Trong một xã hội mà sự gian dối đã trở thành chân lý sống còn để thành đạt, thì việc người ta tự nêu lên khuyết điểm của mình trước xã hội là điều vô cùng khó khăn. Nhất lại là việc các quan chức nêu lên những yếu kém lãnh đạo, mánh mung tham nhũng của họ càng khó hơn mò kim đáy bể. Nhưng rồi với sự lãnh đạo thiên tài của đảng, chúng ta vẫn được chứng kiến điều đó xảy ra. Tấn hài này được gọi là “Phê bình và tự phê bình”, nó được đảng Cộng Sản đặc biệt ưa dùng bởi tính hữu dụng và sự huyễn hoặc có một không hai.
Khi một kẻ nắm quyền hành trong tay thì điều mà người ta sợ nhất là sự lạm quyền. Quyền hành mà bị lạm dụng thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại cho xã hội, ấy là việc tham nhũng lan tràn, ỷ thế hiếp dân, coi thường pháp luật, và nhiều tội ác vi phạm nhân quyền khác. Vậy thì ai là kẻ lạm quyền? Quả là không ai khác ngoài các vị lãnh đạo có địa vị xã hội. Thế thì làm cách nào ngăn ngừa sự lạm quyền để mang lại sự ích nước lợi dân? Ấy là tạo nên các thiết chế xã hội đối trọng để kiểm soát quyền hành của họ.
Các thiết chế kiểm soát quyền hành nói trên là gì? Đó là các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội được nhân dân trao quyền để khống chế và kiểm soát lẫn nhau. Như vậy thì tránh được tình trạng quyền lực tập trung vào một cơ quan duy nhất, điều kiện để dẫn đến sự lạm dụng quyền lực và coi thường pháp luật. Nhưng hệ thống cấu trúc này chỉ có được trong một thể chế dân chủ, khi mà người dân thực sự gánh vác vai trò làm chủ xã hội. Kẻ cầm quyền luôn có xu hướng thâu tóm quyền lực mà không chịu chia sẻ thế mạnh đó với ai. Chỉ trong một xã hội dân chủ đa đảng thì họ mới không thể thâu tóm quyền hành và buộc phải sẻ chia thế lực. Điều đó khiến cho xã hội ngày càng trở nên lành mạnh và tiến bộ, bởi những giá trị dân chủ và minh bạch luôn hiện hữu.
Sự thể là vậy, nhưng một chế độ độc đảng như Việt Nam cũng muốn lành mạnh và tiến bộ thì phải làm sao? Vì nó không có các đảng đối lập và những tổ chức xã hội độc lập. Mọi tổ chức đoàn thể đều do đảng Cộng Sản lập nên và tự quản lý. Vậy thì có cách nào để lành mạnh hoá bộ máy nhà nước? Về lý thuyết thì không thể làm được, nhưng dưới sự lãnh đạo thiên tài của đảng Cộng Sản thì không có gì là không thể. Điều mà các đồng chí lãnh đạo đảng vẫn hay gọi một cách âu yếm là “Phê và tự phê” (Tức là phê bình và tự phê bình).
Theo đó thì để giải quyết những tồn tại yếu kém của các cá nhân lãnh đạo thì lâu lâu người ta lại tổ chức một cuộc họp để “Phê và tự phê”. Trong những buổi họp này, các đồng chí lãnh đạo đảng từ trung ương đến địa phương lần lượt phê bình những khuyết điểm yếu kém của nhau. Đặc biệt hơn là màn “Tự phê” có một không hai trong lịch sử. Đây là một sản phẩm đặc sắc mà người Cộng Sản giữ bản quyền, không ai được vi phạm.
Tại một buổi họp “Phê bình và tự phê bình”.
Lúc này các đồng chí lãnh đạo ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc mẫu mực đã tề tựu đông đủ. Sở dĩ trang phục và đầu tóc nghiêm chỉnh như thế, vì sau buổi này họ sẽ trở thành những con người hoàn thiện hơn, là khuôn vàng thước ngọc cho mọi người học tập. Lúc này đồng chí chủ tịch kiêm bí thư ngồi ở ghế giữa phía trên để chủ trì hội nghị, hai bên có văn võ bá quan. Bên dưới là các đồng chí lãnh đạo khác với đủ mọi ban ngành, đang chờ đến giây phút thăng hoa để đạt tới cảnh giới cao hơn.
Gọi là phê bình nhưng người ta chẳng thấy ai phê bình ai, mà chỉ thấy họ ca ngợi lẫn nhau. Vậy thành ra các đồng chí toàn là người ưu điểm cả. Do đó mà ai cũng vui vẻ để mà tự tin lãnh đạo nhân dân trong nhiệm kỳ sắp tới.
Và rồi màn hồi hộp nhất của vở kịch cũng tới, ấy là giờ phút phê bình đồng chí chủ tịch kiêm bí thư, người đang ngồi ghế cao nhất để chủ trì hội nghị.
Bên dưới người ta lần lượt đứng lên phát biểu, người nào cũng ca ngợi sự sáng suốt anh minh của ngài, để đến nổi mặt ngài đỏ lên vì sung sướng. Lúc này đây, trong không khí huyễn hoặc thiêng liêng này, ngài chủ tịch kiêm bí thư tựa như một bức tượng thần được đặt trang nghiêm để người ta thắp hương khấn vái. Khi những lời ngợi ca vừa dứt, ngài liền khiêm tốn lấy giọng ôn tồn:
- Tôi cũng là con người, có phải thánh nhân gì đâu mà các đồng chí ca ngợi nhiều như thế? Mà đã là người thì ai cũng có sai lầm khuyết điểm cả, vậy nên tôi muốn được nghe các đồng chí nói thật, nêu lên khuyết điểm của tôi, để hội nghị ta khỏi phải mang tiếng là hình thức.
Không khí căng như dây đàn, người ta nhìn nhau rồi cùng vắt óc nghĩ xem đồng chí chủ tịch kiêm bí thư nói thật hay đùa. Không ai dám lên tiếng, vì chỉ một lời nói bất cẩn trong lúc này là tai họa, có thể đi tong cả sự nghiệp. Lâu thật lâu, và rôì để phá tan cái không khí bế tắc đó, một người được lựa chọn mạnh dạn đứng lên phát biểu:
- Thưa đồng chí chủ tịch kiêm bí thư, chúng tôi ai cũng bất bình vì đồng chí có lỗi mà không chịu nhận. Đồng chí chỉ có một lỗi duy nhất, ấy là có ưu điểm mà khiêm tốn không chịu nhận ạ!…
01/10/2013
Minh Văn (Danchimviet)