuổi theo các dòng mốt smart phone để làm gì?
Có dư luận cho rằng, trong đám đông, việc ai đó cầm trên tay một sản phẩm điện thoại di động hoặc máy tính bảng đời mới của Apple hay Samsung thì được nhìn nhận đẳng cấp xã hội, chính trị, văn hoá... không khác với công dân các quốc gia phát triển. Chỉ với một cục sắt di động thông minh là có thể nâng cấp "hệ điều hành" của mình, quên đi thân phận và vấn nạn công dân xứ đang phát triển.
Một dân nhậu lúc nào tay cũng iPhone, nách cặp iPad nói. "Sài Gòn quán nào cũng có wireless, chỉ cần rờ, quẹt một cái là ok."
"Gõ tiếng Việt thì còn biết chút chút chuyện tham nhũng với cướp, giết, hiếp trong nước, gõ tiếng Anh thử coi, nói gì việc là dân Anh hay Mỹ, một phát một bay lên đỉnh công dân thế giới văn minh luôn."
Hiện tượng sử dụng công nghệ cá nhân thông minh để trực tiếp hưởng thụ tinh hoa nhân loại là một dạng quyền con người mới. Nhưng nếu thành tựu công nghệ cá nhân ở các nước dân chủ phát triển là động lực chính, để ngày một hoàn thiện và vinh danh các giá trị về quyền con người thì hẳn nhiên, ở các xứ bị lên án vi phạm quyền con người, thành tựu này cũng là phương tiện hiệu quả để đấu tranh.
Có người bạn mới quen, anh khoe một tính năng mới trong phần mềm Google của cái Ipad. Anh nói với giọng rất vui." Ông coi, tiếng Việt mình đã được nhận diện, trên thế giới chỉ có một số tiếng được nhận diện bằng giọng thôi nhé."
Rồi anh cầm iPad gọi tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. "Nàng Google" trở thành cô thư ký tốc ký gõ ra tên ông Thủ Tướng, sau đó lập tức hiện ra tất cả các trang mạng có liên quan đến ông.
Anh bạn này hứng khởi nói tiếp. "Ông tin không, tôi thì tin với đà thông minh của phương tiện di động, tương lai ông chỉ cần vỗ tay, thở dài hay hét vì giận với nhân vật nào đó thì lập tức lịch sử sẽ trình bày minh bạch cho ông."
Trần Tiến Dũng